Việt Nam – Cộng hòa liên bang Đức: Quan hệ đối tác chiến lược phát triển trong giai đoạn mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Năm 2020, thế giới phải đối mặt với sự xuất hiện không lường trước của đại dịch Covid-19 và hậu quả mà nó để lại vô cùng nặng nề. Nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, cục diện thế giới có nhiều biến chuyển phức tạp, như: Tổ chức Thương mại Thế giới đứng trước nguy cơ bị tê liệt, tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước diễn ra gay gắt và có chiều hướng gia tăng. Trong bối cảnh đó, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – CHLB Đức tiếp tục phát triển, phục vụ nguyện vọng và lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước, cũng như góp phần vào hòa bình, phát triển, ổn định ở hai khu vực và trên thế giới.

 

45 năm (23/9/1975-23/9/2020), quan hệ Việt Nam-Đức: Sâu rộng, hiệu quả, thực chất (Ảnh minh họa).
Nền tảng của mối quan hệ vững chắc giữa Việt Nam – CHLB Đức

Hiếm có hai dân tộc nào tuy cách nhau về mặt địa lý, khác biệt về văn hóa – xã hội, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng về mặt lịch sử, tinh thần dân tộc như Việt Nam và Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức. Cả hai đều trải qua quá trình bị chia cắt, tái thống nhất, từng bước vươn lên phát triển trở thành những quốc gia có tiếng nói và vị thế trong khu vực. Trong quan hệ với Việt Nam, nhiều lãnh đạo và học giả Đức thường xuyên nhắc đến với niềm tự hào rằng, họ là những người thuộc thế hệ Việt Nam, từng xuống đường tham gia biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Rõ ràng, sự trân trọng từ phía Đức cùng với bề dày lịch sử quan hệ chính là nền tảng để hai bên tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược (ĐTCL) trong giai đoạn mới. Kỷ niệm 45 năm kể từ khi Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Đức (năm 1975), quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức ngày càng mở rộng, hiệu quả, sâu rộng và toàn diện.

CHLB Đức là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị quan trọng của châu Âu. Với dân số khoảng 80 triệu người và diện tích lãnh thổ khoảng gần 360.000 km2, CHLB Đức là quốc gia có dân số đông nhất và cũng là nền kinh tế phát triển năng động nhất của Liên minh châu Âu (EU), với các ngành công nghiệp chủ yếu là chế tạo xe hơi, máy móc thiết bị, công nghiệp điện và điện tử1. Những năm gần đây, CHLB Đức đánh giá cao sự phát triển năng động của các nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN.

Vì vậy, Đức đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy quan hệ với châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, thể hiện qua sự ủng hộ, đóng góp tích cực của Chính phủ và nhân dân Đức vào tiến trình củng cố hòa bình, ổn định, tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực. Điều này được thể hiện trong Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Nhóm nước G7 do Đức làm Chủ tịch (tháng 6/2015) và Tuyên bố của Hội nghị các Ngoại trưởng ASEM (11/2015). Các nước EU đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp đang diễn ra ở Biển Đông và châu Á – Thái Bình Dương2.

Trong chính sách đối ngoại rộng mở, Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Đức, mong muốn EU cũng như Đức sẽ đóng một vai trò xứng đáng với tiềm năng của mình ở Việt Nam cũng như trong khu vực. Những năm gần đây, mối quan hệ Việt Nam – CHLB Đức đã phát triển lên một tầm cao mới, diễn ra trên nhiều mặt, phong phú, sôi động. Việt Nam và Đức chia sẻ quan điểm và lợi ích trong một loạt các vấn đề quan trọng, bao gồm các mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ song phương cũng như đóng góp để giải quyết các vấn đề quốc tế quan tâm chung. Trên cương vị điều phối viên ASEAN-EU, Việt Nam đã đóng góp tích cực làm cầu nối giữa hai khu vực. Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước EU, giữa các nước ASEAN với Đức và mong muốn sự hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – CHLB Đức

Quan hệ chính trị giữa Việt Nam – Đức không ngừng được củng cố. Sự tin cậy và thấu hiểu giữa hai bên được tăng cường thông qua các chuyến thăm, trao đổi thường xuyên giữa hai nước ở các cấp độ khác nhau. Đó là các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Horst Kohler (năm 2007), chuyến thăm của Thủ tướng Angela Merkel (năm 2011) để thiết lập quan hệ ĐTCL giữa hai nước.

Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (năm 2013) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2014). Trong năm 2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến thăm trong các ngày 20/02 – 21/02/2019, hai bên nhấn mạnh mong muốn đưa quan hệ ĐTCL bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày càng sâu rộng, thực chất hơn trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa; chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, hợp tác khoa học – công nghệ, đào tạo lao động có tay nghề, điều dưỡng viên… Qua các chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận và văn kiện, thiết lập khuôn khổ để tăng cường mối quan hệ song phương trong các lĩnh vực. Kết quả tốt đẹp của những chuyến thăm trên đã mở ra cơ hội hợp tác phát triển toàn diện giữa hai nước, là tiền đề để đưa quan hệ ĐTCL tiếp tục phát triển đi vào thực chất.

Mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Đức còn có tác dụng thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế quan trọng như EU cũng như các nước khác ở khu vực khác. Đức là nước đi đầu trong việc ủng hộ khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và có tiếng nói quan trọng trong EU để Việt Nam và EU ký kết Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Việc ký kết chính thức hai Hiệp định EVFTA và EVIPA là một bước đi rất quan trọng để đưa quan hệ Việt Nam – Đức phát triển lên một tầm cao mới.

Trong năm 2020, “trọng trách kép” được đặt lên vai hai nước. Việt Nam vừa là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, đồng thời giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN, còn Đức đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của EU vào 6 tháng cuối năm 2020. Hai bên cùng nhất trí đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ thời cơ và vận dụng một cách tích cực, sáng tạo để thúc đẩy tăng cường kết nối Á – Âu, mang lại hòa bình, ổn định ở hai khu vực, đóng góp cho môi trường an ninh và phát triển trên thế giới. Việc đề xuất các sáng kiến hợp tác trong phòng, chống Covid-19 như tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU do Việt Nam chủ trì và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao liên minh vì chủ nghĩa đa phương do Đức đồng khởi xướng là minh chứng sống động cho tinh thần hợp tác này3.

Quan hệ hợp tác về kinh tế Việt Nam – Đức đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 10 tỷ USD. Sau 10 năm thiết lập quan hệ ĐTCL, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 2 lần và đầu tư của Đức vào Việt Nam tăng 1,7 lần. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính riêng trong 8 tháng năm 2020, tổng kim ngạch giữa Việt Nam và Đức đạt hơn 6,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 4,4 tỷ USD, nhập khẩu 2,2 tỷ USD. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và CHLB Đức luôn tăng, tốc độ tăng trưởng kỷ lục đạt được vào năm 2011 nhờ việc thiết lập quan hệ ĐTCL Việt Nam – Đức. Kim ngạch hàng nhập khẩu từ CHLB Đức vào Việt Nam tăng lên khá nhanh, bất chấp tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Hiện giá trị hàng nhập khẩu từ Đức chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị hàng nhập khẩu của Việt Nam từ EU, lớn hơn rất nhiều lần so với với tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ các nước châu Âu khác4.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế các dự án còn hiệu lực đến 20/12/2019, hơn 300 doanh nghiệp Đức đang triển khai 361 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 2,06 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các nước EU và xếp thứ 18 trong tổng số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất điện và sản xuất ô tô, linh kiện chiếm đa phần các dự án FDI đến từ quốc gia chiếm hơn 20% GDP của EU này5.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp hơn 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và tài chính, trong đó, các dự án hợp tác kỹ thuật được thực hiện dưới hình thức viện trợ không hoàn lại. Trọng tâm của Đức trong các dự án hợp tác phát triển ở Việt Nam được thực hiện chủ yếu bởi hai tổ chức là Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Gần đây, Đức đã hoàn tất việc xây dựng dự án Ngôi nhà Đức (Deutsches Haus Ho Chi Minh City), tiếp tục thực hiện dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP. Hồ Chí Minh và các dự án về năng lượng tái tạo. Trong đó, dự án Ngôi nhà Đức là dự án trọng điểm của Đức tại Việt Nam và khu vực ASEAN, là biểu trưng cho mối quan hệ ĐTCL và tình hữu nghị giữa hai nước. Với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD và đi vào hoạt động từ năm 2017, Ngôi nhà Đức là nơi tập trung các cơ quan của Đức như Tổng Lãnh sự, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Viện Gớt và văn phòng của các doanh nghiệp Đức. Các dự án ODA của Đức đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Sự thấu hiểu, tình hữu nghị Việt Nam – CHLB Đức

Hiện nay có khoảng hơn 125.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đức (trong đó 20% người Việt đã nhập quốc tịch Đức, 80% còn lại đã có quy chế cư trú hợp pháp), rất nhiều người trong số đó đã trở thành những học giả, chính khách, doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của nước Đức. Đây chính là sợi dây liên kết bền chặt gắn kết hai nước, góp phần tăng cường sự hiểu biết, giao lưu văn hóa, xây dựng hình ảnh và thúc đẩy hợp tác giữa Nhân dân Việt Nam và Đức.

Tình đoàn kết giữa Nhân dân hai nước ngày càng được thắt chặt thông qua các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, theo Bộ Ngoại giao CHLB Đức, cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Đức cũng đã huy động được hàng nghìn khẩu trang y tế, khẩu trang vải tự may, găng tay bảo hộ y tế để trao tặng cho các cơ sở như bệnh viện và viện dưỡng lão. Nhiều nhà hàng của người Việt ở Đức cũng thể hiện tình đoàn kết khi phát tặng hàng nghìn suất ăn cho các bác sỹ,  y tá điều dưỡng tại các trung tâm điều trị tích cực trong các bệnh viện và rất nhiều hành động thiết thực đáng ghi nhận khác của Nhân dân Việt Nam.

Một là, quan hệ văn hóa, giao lưu Nhân dân giữa hai nước được tăng cường và mở rộng.

Từ năm 1997, Viện Gớt tại Hà Nội khi đó là phân viện trẻ nhất ở châu Á đã bắt đầu đi vào hoạt động, với mục đích là hỗ trợ việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam, Đức và châu Âu. Trong mối tương quan này, Viện Gớt ủng hộ và tổ chức nhiều chương trình giới thiệu văn hóa Đức đến Việt Nam nhằm tăng cường đối thoại văn hóa giữa hai nước. Hằng năm, Viện Gớt tổ chức các khóa học tiếng Đức cho người lớn cũng như các buổi thực hành và hội thảo dành cho giáo viên tiếng Đức.

Những năm gần đây, các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật diễn ra sôi động. Đức hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số dự án về bảo tồn, phục chế các di sản văn hóa tại cố đô Huế, nghiên cứu khảo cổ học. Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – CHLB Đức và kỷ niệm 30 năm Quốc khánh CHLB Đức, lễ hội văn hóa Việt – Đức Kulfurest cũng được tổ chức như là một sự kiện văn hóa kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước. Trong lễ hội, các hoạt động văn hóa đặc sắc của CHLB Đức đã được giới thiệu đến người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế chính là cầu nối giúp thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.

Hai là, lĩnh vực hợp tác giáo dục – đào tạo song phương phát triển tốt đẹp.

Với chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài cùng với nền kinh tế phát triển năng động, ngày càng nhiều doanh nghiệp Đức đã đến đầu tư tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Đức đang rất tích cực và chú trọng trong việc giúp Việt Nam đào tạo tiến sỹ, với khoảng 100 học bổng đào tạo mỗi năm. Trong học kỳ mùa đông 2012 – 2013, có gần 4.600 sinh viên Việt Nam học đại học tại Đức. Ngoài ra, từ năm 1993, Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hét-xen đã thông qua Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới Đức (WUS) cấp 150 suất học bổng hằng năm cho sinh viên đạt kết quả học tập xuất sắc tại một số trường cao đẳng, đại học của Việt Nam6.

Các dự án quan trọng từ phía Đức có thể kể đến là dự án trường Đại học Việt – Đức tại Bình Dương, Viện Gớt tại Hà Nội, chương trình hỗ trợ sáng kiến trường học đối tác của Bộ Ngoại giao Đức hay Văn phòng đại diện Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DDAD). Trong đó, trường Đại học Việt – Đức tại Bình Dương là một dự án quan trọng trong hợp tác song phương, đang hoạt động hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam có trình độ và tay nghề trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã ký Hiệp định về phát triển và mở rộng trường Đại học Việt – Đức vào ngày 23/9/2020.

Năm 2013, khi Đức và Việt Nam cùng đi đến thỏa thuận chung về đào tạo đội ngũ lao động Việt Nam trở thành điều dưỡng viên làm việc tại CHLB Đức, Viện Gớt với vai trò như đối tác chính thức đã nhận trách nhiệm chuẩn bị cho các điều dưỡng viên tương lai của Việt Nam đầy đủ hành trang trước khi sang Đức học tập và làm việc. Ngoài ra, Luật Nhập cư nhân lực lao động chuyên môn có hiệu lực từ tháng 3/2020 đã mở ra những khả năng việc làm mới, hấp dẫn tại Đức cho nhân lực lao động chuyên môn Việt Nam.

Những định hướng lớn quan hệ ngoại giao Việt Nam – CHLB Đức trong thời gian tới

Trong bối cảnh cả thế giới đang phải chống chọi trước tác động của đại dịch Covid-19 thì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ứng phó với đại dịch này thành công nhất, cả trên góc độ y học và kinh tế. Việt Nam có nền chính trị ổn định, phát triển năng động và hiếu khách, luôn mở rộng cánh cửa chào đón các nhà đầu tư, đang và sẽ trở thành một đối tác quan trọng đối với các nước, nhất là nước Đức và các nước châu Âu. Mặt khác, trong tình hình mới, Đức cũng có nhu cầu cần tăng cường và mở rộng quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam đóng vai trò là cầu nối quan trọng bởi đây sẽ là một trọng điểm của châu Á.

Việt Nam với thềm lục địa, đường bờ biển rộng lớn, trong tương lai, sẽ có nhiều cảng biển để liên kết khu vực, đưa hàng hóa từ các nước đến Việt Nam và từ Việt Nam sang các nước. Bên cạnh đó, EVFTA sẽ là nguồn động lực không nhỏ cho Việt Nam và Đức tìm kiếm cơ hội để khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng. Không chỉ có vậy, chính sự ổn định chính trị và xã hội, dân số trẻ, năng động và sẵn sàng học hỏi, cùng quá trình hội nhập không ngừng vào nền kinh tế thế giới  nhằm thu hút các nhà đầu tư được cải thiện rõ rệt qua từng năm của Việt Nam, tất cả những yếu tố đó sẽ cùng nhau gây dựng nên thế mạnh và lợi thế cạnh tranh giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp Đức.

Trong tình hình mới, hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ về mọi mặt để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi bên. Đối với Việt Nam, cần tranh thủ những mặt mạnh, những ngành khoa học – công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến nhằm phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn ở trong nước và ngược lại. Về phía Đức, cần tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ nhiều mặt với châu Á – Thái Bình Dương và các nước ASEAN thông qua Việt Nam, phát huy vai trò làm cầu nối giữa hai khu vực, đẩy mạnh hợp tác toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Xuất phát từ truyền thống hữu nghị, thành tựu hợp tác trong quá khứ, cũng như những tiềm năng to lớn của hai nước, chúng ta có đầy đủ cơ sở để lạc quan về mối quan hệ ĐTCL Việt Nam – CHLB Đức sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp trong giai đoạn tới. Hai bên cùng nhau phấn đấu hơn nữa để xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt, bình đẳng, cùng có lợi, vì nguyện vọng của doanh nghiệp và người dân hai nước, cũng như đóng góp vào quá trình hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.

Chú thích:
1. Hồ sơ thị trường Đức. https://vcci.com.vn.
2. Chủ tịch nước phát biểu tại Viện Koerber, CHLB Đức. http://baochinhphu.vn, ngày 15/10/2014.
3. 45 năm quan hệ hợp tác Việt Nam – Đức: sâu rộng, hiệu quả, thực chất. http://chinhphu.vn, ngày 23/9/2020.
4. Xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với thành viên EVFTA nhìn từ số liệu hải quan. https://haiquanonline.com.vn, ngày 13/2/2020.
5. Đặng Hoàng Linh, Nguyễn Hồng Ngọc. Quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức giai đoạn 2012 – 2018: Triển vọng và thách thức. Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 2 (117)/2019.
6. Việt Nam – Đức, 45 năm hợp tác cùng phát triển. https://nhandan.com.vn, ngày 20/9/2020.

PGS. TS. Đặng Hoàng Linh – Nguyễn Đức Phúc
Học viện Ngoại giao