Vai trò của Chiến lược vắc-xin trong chiến thắng đại dịch covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện tại, Việt Nam đang cố gắng hết sức, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân để phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Có hai vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý là tìm nguồn cung vắc-xin và kinh phí dùng mua vắc-xin trong điều kiện tài chính hạn hẹp. Chính phủ và người dân Việt Nam cần làm gì để nhanh chóng có miễn dịch cộng đồng.
Biểu đồ số ca mắc mới Covid-19 theo ngày trong tháng 5-2021, tính đến 18 giờ ngày 28-5. (Ảnh: Bộ Y tế)
Covid-19, hiện trạng và những cách tiếp cận

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những thay đổi, tác động tiêu cực sâu rộng mọi mặt đời sống trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Những lúc đỉnh điểm của dịch, trên toàn thế giới có hàng trăm triệu người sống trong các vùng cách ly, phong toả và các trung tâm cách ly. Tranh cãi, rạn nứt các mối quan hệ truyền thống cũng xảy ra khi thế giới “điên đảo” vì tốc độ lây lan của vi-rút, về các biện pháp phòng, chống cũng như những hệ quả của dịch bệnh gây ra đối với mọi mặt đời sống xã hội.

Các nước Phương Tây với sự tự tin về hệ thống và đội ngũ y tế hùng mạnh đã từng xem nhẹ căn bệnh này, đã từng có chủ trương thả nổi tạo miễn dịch cộng đồng. Hậu quả là những ngày đen tối nhất đã xảy ra ở Italia, Pháp, Đức, Anh, Ấn Độ, đặc biệt là Mỹ, Ấn Độ khi mỗi ngày có hàng trăm nghìn ca bệnh mới, hàng chục nghìn người chết. Tất cả bệnh viện quá tải, đội ngũ y tế kiệt sức, vật tư y tế cạn kiệt. Những nước này sau đó cũng phải chấp nhận thực hiện những biện pháp mạnh như: hạn chế đi lại, giãn cách, phong toả để làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch bệnh và giảm nhẹ gánh nặng với hệ thống y tế.

Khác với các nước phát triển, các nước đang phát triển, chậm phát triển thực hiện các biện pháp phòng ngự chủ động do ý thức được năng lực phục vụ của hệ thống y tế và sự nguy hiểm của bệnh có thể gây sụp đổ hệ thống y tế. Kết quả là những nước này, trong đó có Việt Nam trở thành hình mẫu chống dịch covid-19. Tuy nhiên, đó chỉ là các biện pháp phòng thủ, hay như theo các chuyên gia quốc tế thì đó chỉ là biện pháp kéo dài thời gian để chờ sự ra đời của các biện pháp triệt để hơn, như: thuốc đặc trị hoặc vắc-xin phòng ngừa.

Bản thân các biện pháp chống dịch mạnh của các nước đã và đang thực hiện, như: đóng cửa biên giới, hạn chế các loại hình dịch vụ, phong toả, giãn cách… đã đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế, đến sức khoẻ của doanh nghiệp và thu nhập của người dân. Thậm chí ngay chính bản thân các nước thực hiện tốt chiến dịch phòng thủ trước đó thì hiện nay cũng đang đứng trước áp lực cực lớn. Singapore, Thái Lan, Indonesia, Lào, Cam-pu-chia đang vật lộn với đợt tấn công dữ dội nhất của bệnh dịch kể từ đầu dịch. Malaysia cũng ghi nhận gần chục nghìn ca nhiễm mỗi ngày với tổng số người mắc bệnh lên tới hơn 525 nghìn và tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn ở Phillipines. Từ cuối năm ngoái, con số ca nhiễm mới luôn ở trên 10 nghìn, có ngày con số còn chạm ngưỡng 15 nghìn, khiến mọi hoạt động như tê liệt. Theo các chuyên gia dịch tễ học trên thế giới, con số thực tế tại các nước kể trên có thể còn cao hơn nhiều do năng lực xét nghiệm có hạn và vì thế nguy cơ bùng phát trên diện rộng, thậm chí dẫn tới thảm hoạ là luôn luôn hiện hữu.

Việt Nam cũng đang bị dịch Covid-19 lây lan với làn sóng lần thứ tư. Chỉ tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng hơn 3.000 ca nhiễm mới tại 30 tỉnh, thành phố và số ca nhiễm không ngừng tăng lên hằng ngày, có ngày lên tới gần 400 ca. Hiện nay, do biến chủng B1617 từ Ấn Độ với tốc độ lây lan nhanh, số ca dương tính tăng ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một số địa phương khác.

Chiến lược vc-xin

Nguyên lý hoạt động của vắc-xin là tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể bằng cách đưa kháng nguyên của một loại vi-rút cụ thể vào cơ thể thông qua các liều tiêm. Khi một người đã được tiêm vắc-xin thì trên lý thuyết người đó được miễn nhiễm với căn bệnh đã tiêm. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể tiêm vắc-xin được, những người có hệ miễn dịch yếu hay dị ứng với một số thành phần của vắc-xin không được phép tiêm. Tuy nhiên, nếu số người tiêm vắc-xin tăng lên thì mầm bệnh khó tồn tại trong cộng đồng và nguy cơ phơi nhiễm của những người không được tiêm sẽ giảm xuống thấp. Trạng thái đó được gọi là miễn dịch cộng đồng. Đây chính là mục tiêu của tất cả chiến dịch tiêm chủng hàng loạt.

Các loại vắc xin COVID-19 có hiệu quả bảo vệ khác nhau, nhưng rất khó để so sánh vì nhiều lý do – Ảnh: HealthCare

Nhờ sự phát triển vũ bão của khoa học-công nghệ, vắc-xin Covid-19 đã ra đời trong thời gian sớm kỷ lục. Tuy nhiên, do quy mô dịch bệnh quá lớn, hiện vấn đề lớn nhất là năng lực sản xuất và phân phối vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc tiếp cận vắc-xin là vấn đề rất lớn đối với dân số thế giới, đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.

Vào thời điểm hiện nay, có tới 97 loại vắc-xin đã kết thúc hoặc đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (trong đó có vắc-xin Covivac của Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2; số ứng viên đang được thử nghiệm tiền lâm sàng vắc-xin Covivac là 183).

Hiện những loại vắc-xin được xem là có khả năng tạo miễn dịch tốt nhất như Pfizer hay Moderna của Mỹ đang gặp những khó khăn nhất định trong việc phổ biến rộng rãi do yêu cầu công nghệ sản xuất rất cao, không nhiều cơ sở sản xuất trên thế giới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu bảo quản nhiệt độ thấp (-70oC) khiến việc vận chuyển và cất giữ gặp nhiều cản trở.

Rõ ràng, điều cả thế giới chờ đợi nhất hiện nay chính là một phác đồ điều trị hiệu quả và nguồn cung vắc-xin dồi dào bảo đảm đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian ngắn nhất. Với trình độ công nghệ vượt trội và tiềm lực tài chính dồi dào, một số nước phương Tây và quốc gia dầu mỏ đã đạt tỷ lệ tiêm chủng ấn tượng và các hoạt động kinh tế đã bắt đầu sôi động trở lại.

Điểm chung của các nước đang trong làn sóng nhiễm Covid-19 mới hiện tại là tỉ lệ tiêm vắc-xin trong dân chúng còn rất thấp. Bất chấp nỗ lực của chính quyền trong nỗ lực truy vết, cách ly, phong toả nhưng những làn sóng sau luôn nghiêm trọng hơn làn sóng trước đó.

Mỹ là một ví dụ thành công khi tiến hành chiến dịch tiêm chủng vũ bão nhờ sự quyết đoán của nguyên tổng thống D. Trump và sau này là J. Biden. Chỉ nội trong chưa đầy hai tháng Mỹ đã phê duyệt khẩn cấp 3 loại vắc-xin (Pfizer_BioNTech Covid-19 ngày 10/12/2020; Moderna ngày 17/12/2020 và Johnson&Johnson ngày 27/02/2021) trong điều kiện các nghiên cứu vẫn tiếp tục.

Không nơi nào trên thế giới đạt công suất tiêm chủng ấn tượng như Mỹ khi tiêm chủng cho hàng trăm triệu người chỉ trong một thời gian rất ngắn. Ngay tại nhiệm sở, Tân Tổng thống J.Biden đã công khai mục tiêu tiêm 100 triệu liều vắc-xin trong 100 ngày làm Tổng thống đầu tiên và con số đó đạt được chỉ sau 60 ngày.

Ngay sau khi đạt mục tiêu, Tổng thống Mỹ liền đặt ra mục tiêu mới, tiêm 200 triệu liều trong 100 ngày đầu tiên nhiệm sở. Và, đến ngày 21/4 nhiệm vụ đã hoàn thành. Có những thời điểm đỉnh cao như ngày 03/4/2021 đã có tới hơn 4 triệu liều vắc-xin được tiêm cho người dân.

Cũng như nhiều nơi trên thế giới, quyết định tiêm chủng mở rộng ở Mỹ gây tranh cãi rất lớn trong giới chuyên gia cũng như trong dân chúng. Sự miễn cưỡng, làn sóng phản đối xảy ra khắp nơi, thậm chí đến lúc này nước Mỹ vẫn đang phải tiếp tục vận động những người không sẵn sàng tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chiến dịch tiêm chủng đã bắt đầu mang lại những kết quả rõ ràng khi số ca nhiễm mới và số ca tử vong đã giảm xuống thấp nhất từ đầu dịch. Thấp tới mức nước Mỹ có thể tự tin vào sức chịu đựng của hệ thống y tế và các hoạt động đã bắt đầu trở lại.

Chính phủ và người dân Việt Nam cần làm gì để nhanh chóng có miễn dịch cộng đồng?

Trên toàn thế giới tính tới thời điểm hiện nay đã có tổng số 1,74 tỷ liều vắc-xin được tiêm, trong đó 403 triệu người đã được tiêm đủ liều. Số người tiêm đủ liều chiếm 5% tổng dân số thế giới. Những quốc gia dẫn đầu trong tiêm chủng có thể kể đến là Mỹ (288 triệu mũi tiêm, 131 triệu người đã tiêm đủ, chiếm 39,9% dân số), Trung Quốc (547 triệu mũi), Anh (23,6 triệu người đã tiêm đủ liều, chiếm 35,4% dân số), Chi-lê (7,82 triệu người đã tiêm đủ liều, chiếm 41,2% dân số), Israel (5,12 triệu người đã tiêm đủ liều, chiếm 56,6% dân số)…

Tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên y tế. Ảnh: dangcongsan.vn

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiêm được cho khoảng 1 triệu người, trong đó, số người tiêm đủ hai mũi là 28.522 người. Như vậy, số người được tiêm vắc-xin mới đạt khoảng 1% dân số, tỷ lệ số người tiêm đủ liều/dân số còn là con số rất hạn chế, rất thấp so với mức trung bình của thế giới.

Nhận rõ tầm quan trọng của vắc-xin trong công tác phòng dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo đẩy nhanh, thần tốc chiến dịch vắc-xin và cũng đã có những chỉ đạo cụ thể để trong thời gian ngắn tình hình tiêm chủng vắc-xin được cải thiện và chúng ta có thể nghĩ tới miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Những mục tiêu của chiến lược vắc-xin đã rõ, như giúp giảm thiểu áp lực lên hệ thống y tế; giảm nhẹ triệu chứng và tỷ lệ tử vong, mở lại các hoạt động từng có trước đây của xã hội và cuối cùng là loại bỏ vi-rút vĩnh viễn.

Để đẩy nhanh được tốc độ chiến lược tiêm vắc-xin, khuyến nghị Chính phủ cần thực hiện các biện pháp cấp bách sau:

Một là, tiếp tục truy vết, khoanh vùng dập dịch tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát mất kiểm soát.

Hai là, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của vắc-xin và tiêm vắc-xin phòng dịch như là một trách nhiệm bảo vệ cộng đồng.

Ba là, cung cấp kiến thức về vắc-xin cho người dân nghiên cứu và chuẩn bị tâm lý trước khi tiêm.

Bốn là, công bố danh mục vắc-xin được phép lưu hành để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu tiêm đối với từng loại vắc-xin. Từ đó xác định chính xác nhu cầu vắc-xin trong dân để phục vụ tốt hơn.

Năm là, huy động nguồn lực, tiến hành các cuộc đàm phán thương mại mua vắc-xin từ nhiều nguồn khác nhau.

Sáu là, chuẩn bị công tác hậu cần, bảo quản vắc-xin theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất và nhân lực y tế để nâng tối đa công suất tiêm phòng trên quy mô cả nước.

Bài toán nguồn cung vắc-xin

Về nguồn cung vắc-xin thì hiện trên thế giới cũng chưa có nhiều lựa chọn ngoài AstraZeneca thì người ta nhắc nhiều nhất tới 3 loại vắc-xin của Mỹ, gồm có: Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson. Ngoài ra, còn có Spunik V của Nga và một số loại khác ít tên tuổi hơn. Cũng không loại trừ nguồn cung trong nước khi vắc-xin made in Vietnam Covivac đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và nhiều khả năng sẽ đi vào sản xuất đại trà từ giữa năm 2022.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax mũi 2 sáng 26/3. Ảnh: Minh Khôi

Trước mắt có một điều chắc chắn để chiến dịch vắc-xin được diễn ra nhanh chóng Việt Nam cần sự chung tay của toàn xã hội. Lãnh đạo Nhà nước, chính quyền các cấp đã bắt đầu kêu gọi sự ủng hộ tài chính của các tổ chức, cá nhân để gây quỹ mua vắc-xin. Để khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc chia sẻ chi phí mua vắc-xin, những việc làm như sau cần được cân nhắc:

– Công bố số liệu cụ thể số lượng vắc-xin cần thiết và các đối tượng thuộc diện tiêm vắc-xin;

– Ước tính ngân sách cần để mua vắc-xin và các hoạt động hỗ trợ khác để vắc-xin tới được người dân;

– Lộ trình với các mục tiêu cụ thể. Ví dụ số mũi tiêm mỗi ngày thực hiện để tất cả có một khái niệm về thời điểm chiến thắng dịch bệnh;

– Công khai dự kiến nguồn kinh phí còn thiếu cần huy động, cập nhật thường xuyên và dừng tiếp nhận ngay khi đã đủ;

– Cho phép các đơn vị tư nhân có đủ chuyên môn và năng lực tài chính tự tìm kiếm các nguồn cung cấp vắc-xin dựa trên danh mục vắc-xin được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, đàm phán mua và tự tổ chức tiêm dịch vụ cho các đối tượng phù hợp.

Những khuyến nghị trên nhằm mục tiêu khai thác tối đa nguồn lực nội tại và nâng cao sự tin tưởng của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp vào sự minh bạch của việc huy động vốn hỗ trợ và rút ngắn thời gian tiêm chủng nhất có thể, để Việt Nam có thể tận dụng ngay những cơ hội đầu tiên khi thế giới trở lại trạng thái bình thường.

Sự phản ứng nhanh chóng trước một dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử của toàn nhân loại đã mang lại những hứa hẹn tươi sáng về tương lai chiến thắng đại dịch. Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhất trên thế giới, vì thế toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải chung sức, đồng lòng để giữ vững thành quả đạt được vì mục tiêu kép: kiềm chế dịch bệnh hiệu quả và phát triển kinh tế.

Để hoàn thành mục tiêu kép thì bài toán vắc-xin cần có một lời giải thoả đáng. Với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp, chia sẻ gánh nặng kinh phí cùng Chính phủ trong chiến dịch vắc-xin để mốc miễn dịch cộng đồng đến sớm nhất có thể.

ThS. Nguyễn Thanh Tùng
Học viện Hành chính Quốc gia