Bảo đảm quyền con người trong bối cảnh dịch bệnh covid -19 toàn cầu

(Quanlynhanuoc.vn) – Dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mệnh và làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của hàng chục triệu người mà còn gây nên nhiều tác động tiêu cực đến đời sống của mọi cá nhân, cộng đồng trên toàn thế giới, nhất là tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng sự kỳ thị, bất bình đẳng, đói nghèo, mất việc làm… Chính vì vậy, các nỗ lực nhằm phòng, chống dịch Covid-19 của các quốc gia hiện nay chính là để bảo đảm quyền sống, đặc biệt là quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho con người.
Hội thảo về thúc đẩy, bảo vệ quyền các nhóm dễ bị tổn thương và việc triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III trong bối cảnh dịch COVID-19 (Nguồn: https://dangcongsan.vn).

Kể từ khi Liên hiệp quốc thông qua bản Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người (QCN) năm 1948 và sau đó là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, quyền được chăm sóc sức khỏe đã trở thành một trong những quyền quan trọng trong hệ thống QCN, thuộc nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Quyền chăm sóc sức khỏe được quy định tại Điều 25 Tuyên ngôn Thế giới về QCN năm 1948 và Điều 12 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa với nội dung như sau: 1) Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được. 2) Các biện pháp mà một quốc gia thành viên Công ước cần thi hành để thực hiện đầy đủ quyền này, chính là nghĩa vụ mà mỗi quốc gia thành viên phải có trách nhiệm thực hiện, bao gồm các biện pháp nhằm làm giảm bớt tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ em, giúp đạt được sự phát triển lành mạnh của trẻ em; cải thiện mọi mặt về vệ sinh môi trường và vệ sinh công nghiệp; ngăn ngừa, xử lý và hạn chế các dịch bệnh, bệnh ngoài da, bệnh nghề nghiệp và các loại bệnh khác; tạo các điều kiện để bảo đảm mọi dịch vụ và sự chăm sóc y tế khi đau yếu.

Quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe là những điều ước cơ bản về QCN mà Việt Nam đã phê chuẩn và có nghĩa vụ pháp lý trong việc thực hiện.

Để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế công, Luật Quốc tế về QCN quy định, kể cả trong bối cảnh của đại dịch, các quốc gia vẫn cần tuân thủ các nghĩa vụ cơ bản nhằm bảo đảm sự tôn trọng phẩm giá và QCN. Tuy nhiên, các quốc gia được phép thực hiện một số biện pháp ứng phó với dịch bệnh, như: cách ly xã hội, phong tỏa, đóng cửa biên giới hay thậm chí là ban bố tình trạng khẩn cấp. Để thực hiện những biện pháp này, các quốc gia có thể hạn chế một số QCN hay tạm thời không ưu tiên một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ được tôn trọng, bảo vệ và thực thi một số QCN nhất định như quyền tự do đi lại, quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc làm, quyền tự do kinh doanh, quyền được học tập, quyền tự do hội họp…

Tuy nhiên, không phải tất cả các QCN đều có thể bị hạn chế, kể cả khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, các quốc gia vẫn phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với một số QCN. Chẳng hạn, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền không bị tra tấn và trừng phạt hay đối xử vô nhân đạo, hạ nhục, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị giam giữ vì lý do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, quyền được tiếp cận với lương thực, thực phẩm, nước uống và chăm sóc y tế ban đầu…, là những quyền luôn cần được bảo đảm, kể cả trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Cần lưu ý rằng, các quyết định mà nhiều quốc gia đưa ra để hạn chế QCN trong tình trạng khẩn cấp cũng là nhằm bảo vệ chính QCN.

Một số quốc gia hiện đang khuyến cáo người dân quốc gia mình giảm bớt hội họp đông người, cấm mở cửa một số dịch vụ nhằm bảo vệ nền y tế công đang trong tình trạng khẩn cấp quốc gia nếu dịch bệnh lây lan nhanh. Những quyết định này được xem xét dựa trên tính hợp pháp, hợp lý và trước thực tiễn cấp bách. Để cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các quốc gia về nguyên tắc, điều kiện thực hiện hạn chế quyền hay tạm rút lui nghĩa vụ thực hiện một số quyền của Nhà nước, Hội đồng kinh tế và xã hội Liên hiệp quốc đã thông qua Nguyên tắc Siracusa (năm 1984).

Bảo đảm QCN, đặt con người ở trung tâm của mọi chính sách phát triển, thực hiện các điều ước quốc tế về QCN mà Việt Nam là thành viên…, đó là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, với việc thông qua Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện một thay đổi lớn trong nhận thức về QCN và việc bảo đảm QCN ở Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý và là tiền đề quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan khác tiếp tục việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về QCN nói riêng.

Ngay sau khi thông qua, dư luận trong nước và nước ngoài đặc biệt đánh giá cao những quy định cởi mở về QCN, được thể hiện trong Chương II cũng như xuyên suốt toàn bộ Hiến pháp năm 2013. Theo đó, mọi người có quyền sống, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nhà ở, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; được pháp luật bảo hộ quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác theo quy định của luật.

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19, yêu cầu đặt ra đối với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là cần phải có những giải pháp cấp thiết để bảo vệ tính mạng con người. Bởi lẽ, tính mạng con người là giá trị cao nhất của QCN và Việt Nam đang nỗ lực hết mình để làm điều thiêng liêng và ý nghĩa đó.

Là quốc gia nằm kề Trung Quốc (nơi khởi phát dịch Covid-19), Việt Nam từng bị đánh giá là sẽ ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Dù phải đối mặt với khủng hoảng y tế có quy mô toàn cầu, Việt Nam vẫn đang là hình mẫu trong phòng, chống dịch Covid-19 theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như: Liên hiệp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới…

Lý giải về kết quả khả quan trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó chính là sự đoàn kết, thống nhất từ Trung ương Đảng, Chính phủ tới các cấp chính quyền và tới từng người dân. Cùng với đó, Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch truyền thông rộng khắp, liên tục về phòng tránh sự lây lan của dịch Covid-19 nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ sức khỏe của bản thân trước mối nguy hiểm từ dịch bệnh Covid-19 và những chính sách, pháp luật bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó là niềm tin của xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Niềm tin ấy xuất phát từ việc Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang đặt sức khỏe, tính mạng con người lên vị trí cao nhất trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Ngay từ khi dịch Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích về kinh tế để phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân.

Thực tế diễn biến thời gian qua, không một bệnh nhân Covid-19 nào ở Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) bị “bỏ lại phía sau”. Không một mối nguy hại nào đối với cộng đồng mà không được chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm. Điều đặc biệt trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao là Chính phủ hỗ trợ điều trị miễn phí hoàn toàn cho người nhiễm virus SARS-CoV-2 và miễn phí sinh hoạt đối với người được cách ly. Hơn nữa, người được cách ly phòng, chống Covid-19 còn luôn nhận được sự quan tâm hết mực, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ từ lực lượng làm nhiệm vụ, trong đó nòng cốt là quân đội, công an và y tế.

Chính sách đặt con người ở vị trí cao nhất trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam còn thể hiện bao trùm trên phạm vi toàn xã hội. Đó là việc đẩy mạnh đầu tư công nhằm xây dựng những công trình thiết yếu phát triển kinh tế, tạo việc làm; giảm mạnh lãi suất điều hành, giãn, hoãn thuế để “tiếp lửa” cho doanh nghiệp… Triển khai gói an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người yếu thế, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Chính sách này cũng góp phần dưỡng sức, tái sản xuất sức lao động, là động lực tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới. Về đối tượng được hưởng chính sách, theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ gồm 7 nhóm đối tượng, trong đó 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách, 1 nhóm đối tượng được doanh nghiệp hỗ trợ từ khoản vay lãi suất ưu đãi 0%. Mức hỗ trợ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thủ tướng Chính phủ lưu ý các đối tượng rất cần quan tâm, cần được hỗ trợ, trước hết là hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người có công, thu nhập giảm sâu do dịch Covid-19. Hiện nay, gói hỗ trợ này vẫn đang được tiếp tục triển khai thực hiện.

Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên thế giới; thiên tai, bão lũ đang hoành hành trên khắp dải đất miền Trung của Việt Nam thì Đảng và Nhà nước đang dành quyền ưu tiên cao nhất để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Bảo vệ quyền ưu tiên này cũng chính là bảo vệ và phát huy giá trị cốt lõi của chế độ XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948.
3. Đại học Quốc gia Hà Nội. Các Văn kiện quốc tế về quyền con người. H. NXB Lao động Xã hội, 2011.

ThS. Phan Quang Trung
Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng