Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động cải cách đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Một trong những chức năng cơ bản của bộ máy nhà nước là cung cấp dịch vụ công để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người dân, góp phần thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Bài viết tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động cải cách đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam hiện nay, từ đó, đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy cải cách đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Hoạt động cải cách đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua

Đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) “là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước”1.

Khu vực sự nghiệp công lập nước ta “hiện có khoảng 33.000 đơn vị, với tổng số biên chế gần 2,1 triệu người, chiếm trên 80% tổng biên chế trong bộ máy nhà nước (trừ lực lượng vũ trang) cung cấp các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực, chủ yếu là giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao,…”2.

Các ĐVSNCL trong một thời gian dài vận hành theo cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp đã khiến cho hiệu quả hoạt động thấp, chất lượng dịch vụ không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. Gánh nặng bao cấp vẫn dồn lên vai Nhà nước khiến cho áp lực vào ngân sách nhà nước (NSNN) ngày càng tăng. Trong khi đó, sự bao bọc từ ngân sách cũng khiến cho các ĐVSNCL còn mang tâm thế trông chờ, ỷ lại, chưa tăng trách nhiệm đối với khách hàng, thiếu tính cạnh tranh của sản phẩm. Duy trì bao cấp kéo dài đối với các dịch vụ sự nghiệp công cũng cản trở tư nhân tham gia đầu tư phát triển dịch vụ trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa. Tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và còn không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua…

Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các ĐVSNCL còn chậm. Các ĐVSNCL trong một thời gian dài vận hành theo cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp đã khiến cho hiệu quả hoạt động thấp, chất lượng dịch vụ không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. Gánh nặng bao cấp vẫn dồn lên vai Nhà nước khiến cho áp lực vào NSNN ngày càng tăng.

Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.

Mục tiêu và nội dung đổi mới là “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các ĐVSNCL, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi NSNN cho ĐVSNCL để cơ cấu lại NSNN, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho viên chức trong ĐVSNCL. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công”3. Mục tiêu của Nghị quyết là tới năm 2021 giảm tối thiểu 10% số đơn vị so với 2015 (giảm 5.800 đơn vị), giảm tối thiểu 10% biên chế (khoảng 240.000 biên chế), bảo đảm 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm 10% chi trực tiếp từ NSNN so với giai đoạn 2011 – 2015.

Các yếu tố ảnh hưởng đến cải cách đơn vị sự nghiệp công lập

Một là, trình độ phát triển kinh tế – xã hội

Môi trường kinh tế – xã hội ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến bản chất của các đòi hỏi đối với dịch vụ sự nghiệp công mà các ĐVSNCL cung ứng. Trong bối cảnh trình độ phát triển kinh tế – xã hội ngày càng nâng lên, nhu cầu dịch vụ sự nghiệp công như giáo dục, y tế, văn hóa thể thao…, ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng đã tạo sức ép cho các ĐVSNCL phải nỗ lực cải cách để cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng được những yêu cầu đó. Hơn nữa, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, khu vực tư với nhiều chủ thể cung ứng dịch vụ công cũng tham gia mạnh mẽ thì các ĐVSNCL cũng gặp những thách thức và thời cơ trong cải cách. Thách thức là với những thế mạnh về giá cả, chất lượng dịch vụ, phương thức cung ứng…, của khu vực tư, các ĐVSNCL chịu những áp lực để cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ. Về thời cơ, các ĐVSNCL có thể học hỏi được những kinh nghiệm, kỹ năng, phương thức cung ứng tiên tiến, hiện đại, hiệu quả mà các chủ thể cung ứng trong khu vực tư có thể mạnh.

Hai là, quan điểm, chủ trương của Đảng

Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động cải cách ĐVSNCL của Nhà nước. Đảng đề ra các quan điểm, đường lối, định hướng cho hoạt động cải cách ĐVSNCL, trên cơ sở đó, Nhà nước thể chế hóa thành chính sách, pháp luật và thực thi trên thực tiễn. Yếu tố chính trị dẫn đường cho công tác cải cách khu vực sự nghiệp công, do đó, hoạt động cải cách của ĐVSNCL được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trước đòi hỏi của thực tiễn, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL đã được ban hành, đặt ra những vấn đề căn cơ cần giải quyết của khu vực này.

Ba là, cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Đây là hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL, là cơ sở pháp lý cho cải cách khu vực sự nghiệp công, giúp cho hoạt động đó có căn cứ để thực hiện trên thực tế. Những quy định về loại hình đơn vị, cơ chế tự chủ về tài chính, về giá dịch vụ, về lộ trình tiến hành tự chủ, phương thức đổi mới…, cần được ban hành rõ ràng, kịp thời để đáp ứng yêu cầu đổi mới bức thiết hiện nay từ chính bên trong và bên ngoài khu vực sự nghiệp công. Việc xây dựng được một hệ thống văn bản pháp lý, hệ thống thể chế hành chính về khu vực sự nghiệp công đồng bộ, khoa học, khách quan sẽ có tác dụng tích cực, tạo điều kiện quá trình cải cách của các ĐVSNCL được linh hoạt, chủ động, hiệu quả; ngược lại sẽ là rào cản gây khó khăn, làm chậm quá trình đổi mới.

Bốn là, trình độ phát triển của khoa học – công nghệ

Sự phát triển của khoa – học công nghệ trở thành động lực và là lực lượng sản xuất trực tiếp góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc. Bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay là một cơ hội thuận lợi để thực hiện cải cách ĐVSNCL nhanh chóng và thành công, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ sự nghiệp công đang tăng lên cả về số lượng và chất lượng.

Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, ĐVSNCL nào thành công trong ứng dụng khoa học – công nghệ sẽ có được chìa khóa thành công trong cải cách tổ chức và hoạt động của mình, tăng khả năng thích ứng.

Năm là, đặc thù của lĩnh vực hoạt động

Mức độ cải cách, đổi mới trong tổ chức và hoạt động của ĐVSNCL phụ thuộc rất nhiều vào đặc thù của lĩnh vực, của loại hình dịch vụ công mà đơn vị sự nghiệp đó cung ứng4. Có những lĩnh vực rất dễ để tiến hành đổi mới, thực hiện tự chủ tài chính, thực hiện những thay đổi mang tính bứt phá nhờ nhu cầu của xã hội lớn như văn hóa, giải trí, y tế, giáo dục. Ngược lại, có những ĐVSNCL do đặc thù của lĩnh vực, chuyên ngành (ví dụ: một số viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội) thì lại khó thực hiện tự chủ, xã hội hóa hơn. Đặc biệt, từng loại hình trong từng lĩnh vực đó cũng có những sự khác biệt, ví dụ: cùng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật biểu diễn nhưng Nhà hát múa rối Thăng Long thực hiện tự chủ thành công do có nguồn khán giả khách nước ngoài rất dồi dào trong khi Nhà hát Chèo, Nhà hát Tuồng Việt Nam,… rất khó để duy trì nếu không có ngân sách nhà nước cấp).

Sáu là, nhận thức và năng lực của nhân sự trong ĐVSNCL.

(1) Đối với người đứng đầu ĐVSNCL

Trách nhiệm đối với mọi hoạt động của ĐVSNCL được ủy nhiệm cho người đứng đầu. Đây là người chịu trách nhiệm về tất cả công tác quản lý và về mọi vấn đề liên quan tới việc cung cấp dịch vụ trong phạm vi các mục tiêu chính sách và các nguồn lực được cơ quan chủ quản phân bổ. Cũng theo S. Chiavo-Campo và P.S.A. Sundaram, một trong những tiêu chí lựa chọn các nhà quản lý các cơ quan sự nghiệp phải là “thái độ” của họ đối với các vấn đề của đơn vị5. Như vậy, năng lực, tầm nhìn, sự nỗ lực, sự quyết tâm, phương pháp thực hiện của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động đổi mới và hiệu quả của nó ở ĐVSNCL.

(2)  Đối với đội ngũ viên chức

Đội ngũ viên chức với số lượng và cơ cấu hợp lý, năng lực bảo đảm sẽ là nhân tố quyết định đến công cuộc cải cách ĐVSNCL. Viên chức phải có đủ tài, có tâm và có tầm để chủ động, linh hoạt trong thực thi công việc, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công chất lượng cao cho người dân, đồng thời, giúp đơn vị tự chủ tài chính, gia tăng hiệu quả hoạt động, thực hiện thành công những mục tiêu trong quá trình cải cách. Khi đó, năng lực của đội ngũ viên chức phải giúp họ tận dụng được những thời cơ, đối phó với những thách thức để phát triển “thương hiệu” của ĐVSNCL trong cung ứng dịch vụ công, gia tăng sức cạnh tranh với các tổ chức ngoài công lập và hội nhập với khu vực cũng như trên thế giới.

Một số giải pháp thúc đẩy cải cách đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ nhất, đổi mới tư duy, nhận thức trong các cấp quản lý và đội ngũ viên chức trong các ĐVSNCL về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, qua đó, giúp đội ngũ viên chức ý thức được những yêu cầu và vấn đề đặt ra trong hoàn thiện nguồn nhân lực tại các đơn vị này đáp ứng yêu cầu tự chủ.

Thứ hai, đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Nâng cao hiệu quả tuyển dụng viên chức nhằm lựa chọn được những người phù hợp. Đổi mới quản lý viên chức theo vị trí việc làm nhằm xác định danh mục các vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị, chủ động trong việc xác định số lượng nhân sự phù hợp trong đơn vị để thực hiện nhiệm vụ, xây dựng cơ cấu nhân sự hợp lý. Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hoạt động tinh giản biên chế, khuyến khích viên chức tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ. Đổi mới công tác đánh giá, đo lường chất lượng thực thi công việc của viên chức thông qua chất lượng dịch vụ, lấy sự hài lòng của khách hàng làm căn cứ trả lương và đãi ngộ viên chức.

Thứ ba, đổi mới chế độ, chính sách để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức. Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng từng bước đời sống của viên chức. Bảo đảm thu nhập cao, ổn định, giúp viên chức yên tâm công tác. Việc trả lương phải theo kết quả thực thi công việc, bảo đảm công bằng, tạo động lực làm việc cho viên chức. Hoàn thiện chế độ đãi ngộ thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ tư, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các ĐVSNCL trong tổ chức, quản lý đội ngũ viên chức của đơn vị. Việc quản lý đội ngũ này do người đứng đầu đơn vị quyết định từ việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức và thực hiện các chế độ khen thưởng, kỷ luật. Tính trách nhiệm và quyền chủ động của người đứng đầu ĐVSNCL trong quản lý viên chức đóng vai trò lớn trong việc hoàn thiện đội ngũ viên chức.

Nhìn chung, cải cách khu vực sự nghiệp công là một yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Cần có tư duy mới, nỗ lực với trong việc thực hiện một hệ thống giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tạo ra sự thay đổi những biện pháp khuyến khích có tác dụng thúc đẩy tạo ra những cơ chế thuận lợi và tích cực nhất nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ mà các ĐVSNCL cung ứng.

Chú thích:
1. Khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức năm 2010.
2. Bộ Nội vụ (2017), Tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện (ban hành kèm Quyết định số 2413/QĐ-BNV ngày 08/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Chuyên đề 1).
3. Nghị quyết số 19/NQ-TƯ của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
4. Việc lựa chọn loại hình cung cấp dịch vụ công nào cho phù hợp phụ thuộc vào các yếu tố: tính chất và tầm quan trọng của lợi ích công liên quan; loại hình dịch vụ và đối tượng sử dụng dịch vụ; đặc điểm kỹ thuật và kinh tế của việc sản xuất; năng lực quản lý của chính quyền và năng lực kiểm tra của chính quyền đối với các nhà cung cấp dịch vụ khác. Xem thêm: S. Chiavo-Campo và P.S.A. Sundaram, tr.211.
5. S. Chiavo- Campo và P.S.A. Sundaram.Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh. H.NXB Chính trị Quốc gia, 2003, tr 218.
Tài liệu tham khảo:
1. Đevit Auxơbot và Ted Gheblơ. Đổi mới hoạt động của Chính phủ. H. NXB Chính trị quốc gia, 1997.
TS. Phùng Thị Phong Lan
Học viện Hành chính Quốc gia