Những yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề có điều kiện

(Quanlynhanuoc.vn) – Các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã đóng góp phần lớn vào phát triển kinh tế – xã hội. Việc nghiên cứu, làm rõ những yếu tố tác động đến hoạt động quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ở nước ta, giúp chúng ta có cái nhìn khách quan, khoa học và toàn diện trong quá trình quản lý nhà nước.

 

VCCI đề xuất bổ sung dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Ảnh: Ngô Vinh).

Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế quốc tế hiện nay, quản lý nhà nước (QLNN) đối với ngành, nghề kinh doanh (NNKD) nói chung và đối với các NNKD có điều kiện nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các NNKD có điều kiện phát triển. Nhà nước trong vai trò quản lý nhằm ngăn chặn, hạn chế tác hại do các hoạt động của NNKD có điều kiện gây ra, ở khía cạnh khác là để hỗ trợ các NNKD có điều kiện phát triển.

 Nội dung về quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Về các NNKD có điều kiện:

Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2014 và khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư năm 2014, các cá nhân, tổ chức có quyền tự do kinh doanh trong tất cả ngành, nghề và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Quy định này được ghi nhận rõ ràng đối với hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đó là quyền tự do lựa chọn lĩnh vực ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Tại khoản 2 và 5 Điều 7 Luật DN năm 2014 quy định rõ: “Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác”; “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”.

Theo đó, khoản 1 và 3 Điều 5 của Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ quy định: ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh áp dụng theo đúng các quy định của các luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật chuyên ngành). Các quy định về loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề đó tại các văn bản quy phạm pháp luật khác ngoài các loại văn bản quy phạm pháp luật nói tại khoản 1 Điều này đều hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2008.

Trên cơ sở những quy định nêu trên, các ngành, nghề kinh doanh về cơ bản được chia thành ba nhóm: các ngành, nghề kinh doanh bị cấm; ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ngành, nghề được tự do kinh doanh. Và điều kiện kinh doanh chính là các yêu cầu từ phía cơ quan QLNN buộc các DN phải có hoặc phải thực hiện và được thể hiện cụ thể trên giấy phép kinh doanh (mã ngành, nghề), giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.

Về QLNN đối với các NNKD có điều kiện:

Theo Từ điển giải thích thuật ngữ hành chính nhà nước: Quản lý hành chính nhà nước là toàn bộ hoạt động của cơ quan hành chính từ trung ương đến xã phường, thị trấn, dựa trên cơ sở những quy định của luật pháp do Nhà nước ban hành, có tính chất mệnh lệnh, nhằm thực hiện chức năng quản lý và điều hành của Nhà nước1.

Từ khái niệm nêu trên, có thể hiểu, quản lý hành chính nhà nước đối với NNKD có điều kiện là toàn bộ hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, dựa trên những quy định của luật pháp do Nhà nước ban hành, có tính chất mệnh lệnh, nhằm thực hiện chức năng quản lý và điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực đó”.

Những NNKD có điều kiện mang tính “nhạy cảm”, lợi nhuận cao hơn và cao hơn gấp nhiều lần so với các ngành, nghề khác, do đó, cần sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, những tổn thất đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của Nhân dân, của doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đó. QLNN đối với các NNKD có điều kiện là định hướng về mặt chiến lược cho sự phát triển của các NNKD có điều kiện được thực hiện gián tiếp qua các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, công cụ pháp luật; hình thành môi trường hoạt động cho các NNKD có điều kiện mà cơ bản là môi trường pháp lý và thể chế; hỗ trợ và điều tiết hoạt động của các NNKD có điều kiện bằng các công cụ kinh tế vĩ mô; kiểm tra, giám sát sự tuân thủ pháp luật của các NNKD có điều kiện; tham gia khắc phục những khuyết tật của thị trường. Mục tiêu chủ yếu của QLNN đối với NNKD có điều kiện là nhằm tạo môi trường hoạt động thuận lợi, bình đẳng, cạnh tranh; bảo đảm để DN tuân thủ pháp luật; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của QLNN đối với DN.    

Thực tiễn của hoạt động kinh doanh có điều kiện thời gian qua

Các NNKD có điều kiện đã đóng góp phần lớn vào phát triển kinh tế – xã hội, như: ngành công nghiệp chế biến tăng 12,98%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm; ngành xây dựng tăng trưởng tốc độ 9,16%, đóng góp 0,65 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,21%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,78%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,85%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,33%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm2.

Những NNKD có điều kiện cơ bản là xăng dầu, chiết nạp và kinh doanh khí hóa lỏng, kinh doanh rượu nội ngoại nhập, kinh doanh thuốc lá sản xuất trong nước, kinh doanh karaoke,… Ngoài ra, còn có những NNKD có điều kiện khác như kinh doanh dấu nghiệp vụ giám định thương mại, nhượng quyền thương mại, quảng cáo thương mại, hội chợ triển lãm, khuyến mại và các hoạt động xúc tiến thương mại khác.

Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều yếu tố gây khó khăn, hạn chế vai trò động lực phát triển của các NNKD có điều kiện, do đó, Nhà nước cần thực hiện một số giải pháp để các ngành nghề này thực sự phát triển một cách bền vững trong giai đoạn tới.

Đáng chú ý nhất là cần sự thay đổi quan điểm về vai trò của các NNKD có điều kiện trong các nghị quyết của Đảng. Song, mặc dù Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân đã khẳng định vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, trong đó có khuyến khích phát triển NNKD có điều kiện. Và Luật DN cũng đã được thông qua từ năm 2014, tuy nhiên, sự phát triển của các NNKD có điều kiện trong thực tế vẫn rất chậm.

Luật DN năm 2014 có hiệu lực, đã quy định rõ quyền của Nhà nước, các nhà đầu tư cũng như DN nói chung và các NNKD có điều kiện nói riêng, bên cạnh đó, quyền tự do kinh doanh đã được công nhận. Những chuyển biến tư duy quan trọng này đã góp phần làm tăng mạnh số các NNKD có điều kiện đăng ký mới. Các NNKD có điều kiện dần khẳng định chỗ đứng của mình trong phát triển kinh tế và được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế nước ta.

Yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và những đề xuất
Các yếu tố khách quan:

Đó là các yếu tố thuộc môi trường chính trị – pháp luật chi phối mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh các NNKD có điều kiện. Môi trường chính trị tác động trực tiếp đến định hướng phát triển của các NNKD có điều kiện. Trong khi môi trường pháp luật tác động trực tiếp đến các mặt hàng sản xuất, ngành, nghề, phương thức kinh doanh… của các NNKD có điều kiện. Ngoài ra, các NNKD cần chú trọng đến các yếu tố sau:

Thứ nhất, yếu tố kinh tế chi phối trong ngắn hạn, dài hạn và sự can thiệp của Nhà nước tới nền kinh tế nói chung. Thông thường các NNKD có điều kiện sẽ dựa trên yếu tố phát triển kinh tế để quyết định đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể. Theo đó, trong mỗi giai đoạn nhất định của chu kỳ nền kinh tế, các NNKD có điều kiện sẽ có những quyết định phù hợp cho riêng mình để tác động đến nền kinh tế như quy định về lãi suất, các chính sách lạm phát,… Đối với các chính sách kinh tế của Chính phủ và địa phương, như: quy định tiền lương cơ bản, các chiến lược phát triển kinh tế của địa phương; các chính sách ưu đãi cho các ngành, như: giảm thuế, trợ cấp…; triển vọng kinh tế trong tương lai, như: tốc độ tăng trưởng, mức gia tăng GDP, tỷ suất GDP trên vốn đầu tư…

Thứ hai, yếu tố văn hóa – xã hội mang tính đặc trưng riêng của mỗi địa phương và những yếu tố này giúp các doanh nghiệp nắm bắt đặc điểm của người tiêu dùng tại các khu vực đó. Chính vì vậy, những giá trị văn hóa là những giá trị tạo ra một xã hội, có thể vun đắp cho xã hội đó tồn tại và phát triển. Bên cạnh văn hóa, các đặc điểm về xã hội cũng khiến các NNKD có điều kiện quan tâm khi nghiên cứu thị trường, những yếu tố xã hội sẽ chia cộng đồng thành các nhóm khách hàng, mỗi nhóm có những đặc điểm, tâm lý, thu nhập… khác nhau, như: tuổi thọ trung bình, tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, ăn uống; thu nhập trung bình, phân phối thu nhập; lối sống, học thức, các quan điểm về thẩm mỹ, tâm lý sống; điều kiện sống.

Đây là những nhân tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, quyết định chất lượng, số lượng, chủng loại,… đặt ra yêu cầu các NNKD có điều kiện cần phải nắm bắt và nghiên cứu cho phù hợp với sức mua, thói quen tiêu dùng, mức thu nhập bình quân của tầng lớp dân cư. Những yếu tố này tác động một cách gián tiếp lên quá trình sản xuất cũng như công tác marketing và cuối cùng là hiệu quả kinh doanh của các NNKD có điều kiện.

Thứ ba, yếu tố công nghệ, như: bản quyền công nghệ, đổi mới công nghệ, khuynh hướng tự động hóa, điện tử hóa, máy tính hóa… đã làm cho chu kỳ sống của sản phẩm bị rút ngắn, sản phẩm mới ra đời có tính năng tác dụng tốt hơn nhưng chi phí sản xuất lại thấp hơn. Do đó, các NNKD có điều kiện cần phải quan tâm theo sát những thông tin về kỹ thuật công nghệ, vì hiện nay, các dây chuyền sản xuất công nghệ mới giúp các doanh nghiệp sản xuất hàng loạt các sản phẩm với số lượng lớn nhưng tốn rất ít thời gian.

Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp bắt đầu khởi sự kinh doanh, có thể nắm bắt ngay và áp dụng khoa học tiên tiến, đi trước, đón đầu để không thể thua kém những DN đã có một bề dày đáng kể. Ngoài ra, các yếu tố kỹ thuật công nghệ cần được phân tích, như: (1) Mức độ phát triển và nhịp độ đổi mới công nghệ, tốc độ phát triển sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ kỹ thuật mới trong các NNKD có điều kiện đang hoạt động; (2) Các yếu tố môi trường vĩ mô có tác động lẫn nhau và có vai trò quan trọng đối với các NNKD có điều kiện.

Thứ tư, những thành tựu của công cuộc đổi mới ở nước ta đã và đang tạo ra thế và lực mới cả bên trong lẫn bên ngoài. Quan hệ đối ngoại với các nước, các tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ ngày càng được mở rộng, là thời cơ lớn để phát triển bền vững.

 Các yếu tố chủ quan:

Một là, bộ máy QLNN về các NNKD có điều kiện: đây là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến công tác QLNN các NNKD có điều kiện. Việc tổ chức tốt một bộ máy triển khai có tính quyết định đến việc thực thi hiệu quả và hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Do đó, các địa phương cần chú trọng xây dựng một đội ngũ công chức, viên chức và đội ngũ cán quản lý đối với NNKD có điều kiện đủ năng lực, trình độ quản lý doanh nghiệp một cách tích cực hơn, chủ động hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế những năm tiếp theo.

Hiện nay, ở cấp trung ương nước ta có bộ máy đầu mối, chuyên trách về thực hiện công tác QLNN về đăng ký doanh nghiệp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh). Cục Quản lý đăng ký kinh doanh được thành lập ngày 09/9/2010 theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thực hiện theo Quyết định số 1899/QĐ-BKH ngày 08/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cơ cấu tổ chức của Cục gồm 6 đơn vị, có chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 135/QĐ-ĐKKD ngày 08/8/2011 của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh. Các đơn vị thuộc Cục có mối quan hệ chặt chẽ, phối hợp và gắn kết, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trong công tác quản lý đăng ký doanh nghiệp.

Ở cấp địa phương, cơ quan quản lý trực tiếp quản lý các NNKD có điều kiện là phòng Tài chính và Kế hoạch phối hợp với Công an quận, huyện. Việc tổ chức bộ máy chuyên trách trong công tác QLNN về các NNKD có điều kiện là thực sự cần thiết, đây là cơ quan đảm nhận chức năng nghiên cứu, tham mưu cho địa phương các cơ chế, chính sách quản lý đối với NNKD có điều kiện như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất việc tổ chức bộ máy quản lý các NNKD có điều kiện tại địa phương, kiến nghị cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan và xây dựng quy định về kiểm tra, giám sát, tổ chức hướng dẫn thực hiện công tác quản lý các NNKD có điều kiện cho các địa phương.

Hai là, năng lực, trình độ của các cán bộ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng các văn bản pháp luật quản lý các NNKD có điều kiện. Do đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý này đòi hỏi phải có tư duy khoa học, khả năng nghiên cứu và am hiểu các văn bản chính sách, pháp luật của Nhà nước, có kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, ngoài việc tự nghiên cứu, học tập, bổ sung kiến thức thì trong quá trình công tác, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải thường xuyên được kiểm tra, đánh giá lại năng lực và trình độ chuyên môn. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý cử cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức các chương trình tọa đàm, trao đổi nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tế.

Như vậy,  việc nghiên cứu, làm rõ những yếu tố tác động đến hoạt động QLNN đối với các NNKD có điều kiện ở nước ta, giúp chúng ta có cái nhìn khách quan, khoa học và toàn diện trong quá trình QLNN.

Chú thích:
1. Từ điển giải thích thuật ngữ hành chính. H. NXB Lao động, 2002.
2. Tổng cục Thống kê. Tình hình kinh tế – xã hội năm 2018. https://www.gso.gov.vn
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Doanh nghiệp năm 2014.
2. Mai Hồng Quỳ. Tự do kinh doanh và vấn đề bảo đảm quyền con người tại Việt Nam. H. NXB Lao động, 2012.
3. Vũ Quốc Tuấn. Doanh nghiệp, Doanh nhân trong thị trường. H. NXB Chính trị quốc gia, 2001.

ThS. Trần Thị Ngọc Quyên
Học viện Hành chính Quốc gia