Vai trò, năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo tổ chức công trong bối cảnh hiện nay  

(Quanlynhanuoc.vn) – Vai trò, phẩm chất, năng lực của người lãnh đạo khu vực công hiện nay đang là vấn đề được các nhà khoa học, các nhà quản lý quan tâm nghiên cứu. Đồng thời, đây cũng là vấn đề được Đảng, Chính phủ, các cấp lãnh đạo ở trung ương và địa phương coi là vấn đề trọng tâm trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và phục vụ người dân. Người lãnh đạo tốt, có phẩm chất và năng lực phù hợp sẽ điều hành bảo đảm tổ chức ổn định, phát triển và ngược lại.

 

Ảnh minh họa.

1. Trong công tác lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, vì vậy đến bất cứ địa phương nào, Người cũng thể hiện rất rõ ràng thái độ nghiêm khắc đối với khuyết điểm và các vi phạm của cán bộ, công chức. Người nhắc nhở: “Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng bản đều là công bộc của Nhân dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho Nhân dân, chứ không phải để đè đầu Nhân dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp – Nhật. Việc gì có lợi cho Nhân dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho Nhân dân ta phải hết sức tránh”2.

Trong hầu hết các bài nói chuyện, bài viết, từ diễn văn ở Đại hội Đảng cho đến buổi nói chuyện gặp gỡ với cán bộ các cấp, Người luôn đề cập đến vấn đề cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của đội ngũ cán bộ để thấy rõ tầm quan trọng của vai trò, phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức (CBCC), người lãnh đạo thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, phục vụ người dân.

Xác định rõ vai trò, năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo khu vực công (KVC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự. Vì nó có chức năng nhân sức mạnh con người, đem lại hiệu quả phát triển của tổ chức và ổn định hoạt động của tổ chức, đặc biệt là công tác cán bộ đối với lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức KVC. Hoạt động công vụ gắn với quyền lực của Nhà nước, CBCC tùy theo cương vị công tác được trao một phạm vi quyền lực nhiều hay ít.

Vì vậy, trong hoạt động công vụ sẽ có tác dụng tích cực trực tiếp tác động tới đời sống xã hội nếu nó được thực hiện đúng đắn, nếu CBCC hoạt động công vụ không có lương tâm, vì lợi ích cá nhân sẵn sàng chà đạp lên luật pháp để trục lợi sẽ đưa đến những hậu quả nghiêm trọng. Phẩm chất, năng lực của người lãnh đạo KVC có vai trò, tầm quan trọng, ảnh hưởng cơ bản đến chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ của cá nhân, tổ chức.

2. Từ những giá trị, vai trò, sức ảnh hưởng quan trọng của người lãnh đạo KVC đến hệ thống cơ quan hành chính nhà nước và đời sống xã hội như vậy, đòi hỏi năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo KVC trong giai đoạn hiện nay như thế nào? Có thể hiểu năng lực của công chức là “tổng hợp những kiến thức, kỹ năng, thái độ cho phép một cá nhân thực hiện các hoạt động gắn với nhiệm vụ của mình ở một cấp độ hiệu suất nhất định”3.

Vậy năng lực của người lãnh đạo KVC là gì? Từ góc độ nhận thức của tác giả, xin được đưa ra cách hiểu như sau: “Năng lực người lãnh đạo khu vực công là tổng hợp những kiến thức, kỹ năng, thái độ cho phép người lãnh đạo khu vực công thực hiện các hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành theo thẩm quyền được giao bảo đảm hiệu quả, đúng quy định và đạt mục tiêu quản lý nhà nước”.

Năng lực của CBCC luôn gắn liền với thực tiễn thực thi công vụ của CBCC; nhưng năng lực của người lãnh đạo KVC không chỉ gắn với hiệu quả quản lý, điều hành tổ chức mà còn gắn với sự cộng hưởng về thái độ, tinh thần, hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân sự thuộc quyền quản lý của họ.

Để hoạt động của tổ chức KVC bảo đảm hiệu quả, người lãnh đạo KVC cần: xây dựng được các nhóm làm việc dưới quyền hoạt động hiệu quả cho tổ chức; tạo động lực làm việc cho cấp dưới, cho tổ chức. Người lãnh đạo KVC nếu không có đủ năng lực tạo động lực làm việc cho cấp dưới, cho tổ chức sẽ không điều hành bảo đảm tổ chức hoạt động hiệu quả; xây dựng được e-kíp lãnh đạo; phân công, phân quyền, phân chia quyền lực rõ ràng, đúng khả năng bảo đảm sự phối hợp hành động cao và chặt chẽ; phân chia lợi ích công bằng khách quan, khuyến khích, thúc đẩy sự cống hiến của mỗi cá nhân trong tổ chức, tránh được các xung đột về lợi ích trong tổ chức.

Bàn về năng lực của người lãnh đạo KVC, phẩm chất là một yếu tố không thể thiếu của người làm công tác lãnh đạo. Phẩm chất là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng mối quan hệ giữa con người với con người. Phẩm chất thể hiện qua cách ứng xử của con người đối với người khác cũng như đối với mỗi sự việc trong cuộc sống. Đồng thời, phẩm chất cũng là một trong những biểu hiện của nhân cách, nhân cách thể hiện trình độ văn hóa và nguyên tắc sống của con người. Con người là một thực thể xã hội. Vì vậy, chất lượng mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng quyết định đối với chất lượng cuộc sống. Biểu hiện cụ thể về phẩm chất của người lãnh đạo KVC đó là đạo đức công vụ.

Đạo đức công vụ là một phạm trù tương đối rộng, bao hàm đạo đức, lối sống, cách xử sự của CBCC không chỉ trong các mối quan hệ xã hội thông thường mà còn trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ công, đó là trong giao dịch hành chính với tổ chức, công dân; trong giao tiếp giữa các CBCC với nhau khi phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Các quy định mang tính đạo đức của CBCC đã và đang trở thành chủ đề quan tâm của nhiều nước trên thế giới, như: Pháp, CHLB Đức, Trung Quốc, Thái Lan, Xing-ga-po… Ở Việt Nam, công chức thi hành công vụ trên cơ sở các quy định của pháp luật và các quy tắc, quy định trong nội bộ cơ quan hành chính đó.

Tuy nhiên, thái độ, tinh thần, trách nhiệm, ý thức của công chức, đặc biệt là công chức lãnh đạo trong quá trình thực thi công vụ giải quyết mối quan hệ với công dân phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức công vụ. Pháp luật có được thực thi hay không, phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức công vụ, vào phẩm chất, tố chất của người lãnh đạo KVC trong quá trình thực thi công vụ. Nền kinh tế thị trường cũng có những mặt trái dễ làm cho con người sa ngã, có thể bị biến chất đạo đức bất kỳ lúc nào, vì vậy, bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo KVC quyết định đến sự kiên định, vững vàng không bị cám dỗ, không bị sa ngã trước sự nhiễu loạn của xã hội.

Hiện nay, sự suy thoái đạo đức của đội ngũ CBCC, đặc biệt là một bộ phận các công chức lãnh đạo, quản lý đang diễn ra trong xã hội là vấn đề được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm.  Một số vụ tiêu cực đã được xử lý nghiêm minh, khách quan, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân; đồng thời, cũng là sự cảnh tỉnh cho đội ngũ công chức nói chung và công chức lãnh đạo, quản lý nói riêng. Theo đó, họ cần phải nhận thức lại để hành động đúng với yêu cầu thực thi công vụ, với đạo đức công vụ, với phẩm chất của người công chức, người lãnh đạo, quản lý KVC. Như vậy, những phẩm chất cần có của người lãnh đạo, quản lý KVC là gì? Theo tác giả, xin đơn cử 8 thành tố về phẩm chất cần có của người lãnh đạo KVC như sau:

(1) Khiêm tốn. Khiêm tốn là phẩm chất tiêu biểu và cần có ở hầu hết các nhà lãnh đạo. Có khiêm tốn mới có tinh thần học hỏi người khác, nhất là học hỏi nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý.

(2) Liêm chính. Đây là một trong những phẩm chất không thể thiếu đối với người lãnh đạo KVC, bởi bản chất của nền công vụ là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Liêm chính khiến người lãnh đạo KVC không lung lay trước những cám dỗ của nghịch cảnh, khiến người lãnh đạo khu vực công có được bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn vì lợi ích tập thể, vì sự phát triển chung của đất nước, của quốc gia.

(3) Quyết đoán. Tố chất quyết đoán luôn là một thành tố về tính cách của người đứng đầu, đặc biệt là người lãnh đạo KVC. Quyết định đúng lúc, đúng chỗ là một khả năng nổi trội của các nhà lãnh đạo nói chung, người lãnh đạo cần biết cách để quyết định việc lúc nào mình nên hành động và lúc nào thì không trong quá trình thực thi công vụ cũng như trong quá trình lãnh đạo, điều hành.

(4) Nhạy cảm. Đây là một trong những thành tố về phẩm chất cấn có của người lãnh đạo KVC, bởi đó là khả năng nắm bắt được cảm xúc của người khác, hiểu được những suy nghĩ của họ và từ đó có cách ứng xử phù hợp với từng người, từng tình huống cụ thể, giúp nắm bắt được tâm tư, cảm xúc của người khác để định hướng hành vi người dưới quyền luôn hành động theo trật tự pháp lý và mục tiêu quản lý.

(5) Thích ứng. Thích ứng tốt là một yêu cầu cấp bách và trọng yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhà lãnh đạo cần phải đổi mới liên tục để phù hợp với xu thế mới, bối cảnh mới, nhưng không được làm mất đi chính con người mình.

(6) Đam mê. Đây là tố chất thể hiện khát vọng được cống hiến của người lãnh đạo, quản lý KVC. Nếu không có đam mê, người lãnh đạo sẽ không thể có sự cần cù, chịu khó, cống hiến hết mình cho niềm đam mê đó. Đây là yếu tố cần thiết để người lãnh đạo, quản lý KVC đến với những thành công.

(7) Khả năng thuyết phục. Hầu hết các nhà lãnh đạo, quản lý giỏi đều là những nhà diễn thuyết tài ba. Họ không chỉ biết cách làm cho người khác nghe và tin theo mình mà còn khiến cho mọi người làm theo họ.

(8) Trí tuệ. Trí tuệ được biểu hiện ở những hành vi cơ bản của người lãnh đạo, đó là: khả năng thuyết phục người khác, khả năng gây ảnh hưởng tác động lên hành vi của người khác; khôn ngoan trong giao tiếp, ứng xử và trong học hỏi nâng cao năng lực tư duy để giải quyết tình huống cụ thể trong lãnh đạo, quản lý, điều hành…

Tóm lại, bàn về năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo KVC còn nhiều vấn đề cần phải phân tích sâu hơn trong những thời điểm, bối cảnh khác nhau. Bài toán đặt ra cho Việt Nam hiện nay, khi xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý KVC phải định tính được những phẩm chất năng lực như thế nào để người lãnh đạo KVC có khả năng quản lý nhằm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và phục vụ người dân, bởi vai trò người đứng đầu, người lãnh đạo, quản lý là yếu tố quan trọng quyết định thành công của tổ chức. Muốn xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và phục vụ người dân, chúng ta phải tập hợp, bồi dưỡng, xây dựng được đội ngũ lãnh đạo, quản lý KVC vừa có đức, vừa có tài, vừa có tâm vừa đủ tầm. Bản chất cốt lõi của người lãnh đạo KVC đáp ứng được yêu cầu quản lý trong giai đoạn hiện nay là phải coi trọng lợi ích tập thể, đặt lợi ích Nhân dân lên hàng đầu trong thực thi nhiệm vụ, luôn vì cái chung để chấp nhận hy sinh, tận tụy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Sự thật, 2011, tr. 452, 65.
Tài liệu tham khảo:
1. Lombardo (1996). L’architecte de carrier (tài liệu dịch từ tiếng Pháp, cung cấp cho lớp thạc sỹ hành chính công phối hợp giữa Học viện Hành chính và Trường Hành chính Quebec Ca-na-đa.
TS. Đặng Thị Mai Hương
Học viện Hành chính Quốc gia