Xây dựng kinh tế tập thể kiểu mới: nhìn từ mô hình hội quán tại tỉnh Đồng Tháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm qua, tại tỉnh Đồng Tháp, các hội quán được thành lập và hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của người nông dân. Đây là tổ chức tự nguyện tham gia, liên kết của các nông dân để cùng nhau giúp đỡ, hỗ trợ trong canh tác sản xuất, phát triển nông nghiệp. Nội dung bài viết, tác giả phân tích mô hình hội quán tại tỉnh Đồng Tháp, luận giải hiệu quả kinh tế xã hội và những vấn đề đặt ra, trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị phát triển mô hình hội quán tại tỉnh Đồng Tháp nhằm nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước nhằm xây dựng kinh tế tập thể kiểu mới ở nước ta trong thời gian tới.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một lần ghé thăm mô hình Hội quán ở Đồng Tháp. Ảnh: nld.com.vn
Mô hình hội quán tại tỉnh Đồng Tháp

Hội quán của nông dân tỉnh Đồng Tháp là một hình thức liên kết tự nguyện giữa những người nông dân nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đây không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa người nông dân với chính quyền về những vấn đề kinh tế – xã hội (KTXH) ở địa phương, mà còn là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp (DN) thu mua nông sản. Mô hình này đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác với DN đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, hình thành niềm tin cho người nông dân thông qua việc phát huy dân chủ.

Với phương châm hoạt động “3 không – 3 tự – 3 cùng” gồm: Không bộ máy, không kinh phí từ ngân sách nhà nước, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết địnhcùng nghĩ, cùng làm, cùng thụ hưởng. Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của người dân, không biên chế, không ngân sách, hoạt động đơn thuần là hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân. Các hội quán đa dạng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, đa dạng chủ thể tham gia, nội dung hoạt động phong phú, từ đó làm thay đổi cách nghĩ, cách làm cho các chủ thể tham gia cùng nhau phát triển và góp phần phát triển KTXH của địa phương.

Từ mô hình Canh Tân hội quán đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập vào ngày 03/7/2016, “đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 109 hội quán với hơn 5.911 hội viên, trong đó có 26 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được thành lập từ 27 mô hình hội quán (MHHQ) và đã làm theo mô hình hợp tác – liên kết – thị trường rất hiệu quả. Có thể kể đến như các Hội quán: Minh Tân (xã Mỹ Xương) liên kết tiêu thụ xoài; Thành Tâm (huyện Lai Vung) ký kết hợp đồng cung cấp quýt đường và cam xoàn cho Công ty VinEco; Đồng Tâm (xã Tịnh Thới) phối hợp với Viện Cây ăn quả triển khai 42 ha sản xuất xoài đủ điều kiện xuất khẩu…”1.

Về cơ cấu hoạt động, “tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh Đồng Tháp có 10 hội quán chăn nuôi; 4 hội quán trồng cây có múi; 50 hội quán sản xuất nông nghiệp, rau, màu, làm vườn; 2 hội quán kinh doanh buôn bán; 2 hội quán kinh doanh nhà trọ; 7 hội quán trồng hoa kiểng; 1 hội quán chuyên sản xuất bột và các sản phẩm làm từ bột; 1 hội quán sản xuất sản phẩm từ tre; 2 hội quán sản xuất khô, mắm; 1 hội quán văn nghệ sĩ; 5 hội quán tham gia hoạt động du lịch homestay… Nhìn chung, các hội quán trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đa dạng ngành nghề, lĩnh vực”2. Mặc dù chỉ mới 5 năm hình thành và phát triển nhưng MHHQ đã đem lại hiệu quả KTXH rất lớn. Cụ thể:

Một là, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Thông qua MHHQ đã dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể; từ tư duy sản xuất nông nghiệp đã chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp thị trường, hàng hóa, lấy chất lượng là tiên phong. Mỗi hội quán đều tập hợp những nông dân cùng sản xuất một ngành nghề, như: lúa sạch, xoài, chanh, cam, quýt, hoa kiểng, sản xuất hàng khô, trồng khoai môn, nuôi lươn, làm bột… Một số hội quán còn chủ động phối hợp với DN, nhà khoa học triển khai mô hình nông nghiệp thông minh, như: bón phân 1 lần cho cả vụ; sử dụng phương pháp điện toán đám mây trong theo dõi cây trồng; xây dựng thương hiệu cho nông sản… nhằm giúp nông dân giảm chi phí hướng đến mô hình sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế cao.

Hai là, hình thành những mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả. MHHQ đã thể hiện được vai trò là trung tâm kết nối cộng đồng trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất, chú trọng tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Hội quán đã giúp chuyển biến nhận thức của nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, theo quy trình hữu cơ sinh học, từ đó giúp nông dân giảm bớt những rủi ro cho tiêu thụ nông sản. Đồng thời, hoạt động của hội quán đã xây dựng được những hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu,… mở ra hướng phát triển kinh tế tập thể, nhất là việc thành lập các tổ kinh tế hợp tác và tiến tới thành lập HTX.

Theo ông Lê Thành Lộc – Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán, “qua 4 năm thành lập, Hội quán phát triển được 127 thành viên, sản xuất nhãn sạch, có chứng nhận VietGAP với diện tích 120ha. Đặc biệt, như một bước chuyển mình tất yếu, để có cơ sở pháp nhân liên kết tiêu thụ với DN một cách hiệu quả, từ Hội quán này đã nâng lên thành lập HTX với tên HTX Nông sản an toàn An Hòa với 127 thành viên hoạt động song song với Hội quán. Việc hai mô hình này tồn tại song song có thể hỗ trợ, bổ khuyết cho nhau, từ đó dễ dàng trong việc liên kết tiêu thụ với DN với sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng an toàn”3.

“Qua Hội quán đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, điển hình như mô hình “Cây xoài nhà tôi” xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, đã bán được 224 cây xoài các loại với số thành viên tham gia mô hình là 27 thành viên, được tổng số tiền trên 830 triệu đồng, có 32 đoàn khách đến tham quan để cùng thu hoạch và giao lưu với các nhà vườn. Hay mô hình “Cây cam vườn tôi” của Đông Tân Hội quán, xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh, đến nay đã bán được 40 cây, với số tiền là 400 triệu đồng. Thông qua MHHQ đã giúp cho nhà vườn, HTX quảng bá thương hiệu Xoài Cao Lãnh, Cam Cao Lãnh…mà không cần tốn phí, nhờ việc thông qua khách tham quan đến thăm, và mua sản phẩm của địa phương”4.

“Hội quán trồng nhãn và thanh long huyện Châu Thành đã liên kết với Công tyVINA T&T xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ, giá bán từ 30.000 đồng-40.000 đồng/kg; Công ty Thành Vũ và Công ty Vạn Phát liên kết tiêu thụ thanh long với giá cả ổn định, hợp lý, tạo đầu ra luôn ổn định và nâng cao thu nhập cho thành viên hội quán… Đồng thời, thành lập được 17 HTX và nhiều tổ hợp tác từ MHHQ. Điển hình là: HTX dịch vụ nông nghiệp xã Bình Hàng Tây có 351 thành viên, vốn góp 1 tỷ đồng; HTX xã Mỹ Hội có 272 thành viên, vốn góp 559 triệu đồng; HTX Mỹ Hiệp có 364 thành viên, vốn góp 659 triệu đồng; HTX Nông sản an toàn An Hòa, xã An Nhơn, có 122 thành viên, viên điều lệ là 1 tỷ đồng…”5

Ba là, thúc đẩy loại hình hợp tác mới ngày càng hiệu quả hơn. Hội quán là kênh liên kết giữa nông dân với DN thu mua nông sản. Để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân nông thôn. Việc thúc đẩy liên kết sản xuất giữa những người nông dân chính là một vấn đề cốt lõi. Bởi lẽ, nếu chưa giải xong bài toán hợp tác giữa những người nông dân với nhau, thì việc giải bài toán liên kết giữa người nông dân và DN là “vô vọng”. Chỉ khi các hộ nông dân tìm được tiếng nói chung thì mới không bị xé lẻ, thao túng bởi thương lái và có thể bảo đảm được vùng nguyên liệu lớn hơn cho các DN, hướng tới hợp tác sản xuất lớn.

Độ “phủ rộng” của mối liên kết nông dân – DN của hội quán có thể lớn hơn so với phạm vi của HTX, mô hình này có thể hỗ trợ, bổ khuyết cho nhiều HTX hiện chưa thực sự trở thành một kênh liên kết hiệu quả. Ngay tại một số địa phương của Đồng Tháp như huyện Tam Nông, “trong tổng số 33 HTX nông nghiệp cũng chỉ có 5 HTX hoạt động mạnh, số còn lại hoạt động cầm chừng, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch huyện Tam Nông. Trên phạm vi cả nước, số lượng các HTX đang giảm đi rõ rệt, có tới 85% trong số 9.200 HTX được thống kê vào năm 2012 đóng góp không đáng kể cho xuất khẩu sản phẩm nông sản”6. Điều đó cho thấy MHHQ đang ngày càng chứng tỏ được tính hiệu quả mối liên kết giữa nông dân – DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bốn là, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Thông qua sinh hoạt hội quán, người dân chủ động tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội của địa phương, như: vận động xây dựng nhà tình thương, xây dựng cầu, đường nông thôn, cấp phát quà cho hộ nghèo, học bổng cho học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn…, góp phần xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tiêu biểu như: Canh Tân Hội quán xã An Nhơn, huyện Châu Thành vận động xây dựng 3 cây cầu, nâng cấp 1 km đường nông thôn; Đồng Tâm Hội quán xã Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh vận động được 10 suất học bổng, xây 2 cây cầu và 2 nhà tình thương; Minh Tâm Hội quán xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh vận động cấp phát được 60 phần quà, tổng số tiền 20 triệu đồng…”7. Thành viên một số hội quán còn vận động nông dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật để làm đẹp cảnh quan và môi trường sống… giúp cho nhiều xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trước thời hạn.

Năm là, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Trong các buổi sinh hoạt hội quán, ban chủ nhiệm chủ động mời các đồng chí công an huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tai nạn giao thông,… Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm các Hội quán còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương lồng ghép tuyên truyền, thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua hoạt động hội quán, người dân mạnh dạn tham gia ý kiến xây dựng kế hoạch phát triển KTXH cộng đồng và đóng góp ý kiến về chủ trương, kế hoạch phát triển KTXH của địa phương,…

Vườn bưởi của anh Đỗ Văn Lộc, thành viên Minh Tân Hội quán xã Mỹ Hội ở ấp Bình Hòa, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: baodantoc.vn.

Sáu là, hội quán là một trong những kênh để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hội quán cũng là nơi cấp ủy, chính quyền đến gần dân hơn, lắng nghe dân nhiều hơn, tương tác với người dân thường xuyên hơn. Thông qua các buổi sinh hoạt Hội quán, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến trực tiếp với dân. Hội quán không chỉ đơn độc có người nông dân, mà còn có các cán bộ đương chức, cán bộ về hưu, đảng viên, doanh nhân, chức sắc tôn giáo tham gia. Đây cũng là nơi góp phần đổi mới cách tiếp cận về phương pháp dân vận và tập hợp quần chúng. Hội quán ra đời đã tạo điều kiện tốt nhất để cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên cùng đến tham gia sinh hoạt với tư cách là thành viên Hội quán hoặc đại diện cho tổ chức để vừa chuyển giao khoa học kỹ thuật vừa tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà bước đến với Nhân dân. Đây chính là môi trường sinh hoạt chính trị thật sự, bởi lẽ từ nông dân, DN đến cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cùng trao đổi, chia sẻ để đi đến thống nhất các nội dung cùng thực hiện. Như vậy, thực tiễn bước đầu hoạt động của các Hội quán ở tỉnh Đồng Tháp cho thấy, mô hình liên kết tự nguyện, không biên chế, không ngân sách đã bắt đầu có hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều tổ chức quần chúng đang rơi vào tình trạng hành chính hóa, có biên chế cồng kềnh, hệ thống tổ chức thiếu linh hoạt, không còn thực sự thu hút được người dân thì không gian của các hội quán phần nào có thể khỏa lấp được khoảng trống về nhu cầu liên kết, chia sẻ thông tin của người nông dân. Đây được xem là một hình thức liên kết mới trong sản xuất cần được nhân rộng trong cả nước.

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ, thực tiễn xây dựng MHHQ ở tỉnh Đồng Tháp cũng bộc lộ một số hạn chế bất cập, đó là:

Thứ nhất, các thành viên tham gia hội quán trên tinh thần tự nguyện, chưa có sự ràng buộc pháp lý nên tính liên kết các thành viên hội quán còn lỏng lẻo; một số thành viên ban chủ nhiệm còn thiếu tự tin trong tổ chức, điều hành, lúng túng trong việc chọn nội dung để triển khai thực hiện; vẫn còn một số thành viên hội quán chưa thật sự có niềm tin trong liên kết, hợp tác sản xuất. Một số hội quán không duy trì được việc sinh hoạt định kỳ; nội dung và hình thức sinh hoạt có lúc chưa gắn với lợi ích thiết thực của hội viên; nội dung tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất của các ngành chức năng còn dàn trải, chưa đi vào trọng tâm. Chính vì vậy, mặc dù đã chứng minh được tính hiệu quả, nhưng việc nhân rộng mô hình này còn chậm và chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, chưa nhân rộng sang nhiều địa phương khác.

Thứ hai, nhận thức về hội quán còn có ý kiến khác nhau, một số thành viên và chính quyền địa phương hồ hởi đón nhận, nhưng còn không ít thành viên, cán bộ vẫn mơ hồ, thậm chí băn khoăn, hoài nghi về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết, hiệu quả và sự bền vững của các MHHQ. Điều này là tất yếu, bởi cái gì mới ra đời thì cũng có ý kiến này, ý kiến khác, đều vấp phải rào cản từ cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa hội quán với DN trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa nhiều và tính ổn định chưa cao…

Thứ ba, trình độ, kiến thức của một số thành viên hội quán còn hạn chế, nhất là những hiểu biết về tiến bộ khoa học – kỹ thuật có thể áp dụng vào sản xuất, canh tác, khả năng sử dụng công nghệ thông tin, nắm bắt thị trường. Bên cạnh đó, tập quán sản xuất tiểu nông từ ngàn đời nay vẫn còn tồn tại trong một bộ phận thành viên của hội quán, về lâu dài sẽ cản trở sự phát triển của mô hình khi nông dân vẫn duy trì những nếp canh tác cũ, như: thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi….

Kiến nghị

Một là, xây dựng và củng cố lòng tin cho các thành viên hội quán về sự hợp tác, liên kết khi tham gia vào mô hình hoạt động này. Một khi lòng tin của hộ nông dân về sự hợp tác, liên kết để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã đủ “độ chín” thì họ cần những điều kiện mới đủ mạnh để có thể phát huy tiềm lực vốn có, hướng tới sản xuất lớn. Cần hướng dẫn hội quán xây dựng quy chế hoạt động sát với nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; gắn hội quán với thực hiện mô hình “Cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới”. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp manh mún, kém hiệu quả sang hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hướng tới nền sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế cao. Hai là,cấp ủy, chính quyền địa phương cần nhận thức sâu sắc về tính chất, vai trò, mục đích, ý nghĩa của MHHQ, xem đây là một chương trình phát triển bền vững, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy các cấp, sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền địa phương, sự theo dõi hướng dẫn, kiểm tra, động viên của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể. Kiên trì quán triệt phương châm hoạt động “3 không – 3 tự – 3 cùng”, thuyết phục nhân dân bằng chính sự dấn thân, gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú. Đặc biệt, không hành chính hoá tổ chức và hoạt động của hội quán, cần quán triệt phương châm “Tự lực, chăm chỉ, hợp tác, cùng nhau phát triển”, việc gì của dân và dân làm được trong phát triển sản xuất hãy trao quyền để dân quyết định, dân thực hiện.

Ba là, cần hỗ trợ tập huấn kỹ năng chuyên môn, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường, cũng như triển khai một số chuyên đề theo chức năng để nâng cao trình độ, kiến thức cho thành viên hội quán. Đồng thời, triển khai công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận và đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với các hội quán và các HTX được thành lập từ mô hình này. Lựa chọn những DN có năng lực, có trách nhiệm với xã hội để tham gia thực hiện liên kết với các hội quán nhằm bảo đảm tính ổn định, gắn kết, chia sẻ giữa DN và nông dân, từ đó khai thác được vốn xã hội đối với việc phát triển kinh tế, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp bền vững

Bốn là, để MHHQ thực sự phát biển bền vững theo đúng nghĩa là một tổ chức xã hội của người nông dân thì chính quyền chỉ làm nhiệm vụ cầu nối để các hội quán tiếp xúc với DN và các chuyên gia tư vấn về kỹ thuật và quản trị sản xuất hoặc phát triển cộng đồng; chính quyền không nghĩ thay, làm thay hoặc chỉ đạo hoạt động của các hội quán. Muốn vậy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các hội quán hoạt động theo hướng tự nguyện, tự quản lý, xây dựng hội quán ngày càng vững mạnh. Đồng thời, vận động các thành viên của hội quán tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương.

MHHQ ở tỉnh Đồng Tháp bước đầu đã mang lại hiệu quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, củng cố quốc phòng – an ninh. Việc hoàn thiện và nhân rộng MHHQ được xem là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng kinh tế tập thể kiểu mới ở nước ta trong thời gian tới.                       

Chú thích:
1. Nhiều giá trị được phát huy từ mô hình hội quán. https://thdt.vn, ngày 23/6/2021.
2, 5. Trần Hoàng Hiểu, Lê Minh Đồng. Hoàn thiện và nhân rộng mô hình “hội quán” của tỉnh Đồng Tháp. Tạp chí Kinh tế và dự báo, số 02/2021, tr. 90-93.
3, 7. Trần Lê Sơn Trà. Hội quán – mô hình mới tập hợp nông dân Đồng Tháp. Tạp chí Xây dựng Đảng, số 1, 2/2019, tr. 23-27.
4. Hội quán nông dân – mô hình phát triển kinh tế mới ở Đồng Tháp, http://vca.org.vn, truy cập ngày 24/6/2021.
5. Hội quán của nông dân: mô hình liên kết sản xuất sáng tạo cần nhân rộng, http://ceford.vn, ngày 24/6/2021.
Lê Văn Tuyên
Học viện Kỹ thuật quân sự