(Quanlynhanuoc.vn) – Từ khi thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức đã có nhiều đóng góp làm thay đổi diện mạo nền hành chính nhà nước, tạo tiền đề cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bài viết đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Ở Việt Nam, hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng, chúng ta có bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đó là: nền kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; an ninh, chính trị ổn định, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng cao. Tất cả những điều đó phản ánh sự đúng đắn trong việc lựa chọn con đường, mục tiêu đổi mới phát triển đất nước thời gian qua, từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với đổi mới hệ thống chính trị và cải cách bộ máy nhà nước nói chung, cải cách hành chính nói riêng là điều kiện tiên quyết, là yếu tố bảo đảm cho sự thành công của cải cách kinh tế, phát triển đất nước.
Để thực hiện thành công cải cách hành chính nhà nước, Đảng và nhà nước ta luôn xác định xây dựng đội ngũ CBCC là một nội dung cơ bản quan trọng, vì đây là những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan nhà nước, thông qua hoạt động công vụ, đội ngũ CBCC góp phần làm thay đổi diện mạo nền hành chính nhà nước, tạo tiền đề cho sự phát triển đất nước. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”2. Cho nên, công cuộc đổi mới đòi hỏi phải có một đội ngũ CBCC vừa có phẩm chất, đạo đức tốt, vừa có năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ngược lại, không thể thực hiện phát triển đất nước và hội nhập quốc tế thành công với một đội ngũ CBCC chất lượng thấp, phẩm chất, đạo đức kém và thiếu năng lực hoạt động quản lý. Vai trò ấy của đội ngũ CBCC càng được thể hiện rõ trong xây dựng đất nước nói chung và cải cách nền hành chính nhà nước nói riêng trong những năm qua.
Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC. Bước đầu đã có sự phân biệt rõ hơn đội ngũ CBCC trong hệ thống chính trị nước ta, như: cán bộ qua bầu cử, công chức hành chính, viên chức sự nghiệp, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước, cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã. Cùng đó là hoàn thiện thể chế quản lý CBCC; quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức; cơ chế đánh giá khen thưởng, kỷ luật CBCC cùng với các chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm của CBCC trong thực thi công vụ… công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC đã được đổi mới theo hướng phù hợp với các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng và yêu cầu nhiệm vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ CBCC ở nước ta còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như: thiếu tri thức, kỹ năng hành chính, mọi công việc được thực hiện theo kinh nghiệm tự tích lũy, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận CBCC còn thấp, tình trạng tham nhũng, sách nhiễu, cửa quyền… không còn là cá biệt, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC chuyên nghiệp, có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, có năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Những đánh giá về thực trạng chất lượng cán bộ, công chức
Một là, theo đánh giá của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII): nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế.
Hai là, số lượng CBCC trong cả nước là 535.528 người. Trong đó, số lượng tiến sĩ là 2.209 người (chiếm 0,4%), thạc sĩ là 19.666 người (chiếm 3,7%), cử nhân (đại học) là 278.198 người (chiếm 51,9%); số công chức đã được đào tạo về lý luận chính trị là 251.110 người (46,9%). Chất lượng CBCC cấp xã có sự chuyển biến rõ rệt với 53.974 người có trình độ đại học trở lên (chiếm 24,8%); được đào tạo về quản lý nhà nước là 103.902 người (47,8%). Tuy nhiên, vẫn còn 63.557 CBCC chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ (chiếm 11,9%); CBCC có trình độ cao chủ yếu tập trung ở các thành phố trực thuộc trung ương và các đô thị lớn. Hiện nay, có 282.561 CBCC chưa qua đào tạo về lý luận chính trị, chiếm 52,8%. Đối với CBCC cấp xã có trình độ dưới đại học là 163.293 người (chiếm 75,2%); chưa qua đào tạo về quản lý nhà nước là 113.365 người (chiếm 52,2%).3
Ba là, không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…, trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.4
Bốn là, mặc dù việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng CBCC, viên chức đã được thực hiện trên cơ sở yêu cầu vị trí việc làm, nhưng cơ cấu CBCC, viên chức làm việc tại nhiều bộ, ngành, cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân tỉnh chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng bị động, hụt hẫng giữa các thế hệ cán bộ. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; số lượng chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương trong một số ngành, lĩnh vực còn chiếm tỷ lệ thấp; đội ngũ chuyên gia đầu ngành còn ít, chưa có nhiều chuyên gia đủ khả năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách pháp luật và giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.5
Nguyên nhân của thực trạng trên là:
(1) Thể chế pháp luật về công vụ và đạo đức công vụ chưa rõ ràng, Luật Công vụ với tư cách là một thể chế pháp luật để quản lý quá trình thực thi nhiệm vụ của đội ngũ CBCC mới đang trong quá trình thảo luận, còn Luật Đạo đức công vụ cũng mới trong giai đoạn nghiên cứu. Như vậy, các quy định về chuẩn mực cần thiết để đánh giá chất lượng thực thi nhiệm vụ hay thái độ của CBCC trong hoạt động công vụ còn thiếu, điều này dẫn đến các cơ quan nhà nước cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá chất lượng thực thi công vụ của CBCC.
(2) Chế độ tuyển dụng và sử dụng CBCC còn nhiều bất cập cả trong các quy định và trên thực tế. Rất nhiều CBCC vì nhiều lý do khác nhau được tuyển dụng vào làm việc không đúng chuyên môn được đào tạo, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thiếu tính chuyên nghiệp.
(3) Lề lối làm việc tùy tiện còn phổ biến, còn rất nhiều cơ quan có tình trạng CBCC làm không hết việc, trong khi người khác thì dường như không có việc để làm. Chức năng, nhiệm vụ và từng vị trí việc làm trong đơn vị, bộ phận không rõ ràng nên người đứng đầu thường căn cứ vào khả năng thực thi công việc mà không căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để phân công. Tình trạng này, khiến cho việc xác định trách nhiệm trong công vụ là hết sức khó khăn.
(4) Chế độ tiền lương hiện nay còn thấp, khó có thể đòi hỏi CBCC chuyên tâm vào công việc. Mặt khác, rất khó trong việc thu hút nhân tài, tuyển dụng những người tài, người giỏi vào làm việc trong cơ quan nhà nước.
Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức
Trước những yêu cầu trên, để xây dựng đội ngũ CBCC “vừa hồng vừa chuyên”, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước, cần xem xét thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó nghiên cứu và thực hiện nội dung: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch… Tập trung xây dựng đội ngũ CBCC có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”6. Để thực hiện chủ trương này, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về CBCC, đặc biệt nghiên cứu sớm ban hành Luật Công vụ và Luật Đạo đức công vụ làm cơ sở cho hoạt động thực thi công vụ, việc nâng cao trình độ, năng lực của CBCC, cùng với việc xây dựng chuẩn mực và đề cao yếu tố đạo đức, các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ cũng rất quan trọng. Đội ngũ CBCC cần phải có các chuẩn mực đạo đức để thông qua đó rèn luyện và nâng cao ý thức trách nhiệm, thực thi công vụ trong khuôn khổ quy định của pháp luật, điều này cũng được phản ánh và thể hiện ở hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu đổi mới hình thức tuyển dụng CBCC. Việc tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển hiện nay đã được áp dụng nhưng còn ít tính cạnh tranh và điều quan trọng vẫn chưa tuyển dụng được những người tài, người giỏi vào đúng vị trí việc làm, cần phải đổi mới bằng việc xây dựng và mô tả công việc của từng vị trí việc làm cụ thể làm cơ sở cho công tác tuyển chọn CBCC.
Thứ ba, cần nghiên cứu xây dựng các tiêu chí rõ ràng, minh bạch về yêu cầu công việc đối với từng vị trí việc làm trong từng bộ phận, trong cơ quan, đơn vị để làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng CBCC. Qua đó, có thể điều chỉnh các vị trí việc làm phù hợp với năng lực, trình độ của CBCC cũng như xây dựng chế độ khen thưởng, kỷ luật, quy hoạch, bổ nhiệm một cách công khai, công bằng, tạo động lực phấn đấu thực thi nhiệm vụ của CBCC. Hơn nữa, cần xây dựng và thực hiện chế độ trách nhiệm một cách rõ ràng trong hoạt động công vụ, bởi sự yếu kém của một nền hành chính hiện nay, một phần do giới hạn của quyền lực và phạm vi trách nhiệm đối với từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, từng bộ phận và từng con người không được rõ ràng.
Tình trạng ai cũng có quyền nhưng không ai chịu trách nhiệm là một cản trở lớn cho quá trình xây dựng một nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại… Nguyên tắc: “CBCC giữ chức vụ lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ công vụ của CBCC thuộc quyền”7, mặc dù đã được quy định nhưng cần phải được cụ thể hóa và thực hiện trên thực tế. Tính chuyên nghiệp của CBCC, nhất là người lãnh đạo, quản lý cũng phải được thể hiện ngay trong thái độ ứng xử đối với những sai phạm xảy ra trong phạm vi, chức trách nhiệm vụ của mình “Khuyến khích việc chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm”8.
Thứ tư, sớm triển khai thực hiện cải cách chế độ tiền lương, bảo đảm cuộc sống của CBCC ở mức trung bình của xã hội và không cần, không dám tham nhũng vẫn đủ sống, chuyên tâm với thực thi công vụ của mình. Như Bác Hồ từng căn dặn: “Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ ốm đau phải có thuốc thang. Tùy theo hoàn cảnh mà giúp đỡ…”9, vì vậy cần phải “Cải cách cơ bản chế độ tiền lương, phụ cấp bảo đảm để CBCC có mức thu nhập tương đương mức thu nhập khá trong xã hội; thực hiện chính sách tiền lượng hợp lý trong một số lĩnh vực đặc thù; nghiên cứu bổ sung chính sách đãi ngộ đối với CBCC…”10.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, đây có thể coi là một trong những chu trình quan trọng của quản lý nhà nước, có tác dụng tác động trực tiếp đối với việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của bộ máy nhà nước và của đội ngũ CBCC. Qua công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ nhằm phát hiện kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm, những sai phạm để biện pháp giáo dục, uốn nắn sửa chữa, hay áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với CBCC sai phạm, đồng thời tìm ra những sơ hở, khiếm khuyết của các quy định trong hoạt động công vụ để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động công vụ.
Thứ sáu, tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, bệnh quan liêu, cửa quyền, góp phần xây dựng và làm trong sạch đội ngũ CBCC. Đây cũng là công việc hệ trọng, có quan hệ trực tiếp đến quá trình xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch.