Tăng cường chức năng tổ chức, điều tiết của nhà nước đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp ở nước ta đang gặp phải những thách thức về cạnh tranh phát triển và những hệ lụy từ dịch bệnh, thiên tai… Thực tiễn này đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường chức năng tổ chức và điều tiết doanh nghiệp.

 

Ảnh minh họa

 

Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp (DN) là hoạt động quản lý vĩ mô, khác với quản lý vi mô trong nội bộ DN. Không chỉ quản lý DN do mình sở hữu, Nhà nước quản lý tất cả các DN thuộc các thành phần kinh tế, hoạt động kinh doanh trên mọi lĩnh vực trong nền kinh tế. Mục tiêu của quản lý nhà nước về kinh tế là xác định chức năng của Nhà nước trong quản lý DN. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam, mục tiêu cơ bản và lâu dài của Nhà nước là bảo đảm ổn định thị trường, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải kiểm soát được thị trường, bình ổn sản xuất, kiềm chế lạm phát, bảo vệ cạnh tranh công bằng, tạo động lực cho DN phát triển. Cả về chính sách và tổ chức thực thi chính sách, Nhà nước phải ghi nhận, bảo đảm tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với quy luật của thị trường. Về nguyên tắc, các cơ quan quản lý, hiệp hội và mọi chủ thể đều không được phân biệt đối xử DN. Bất luận trong trường hợp nào, từ khi thành lập DN đến tiếp cận các nguồn lực, hay tiến hành sản xuất – kinh doanh (SX-KD), rút khỏi thị trường (giải thể, phá sản), Nhà nước đều phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các DN.

Chức năng của Nhà nước là hoạch định và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ để đạt được mục tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra. Đối với mỗi lĩnh vực quản lý, mỗi thời kỳ nhất định, chức năng của Nhà nước lại có những thay đổi phù hợp. Trong nền kinh tế thị trường, để quản lý DN, chức năng của Nhà nước tập trung vào việc định hướng, tạo lập môi trường và điều kiện kinh doanh, tổ chức, điều tiết và kiểm soát DN. Là một trong những chủ thể cơ bản của nền kinh tế, DN tác động đến nguồn thu bền vững của ngân sách nhà nước và quyết định mức độ cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Do đó, quản lý DN có hiệu quả cần thông qua việc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh nhất định, Nhà nước có thể thực hiện chức năng này nhưng không thực hiện chức năng khác mà trước đây đã từng được sử dụng, thậm chí thay đổi thứ tự ưu tiên thực hiện các chức năng để đạt được mục tiêu quản lý.

Trước đây, trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở Việt Nam, Nhà nước chỉ tập trung vào chức năng kiểm tra, kiểm soát DN mà không chú trọng chức năng tạo lập môi trường kinh doanh công bằng cho DN. Điều này phù hợp với một nền kinh tế phi thị trường, không có cạnh tranh. Đến giai đoạn đầu của sự nghiệp đổi mới, nhất là vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Nhà nước lại đề cao chức năng định hướng, do những quan ngại về sự phát triển chệch hướng của kinh tế tư nhân so với mục tiêu của Nhà nước XHCN. Sự thận trọng đó phản ánh trong những chính sách còn tồn tại nhiều thủ tục, khắt khe, chưa hiệu quả. Hệ thống chính sách còn tồn tại nhiều rào cản đã làm một số thị trường bị khép lại, cản trở DN tự chủ, sáng tạo và phát triển.

Luật DN năm 1999 được ban hành đã dần cởi trói, tạo sự tự chủ hơn cho DN. Cùng với chức năng định hướng, quan tâm đến cung cấp thông tin, dẫn dắt phát triển thị trường, Nhà nước đã chú trọng nhiều hơn đến chức năng tạo lập môi trường và điều kiện kinh doanh cho DN. Hiện nay, để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy DN phát triển, các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư luôn được Chính phủ quan tâm. Điều này thể hiện sự nhất quán và quyết liệt trong các quan điểm của Chính phủ kiến tạo phát triển.

Về chức năng tổ chức DN.

Tổ chức DN có thể được nói đến trong phạm vi nội bộ DN, là hoạt động ở tầm vi mô, nhưng trong một nhà nước, tổ chức DN được nói đến ở tầm vĩ mô. Chức năng tổ chức DN trong phạm vi toàn nền kinh tế là hoạt động của Nhà nước, nhằm bảo vệ quyền tự do kinh doanh, thành lập DN và chiến lược phát triển các DN mạnh, hiệu quả trong môi trường có động lực và kỷ cương. Để tạo sự công bằng và bảo đảm trật tự  kinh doanh, chức năng tổ chức hệ thống DN không phù hợp với bất kỳ cá nhân, hiệp hội DN hay tổ chức nào, ngoài Nhà nước. Để thực hiện chức năng tổ chức hệ thống DN, Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng thể chế và tạo ra những thiết chế bảo vệ tự do kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh. Về chính sách, Nhà nước thừa nhận tự do sở hữu và bảo đảm sự đa dạng của các loại hình DN.

Trong tổ chức quản lý, bất luận DN lớn hay nhỏ, theo mô hình nào, thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp hay dịch vụ… đều được Nhà nước bảo vệ. Một nền kinh tế có động lực là nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh, chống lại tình trạng thôn tính, sáp nhập, “cá lớn nuốt cá bé”. Thực tế, không có bằng chứng về việc chỉ có DN lớn mới đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội, nhưng DN nhỏ đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội là vấn đề đã được khẳng định.

Do đó, chức năng tổ chức hệ thống DN đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ cạnh tranh công bằng, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào kinh doanh, phát triển. Nhà nước tạo ra những chính sách thu hút vào đầu tư kinh doanh ngay cả đối với các nguồn vốn dù nhỏ, các nguồn vốn nhàn rỗi trong khu vực dân cư. Quá trình này cho phép thành lập nhiều DN, tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất, tăng thu ngân sách nhà nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, có nhiều loại hình DN thuộc các hình thức sở hữu được ghi nhận, bảo vệ và hỗ trợ phát triển. Tính đến quý I/2020, cả nước có khoảng 8 triệu DN1. Các DN được tổ chức theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và DN tư nhân cùng hoạt động, cạnh tranh bình đẳng dựa trên chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để thực hiện chức năng tổ chức, thúc đẩy DN phát triển, về chính sách, Nhà nước đã ban hành nhiều  đạo luật và văn bản dưới luật. Điển hình là Luật DN năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Cạnh tranh năm 2018, Luật Thương mại năm 2005, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ năm 2017, Luật Phá sản năm 2014,…

Hệ thống pháp luật này tạo cơ sở cho DN được sinh ra (đăng ký thành lập), đi vào hoạt động SXKD, tổ chức lại DN, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi, giải thể, phá sản. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, Nhà nước cũng có chính sách phát triển các DN mạnh, các tập đoàn kinh tế có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cùng với các tập đoàn kinh tế của nhà nước, DN thuộc khu vực tư nhân là động lực của nền kinh tế  được bảo vệ cạnh tranh và hỗ trợ phát triển, đã trở thành lực lượng đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng những năm gần đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, các DN thuộc khối kinh tế tư nhân hiện nay còn chưa đồng đều và toàn diện. Thực tế Việt Nam đã có những doanh nhân có sức cạnh tranh cao, nhưng chưa có được cả một thế hệ DN, doanh nhân hùng mạnh. Theo kết quả xếp hạng trung bình DN theo thẻ điểm quản trị của ASEAN với các DN niêm yết – bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế, thì DN Việt Nam chỉ xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế ASEAN. Xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới, năng lực DN Việt Nam cũng chỉ được xếp ở hạng trung bình và năng suất lao động của Việt Nam cũng chưa thực sự cao so với các nước trong khu vực. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách để tạo động lực cho các DN bứt phá, phát triển mạnh và mở rộng thị trường.

 Chức năng điều tiết DN.

Hoạt động kinh doanh của DN vốn rất đa dạng. Hoạt động đó có thể là sản xuất để kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ để kinh doanh. Quá trình từ đầu tư đến sản xuất, phân phối sản phẩm ra thị trường, DN luôn thực hiện các giao dịch, các mối quan hệ với đối tác, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, DN cũng có nhiều mối quan hệ với Nhà nước thông qua thực hiện các thủ tục đầu tư, thành lập DN, đóng thuế… Các hoạt động, giao dịch này bắt nguồn từ những quyết định vì lợi ích của DN, hay nghĩa vụ đối với Nhà nước đều có thể tác động đến các chủ thể khác.

Ngược lại, DN cũng chịu tác động từ những ngoại ứng bởi hoạt động của các chủ thể khác. Những tác động liên hoàn và đa chiều của các giao dịch kinh tế – xã hội có thể tạo ra những ngoại ứng đối với thị trường, làm cho DN đạt được lợi nhuận phù hợp với mục tiêu chung, hoặc đạt được lợi nhuận, nhưng lại làm nghèo đi các hệ thống khác, thậm chí cản trở sự phát triển của các chủ thể kinh doanh trong xã hội. Đó là lý do Nhà nước cần thực hiện chức năng điều tiết DN.

Điều tiết DN trong nền kinh tế là sự tác động của Nhà nước nhằm làm cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN trở nên hợp lý, đạt được mục tiêu lợi nhuận trong sự bảo đảm hài hòa các loại lợi ích xã hội, hoặc giải quyết các vấn đề khó khăn từ thị trường, hỗ trợ DN ổn định, phát triển.

Phương thức tác động của Nhà nước có thể là hỗ trợ, hạn chế hay khuyến khích, thúc đẩy DN tổ chức SXKD phù hợp với những điều kiện nhất định. Mục tiêu của Nhà nước và DN không xung đột mà hướng tới bảo đảm hài hòa các loại lợi ích. Vì vậy, chính sách  thuế, vấn đề vay vốn, chính sách lương và lao động… phải đủ để DN có động lực đầu tư kinh doanh.

Các hoạt động điều tiết hệ thống DN cũng có thể nhằm làm cho sự phân bổ DN giữa các vùng, miền trở nên hợp lý, với chính sách khuyến khích, ưu tiên đầu tư tại vùng sâu, vùng xa, hay ưu tiên các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế cho phát triển kinh tế trong dài hạn. Kinh tế thị trường với những quy luật vận động vốn có của nó một mặt cho phép thúc đẩy sáng tạo, mặt khác cũng có thể đẩy các DN vào tình trạng khủng hoảng sản xuất, nguy cơ dư thừa hay thiếu hụt hàng hóa trên thị trường, tạo ra những cơn sốc về giá, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, mỗi DN và toàn nền kinh tế. DN cũng có thể chịu sự tác động từ các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, biến cố của thị trường do dịch bệnh, thiên tai,… ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN.

Vì thế, để điều tiết thị trường, góp phần tạo điều kiện cho DN phát triển, Nhà nước sử dụng các công cụ quản lý khác nhau, trong đó có các chính sách đòn bẩy kinh tế, chính sách tài chính, tiền tệ, chính sách thuế… để tác động. Trong những năm qua, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đổi mới mô hình tăng trưởng đã giúp DN có động lực mở rộng SXKD, phát huy lợi thế cạnh tranh, hội nhập sâu rộng hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Khi DN sản xuất ra hàng hóa nhiều và sức mua bị ngưng trệ, Nhà nước cần giải thích nguyên nhân và thực hiện biện pháp khai thông dòng chảy SXKD bằng các hình thức phù hợp, như kích cầu, cho vay tiêu dùng, hỗ trợ lãi xuất vốn vay kinh doanh cho DN, thu mua vào kho dự trữ quốc gia hoặc đầu tư phát triển bằng nguồn tài chính công.

Nếu sức tiêu thụ tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm, Nhà nước cần áp dụng các chính sách bình ổn giá, sử dụng nguồn dự trữ hàng hóa để điều tiết, sử dụng DN nhà nước để sản xuất các hàng hóa, cung cấp dịch vụ mà thị trường đang đặt ra. Điều kiện để một nhà nước thực hiện chức năng điều tiết có hiệu quả là phải có chiến lược xây dựng nguồn lực kinh tế đủ mạnh và sử dụng phương pháp tác động đúng địa chỉ, đúng đối tượng và đúng thời điểm thị trường cần đến.

Trong giai đoạn hiện nay, dịch Covid-19 đã khiến cho hàng nghìn DN gặp khó khăn, đình đốn sản xuất, thậm chí đóng cửa, dừng kinh doanh. Thực tế này đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách phù hợp, hỗ trợ về vốn, lãi suất, thuế… giúp DN tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển. Thể hiện vai trò của Chính phủ kiến tạo phát triển, phản ứng nhanh, ngay đầu tháng 3/2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN.

Về vấn đề vốn cho SXKD: ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ SXKD, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng)2.

Về vấn đề thuế: ngày 03/3/2020, Tổng cục Thuế đã có Công văn 897/TCT-QLN về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và Công văn 1307/TCT-CS ngày 27/3/2020 về Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, trường hợp được gia hạn nộp thuế là khi “bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến SXKD do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ”.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 1307/TCT-CS giới thiệu dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Theo đó, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II/2020 (đối với trường hợp kê khai theo quý). Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế.

Chính sách của Nhà nước cũng hướng tới gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập DN còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 và số thuế thu nhập DN tạm nộp của quý I, quý II/2020. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế. Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm mà trên quyết định, hợp đồng cho thuê đất có mục đích SX-KD thuộc các ngành kinh tế quy định tại khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định này. Đối với DN nhỏ và siêu nhỏ quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này thì được gia hạn toàn bộ tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của DN. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày 31/5/2020. Thời hạn nộp tiền thuê đất được gia hạn chậm nhất là ngày 31/10/2020.

Về chính sách lãi suất, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng: ngày 13/3/2020 sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, nhằm hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Thông tư này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN) đối với khách hàng mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Đối với những khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN các ngân hàng cũng đã lên chương trình giãn nợ cho DN toàn bộ dư nợ trong năm 2020 và hỗ trợ về lãi suất. Đặc biệt, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có thông báo giảm lãi suất 1% trên dư nợ 500 tỷ đồng đến hết 31/12/2020 (tương đương 5 tỷ đồng/năm). Hoạt động hỗ trợ nhằm tạo cho DN có niềm tin và hy vọng về một nền kinh tế có thể duy trì sản xuất, vượt qua những khó khăn hiện nay.

Về các khoản đóng góp khác:

– Việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vào quỹ hưu trí và tử tuất, Ngành BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6/2020 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp. Các DN thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng SXKD trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014; các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định  số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015.

Cũng trong giai đoạn này, BHXH không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu DN không có dấu hiệu vi phạm trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

– Về kinh phí công đoàn cũng được lùi thời điểm đóng phí. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Công văn số 245/TLĐ ngày 18/3/2020 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các DN SXKD bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020. DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là những DN có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên. Trường hợp DN còn khó khăn khi dịch Covid-19 chưa thuyên giảm thì thời gian được lùi đến ngày 31/12/2020.

Thừa nhận và phát triển kinh tế thị trường của mỗi nhà nước là quá trình tất yếu đi cùng với hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo ra những cơ hội và thách thức. Đối tượng nhạy cảm nhất đối với hệ quả của hội nhập chính là các DN. Vì vậy, chức năng tổ chức và điều tiết của Nhà nước để bảo đảm ổn định và phát triển DN luôn có vị trí quan trọng trong các chức năng chung của Nhà nước.

Chú thích:
1.2 . Doanh nghiệp Việt Nam một năm nhìn lại để tiến bước. https://bnews, ngày 01/01/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Harold Koontz, Cyril Odonnell, Heinz Weihrich. Những vấn đề cốt yếu của quản lý. H. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 1998.
2. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
3. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
4.Trường Đại học Luật Hà Nội. Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật. H. NXB Công an nhân dân, 2012.

TS. Đặng Xuân Hoan – TS. Đỗ Thị Kim Tiên
Học viện Hành chính Quốc gia