Một số vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tăng cường sự tin cậy, hiểu biết giữa cán bộ với quần chúng nhân dân; ngăn chặn, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, vi phạm dân chủ; tạo sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động trong thực hiện các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội địa phương, giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi hoạt động của người dân diễn ra thông suốt. Trong bài viết, tác giả đề cập đến một số vấn đề cơ bản bảo đảm cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có hiệu quả thiết thực.

 

Tổng quan nghiên cứu về vấn đề dân chủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân chủ là của cải quý báu nhất của Nhân dân”1. Luận điểm nổi tiếng mang tầm kinh điển của Người đã chỉ rõ vai trò của thực hành dân chủ ở cơ sở là vô cùng quan trọng, góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là tiền đề để xây dựng, củng cố mối đoàn kết gắn bó giữa Nhân dân với cán bộ, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) địa phương, giữ vững sự ổn định chính trị, đẩy lùi những hạn chế, tiêu cực, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, mở rộng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, theo đúng quan điểm của Đảng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Dân chủ là một khái niệm đa nghĩa phức tạp. Với tư cách là một giá trị xã hội, dân chủ gắn với những quyền cơ bản của con người: tự do, bình đẳng, công bằng… là những giá trị của văn hóa, văn minh nhân loại; là mục đích, khát vọng của con người vươn tới và là thước đo đánh giá sự tiến bộ xã hội. Trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta (năm 1875), C.Mác đã khẳng định: “Dân chủ tức là chính quyền của Nhân dân, Nhân dân là chủ thể của quyền lực; dân chủ chính là phương thức thực hiện quyền lực của Nhân dân”2. Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng V.I.Lênin cũng bày tỏ: chế độ dân chủ là một hình thức, một trong những hình thái của Nhà nước.

Thực hiện QCDC ở cơ sở sẽ phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Có dân chủ là có tất cả, dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân, thực hành dân chủ là “chìa khóa vạn năng” có thể giải quyết mọi khó khăn3. Tính tích cực, chủ động của Nhân dân chỉ được khơi dậy, phát huy khi những quyền lợi của họ được bảo đảm trên thực tế. Đó là quyền được tham gia đóng góp ý kiến cho cấp ủy, chính quyền địa phương; xây dựng, tu bổ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu của họ…

Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội nghị Tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020(Ảnh: PC).

Thực tiễn lịch sử cho thấy, nơi nào, chỗ nào QCDC được công khai, minh bạch thì nơi đó ổn định, phát triển; Nhân dân phấn khởi, tin tưởng, sẵn sàng ủng hộ mọi quyết sách, chủ trương của chính quyền địa phương. Ngược lại, nơi nào, chỗ nào thực hiện QCDC ở cơ sở không nghiêm, không công khai, minh bạch, né tránh, thì ở nơi đó rối ren về trật tự an toàn xã hội, Nhân dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài, không nhận được sự ủng hộ, đoàn kết của Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ, chủ trương phát triển KTXH.

Thực hiện QCDC ở cơ sở còn góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Mỗi một chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương đưa ra nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, có như vậy, mới tạo cơ sở tiền để vững chắc bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nội dung đã xác định.

Đồng thời, là phương thức quan trọng để đánh giá thước đo, năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ cơ sở (CBCS) khi tiến hành giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng, bức xúc trong Nhân dân. Trình độ, năng lực của đội ngũ CBCS như thế nào được bộc lộ rất rõ thông qua hoạt động thực tiễn, qua những lần tiếp xúc, ứng xử, nó phản ánh mức độ văn hóa của họ. Vì thế, thông qua thực hiện QCDC ở cơ sở sẽ tạo dựng uy tín, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào những quyết sách “đúng, trúng” của các cơ quan, ban, ngành Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo đưa những nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở hiện nay

Thực hiện Thông báo số 159-TB/TW ngày 15/11/2004 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Kế hoạch số 23-KH/BCĐ ngày 13/11/2007 về tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn…, các xã, phường, thị trấn đã  thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh, coi việc thực hiện dân chủ là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập đã nghiêm túc thực hiện QCDC trong cơ quan, đơn vị; quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt hơn các nhu cầu của người dân. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên (CBĐV) thực thi công vụ; là điểm sáng về thực hiện QCDC tại cơ sở. Đơn cử:

Tại Nghệ An, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 90 điểm sáng về QCDC ở cơ sở 4. Tại tỉnh Ninh Bình, sự gắn kết giữa Đảng với Nhân dân ngày càng bền chặt;  “sau 20 năm thực hiện QCDC ở cơ sở cho thấy nhận thức và thực hành dân chủ của cấp ủy, cơ sở được nâng lên rất nhiều. Từ việc thực hiện QCDC gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Ninh Bình cho thấy, người dân ngày càng thấy rõ vai trò của mình trong đời sống xã hội, nhận thấy rõ thành quả của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo”5. Tại Đồng Tháp, thực hiện QCDC thông qua các mô hình tự quản khu dân cư, 2 mô hình mang lại những hiệu quả thiết thực được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, đó là mô hình “Hội quán” và mô hình “Tổ Nhân dân tự quản”6.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cấp xã nói chung đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, chủ động xây dựng quy chế hoạt động, chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra hằng năm, duy trì tốt chế độ giao ban hằng tháng; tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở và giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp. Chính quyền cấp xã đã tổ chức thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; bãi bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và giảm bớt phiền hà cho người dân; thực hiện niêm yết đầy đủ, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính.

Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã góp phần quan trọng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Nhiều cán bộ, công chức đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc. Tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức các cấp từng bước được đổi mới với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”.

Chính quyền tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân thực hiện khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất – kinh doanh. Chủ doanh nghiệp đã quan tâm tổ chức đối thoại định kỳ, thực hiện các cam kết với người lao động, khen thưởng kịp thời để động viên tinh thần, bảo đảm các chính sách hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì việc thực hiện QCDC ở cơ sở hiện nay vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số cấp ủy chưa coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện Pháp lệnh. Vẫn còn tâm lý dè dặt, ngại va chạm trong thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hoặc sợ thực hiện dân chủ sẽ dẫn đến nguy cơ mất ổn định chính trị xã hội trên địa bàn. Chính quyền ở một số nơi mới chỉ quan tâm tới việc công khai về quyền và nghĩa vụ công dân, các khoản đóng góp, các chế độ, chính sách là chính, còn việc công khai chi tiết về tài chính, việc giám sát, kiểm tra và tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính quyền về phát triển KTXH còn hạn chế.

Cá biệt, xuất hiện tình trạng vi phạm quy chế trong quản lý, thu chi ngân sách, nội bộ mất đoàn kết, phải xử lý cán bộ. Sự phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể chính trị – xã hội ở một số nơi còn hạn chế. Thời gian giải quyết công việc còn chậm; người đứng đầu chưa quan tâm đến đối thoại, lắng nghe ý kiến và giải quyết phản ánh, khiếu nại của người dân. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền còn hạn chế. Việc nắm tình hình và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền làm chủ của nhân dân chưa kịp thời…

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC cơ sở diễn ra vào sáng 16/7/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém về việc thực hiện QCDC ở cơ sở, như: công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về QCDC ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin…7.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng cao, đặc biệt là sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động trong và ngoài nước bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xuyên tạc, phủ nhận quyền làm chủ của nhân dân; các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tích cực, chủ động triển khai công tác chuẩn bị Đại hội các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thì việc thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở lại càng cần thiết thực, cụ thể hơn bao giờ hết để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực sự là “đạo đức, văn minh”, nắm bắt thời cơ, vận hội đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển đi lên.

Một số giải pháp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới
Một là, xây dựng đội ngũ CBCS thực sự có năng lực, trình độ, trong sạch về đạo đức, lối sống, đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.

Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định để thực hiện có hiệu quả QCDC ở cơ sở hiện nay. Đội ngũ CBCS là những người cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với CBĐV và quần chúng nhân dân. Công việc có hanh thông, thuận lợi, niềm tin của Nhân dân có cao hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ CBCS. Xây dựng đội ngũ CBCS cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 205 – QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng…

Hai là, thường xuyên quan tâm, chăm lo đến lợi ích của các tầng lớp nhân dân.

Đây là vấn đề mấu chốt bảo đảm cho ý Đảng, lòng dân luôn hòa quyện, thống nhất với nhau. Có thường xuyên quan tâm, chăm lo đến lợi ích của các tầng lớp nhân dân mới phát huy được tính năng động, sáng tạo của người dân trên mọi lĩnh vực, mới huy động được sức dân vào việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển KTXH, xây dựng đời sống văn hóa trong sáng, lành mạnh, đẩy lùi các tiêu cực, tệ nạn xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị cho địa phương. Quan tâm, chăm lo đến lợi ích của Nhân dân một cách đúng đắn, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

Đây là việc làm mang tính thiết thực, hiệu quả rất cao để thực hiện QCDC ở cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên, có nề nếp sẽ góp phần ngăn chặn những hạn chế, bất cập trong thực hiện QCDC của CBĐV. Công tác kiểm tra, giám sát cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những bức xúc trong dư luận xã hội, những vấn đề còn hạn chế về sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ, về quản lý đất đai, sử dụng quỹ của đơn vị… Theo đó, cần thành lập đội thanh tra thật sự trong sạch về phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện tư túi, trục lợi, nắm chắc nguyên tắc trong quá trình kiểm tra, đặc biệt, khách quan, công tâm, không đặt ý kiến cá nhân chủ quan trong kiểm tra, giám sát; thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong kiểm tra, giám sát, không né tránh, bao che, tìm cách đổ lỗi, hoặc chạy chọt để hợp lý hóa các loại chứng từ…

Bốn là, kiên quyết xử lý CBĐV có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm QCDC.

Hiện nay, trước những tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự cám dỗ của lợi ích vật chất đã làm cho một bộ phận CBĐV suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, bỏ bê công việc, không thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đem lại sự tin tưởng, kỳ vọng cho Nhân dân. Vì vậy, Đảng cần tăng cường công tác sàng lọc CBĐV; phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong phát hiện, tố giác những CBĐV có dấu hiệm tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm, vi phạm QCDC, mạt sát, vòi vĩnh Nhân dân.

Đồng thời, phải làm tốt việc giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống cho CBĐV, coi đây là một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy đảng cần có biện pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ CBĐV, đấu tranh với các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước. Chỉ có như vậy mới củng cố được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường được mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân.

Nước ta đã trải qua gần 35 năm đổi mới với thành tựu rất đáng kể trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết quả đó có được là sự hợp lực của nhiều nhân tố, trong đó có việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Dù bức tranh xã hội còn có những gam màu sáng, tối khác nhau, nhưng cần khẳng định rằng, gam màu sáng vẫn là chủ đạo, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc vẫn luôn được củng cố, giữ vững, niềm tin của CBĐV và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng rất cao.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương các khóa, làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thực hiện tốt QCDC ở cơ sở sẽ tiếp thêm sức mạnh, động lực để mỗi người nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 1996, tr. 249.
2. C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 20. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 198.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 698.
4. Nghệ An xây dựng được 90 điểm sáng về quy chế dân chủ ở cơ sở. https://truyenhinhnghean.vn, ngày 13/3/2019.
5, 6. Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở – kinh nghiệm thực tiễn từ địa phương. https://moha.gov.vn, ngày 23/12/2018.
7. Tổng Bí thư chỉ đạo tăng cường thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. http://baodientu.chinhphu.vn, ngày 16/7/2018.

ThS. Ngô Văn Sỹ
 Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng