Tăng cường hoạt động của ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em Asean

(Quanlynhanuoc.vn) – Các quốc gia trong cộng đồng ASEAN luôn cố gắng nỗ lực để thúc đẩy, bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em trong khu vực và đã đạt được nhiều thành tích tốt . Tuy nhiên, trên thực tế, phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trước những xung đột vũ trang, chính trị ở các nước của khu vực ASEAN. Bài viết đưa ra những kiến nghị để tăng cường hơn nữa hoạt động của Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) trong việc bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em trong khu vực.

 

Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) của Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn và triển khai các hoạt động của ACWC năm 2019 (nguồn: https://www.qdnd.vn).
Vai trò của ACWC trong bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em

Trong việc bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em (QPNVTE), cộng đồng các nước ASEAN luôn có những quan tâm để thúc đẩy bảo đảm quyền của họ. Có thể kể đến các chương trình, như: Tuyên bố Hà Nội về tăng cường phúc lợi và phát triển cho phụ nữ (thông qua ngày 28/10/2010); Tuyên bố xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong ASEAN; Tuyên bố ASEAN về tăng cường an sinh xã hội (thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23, tháng 10/2013)…

Trải qua hơn bốn thập kỷ từ khi thành lập, ASEAN đều nỗ lực hướng tới cải thiện đời sống của người dân các nước trong khu vực trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa. Để tiếp tục tăng cường hơn nữa việc bảo đảm quyền con người nói chung, ASEAN quyết định thiết lập tổ chức chuyên của họ về quyền con người. Trên cơ sở Điều 14 Hiến chương ASEAN năm 2009, Ủy ban liên Chính phủ về quyền con người đã ra đời (gọi tắt là AICHR). Trong quá trình hoạt động, AICHR cũng luôn quan tâm đến thúc đẩy, bảo vệ QPNVTE, như: xây dựng các kế hoạch hành động khu vực, các khuyến nghị hoặc khuôn khổ chính sách ASEAN về nhân quyền cho phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật nhằm lồng ghép và thúc đẩy nhân quyền trong tất cả trụ cột cộng đồng, các cơ quan của ASEAN.

Việc bảo đảm QPNVTE cũng là điều được quan tâm hàng đầu của các quốc gia ASEAN. Để thực hiện nội dung này, các nước thành viên đều nhận thấy cần có một thiết chế chuyên trách trong việc thúc đẩy, bảo vệ QPNVTE. Do đó, các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau thảo luận và quyết định thành lập ACWC vào ngày 07/4/2010 tại Hà Nội, nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16.

ACWC hoạt động tuân thủ theo các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN và quy chế hoạt động của ACWC, theo đó, mục đích của ACWC gồm: (1) Thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và quyền tự do cơ bản của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN. (2) Ủng hộ, thúc đẩy QPNVTE được sống trong hòa bình, công bằng, bình đẳng và thịnh vượng. (3) Tăng cường phúc lợi, sự phát triển sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong cộng đồng chung ASEAN… (4) Đẩy mạnh hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế để thúc đẩy, bảo vệ quyền trẻ em. (5) ACWC được giao nhiệm vụ duy trì các quyền có trong Công ước về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (CEDAW) và Công ước về quyền trẻ em (CRC) mà cả 10 quốc gia thành viên ASEAN đã phê chuẩn (khoản 2 Điều khoản tham chiếu của ACWC).

Như vậy, sự ra đời của ACWC là phù hợp với bối cảnh và xu thế mới, những vấn đề chung mà khu vực và quốc tế đang phải đối mặt trong giải quyết vấn đề phụ nữ và trẻ em Sự ra đời của Ủy ban sẽ giúp thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là những quyền liên quan được quy định trong CRC và CEDAW.

Thực trạng hoạt động của ACWC về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em

Từ khi thành lập đến nay, ACWC đã đưa các hoạt động bảo đảm QPNVTE trong khu vực đi vào thực chất và được chia làm 2 giai đoạn hoạt động:

– Giai đoạn 2010 – 2015, ACWC đã hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy, bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN thông qua các dự án, từ đó, ACWC đã đưa ra các khuyến nghị tới các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy, bảo vệ QPNVTE, như: tạo điều kiện, nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm và mô hình điển hình về các vấn đề, thách thức chính trong việc giải quyết các hình thức đa dạng và liên ngành liên quan đến việc đối xử bạo lực với nhóm phụ nữ, trẻ em thiệt thòi; thúc đẩy quyền tiếp cận công lý cho phụ nữ và trẻ em; nâng cao nhận thức công chúng về quyền  trẻ em… Ở cấp khu vực, gồm: tăng cường quan hệ đối tác của ACWC với các cơ quan liên quan khác của ASEAN với Cơ quan phụ nữ khác của Liên hiệp quốc, UNICEF, ILO…; hỗ trợ các nước thành viên ASEAN trong việc thực hiện các khuyến nghị của CEDAW, CRC; hỗ trợ các nước thành viên thu thập thông tin, dữ liệu về phụ nữ, trẻ em…1

– Giai đoạn 2016 – 2020, ACWC tiếp tục tập trung vào các ưu tiên của dự án cũ và bổ sung một số dự án mới gồm: nâng cao năng lực thể chế của ACWC; xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; mua bán phụ nữ và trẻ em; quyền tham gia vào tất cả các vấn đề liên quan của trẻ em; thúc đẩy và bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em khuyết tật; hệ thống bảo vệ trẻ em; quyền mầm non và giáo dục chất lượng; đẩy mạnh thực hiện quốc tế hóa, ASEAN và các công cụ liên quan đến các quyền của phụ nữ và trẻ em; tác động xã hội của sự thay đổi khí hậu đối với phụ nữ và trẻ em; tăng cường các quyền kinh tế của phụ nữ có liên quan đến phụ nữ nghèo, quyền của phụ nữ đối với đất đai và tài sản; phụ nữ tham gia vào các công tác chính trị, ra quyết định, quản lý nhà nước…2

ACWC đã thể hiện sự tích cực trong việc thúc đẩy, bảo vệ QPNVTE. Góp phần tích cực vào việc đưa các mục tiêu về phụ nữ và trẻ em nêu trong Hiến chương ASEAN, trong lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN và trong các văn kiện khác của ASEAN thành hiện thực. ACWC đã có những thành tựu trong các hoạt động tuyên truyền xóa bỏ bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em, chống lại nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, ACWC cũng tích cực đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, nâng cao quyền kinh tế cho phụ nữ. Cuộc họp thường niên hằng năm của ACWC đều có những thông báo thể hiện tốt vai trò của ACWC.

Năm 2020 là năm Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN và cũng giữ vai trò chủ tịch AICHR. Từ ngày 18/02 – 21/02/2020, cuộc họp AICHR lần thứ 30 đã diễn ra ở Thủ đô Hà Nội. Tại cuộc họp này, các thành viên đã xem xét các báo cáo chuyên đề liên quan đến các quyền, như: giáo dục, môi trường, quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, đồng thời cũng sẽ chủ trì các cuộc họp về kế hoạch hoạt động của ACWC giai đoạn 2021 – 2025 gắn với các ưu tiên trong Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hiệp quốc. Việt Nam là thành viên tích cực trong các hoạt động bảo đảm quyền con người trong khu vực cũng như các chương trình thúc đẩy QPNVTE, nhất là trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu mà ACWC đạt được thì trong quá trình hoạt động ACWC vẫn còn gặp nhiều hạn chế và hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Chẳng hạn, năm 2017, xảy ra cuộc đàn áp người Rohingya tại My-an-ma bởi các cuộc đàn áp bằng quân sự diễn ra bởi lực lượng vũ trang và cảnh sát của nước này. Như trong trường hợp của AICHR, ACWC vẫn hoàn toàn im lặng không có các đề xuất hay hành động gì trong tình huống này3.

Việc thu thập các số liệu liên quan đến phụ nữ và trẻ em đang còn là một vấn đề khó khăn trong hoạt động của ACWC. Các số liệu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em trong khu vực ASEAN đã được tiến hành ở các nước, tuy nhiên, các số liệu thu thập được cũng chỉ mang tính chất tương đối, độ chính xác, độ tin cậy chưa phản ánh đúng tình trạng bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em trong khu vực. ACWC cũng chưa tiến hành bất kỳ một cuộc điều tra nào về nhân quyền trong khu vực mà chủ yếu hoạt động như một cơ quan tham vấn.

Bên cạnh đó, đại diện của các nước thành viên trong ACWC chủ yếu là thành viên của các chính phủ, không có sự tham gia của các cá nhân tham gia các tổ chức xã hội bên ngoài. Vì vậy, các khuyến nghị của ACWC tới các chính phủ cũng xem xét đến lợi ích của các chính phủ trước rồi mới đến lợi ích của người dân.

Nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ một số lý do sau:

Một là, Ủy ban thường gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận trong việc ra quyết định bởi các thành viên ACWC đại diện cho các nước. Điều này làm cho quá trình ra quyết định trở nên khó khăn và ảnh hưởng đến việc lựa chọn kế hoạch làm việc ACWC. Đặc biệt là một số vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến quyền tình dục và sinh sản và quyền LGBT vẫn chưa được giải quyết do không thể đạt được sự đồng thuận.

Hai là, thiếu sự phối hợp và hỗ trợ từ chính phủ của các quốc gia thành viên khiến các đại diện của ACWC gặp khó khăn trong việc thúc đẩy chương trình ở cấp quốc gia, dẫn đến hoạt động không được thường xuyên và liên kết bền vững. Ngoài ra, cũng còn thiếu nguồn lực tài chính để tiến hành đầy đủ các hoạt động thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em.

Nguồn lực tài chính trong quá trình hoạt động ACWC phụ thuộc vào quyết định của Hội nghị Bộ trưởng phúc lợi xã hội và phát triển (AMMSWD), đồng thời dựa trên sự đóng góp của các nước thành viên hoặc có quyền nhận tài trợ từ đóng góp bên ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, ACWC luôn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn tài chính do các nước chậm chễ đóng góp hoặc không có những tài trợ ở cấp khu vực4, ảnh hưởng đến việc thúc đẩy một cách mạnh mẽ hoạt động của ACWC.

Ba là, thành viên tham gia ACWC chủ yếu là thành viên chính phủ, nên cũng sẽ ảnh hưởng đến việc ra quyết sách, kiến nghị đến chính phủ mỗi nước.

Một số kiến nghị tăng cường vai trò của ACWC trong thúc đẩy, bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em trong khu vực

Thứ nhất, trong quá trình hoạt động ACWC, trước các vấn đề về nhân quyền, ngoài chức năng giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền con người thì ACWC cần đưa ra những tuyên bố để giải quyết vấn đề về nhân quyền của khu vực và có những hành động mạnh mẽ để chấm dứt các vi phạm nhân quyền. Ngoài ra, ACWC cần tham khảo, phối hợp với các cơ quan nhân quyền khác trong khu vực cũng như cơ quan nhân quyền Liên hiệp quốc để thực hiện tốt nhất việc thúc đẩy QPNVTE trong khu vực.

Thứ hai, cung cấp một cách kịp thời và chính xác các thông tin về QPNVTE trong khu vực, cả thông tin tích cực và thông tin vi phạm. Trực tiếp đại diện cho phụ nữ và trẻ em đưa ra các khuyến nghị với từng quốc gia để thúc đẩy, bảo vệ QPNVTE.

Thứ ba, trong những trường hợp vi phạm QPNVTE nghiêm trọng, ACWC phải cố gắng khởi động các cuộc điều tra độc lập, chuyên nghiệp hoặc ít nhất là kêu gọi các cuộc điều tra đó diễn ra.

Thứ tư, yêu cầu quốc gia thành viên thường xuyên thông báo các thông tin về QPNVTE, trong trường hợp cần thiết có thể lập một nhóm điều tra đến quốc gia thành viên đang có những vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em để thu thập thông tin (theo khoản 4.10 quy định về chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan nhân quyền ASEAN). Đồng thời, xây dựng một quy trình cụ thể trong việc thu thập số liệu liên quan đến phụ nữ, trẻ em trong các lĩnh vực.

Thứ năm, thiết lập một cơ chế giám sát khách quan, độc lập quá trình hoạt động của ACWC, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội được tham gia một cách công khai trong quá trình lựa chọn thành viên tham gia ACWC của mỗi nước cũng như tham gia vào quá trình làm các báo cáo, đánh giá vấn đề QPNVTE trong khu vực.

Thứ sáu, thiết lập một cơ chế khiếu nại mang tính chất khu vực để tiếp nhận các khiếu nại bảo vệ nạn nhân nhằm ngăn chặn và loại bỏ mọi hình thức vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em trong khu vực. Về lâu dài, ASEAN nên tính đến một thiết chế tài phán khu vực để xử lý các vụ việc vi phạm quyền con người nói chung, QPNVTE trong khu vực nói riêng.

Thời gian qua, chúng ta đã hướng sự chú ý sang việc quan tâm nhiều hơn đến QPNVTE trong khu vực bằng những hành động cụ thể và bước đầu đã giảm thiểu nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em xuyên quốc gia, xuyên khu vực; quyền kinh tế của phụ nữ được cải thiện… Chính vì vậy, từ những nỗ lực của chính các quốc gia và của các thiết chế bảo đảm quyền con người trong khu vực, trong thời gian tới, QPNVTE sẽ ngày càng được cải thiện tốt hơn nữa.

Chú thích:
1. Hội thảo khu vực về thực hiện có hiệu quả các vấn đề phụ nữ và trẻ em gái trong quá trình thực hiện Công ước về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (CEDAW) và Công ước về quyền trẻ em (CRC) do Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) và UN Woment tổ chức ngày 20/8 – 22/8/2013, tại Đà Nẵng, Việt Nam.
2. Phát biểu của bà Sri Danty Anwar – Chủ tịch ACWC Hội thảo về “Xây dựng Khung kết quả của Kế hoạch công tác ACWC giai đoạn 2016 – 2020” tại Hà Nội . http://laodongxahoi.net, ngày 19/10/2018.
3, 4. Báo cáo hoạt động thường niên của Cơ quan Nhân quyền ASEAN 2017, tr. 28, 24.

ThS. Bùi Thị Hường
Viện Nhà nước và Pháp luật – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam