Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong 9 tháng năm 2020, cả nước có doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóatrong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tiến độ cổ phần hóa mới đạt 28% kế hoạch.

 

Tiến độ CPH các doanh nghiệp còn chậm, nhiều doanh nghiệp thuộc các địa phương, đơn vị phải thực hiện CPH trong năm 2020.

Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 9/2020, đã có 178 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Số doanh nghiệp còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch 3 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp (trong đó triển khai xác định và công bố giá trị doanh nghiệp để CPH là 90 doanh nghiệp).

Như vậy, tiến độ CPH các doanh nghiệp còn chậm, nhiều doanh nghiệp thuộc các địa phương, đơn vị phải thực hiện CPH trong năm 2020, như: TP. Hà Nội: CPH 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP. Hồ Chí Minh: CPH 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: CPH 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công thương: CPH 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 tổng công ty); Bộ Xây dựng: CPH 02 tổng công ty.

Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 9/2020: thoái vốn 25.669 tỷ đồng, thu về 172.917 tỷ đồng. Trong đó: thoái vốn nhà nước tại 102 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.964 tỷ đồng, thu về 9.643 tỷ đồng; thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 3.785 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.919 tỷ đồng, thu về 52.881 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa chậm

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm hạn chế sức mua của thị trường, giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết cũng bị suy giảm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CPH hoặc thoái vốn đều có quy mô lớn, hoạt động rộng, nhiều đất đai, nhiều giao dịch phức tạp.

Nguyên nhân chủ quan điển hình là việc bảo đảm định giá doanh nghiệp phải đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước; phải hoàn thành được phương án tổng thể sử dụng đất và được phê duyệt trước khi quyết định CPH. Điều này được quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ “Về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần” nên trình tự và thủ tục phức tạp hơn.

Một số đơn vị như, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco2) là những doanh nghiệp thuộc danh mục CPH.  Trong hơn một năm qua, chủ yếu tập trung vào rà soát, đo đạc, kiểm đất đai và trình các địa phương chấp thuận quy hoạch, trình các cơ quan quản lý phê duyệt, dẫn đến tiến độ CPH chậm.

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã đề xuất 4 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến trình CPH tại các DNNN. Cụ thể:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XII), Nghị quyết số 60/NQ-QH14, ngày 15/6/2018 của Quốc hội tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN, về sắp xếp, CPH, thoái vốn và triển khai theo đúng Nghị quyết số 12-NQ/TW và Nghị quyết số 60/2018 và các chỉ đạo liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Bốn là, về tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN.

Mặt khác, tăng cường công tác chấp hành kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH, thoái vốn tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp CPH theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Về phía cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục CPH đến hết năm 2020, cần triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020.

Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai công tác thoái vốn theo quy định, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra, cần lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu (đối với các doanh nghiệp CPH) và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, trong trường hợp cần thiết, cần phải giảm chi đầu tư từ nguồn CPH, thoái vốn doanh nghiệp để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã CPH: thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành.

Ngoài ra, đề nghị người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác CPH, thoái vốn.

Chú thích:
1. Bốn nhóm giải pháp trọng tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. https://www.mof.gov.vn, ngày 15/10/2020.
TS. Lê Đình Lung
Học viện Hành chính Quốc gia