Quyền riêng tư trong bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Quyền riêng tư là một trong những quyền con người được thừa nhận phổ biến trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới. Trước xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, quyền con người nói chung và quyền riêng tư nói riêng ngày càng được xã hội quan tâm. Bài viết tập trung phân tích quyền riêng tư trong vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; một số thách thức đặt ra, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền riêng tư ở Việt Nam.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet).
Khung pháp lý về quyền riêng tư

Quyền riêng tư (QRT), hay tên đầy đủ là Quyền được bảo vệ đời tư là một trong những quyền con người (QCN) được thừa nhận phổ biến trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới. Về luật pháp quốc tế, QRT được ghi nhận trong Tuyên ngôn Thế giới về QCN năm 1948, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 và nhiều Công ước quốc tế và khu vực về nhân quyền.

Nội hàm về QRT cần được bảo vệ không chỉ là cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân mà còn bao gồm cả những khía cạnh đời sống có mối gắn kết mật thiết với cá nhân, như: gia đình, nơi ở, thư tín và cả những giá trị định tính như danh dự, uy tín cá nhân. Mặc dù chưa thể hiện hết các thuộc tính của nó nhưng có thể hiểu đây là một cách diễn giải tương đối cụ thể và chi tiết về các giá trị đời tư trong Luật quốc tế, giúp cho việc nội luật hóa quy định này vào pháp luật quốc gia được thuận lợi hơn.

Tại Việt Nam, theo khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình…”; Điều 22 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: (1) Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. (2) Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. (3) Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Như vậy, Hiến pháp –  văn bản pháp lý có giá trị cao nhất đã ghi nhận và bảo vệ cho quyền nhân thân cơ bản của cá nhân, trong đó có quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân. Tuy nhiên, với tính chất là một văn bản nguồn, là cơ sở, nền tảng để xây dựng các đạo luật chuyên ngành, Hiến pháp cũng chưa đề cập rõ khái niệm “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là gì” mà ở đây chỉ mang tính chất liệt kê rằng, cá nhân có những quyền cơ bản đó.

Tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quyền bí mật đời tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ…”

Khoản 2 Điều 46 Luật Giao dịch điện tử năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Điều 25 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 có quy định về trách nhiệm của thầy thuốc “… phải giữ bí mật về những điều có liên quan đến bệnh tật hoặc đời tư mà mình được biết về người bệnh”.

Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Luật và các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chưa có hướng dẫn cụ thể và cũng không quy định chi tiết thế nào là “bí mật đời tư”. Do vậy,  đây cũng là vấn đề pháp lý gây nhiều tranh cãi.

Quyền riêng tư trong vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và một số thách thức đặt ra hiện nay

Trong bối cảnh xã hội hiện nay ở nước ta, có thể nhận thấy tình hình an ninh quốc gia (ANQG) và trật tự an toàn xã hội (TTATXH) đang có những diễn biến rất phức tạp, với nhiều thách thức, áp lực từ phía quốc tế, khu vực và đời sống kinh tế – xã hội trong nước.

Trên thế giới, tình hình căng thẳng, xung đột leo thang ở một số khu vực, một số quốc gia vẫn xảy ra; các vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng; ô nhiễm môi trường… chưa được giải quyết triệt để; tình hình Biển Đông vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xung đột…

Trong nước, một bộ phận người dân ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; nhận thức chính trị còn hạn chế, dễ bị các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng, kích động thực hiện những hành vi sai trái, cực đoan. Một số người có tư tưởng ích kỷ, lười lao động, thích lối sống hưởng thụ, muốn kiếm tiền nhanh mà không vất vả nên đã bất chấp nhiều thủ đoạn, thực hiện hành vi sai trái để đạt được mục đích, lợi ích riêng cho bản thân.

Bên cạnh đó, một số người lợi dụng các quyền tự do, dân chủ một cách thái quá, gây ra nhiều áp lực, khó khăn cho các cơ quan trong việc thực thi pháp luật, bảo đảm ANQG, giữ gìn TTATXH… Mặc dù những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực thi nhiều biện pháp nhằm phát triển đời sống kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân về mọi mặt nhưng việc bảo vệ và hạn chế QRT nhằm bảo đảm ANQG và giữ gìn TTATXH vẫn còn nhiều thách thức đặt ra.

Thứ nhất, vấn đề bảo vệ QRT của mỗi cá nhân trên không gian mạng.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ việc lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng từ các trang mạng xã hội như facebook, youtube, zalo… Hàng triệu tài khoản người sử dụng đã bị tấn công, đánh cắp thông tin, trong đó có công dân Việt Nam. Nhưng điều đáng tiếc là hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta chưa có cơ chế để bảo vệ hữu hiệu các thông tin cá nhân, bí mật gia đình của người sử dụng là công dân Việt Nam ở lãnh thổ Việt Nam trên không gian mạng.

Trên thực tế, nhiều cá nhân không hiểu, hiểu sai hoặc cố tình không hiểu quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện quan điểm cá nhân, tự do báo chí… Vì vậy đã vô tình hay cố tình làm lộ QRT, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác, gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội.

Đặc biệt, với sự phát triển không ngừng của khoa học, kỹ thuật, các đối tượng phản động, thù địch, phần tử xấu gia tăng sử dụng internet, thu thập thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội, sàng lọc những đối tượng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ để tuyên truyền chống Việt Nam, gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Chúng duy trì sử dụng 63 đài phát thanh có chương trình Việt ngữ, trên 400 báo, tạp chí, 88 nhà xuất bản tiếng Việt ở nước ngoài, hàng nghìn website, blog… phát tán vào trong nước hàng trăm nghìn đầu tài liệu chiến tranh tâm lý, phản động…1.

Bên cạnh đó, những thông tin cá nhân mà người sử dụng cung cấp cho các nhà mạng để hoạt động trên không gian mạng đều rất mơ hồ trong việc xác định nơi lưu trữ và mục đích lưu trữ những thông tin đó. Không ai có thể chứng thực được điều này, trong khi nhận thức của đại bộ phận người dân Việt Nam còn chủ quan, không chú ý đến tính bảo mật trong quá trình cung cấp thông tin cá nhân cho các nhà mạng, cũng như thường không đọc kỹ các điều khoản khi tham gia vào các trang mạng đó… Đây là những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật nước ta mà các đối tượng xấu có thể lợi dụng hoạt động, xâm phạm các quyền công dân nói chung, QRT nói riêng.

Thứ hai, vấn đề thực hiện QRT.

Hiện nay, QRT tại Việt Nam được hiểu  chưa đúng và chưa đầy đủ. Do vậy, việc tự bảo vệ các thông tin của bản thân liên quan đến QRT cá nhân, hay kỹ năng xử lý khi gặp phải những tình huống có liên quan đến việc bảo vệ bí mật, chia sẻ thông tin cá nhân chưa được chú trọng đúng mức.

Nhiều người đã lạm dụng việc thực hiện các QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân quy định trong Hiến pháp năm 2013 để thực hiện các hành vi với mục đích xấu, gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân. Gần đây nhất có thể kể đến vụ việc kêu gọi biểu tình xảy ra ở Bình Thuận của một số đối tượng cơ hội, quá khích nhằm phản đối dự án Luật Đặc khu đã kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Hay vụ án hình sự tháng 01/2020 xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội do một số đối tượng lợi dụng những chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, cùng với đó là sự “hỗ trợ” của các tổ chức quốc tế để kêu gọi một số người dân xã Đồng Tâm biểu tình, phản đối chống người thi hành công vụ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình TTATXH và nguy cơ ANQG2.

Ngoài ra, những vụ việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác trên các diễn đàn mạng xã hội; hay việc đưa, sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác vào những mục đích xấu, mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu còn diễn ra phổ biến, thiếu kiểm soát… Điều đó đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật, trong đó có lực lượng Công an nhân dân (CAND).

Thứ ba, vấn đề áp dụng các quy định pháp luật trong việc hạn chế QRT.

Năm 2015, lần đầu tiên Bộ luật Tố tụng Hình sự đã bổ sung Chương XVI về “Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt”. Lực lượng CAND trên mặt trận đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm luật luôn gặp phải những thách thức, khó khăn, đặc biệt đối với các hành vi xâm phạm về QRT của tổ chức, cá nhân. Việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 trên thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc, khó áp dụng cả về quy trình, cách thức, phương tiện kỹ thuật thực hiện.

Phạm vi áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được xác định tương đối hẹp, chỉ đối với các trường hợp: tội xâm phạm ANQG, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại khoản 1, 2 Điều 224 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015). Tuy nhiên, các biện pháp đặc biệt trên đây chỉ liên quan đến lĩnh vực tố tụng hình sự, nhiều lĩnh vực khác vẫn chưa được các đạo luật quy định rõ ràng.

Thứ tư, vai trò của lực lượng CAND trong việc bảo đảm QRT.

Lực lượng CAND là lực lượng nòng cốt, xung kích trong việc thực hiện bảo đảm ANQG và TTATXH. Hiện nay, trong các quy định liên quan đến việc bảo đảm bí mật cá nhân người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng chưa được cụ thể hóa, thiếu chặt chẽ. Việc để lộ thông tin về người bị hại, người bị buộc tội, người làm chứng ra công luận có thể đem lại hậu quả hết sức nặng nề đối với bản thân họ và gia đình của họ. Công khai thông tin về một tội phạm có thể làm cho người bị hại và nhân chứng bị tổn thương, tạo ra sự kỳ thị đối với họ và gia đình của họ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và khả năng tái hòa nhập xã hội.

Đặc biệt, với vai trò của lực lượng nòng cốt trong việc bảo đảm ANQG, bảo đảm TTATXH, lực lượng CAND đã chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến của các loại tội phạm phi truyền thống, các thủ đoạn đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân phục vụ lợi ích, thực hiện chiếm đoạt tài sản của cá nhân thông qua các lỗ hổng bảo mật thông tin; chủ động trong việc nắm bắt diễn biến của những đối tượng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, các thế lực thù địch… để kịp thời tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về tình hình tội phạm, cách thức, biện pháp để bảo vệ các thông tin, dữ liệu, bí mật đời tư của tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, việc kiểm soát, ngăn chặn việc lạm dụng QRT của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng ngừa sẽ giúp lực lượng CAND góp phần bảo vệ QRT của các tổ chức, cá nhân.

 Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền riêng tư ở Việt Nam

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm, CAND Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm thu thập, giám sát thông tin đời tư của các cá nhân. Về cơ bản, các biện pháp này đều được áp dụng một cách thận trọng, theo đúng các quy định, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Công an. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho các biện pháp nghiệp vụ này mới chỉ là các văn bản do Bộ Công an ban hành thì chưa tương thích với nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về QCN: các QCN cơ bản chỉ có thể bị giới hạn bởi đạo luật do cơ quan nhà nước cao nhất ban hành; cũng như nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: QCN, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, ANQG, TTATXH, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Trên cơ sở đó, để cân bằng được giữa yêu cầu bảo đảm QRT của cá nhân trong xã hội với yêu cầu bảo vệ ANQG, TTATXH, cần đáp ứng yêu cầu sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm QCN nói chung, QRT nói riêng. Thông qua các kênh tuyên truyền như báo chí, truyền hình, website…, đặc biệt tuyên truyền qua các trang mạng xã hội giúp tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của những thông tin, dữ liệu, bí mật cá nhân. Cùng với đó là tuyên truyền các thủ đoạn, tình hình diễn biến của các loại tội phạm phi truyền thống đã lợi dụng những thông tin, dữ liệu, bí mật của tổ chức, cá nhân để tiến hành các hành vi phạm tội, phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân để tổ chức, cá nhân cảnh giác hơn, thận trọng hơn trong việc sử dụng những thông tin, dữ liệu, bí mật cá nhân.

Hai là, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về QRT, với hình thức của văn bản quy định đủ hiệu lực pháp lý theo thông lệ quốc tế và phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực.

Tại Việt Nam, tuy QRT đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và một số văn bản luật nhưng chưa có một đạo luật quy định rõ ràng về nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp giám sát, theo dõi thư tín, truyền thông internet của cá nhân, cũng như cơ chế giám sát, khiếu nại, khiếu kiện trong trường hợp có sự vi phạm. Tiến trình xây dựng văn bản này cần được tổ chức công khai, có sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, tổ chức xã hội và báo chí. Do vậy, việc xây dựng hệ thống pháp luật về QRT là rất cần thiết nhằm bảo đảm quyền của công dân cũng như thực hiện các biện pháp quản lý nhằm bảo đảm ANQG và TTATXH.

Ba là, đối với việc thu thập thông tin về bí mật riêng tư của cá nhân cụ thể phải có sự phê chuẩn của Tòa án nhân dân hoặc Viện kiểm sát nhân dân và chỉ trong các trường hợp nhằm ngăn chặn tội phạm được thực hiện hoặc khi các biện pháp điều tra thông thường khác không thể đạt hiệu quả cần thiết nhằm chứng minh tội phạm và chỉ được áp dụng đối với các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Cần hạn chế tối đa việc thu thập thông tin về bí mật riêng tư của các cá nhân trên diện rộng, và trong trường hợp thực sự cần thiết, phải được sự phê chuẩn của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc áp dụng.

Bốn là, cần sớm xây dựng cơ quan chuyên trách bảo vệ QRT và dữ liệu cá nhân với thẩm quyền xem xét khiếu nại, thực hiện quyền thanh tra, giám sát, cũng như thực hiện các nghiên cứu nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật, thúc đẩy QRT, trong đó quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn của cán bộ trực tiếp thu thập, quản lý, sử dụng dữ liệu về bí mật riêng tư thu được từ các biện pháp nghiệp vụ. Đồng thời, có các biện pháp xử lý, thậm chí là xử lý hình sự, đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe việc lạm dụng các dữ liệu này vào mục đích cá nhân hoặc không chính đáng.

Năm là, cần rà soát lại các chế tài xử lý đối với những hành vi xâm phạm QRT của con người trong các văn bản pháp luật chuyên ngành nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh và xử lý các hành vi mới hoặc có thể xảy ra trong đời sống xã hội để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Chú thích:
1. Nâng cao nhận thức và tinh thần chủ động trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. https://nghean.dcs.vn, ngày 30/10/2019.
2. Nhận diện đúng bản chất vụ việc ngày 09/01/2020 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. hanoimoi.com.vn, ngày 13/01/2020.

ThS. Đặng Bá Vinh
Học viện Cảnh sát nhân dân