Cải cách hành chính và thực hiện dân chủ nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

(Quanlynhanuoc.vn) – Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về năng lực kiến tạo phát triển”1. Trong đó, tập trung nhấn mạnh giải pháp cụ thể là đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước và thực hiện dân chủ nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường thực hiện dân chủ và bảo đảm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Ảnh minh họa.
Một số kết quả và những vấn đề nảy sinh trong quá trình cải cách hành chính và thực hiện dân chủ ở nước ta
Về một số kết quả

Hoạt động của Quốc hội khóa XIV tiếp tục được đổi mới, với chất lượng và hiệu quả hơn trong xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô; tháo gỡ các rào cản, phục vụ hỗ trợ, phát triển. Một điểm mới là trong dịch Covid-19, các hình thức họp trực tuyến mở ra cơ hội đổi mới hình thức hoạt động điều hành của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương theo hướng dân chủ hóa.

Cải cách hành chính (CCHC) đã có những bước đột phá. Năm 2019 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến cuối năm 2019, toàn hệ thống chính trị đã giảm 4 đầu mối trực thuộc trung ương, 61 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 485 đầu mối trực thuộc cấp huyện; 7 tổng cục và tương đương; 87 cục, vụ; 73 đơn vị sự nghiệp thuộc ban, bộ, ngành trung ương; gần 2.500 phòng và tương đương; hơn 2.100 đội thuộc chi cục; giảm hơn 4.100 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hơn 2.200 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó. Đồng thời, việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng giảm được khoảng 97.900 cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương2.

Sau tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, nhiều mô hình mới đã phát huy hiệu quả công tác rõ rệt. Nổi bật là việc hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với cơ quan nội vụ cấp huyện; ủy ban kiểm tra cấp ủy với cơ quan thanh tra cấp huyện; hợp nhất đảng bộ khối doanh nghiệp với đảng bộ khối các cơ quan cấp tỉnh; văn phòng cấp ủy với văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện hay mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện… Những địa phương được đánh giá cao là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Lâm Đồng…3

Nhờ đó, đã giúp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Các cơ quan, đơn vị nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội đã giảm đầu mối, giảm cấp phó, giảm cấp trung gian; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, từng bước khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; xác định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Qua thực tiễn cho thấy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế làm tăng hiệu quả công tác và góp phần tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Theo kết quả khảo sát của Liên hiệp quốc năm 2018, Việt Nam xếp thứ 88/193 quốc gia về chính phủ điện tử trực tuyến và xếp hạng 5/193 quốc gia về chỉ số dịch vụ công trực tuyến. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có trên 46.800 dịch vụ công; trong đó có 38.578 dịch vụ công mức độ 3 và 8.590 dịch vụ công mức độ 44.

Vấn đề nảy sinh trong quá trình cải cách hành chính và thực hiện dân chủ

Thời gian qua, quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại  10 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa -Vũng Tàu và Kiên Giang) đã nổi lên một số vấn đề bức xúc, như: việc giám sát hoạt động của chính quyền; đổi mới cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ (THDC) tại cơ sở; mô hình tổ chức chính quyền địa phương, cơ sở; bầu hay bổ nhiệm chủ tịch và các thành viên UBND huyện, quận, phường; thực hiện tranh cử chức danh chủ tịch UBND xã còn mang tính hình thức.

Nguyên nhân cơ bản là do cách thức thực hiện CCHC từ năm 2000 đến nay vẫn ở mức độ nhất định, chưa gắn kết chặt chẽ THDC. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cơ chế, chính sách triển khai thực hiện còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển.

Phương hướng, giải pháp tăng cường thực hiện dân chủ nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa tiếp tục cải cách hành chính và thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện thời gian tới
Phương hướng

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ Nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Trong đó, cần:

(1) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức. Đẩy mạnh tinh giản biên chế, cải cách biên chế theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.

(2) Tiếp tục xây dựng Nhà nước kiến tạo, chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ; nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch; tăng cường năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó, cần đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức.

(3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, xây dựng và thực hiện chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

(4) Xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, nghiêm minh, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có sức cạnh tranh quốc tế của hệ thống pháp luật5.

Các giải pháp cần tập trung thực hiện

Một là, xác định một số nguyên tắc cần phải tuân thủ trong quá trình CCHC nhà nước nhằm tăng cường THDC. Đó là: nguyên tắc phục vụ nhằm hướng đến việc hoàn thiện quan hệ giữa khách hàng (công dân) và người phục vụ (Nhà nước); nguyên tắc công khai nhằm thể hiện nhất quán và thực hiện một nền hành chính nhà nước phục vụ một cách minh bạch; nguyên tắc phối hợp trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước theo vùng lãnh thổ, ngành kinh tế – xã hội và lĩnh vực (chính trị đối nội và đối ngoại, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng); nguyên tắc phân định rõ hoạt động quản lý hành chính nhà nước khác với hoạt động sản xuất – kinh doanh, trước hết của các cơ sở kinh tế do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Hai là, vận dụng sáng tạo cách thức quản lý hành chính nhà nước hiện đại nhằm tăng cường THDC. Trong đó, xác định lại phạm vi của các quyết định theo hướng gọn hơn; áp dụng các nguyên tắc của thị trường trong cung cấp hàng hóa và dịch vụ công; chịu trách nhiệm đến cùng với công dân với tư cách là khách hàng của dịch vụ công do Nhà nước cung cấp; trao quyền trực tiếp nhiều hơn cho công chức, đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương; bảo đảm tiếp cận công bằng cho mọi người đến các loại dịch vụ công; xây dựng chính phủ điện tử; áp dụng ISO, quản lý chất lượng toàn bộ trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, cơ bản thông qua “Bộ tiêu chuẩn quản lý hành chính nhà nước“ của các ngành, các cấp.

Ba là, phát triển dân chủ đại diện.

– Đối với Quốc hội: cần thể chế lại vai trò của Quốc hội chủ yếu là cơ quan làm luật. Đồng thời, phát triển các dịch vụ đối với cử tri, tạo thêm cơ hội để cử tri được giao lưu trực tiếp với đại biểu Quốc hội, để đại biểu Quốc hội nâng cao trách nhiệm giải trình với cử tri.

– Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo luật định. Có thể tái lập hội đồng thôn trong điều kiện đã thực hiện ổn định việc bầu trưởng thôn. Cần thực hiện thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã, phường và chủ tịch UBND quận, huyện; không nên thực hiện thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã, thị trấn như Đề án của Chính phủ trình Quốc hội khóa XII năm 2009. Bởi thực tế, xã, thị trấn gắn trực tiếp với văn hóa làng (bản, buôn, ấp) nên các yếu tố dòng họ, làng dễ gây những bất ổn không chỉ trong quá trình bầu cử.

– Thực hiện nhất thể hóa chức danh Đảng và chính quyền, trước mắt là mô hình “Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp cơ sở và địa phương”.

– Điều chỉnh một số hoạt động của chính quyền địa phương nhằm  khắc phục tình trạng như một “Nhà nước địa phương” và phân biệt rõ chính quyền nông thôn với chính quyền đô thị. Có thể đổi tên UBND thành Ủy ban hành chính.

– Bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ ở trung ương mà cả ở địa phương, cơ sở (nếu phiếu tín nhiệm thấp có thể từ chức hoặc miễn nhiệm).

Bốn là, giải pháp nhằm phát triển dân chủ trực tiếp. Tập trung vào các nội dung sau: tăng cường trách nhiệm giải trình; tăng cường khuôn khổ pháp lý cho pháp lệnh và các quy chế THDC ở cơ quan, doanh nghiệp, để trở thành cơ sở pháp lý nền tảng cho các phong trào xã hội, văn hóa ở cơ sở; tạo điều kiện và tạo quyền cho người dân tham gia các hoạt động bầu cử, ứng cử, đề cử (ví dụ: thông qua việc mở rộng các vị trí bầu cử; xây dựng một số thể thức bầu cử dân chủ,…); mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND tỉnh, thành phố và đại biểu Quốc hội.

Năm là, thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội đối với đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từ đó, “tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền” nhằm thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật.

Sáu là, phát triển và phát huy sự đa dạng về tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ,… khắc phục tình trạng hành chính hóa các tổ chức quần chúng; phát triển nhiều hình thức tự quản của Nhân dân hoạt động theo pháp luật. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thông qua đó hoàn thiện cơ chế để Nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước.

Chú thích:
1, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Hà Nội, tháng 4/2020, tr. 236, 96, 236 – 237.
2, 3. Đổi mới, sắp xếp bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.   https://nhandan.com.vn, ngày 02/7/2020.

ThS. Nguyễn Thị Loan Anh
 Trường Đại học Văn hóa