Vai trò của Nhà nước đối với phát triển nghề truyền thống thêu, dệt thổ cẩm gắn với du lịch

(Quanlynhanuoc.vn) – Thêu, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời được lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ, đồng thời chứa đựng những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của người phụ nữ Việt Nam. Trong bối cảnh sự cạnh tranh của các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm công nghiệp đang diễn ra rất mạnh mẽ khiến nghề truyền thống này đang đối diện với nguy cơ thất truyền. Để bảo tồn những giá trị bản sắc của nghề và phát triển nghề truyền thống thêu, dệt thổ cẩm, nhất là gắn với du lịch là một biện pháp cần được chú trọng. Trong đó, Nhà nước vừa là chủ thể, vừa là khách thể quan trọng khi thực hiện và phát huy vai trò của mình.

 

Các nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống tại Hợp tác xã Dệt thổ cẩm truyền thống thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Nguồn: baodantoc.vn

Thổ cẩm, tên tiếng Anh là brocade1 được giải thích là loại vải sản xuất thủ công, với thiết kế các đường nét, hoa văn nổi, thường làm bằng các sợi vàng hoặc bạc.

Ở Việt Nam, thổ cẩm được hiểu là loại vải dệt thủ công bằng các phương pháp truyền thống, thường được đồng bào các dân tộc ít người tại khu vực miền núi tạo ra nhằm phục vụ nhu cầu về trang phục và các sản phẩm gia dụng khác. Nguyên liệu để tạo nên tấm thổ cẩm đa số từ cây đay, lanh hoặc các loại thực vật có sợi khác để se thành sợi, sau đó dệt thủ công và nhuộm bằng các phẩm màu tự nhiên. Quá trình này thực hiện rất công phu. Trên tấm thổ cẩm, người ta thêu các hoa văn chủ yếu là hình chim thú, hoa lá được kỷ hà hóa trong từng ô vuông nhỏ, cân đối.

Hoa văn trên vải thổ cẩm thường được thêu dệt hiện theo các yếu tố thẩm mỹ truyền thống của từng dân tộc. Nghề dệt thổ cẩm được giữ gìn và lưu truyền chủ yếu qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình. Sự mộc mạc, dấu ấn cá nhân mang đậm bản sắc trong từng tấm thổ cẩm tạo nên sức hấp dẫn của loại sản phẩm này.

Với một số cộng đồng dân tộc thiểu số, tấm vải thổ cẩm được dệt từ cây lanh còn chứa đựng ý nghĩa tâm linh, được ví như là sự gắn kết giữa người sống và tổ tiên. Sợi lanh dẫn đường cho người chết trở về với tổ tiên và đầu thai trở lại làm người sống kiếp sau.

Để tạo ra được một tấm vải thổ cẩm có khổ rộng, dùng để may một bộ y phục, có khi phải mất tới 2 – 3 tháng. Tuy nhiên hiện nay, thổ cẩm còn được sản xuất công nghiệp, bằng máy móc, thiết bị với số lượng lớn và mang tính đại trà.

Dệt, thêu thổ cẩm đã trở thành một nghề mang tính truyền thống, được truyền từ đời này qua đời khác. Gọi là nghề vì nó là một lĩnh vực hoạt động lao động mà nhờ được đào tạo và thông qua đào tạo, con người có tri thức, kỹ năng để tạo ra các loại sản phẩm phục vụ nhu cầu của xã hội. Đây cũng “là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền”2. Một số làng nghề thêu, dệt thổ cẩm nổi tiếng trên nước ta phải kể đến, như: làng nghề của người Mông ở Sapa – Lào Cai, người Thái ở Điện Biên, người Thái ở Mường Lò của Yên Bái, người Dao tiền ở Cao Bằng…

Những người làm nghề thêu, dệt thổ cẩm sống quần cư trên một địa bàn có tổ chức, có phong tục tập quán riêng trên địa bàn một làng, vừa duy trì sản xuất, vừa bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề được trao truyền qua các thế hệ được gọi là làng nghề truyền thống thêu, dệt thổ cẩm. Trong số đó, người làm nghề thêu, dệt thổ cẩm được gọi là thợ thủ công nếu họ trực tiếp tạo sản phẩm và được gọi là nghệ nhân nếu họ thành thục, nhiều kinh nghiệm, có khả năng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, chất lượng và được cộng đồng vinh danh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu để nghề thêu, dệt thổ cẩm hoạt động tự phát thì nghề này chỉ dừng lại ở việc tự cung, tự cấp. Trong bối cảnh sự cạnh tranh của các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm công nghiệp đang diễn ra rất mạnh mẽ, với khối lượng lớn, mẫu mã đa dạng và giá thành rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm thủ công, khiến nghề truyền thống thêu, dệt thổ cẩm đang đối diện với nguy cơ thất truyền. Do đó, cần phải có các biện pháp nhằm bảo tồn những giá trị bản sắc của nghề. Trong đó, phát triển nghề truyền thống thêu, dệt thổ cẩm gắn với du lịch là một biện pháp cần được chú trọng.

Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao thiết bị vật tư hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm của người Dao Đỏ tại xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh: baovanhoa.vn.

Để du lịch làng nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống (DTCTT) phát triển, sản phẩm thổ cẩm trở thành mặt hàng thu hút khách du lịch, bên cạnh ý thức tự giác của người dân, vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Cụ thể:

Một là, Nhà nước có vai trò định hướng phát triển nghề thêu DTCTT gắn với du lịch. Nhà nước, với tư cách là pháp nhân quan trọng, có quyền lực, có chức năng định hướng cho sự phát triển các làng nghề truyền thống nói chung, trong đó có nghề thêu, dệt thổ cẩm. Việc gắn quá trình sản xuất và sáng tạo sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm phục vụ du lịch được bắt đầu từ những chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương. Định hướng sẽ hình thành những mục tiêu thống nhất, đồng bộ, là cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển nghề thêu DTCTT gắn với du lịch.

Hai là, Nhà nước với vai trò xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách phát triển nghề thêu, DTCTT gắn với du lịch. Chính sách của Nhà nước được coi là “bà đỡ” cho sự phát triển nghề thêu, DTCTT gắn với du lịch. Đặc biệt là chính sách về quy hoạch, đầu tư, về tư vấn, đào tạo nghề, tôn vinh các nghệ nhân. Những chính sách này tạo động lực cho người làm nghề, thu hút sự tham gia của nguồn lực lao động trẻ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, nơi có nghề truyền thống. Chính sách tốt phải đi đôi với việc tổ chức thực hiện chính sách hiệu quả, bảo đảm đưa chính sách vào thực tiễn, nhất là việc áp dụng chính sách du lịch làng nghề truyền thống thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh miền núi.

Ba là, vai trò khai thác và phát triển thị trường du lịch gắn với làng nghề truyền thống. Du lịch nhân văn, trong đó có du lịch làng nghề truyền thống còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc khai mở thị trường và thu hút khách du lịch. Bản chất của hoạt động du lịch làng nghề là gắn với sự trải nghiệm, một xu thế đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Để tạo nên một thị trường sôi động, có sức hấp dẫn với du khách, Nhà nước cần xây dựng mối quan hệ phối hợp, đồng thuận, chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp lữ hành và người dân. Đồng thời, cũng cần hình thành các tuyến du lịch, chương trình du lịch nhằm kết nối giữa du lịch làng nghề với các hoạt động du lịch khác. Tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước thông qua các con đường khác nhau, như: ngoại giao, văn hoá, kinh tế… Xây dựng những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khích lệ các doanh nghiệp khai thác du lịch làng nghề truyền thống. Tăng cường hoạt động quảng bá các tour du lịch làng nghề thêu, DTCTT cũng như sản phẩm làng nghề.

Bốn là, vai trò bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững cho hoạt động của nghề thêu, DTCTT gắn với du lịch. Phát triển nghề thêu, DTCTT gắn với du lịch vừa phải đem lại lợi ích kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân làm nghề; vừa phải bảo tồn, gìn giữ những giá trị độc đáo, giàu bản sắc của sản phẩm làng nghề.

Sẽ hết sức khó khăn nếu thiếu vai trò của Nhà nước. Theo đó, bằng các chế tài của mình, Nhà nước sẽ kiểm soát và xử lý quyết liệt các hoạt động du lịch làng nghề truyền thống không lành mạnh, như trường hợp: thương mại hóa, thu lợi nhuận bất chấp những quy chuẩn đề ra trong du lịch làng nghề; hoặc tình trạng giả mạo sản phẩm thổ cẩm công nghiệp, sản phẩm kém chất lượng phục vụ khách du lịch làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín làng nghề. Việc giữ gìn sự trong lành, an toàn cho môi trường sản xuất của làng nghề thêu, dệt thổ cẩm cũng là tiêu chí quan trọng để vừa phát triển du lịch trải nghiệm mang tính bền vững, vừa thể hiện trách nhiệm và vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Có thể nói, để phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm gắn với du lịch, Nhà nước vừa là chủ thể, vừa là khách thể quan trọng khi thực hiện và phát huy vai trò của mình. Việc cụ thể hóa các chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến phát triển du lịch làng nghề cũng chính là cách khẳng định vai trò của Nhà nước trong thời điểm hiện nay và các giai đoạn tiếp theo.

Chú thích:
1. Từ điển Anh-Anh Essential. http://dictio-nary.cambridge.org, ngày 10/3/2021.
2. Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thị Kim Cúc. Làng nghề truyền thống và ý nghĩa đối với vấn đề phát triển du lịch ở Ninh Bình (Nghiên cứu tại 3 làng truyền thống: Kim Sơn, Văn Lâm, Ninh Vân). Đề tài nghiên cứu khoa học, Đại học Hải Phòng, 2010.
2. Phạm Văn Hậu, Trịnh Xuân Anh. Giải pháp phát triển bền vững làng nghề truyền thống Việt nam phục vụ du lịch. Tạp chí Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh, số 35/2012, tr. 10 – 16.
3. Nguyễn Thị Hường. Thực trạng và giải pháp quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch nhân văn theo hướng bền vững trên địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, năm 2017.
4. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
TS. Nguyễn Thị Hường
Học viện Hành chính Quốc gia