Tăng cường quản lý nhà nước về vốn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

(Quanlynhanuoc.vn) – Với giá trị viện trợ ngày càng tăng, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã góp phần trực tiếp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài vẫn còn một số hạn chế, như: công tác kiểm tra, giám sát vốn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn hạn chế; vốn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chưa được điều phối thật sự hợp lý.

 

Ảnh minh họa.

1. Cùng với chính sách đổi mới, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đã vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn, triển khai nhiều hoạt động viện trợ và có đóng góp nhất định cho xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có quan hệ hợp tác với trên 900 tổ chức PCPNN, trong đó trên 600 tổ chức có hoạt động thường xuyên. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong giai đoạn 2001 – 2019, vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN giải ngân đạt trên 4 tỷ USD1.

Tác dụng của hoạt động và vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN được nhìn nhận trên một số phương diện quan trọng là: hỗ trợ giải quyết một số khó khăn về kinh tế – xã hội ở các vùng có dự án; đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan đối tác và người dân trong các vùng dự án; giới thiệu và ứng dụng thành công một số mô hình phù hợp trong phát triển; hỗ trợ cho một số hoạt động lập pháp, xây dựng chính sách, giáo dục và đào tạo trong và ngoài nước…

Trong nhiều năm qua, các tổ chức PCPNN đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giảm nghèo của thế giới, các lĩnh vực hỗ trợ phát triển nông thôn và xóa đói, giảm nghèo, trong đó có tham gia tích cực vào Việt Nam.

Ở Việt Nam, tổ chức PCPNN vào hoạt động tại Việt Nam từ nhiều thập kỷ qua và có những thay đổi gắn liền với những giai đoạn lịch sử cụ thể của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Kể từ năm 1986, nhờ chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hợp tác với tổ chức PCPNN, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân các nước, số lượng tổ chức PCPNN có quan hệ với Việt Nam tăng lên và giá trị viện trợ cũng ngày càng tăng.

2. Công tác QLNN về vốn viện trợ của tổ chức PCPNN ở Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác quản lý vốn viện trợ của tổ chức PCPNN ở Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Cụ thể:

Một là, việc thu hút vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN chưa phát huy hết tiềm năng. Tuy đã tranh thủ được một nguồn vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN khá lớn, nhưng so với tổng giá trị nguồn vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN trên thế giới, giá trị nguồn viện trợ này vào Việt Nam còn thấp. Chẳng hạn, năm 2011, trong tổng giá trị nguồn viện trợ phi chính phủ trên thế giới, ước đạt khoảng 32 tỷ USD (theo thống kê của OECD), thì viện trợ của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam tương đương 0,95%. Năm 2019, vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam ở mức gần 400 triệu USD, tương đương với 0,55% của tổng vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN (bao gồm cả ODA giải ngân thông qua các tổ chức PCPNN)2. Ngoài ra, nếu tính giá trị viện trợ của các tổ chức PCPNN theo đầu người thì giá trị này ở Việt Nam chỉ bằng 1/4 của Lào và bằng 1/5 của Cam-pu-chia3. Như vậy, không gian để thu hút và tranh thủ vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN để hỗ trợ cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam còn khá rộng.

Hai là, ngược lại với xu hướng của những năm trước đó, vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN vào Việt Nam vài năm gần đây có xu hướng giảm nhẹ. Năm 2016, giá trị giải ngân vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN đạt 297 triệu USD (giảm trên 2% so với năm 2015). Năm 2019, giá trị giải ngân vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN đạt gần 280 triệu USD Mỹ (giảm trên 5,7% so với năm 2015, tương đương với giảm 8,2% so với các năm đạt giá trị viện trợ cao nhất là 2011 và 2014)4.

Ba là, trong một số trường hợp, hiệu quả của viện trợ của các tổ chức PCPNN không cao. Nguồn viện trợ của một số tổ chức PCPNN, nhất là các tổ chức PCPNN có ngân sách nhỏ, còn dàn trải ở nhiều địa phương, chi phí hành chính lớn. Chẳng hạn, một số tổ chức PCPNN có ngân sách viện trợ tại Việt Nam chỉ ở mức dưới 100.000 USD, nhưng triển khai tài trợ các dự án ở hàng chục tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam. Ngân sách cho mỗi dự án và mỗi địa phương vì thế rất nhỏ, trong khi nhân viên của tổ chức này phải đi lại nhiều lần để khảo sát, triển khai, kiểm tra, giám sát và đánh giá, dẫn đến tỷ lệ chi hành chính trên giá trị viện trợ là rất cao.

Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN của các cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức của Việt Nam còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Theo các quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam, các cơ quan chức năng, của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức của Việt Nam có hợp tác, nhận tài trợ của các tổ chức PCPNN phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá vốn và việc sử dụng vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN. Tuy nhiên, việc không thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá vốn và việc sử dụng vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN cùng với việc thiếu một hệ thống hỗ trợ giám sát, đánh giá dẫn tới khó xác định chính xác và tin cậy hiệu quả của vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN.

Năm là, vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN chưa được điều phối thật sự hợp lý. Một số vùng và địa phương nghèo, khó khăn nhưng nhận được ít viện trợ của các tổ chức PCPNN. Ví dụ, trong cả giai đoạn 2001 – 2019, vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN giải ngân cho các tỉnh Nam Trung Bộ chiếm chưa đến 10%, Tây Nam Bộ trên 7% và Tây Nguyên chỉ chiếm 3%. Trong khi đó, các tỉnh đồng bằng sông Hồng chiếm gần 18%, Đông Nam Bộ chiếm gần 13%…5.

3. Thực trạng trên cho thấy, công tác QLNN về vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN ở Việt Nam bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế, cần được khắc phục kịp thời. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác QLNN về vốn viện trợ của tổ chức PCPNN ở Việt Nam, chúng ta cần tập trung các giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện các văn bản pháp quy hiện hành có liên quan, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động và vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN.

(1) Bổ sung, sửa đổi các quy định về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN. Trước hết, cần xem xét sửa đổi Quy chế về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam theo hướng:

Đơn giản hóa yêu cầu về hồ sơ đăng ký, gia hạn, bổ sung, sửa đổi các loại giấy đăng ký (bao gồm Giấy đăng ký hoạt động, Giấy đăng ký lập Văn phòng dự án và Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện). Cụ thể, quy định mới nên nêu rõ các loại giấy tờ được yêu cầu, cung cấp biểu mẫu (như đơn đăng ký, đơn gia hạn, bổ sung, sửa đổi giấy đăng ký, mẫu kế hoạch hoạt động dự kiến tại Việt Nam…).

Đơn giản hóa cách thức các tổ chức PCPNN nộp hồ sơ xin cấp, gia hạn, bổ sung và sửa đổi các loại giấy đăng ký theo hướng có thể nộp hồ sơ qua thư điện tử (hồ sơ gốc có thể chuyển đến cơ quan tiếp nhận khi trả kết quả), qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận.

Quy định trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc đóng góp ý kiến với hạn định thời gian cụ thể và ngắn hơn. Đồng thời, cần có quy định trong thời hạn đã nêu, nếu bộ, ngành và địa phương nào không có ý kiến trả lời thì coi như đồng ý với yêu cầu thẩm định, góp ý kiến. Có như vậy mới khắc phục được triệt để tình trạng một số bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm hoặc không trả lời cơ quan chủ trì thẩm định hồ sơ xin cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi giấy đăng ký.

(2) Xây dựng và ban hành chương trình quốc gia xúc tiến vận động vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN. Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ của các tổ chức PCPNN giai đoạn 2017 – 2019 đã kết thúc. Vì vậy, cần xây dựng một chương trình cho giai đoạn tiếp theo, về thời gian đến năm 2025 để phù hợp về thời gian với các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam theo hướng:

– Gắn liền với những nội dung và định hướng của các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước như: Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2020 – 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2020 – 2025, Chiến lược phát triển bền vững… Cần tham chiếu các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước để khuyến khích các tổ chức PCPNN tham gia đóng góp.

– Phù hợp với chính sách và ưu tiên của các tổ chức PCPNN về lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, giải quyết hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…, địa bàn nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm đối tượng hưởng lợi nhất là các nhóm yếu thế. Nhiều tổ chức PCPNN hiện đang dành sự quan tâm và ưu tiên cao cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Thứ hai, giải pháp nâng cao tính chủ động và năng lực của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong quan hệ với các tổ chức PCPNN.

(1) Chủ động định hướng ưu tiên về lĩnh vực, địa bàn và nội dung trong hợp tác với các tổ chức PCPNN thông qua việc xây dựng kế hoạch xúc tiến vận động viện trợ của các tổ chức PCPNN, phù hợp với định hướng của Chương trình quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc định hướng ưu tiên chính thức như vậy cũng giúp các tổ chức PCPNN lập kế hoạch triển khai tài trợ chủ động, thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu thực tế nhiều hơn. Đồng thời, việc định hướng ưu tiên hợp tác với các tổ chức PCPNN cũng giúp tránh sự trùng lặp với việc sử dụng các nguồn lực khác, tạo điều kiện phát huy hiệu quả của các nguồn lực khác nhau trong thực hiện nhiệm vụ.

(2) Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức Việt Nam tăng cường cung cấp và chia sẻ thông tin về nhu cầu và ưu tiên của ngành, địa phương với các tổ chức PCPNN. Hình thức chia sẻ thông tin có thể thực hiện gồm trực tiếp khi làm việc với các tổ chức PCPNN hoặc tại các hội nghị, hội thảo; thông qua phát hành các ấn phẩm, tài liệu; đặc biệt có thể đưa lên mạng internet để các tổ chức tài trợ, các tổ chức PCPNN và cá nhân quan tâm tìm kiếm, nghiên cứu.

(3) Các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng năng lực cho cơ quan đầu mối và các cơ quan, tổ chức trực thuộc của về công tác với các tổ chức PCPNN. Nội dung gồm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan; phương pháp tiếp cận và vận động tài trợ từ các tổ chức PCPNN; theo dõi, giám sát, đánh giá các dự án do các tổ chức PCPNN tài trợ….

(4) Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức Việt Nam chủ động, tích cực tìm kiếm và nghiên cứu các tổ chức PCPNN có lĩnh vực, địa bàn và ưu tiên hoạt động phù hợp, thiết lập quan hệ và đề xuất các chương trình, dự án hợp tác cụ thể.

Thứ ba, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đầu mối quốc gia về công tác với các tổ chức PCPNN.

(1) Tăng cường phổ biến thông tin, hướng dẫn cho các bộ, ngành, tổ chức nhân dân và các địa phương Việt Nam, về các tổ chức PCPNN, lĩnh vực ưu tiên tài trợ và khả năng thiết lập quan hệ hợp tác, để các bộ, ngành, tổ chức nhân dân và các địa phương Việt Nam có thể chủ động nghiên cứu, tiếp cận và thiết lập quan hệ với các tổ chức PCPNN tiềm năng. Các biện pháp cụ thể gồm tổ chức các hội nghị, hội thảo, xuất bản và phổ biến tài liệu hướng dẫn, cung cấp thông tin trên trang tin điện tử chính thức… Cần chú trọng cung cấp thông tin trên trang tin điện tử do đây là biện pháp hiệu quả, giúp tiếp cận thông tin nhanh hơn.

(2) Tăng cường phổ biến, hướng dẫn các tổ chức PCPNN về các quy định của Nhà nước Việt Nam, trong đó có quy định về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN, quy định về quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức PCPNN, các quy định liên quan khác, để giúp các tổ chức PCPNN hoạt động thuận lợi và đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Hình thức phổ biến và hướng dẫn có thể bao gồm: cán bộ hướng dẫn trực tiếp; thông qua các hội nghị, hội thảo; phát hành các tài liệu hướng dẫn, cẩm nang, sổ tay; phổ biến các tài liệu hướng dẫn lên mạng internet (thông qua trang tin điện tử của cơ quan đầu mối quốc gia và cơ quan đầu mối của các bộ, ngành, địa phương…).

(3) Đẩy mạnh việc xúc tiến vận động nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN bằng nhiều hình thức như cung cấp thông tin, tổ chức hội nghị, hội thảo, làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp với các tổ chức phi chính phủ; mở rộng công tác xúc tiến vận động với các doanh nghiệp, quỹ tư nhân, cơ quan chính phủ các nước để tăng cường sự ủng hộ về nguồn lực tài chính cho các tổ chức PCPNN hoạt động tại Việt Nam.

(4) Tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ với các tổ chức PCPNN thường xuyên, định kỳ và đột xuất để lắng nghe ý kiến, kiến nghị, hướng dẫn, cung cấp thông tin về những ưu tiên, đề xuất của các bộ, ngành, tổ chức nhân dân và các địa phương Việt Nam…

(5) Nghiên cứu, đề xuất những chính sách khuyến khích các tổ chức PCPNN đến Việt Nam để triển khai viện trợ. Các chính sách khuyến khích này có thể bao gồm ưu đãi về thuế (thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài làm việc cho các tổ chức PCPNN, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, trang thiết bị… trong các dự án do tổ chức PCPNN tài trợ, nhập khẩu miễn thuế trang thiết bị văn phòng đại diện…).

(6) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức PCPNN và vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN để bảo đảm thông thoáng về thủ tục, phát huy được hiệu quả viện trợ trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước song vẫn chặt chẽ trong quản lý hoạt động và vốn viện trợ của các tổ chức PCPNN.

(7) Lựa chọn, bố trí cán bộ đủ năng lực, phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan đầu mối cấp quốc gia trong công tác với các tổ chức PCPNN; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ này để có thể vận động, hướng dẫn các tổ chức PCPNN trong quá trình tiến hành viện trợ tại Việt Nam và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong quan hệ với các tổ chức PCPNN.

(8) Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác với các tổ chức PCPNN của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức Việt Nam. Nội dung đào tạo, tập huấn có thể bao gồm: tình hình các tổ chức PCPNN nói chung; phương thức và ưu tiên trong hoạt động của các tổ chức PCPNN; các kỹ năng, như: đàm phán, ký kết, thiết kế, triển khai, giám sát, đánh giá dự án từ nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN…

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5. Ủy ban Điều phối viện trợ nhân dân. Báo cáo thống kê về viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam (2001 – 2019). Hà Nội, 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại theo nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài cho Việt Nam.
 ThS. Trần Doãn Quân
Học viện Chính trị Công an nhân dân