Quản lý xã hội trong tình huống bất thường

(QLNN) – Quản lý xã hội trong tình huống bất thường là vấn đề đặt ra ở mọi quốc gia với những cấp độ khác nhau. Những biến động về kinh tế, văn hóa, xã hội và nhất là đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu hiện nay đang tạo ra những thách thức cho các chủ thể quản lý xã hội, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của nhà nước trong ứng phó, quản lý tình huống bất thường.
Sông Krông Pắk đoạn qua huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ
Nhận diện về tình huống bất thường

Có rất nhiều quan niệm, thế nào là tình huống bất thường, song tựu chung lại, có một số quan niệm phổ biến sau: “Tình huống bất thường là một thuật ngữ chỉ một hiện tượng, một sự kiện, sự việc diễn ra trong đời sống xã hội có nguyên nhân từ tự nhiên khách quan hoặc xuất phát từ chính đời sống xã hội hoặc chủ quan do con người tạo ra (như các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, trật tự xã hội), mang đến những hậu quả xã hội ở mức độ khác nhau”1.

Một quan niệm khác lại cho rằng, “Tình huống bất thường trong xã hội được hiểu là tất cả các hoàn cảnh đặc biệt do sự tác động của các yếu tố tự nhiên hoặc xã hội, có tác động tiêu cực gây ra hoặc đe dọa gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, khiến cho việc quản lý xã hội theo cách bình thường không có hoặc ít có hiệu quả”2. Hay “Tình huống bất thường là tình huống xảy ra một cách đột ngột khó biết trước về thời điểm và hậu quả của nó”3. “Tình huống bất thường là những biến cố không mong muốn trong đó chứa đựng những yếu tố ngoài quy luật thông thường của đời sống tự nhiên và xã hội. Những biến cố đó thường để lại nhiều hậu quả, nhiều hệ lụy lâu dài mà trước đó người ta không hề nghĩ đến”4.

Có thể nói, các quan niệm về tình huống bất thường trên đã phản ánh những khía cạnh, những đặc trưng của tình huống bất thường. Tình huống bất thường ở góc độ nhất định là những hoàn cảnh, những biến cố nằm ngoài xu hướng, quy luật hoặc nằm ngoài khả năng dự báo của con người do yếu tố tự nhiên hoặc xã hội gây ra để lại những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội và để khắc phục cần có sự quản lý xã hội hiệu quả.

Mưa đá gây hư hỏng hàng trăm ngồi nhà ở huyện Tương Dương
Tình huống bất thường có một số nét đặc trưng sau đây:

1) Tình huống bất thường diễn ra một cách bất ngờ, đột ngột, khó dự đoán, dự báo. Tính bất thường này thể hiện ở việc xuất hiện trái quy luật, ngoài quy luật. Điều này có thể được phản ánh ở việc xuất hiện tình huống bất ngờ hoặc ở mức độ ảnh hưởng, tần suất, hậu quả của tình huống (vượt quy luật đã biết, năm ngoài mức độ dự báo, dự đoán).

2) Tình huống bất thường là có thực, tồn tại thực tế. Tình huống bất thường không phải là những cảnh báo, những dự báo mà diễn ra trên thực tế, hiện diện trong thực tế.

3) Tình huống bất thường gây ra hậu quả hoặc đe dọa gây ra hậu quả lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời có thể gây ra những hậu quả nặng nề từ hai nguyên nhân, do bản chất tình huống bất thường là gây ra những hậu quả nhất định, và do sự bị động trong ứng phó với tình huống bất thường, thiếu sự dự phòng đối với tình huống đó.

Hậu quả của tình huống bất thường vừa mang tính khách quan, vừa mang tính chủ quan. Nó có thể để lại những hậu quả trước mắt và lâu dài, có thể đưa đến những hoảng loạn, rối loạn tâm lý của người dân, các đối tượng chịu tác động, tác động đến sự vận hành bình thường của đời sống và hành vi của chủ thể quản lý xã hội.

Tình huống bất thường rất đa dạng có thể là tình huống bất thường do yếu tố tự nhiên, tình huống bất thường do yếu tố xã hội. Tình huống bất thường cũng có thể được tiếp cận theo các cấp độ, như: rủi ro, tình huống bất khả kháng, thảm họa… Trong từng lĩnh vực có thể phân chia thành tình huống bất thường về kinh tế, tình huống bất thường về xã hội.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đang lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng
Quản lý xã hội trong tình huống bất thường

Quản lý xã hội trong tình huống bất thường là một tình huống đặc biệt trong quản lý xã hội, đòi hỏi cần có sự ứng phó đặc biệt của chủ thể quản lý xã hội. Quản lý xã hội trong tình huống bất thường hướng đến mục tiêu giảm nhẹ tác động của tình huống bất thường, đồng thời sớm đưa đời sống trở lại nhịp điệu bình thường trước khi có sự tác động của tình huống.

Ở góc độ chung nhất, quản lý xã hội trong tình huống bất thường là sự tác động có chủ đích của hệ thống quản lý, chủ thể quản lý xã hội nhằm giảm những tác động tiêu cực của tình huống bất thường, đáp ứng mục tiêu bình thường hóa các hoạt động xã hội, duy trì sự ổn định và phát triển xã hội.

Những diễn biến của tình huống bất thường về tự nhiên và xã hội cho thấy, phản ứng của nhà nước trước tình huống bất thường có thể tác động đến tình huống bất thường với những chiều cạnh khác nhau. Sự phản ứng hợp lý của nhà nước trước tình huống bất thường là cơ sở quan trọng để giải quyết các hậu quả. Nhưng sự phản ứng không hợp lý, chậm trễ trước các tình huống bất thường có thể làm tình huống trầm trọng hơn và để khắc phục cần nhiều nỗ lực hơn gấp bội.

Quản lý xã hội trong tình huống bất thường cần chú ý:

Một là, chủ thể quản lý xã hội trong tình huống bất thường trước hết và quan trọng nhất là nhà nước phải nắm giữ vai trò chủ đạo trong ứng phó bất thường. Trong mọi tình huống bất thường, sự phản ứng của nhà nước có ý nghĩa quan trọng quyết định là phản ứng của nhà nước. Với vai trò là chủ thể quyền lực, nhà nước có khả năng huy động và sử dụng các nguồn lực để ứng phó với tình huống bất thường. Tuy nhiên, hiệu quả của sự ứng phó phụ thuộc vào chính năng lực của nhà nước, khả năng huy động sự tham gia của xã hội trong tình huống bất thường.

Hai làthể chế quản lý xã hội trong tình huống bất thường phải thích ứng. Trong tư duy thông thường, quản lý xã hội trong tình huống bất thường dừng lại ở việc ứng phó, giảm thiểu tác động tiêu cực mà chưa hướng đến việc xây dựng năng lực ứng phó với tình huống bất thường trong tương lai. Mặc dù tình huống bất thường trong tương lai có thể khác biệt về loại hình, quy mô, tính chất, nhưng sự chuẩn bị tích cực về năng lực thể chế ứng phó với tình huống bất thường là điều cần thiết để tránh sự bị động. Sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình huống bất thường là giải pháp trước hết trong quản lý xã hội đối với tình huống bất thường.

Ba là, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, năng lực của cán bộ, công chức quản lý xã hội trong tình huống bất thường phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Cán bộ, công chức có năng lực nhận diện được tình hình bất thường về nguyên nhân (nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp), bản chất, hậu quả (hậu quả trực tiếp, hậu quả gián tiếp, hậu quả trước mắt, hậu quả lâu dài), dự báo hậu quả, diễn tiến và dự báo diễn tiến của tình huống bất thường; làm rõ được các đối tượng chịu tác động, quy mô, mức độ, tính chất, cường độ, trường độ tác động, hậu quả của tình huống bất thường. Nói cách khác, cần làm rõ được tình huống bất thường tác động như thế nào đến các phương diện của đời sống xã hội.

Các cơ quan nhà nước cần thiết lập mục tiêu ứng phó với tình huống bất thường. Mục tiêu trọng tâm và quan trọng nhất là bảo đảm an toàn cho người dân, ổn định tình hình, sự ổn định về tâm lý xã hội, tránh mọi sự hoảng loạn, rối loạn, bấn loạn, sự hiện diện của các hành vi lệch chuẩn trong bối cảnh tình huống bất thường đã và đang diễn ra, cần tạo nhận thức chung về ứng phó với tình huống bất thường, cần củng cố được niềm tin của người dân vào khả năng ứng phó với tình huống bất thường. Niềm tin của người dân trong bối cảnh tình huống bất thường cần được xem yếu tố then chốt trong nỗ lực ứng phó với tình huống bất thường.

Các chủ thể quản lý xã hội có năng lực đưa ra các kịch bản để khắc phục hậu quả, chặn những mầm mống gây hậu quả của tình huống bất thường, chuẩn bị nguồn lực và các giải pháp để thực hiện kịch bản ứng phó với tình huống bất thường. Đồng thời, cũng cần phải bảo đảm nguồn lực để quản lý xã hội trong tình huống bất thường, cần phải huy động nguồn lực tổng thể, nguồn lực của toàn xã hội.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh Corona tạo ra mối đe dọa toàn cầu có thể tồi tệ hơn chủ nghĩa khủng bố
Những vấn đề đặt ra đối với quản lý xã hội trong tình huống bất thường

Quản lý xã hội trong tình huống bất thường không bao giờ là một vấn đề đơn giản. Nhiều quốc gia thành lập các cơ quan tình trạng khẩn cấp nhưng không ít trường hợp vẫn bị động trong ứng phó với các tình huống bất thường (ở mức độ nào đó có cấp độ thấp hơn tình trạng khẩn cấp). Tuy nhiên, tình huống bất thường có xu hướng ngày càng gia tăng trong thời đại ngày nay. Biến đổi khí hậu, sự thay đổi cực đoan của thời tiết, những biến động về kinh tế-xã hội, dịch bệnh đang là thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia.

Quản lý xã hội trong tình huống bất thường, cần được hình thành trong tư duy quản trị ở mỗi quốc gia. Sự chuẩn bị ứng phó với tình huống bất thường lúc nào cũng là sự bảo đảm tốt nhất cho một cuộc sống bình thường. Đối với Việt Nam, để quản lý xã hội trong tình huống bất thường cần phải quan tâm đến các vấn đề lớn sau đây:

Thứ nhất, cần phải xây dựng, hoàn thiện thể chế ứng phó với tình huống bất thường. Thể chế ở đây bao gồm khung pháp lý, chính sách và thiết chế ứng phó với tình huống bất thường. Kịch bản phát triển của quốc gia không nên và không thể chỉ tính đến những điều kiện, yếu tố thuận lợi mà cần phải tính đến những yếu tố bất lợi, những yếu tố bất thường, những điều nằm ngoài dự đoán, nằm ngoài kịch bản.

Ứng phó với tình huống bất thường với vai trò, trọng trách trước hết của Nhà nước, nhưng cần phải tạo ra hệ thống thiết chế đủ mạnh, đủ vững để quản lý xã hội trong tình huống bất thường. Đó là sự lãnh đạo của Đảng với quyết tâm chính trị, với khả năng củng cố niềm tin của nhân dân vào việc quản lý được tình huống bất thường. Đó là các tổ chức chính trị – xã hội có khả năng tuyên truyền, huy động được nguồn lực và củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào các giải pháp quản lý xã hội trong tình huống bất thường. Quản lý xã hội trong tình huống bất thường cần phải là sự hiệp đồng, sự phối hợp của nhiều chủ thể với vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của Nhân dân.

Thứ hai, cần phải thiết lập đúng mục tiêu quản lý xã hội trong tình huống bất thường. Tình huống bất thường luôn mang những hậu quả, tiềm ẩn những hậu quả, vì vậy, cần phải xác định được những mục tiêu ứng phó cụ thể, các mục tiêu lộ trình và mục tiêu cuối cùng. Trong việc thiết lập mục tiêu, điều quan trọng là xác định được các ưu tiên và quản lý xã hội trong tình huống bất thường luôn lấy sự an toàn của người dân là mục tiêu cao nhất, sự ổn định, trật tự xã hội là trọng tâm, sự bền vững của chế độ là cốt lõi.     

Thứ ba, cần sự sẵn sàng các giải pháp ứng phó với tình huống bất thường. Ứng phó với tình huống bất thường không cho phép và không thể sử dụng các giải pháp phiêu lưu, mơ hồ, các giải pháp mang tính thử nghiệm mạo hiểm. Các giải pháp quản lý xã hội trong tình huống bất thường phải bao gồm cả giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài.

Thứ tư, các chủ thể quản lý xã hội phải thực sự là điểm tựa của người dân trong bối cảnh ứng phó với tình huống bất thường. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh tình huống bất thường, các chủ thể quản lý xã hội phải là những chủ thể bình tĩnh nhất, sáng suốt nhất, khẩn trương nhưng không hấp tấp, cẩu thả, cẩn trọng nhưng không chậm trễ, quyết liệt, linh hoạt nhưng không tùy tiện.

Thứ năm, quản lý xã hội trong tình huống bất thường là trách nhiệm của toàn xã hội, cần phải huy động sự tham gia của người dân trong ứng phó với tình huống bất thường, trong giải quyết những vấn đề phát sinh do tình huống bất thường gây ra. Người dân cần phải chủ thể cùng Nhà nước quản lý xã hội không phải là chủ thể bị động, chủ thể đơn thuần chịu tác động từ những biến động của tình huống bất thường. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi lẽ mọi kịch bản, mọi giải pháp ứng phó với tình huống bất thường sẽ không có ý nghĩa nếu người dân đứng ngoài cuộc. Vì vậy, huy động sự tham gia của người dân trong quản lý xã hội đối với tình huống bất thường sẽ là yếu tố quan trọng để quản lý xã hội thành công, hiệu quả.

Thứ sáu, huy động sức mạnh tổng hợp để quản lý xã hội trong tình huống bất thường. Ứng phó với những hậu quả của tình huống bất thường cần sức mạnh tổng hợp, không thể là sức mạnh đơn lẻ hay nỗ lực đơn độc của một hoặc một nhóm chủ thể.

Thứ bảy, minh bạch hóa thông tin về tình huống bất thường, hậu quả của tình huống bất thường, không để khoảng trống thông tin để người dân hoang mang và các thế lực thù địch âm mưu phá hoại có cơ hội thực hiện.

Thứ tám, phải chú trọng vào trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu của các cơ quan nhà nước suốt quá trình quản lý xã hội trong tình huống bất thường, cần có cơ chế chia sẻ thông tin trong quá trình ứng phó, tạo ra sự phối hợp chặt chẽ của các chủ thể có trách nhiệm trong ứng phó với tình huống bất thường.

Chú thích:
1. Nguyễn Hữu Khiển. Đề tài khoa học cấp nhà nước: Quản lý xã hội trong tình huống bất thường ở Việt Nam – lý luận và thực tiễn. Đề tài KX02.14/11-15.
2. Nguyễn Mạnh Kháng. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý xã hội trong những tình huống bất thường ở nước ta. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11 (259), 2009.
3. Nguyễn Trung Tín. Quản lý xã hội trong các tình huống bất thường do tác động của các yếu tố tự nhiên. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11 (259), 2009.
4. Nguyễn Văn Thâm. Một số vấn đề về quản lý xã hội đối với tình huống bất thườngTạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam, số 6, 2014.
TS. Đoàn Văn Dũng
Học viện Hành chính Quốc gia