Phát triển thị trường lao động thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực trên toàn thế giới cũng như Việt Nam, trong đó thị trường lao động là một trong lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Lao động các ngành dệt may, da giày… giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)
Tác động của Covid-19 đến thị trường lao động

Khủng hoảng dịch bệnh Covid – 19 đặt ra nhiều thách thức mới về bảo đảm an ninh việc làm. Việc xuất hiện dịch bệnh đã làm đứt gãy sự vận hành thông thường của cấu trúc sản xuất và thương mại toàn cầu, ít nhất trong ngắn hạn. Các thị trường tiêu thụ lớn đình trệ dẫn tới đứt gãy tạm thời trong chuỗi cung ứng, xảy ra cả ở cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Thị trường lao động (TTLĐ) thời Covid -19 được đánh giá sẽ có tác động sâu rộng đến kết quả TTLĐ, việc làm. Cung lao động đang giảm vì các biện pháp cách ly và suy giảm hoạt động kinh tế. Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến TTLĐ với số lao động có việc mức giảm mạnh nhất trong 10 năm qua.

Theo số liệu từ Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2020, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm trước bao gồm 17,5 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 7,2% so với năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 16,5 triệu người, tăng 0,3%; khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, tăng 0,1%.

Tính chung năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp chung ước tính là 2,26% (quý I là 2,02%; quý II là 2,51%, quý III là 2,29, quý IV là 2,16%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,61%; khu vực nông thôn là 1,59%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,48% (quý I là 2,22%; quý II là 2,73%; quý III là 2,5%; quý IV là 2,37%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,88%; khu vực nông thôn là 1,75%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 – 24 tuổi) năm 2020 ước tính là 7,1%, trong đó khu vực thành thị là 10,63%; khu vực nông thôn là 5,45%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,51% (quý I/2020 là 2,21%; quý II là 3,08%; quý III là 2,79%; quý IV là 1,89%), trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,68%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,93%1.

Trong khi đó, theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), năm 2020, cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 1,34 triệu người, đạt 83,3% kế hoạch và bằng 81,2% so năm 2019, trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 1,27 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 ước tính là 64,5%, tăng 3,3% so năm 2019; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ là 24,5%, tăng 1,4% so năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2020 tiếp tục duy trì mức dưới 4% (đạt kế hoạch đề ra)2. Về lĩnh vực việc làm, tính hết năm 2020, sau khi thực hiện các quy định mới theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 214.900 người lao động. Trong đó, Quỹ Quốc gia về việc làm đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 51.862 lao động3.

Từ số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số DN, tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 44,1 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179 nghìn DN, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14,9 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động4.

Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch Covid-19, số lượng DN tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể cũng cao không kém. Cụ thể, số liệu từ Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV/2020 và năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020 có 101,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước, bao gồm: 46,6 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,5 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường5. Đến nay, khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi, mặc dù tình hình kinh tế cũng như lao động – việc làm gặp khó khăn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế – xã hội nói chung dần ổn định trở lại, sản xuất – kinh doanh được khôi phục. Thị trường lao động Việt Nam phục hồi nhanh chóng, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường…

Định hướng phát triển thị trường lao động trong bối cảnh mới

Ngày 05/02/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 176/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ phát triển TTLĐ đến năm 2030. Trong đó, quan điểm đặt ra là phát triển TTLĐ toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đồng thời, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển TTLĐ thông qua việc hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển TTLĐ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động trong nước gắn với TTLĐ quốc tế.

Chương trình hỗ trợ phát triển TTLĐ đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu chung là tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố TTLĐ, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối TTLĐ trong nước với TTLĐ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong Chương trình hỗ trợ phát triển TTLĐ đến năm 2030, Chính phủ cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể như: tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35 – 40% vào năm 2030; chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 và thuộc nhóm 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030; phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 30% và đến năm 2030 dưới 20%; tốc độ tăng năng suất lao động hằng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm; phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%…

Họp báo “Tình hình lao động việc làm quý I năm 2021”. Ảnh: TTXVN
Giải pháp phát triển thị trường lao động thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19

Để hỗ trợ DN, người lao động phục hồi sản xuất góp phần cải thiện tình hình lao động việc làm, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để TTLĐ phát triển theo hướng hiện đại. Theo đó, rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về cung – cầu lao động, kết nối cung – cầu lao động để phù hợp với quy luật của TTLĐ, công ước, tiêu chuẩn quốc tế đã được Việt Nam phê chuẩn và phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Cùng với đó, xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia TTLĐ cho các nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật; người lao động dân tộc thiểu số; lao động khu vực nông thôn…).

Hai là, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, DN, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch Covid -19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội.

Thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chịu tổn thương bởi diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 nhằm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục về chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN; có chính sách hỗ trợ DN trong thu, nộp và hoàn thuế để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ cho các DN được chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Ba là, hỗ trợ phát triển cung – cầu lao động. Cụ thể, xây dựng và cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ứng dụng khoa học công nghệ số; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù. Khuyến khích tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số ngắn hạn theo hình thức thường xuyên, linh hoạt cho người lao động. Khuyến khích DN, hiệp hội nghề DN, hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu TTLĐ…

Bốn là, cần tập trung các biện pháp hạn chế tình trạng mất việc làm trong bối cảnh nhiều DN phải đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất – kinh doanh. Theo đó, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất – kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020) của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải…

Có chính sách hỗ trợ tiền lương để khuyến khích DN duy trì và tuyển dụng lao động thuộc các nhóm dễ bị tổn thương, như: lao động nghèo, tay nghề thấp hoặc lao động phi chính thức, lao động di cư, phụ nữ, người khuyết tật cần hỗ trợ DN để kích cầu việc làm trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều do Covid-19, như: du lịch, thương mại, giao thông vận tải… Hỗ trợ tính thanh khoản cho các DN, bảo đảm các DN vừa và nhỏ có cơ hội duy trì hoạt động.

Năm là, cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ thu nhập, tập trung kết nối việc làm và thúc đẩy tạo việc làm sau đại dịch đối với các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi việc làm thông qua việc hỗ trợ tìm việc làm, cung cấp thông tin về TTLĐ và trợ cấp tìm kiếm việc làm. Tổ chức đào tạo, phát triển các kỹ năng theo yêu cầu của lao động bị thất nghiệp thuộc các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là hỗ trợ về đào tạo nghề cho người lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; điều chỉnh hoạt động đào tạo theo nhu cầu TTLĐ cho các ngành có tiềm năng tăng trưởng khi nền kinh tế phục hồi hoặc tập trung vào các kỹ năng số, kỹ thuật tiên tiến và khởi nghiệp kinh doanh.

Sáu là, hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin TTLĐ, kết nối cung – cầu lao động. Theo đó, hoàn thiện hệ thống thông tin TTLĐ làm cơ sở cho kết nối cung – cầu lao động. Theo đó, xây dựng, triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp tỉnh, cấp vùng và trung ương; có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ việc thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích và dự báo về cung – cầu lao động phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin về TTLĐ. Thiết kế chương trình hướng nghiệp đa dạng về đối tượng, nội dung và hình thức, linh hoạt địa điểm, đào tạo đội ngũ nhân sự tham gia tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Rà soát, đánh giá cơ sở vật chất hiện có của trung tâm dịch vụ việc làm nhằm xác định nhu cầu đầu tư bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện kết nối cung – cầu lao động chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả…

Bảy là, hỗ trợ kết nối TTLĐ trong và ngoài nước, phát triển các TTLĐ đặc thù. Cụ thể, chú trọng nghiên cứu và phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn quốc tế hỗ trợ người lao động tham gia các TTLĐ trong và ngoài nước. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các TTLĐ đặc thù, nhất là phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, TTLĐ trình độ cao…

Tám là, nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành TTLĐ. Theo đó, tiếp tục sắp xếp, đổi mới tổ chức và quản lý nhà nước về việc làm và TTLĐ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị việc làm và TTLĐ theo hướng thống nhất, rõ ràng về chức năng nhiệm vụ và cơ chế phối hợp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về lao động, đặc biệt về ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ an sinh xã hội khác cho người lao động. Xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển TTLĐ, việc làm và thu nhập theo hướng so sánh trong khu vực và trên thế giới; đánh giá về chênh lệch trong mức độ phát triển TTLĐ, khả năng tạo việc làm, thu nhập giữa các tỉnh, các vùng của Việt Nam…

Chú thích:
1, 3, 4. Tổng cục Thống kê. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2020. Hà Nội, 2020.
2, 5. Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Hương Giang. Đại dịch Covid-19 tác động đến lao động việc làm ở Việt Nam qua phân tích số liệu thống kê/Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Covid-19, đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững”, tại Hà Nội, ngày 30/11/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.
2. Tổ chức Lao động quốc tế. Báo cáo nhanh Covid-19 và việc làm: tác động và ứng phó. http//ilo.org.vn, ngày 18/3/2020.
3. Duy trì và phát triển thị trường lao động trong bối cảnh mới. htttp//laodongxahoi.net, ngày 28/10/2020.
ThS. Đặng Thị Hồng Diệp
Trường Đại học Công đoàn