Những vướng mắc về quy định bảo vệ động vật quý hiếm trong Bộ luật Hình sự

(Quanlynhanuoc.vn) – Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại Điều 244 – Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều này tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý hình sự các hành vi nguy hiểm xâm phạm đến môi trường nói chung và động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm nói riêng. Thực tiễn xử lý loại tội phạm này cho thấy, vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập. Bài viết phân tích những hạn chế và đưa ra một số kiến nghị để chỉnh sửa và hoàn thiện các quy định nêu trên.

 

Thịt động vật hoang dã trong các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Lâm Đồng mà cơ quan chức năng phát hiện trong một đợt truy quét. Ảnh: thanhnien.vn
Những vướng mắc trong quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Thứ nhất, các điểm b và c khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự (BLHS) đang tồn tại mâu thuẫn về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động vật, gây khó khăn cho việc áp dụng trên thực tiễn. Cụ thể:  điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS quy định: tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì sẽ bị truy cứu TNHS. Như vậy, chỉ cần thực hiện một trong các hành vi nêu trên thì bị truy cứu TNHS mà không cần xét tới khối lượng, số lượng hoặc giá trị của cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (bao gồm cả ngà voi và sừng tê giác). Tuy nhiên, điểm c khoản 1 Điều 244 BLHS quy định: “Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01 kilôgam” thì bị truy cứu TNHS. Do đó, quy định tại điểm b và điểm c nêu trên rõ ràng có sự mâu thuẫn, cần phải sửa đổi.

Thứ hai, điểm d và đ khoản 1 của Điều 244 BLHS quy định có sự trùng lặp: điểm d khoản 1 Điều 244 BLHS quy định: “Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 3 – 7 cá thể lớp thú, từ 7 – 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 – 15 cá thể động vật lớp khác”. Điểm đ khoản 1 Điều 244 BLHS quy định: “Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 3 – 7 cá thể lớp thú, từ 7 – 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 – 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này”.

Thứ ba, điểm e khoản 1 Điều 244 sử dụng thuật ngữ “động vật” là không phù hợp với nội hàm của quy định này. Điểm e, khoản 1 Điều 244 BLHS quy định: “Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ…”. Trong đó, thuật ngữ động vật và thuật ngữ cá thể quy định tại điều luật trên được giải thích tại khoản 3, 4 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HHĐTP cụ thể như sau:

“3. Động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của BLHS là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp.

4. Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể (ví dụ: cá thể tắc kè đã chết thiếu nội tạng hoặc cá thể hổ đã chết thiếu chân)”.

Theo quy định trên, thuật ngữ “động vật” được hiểu trong phạm vi của các loài. Trong đó, loài là một nhóm rất nhiều các cá thể sinh vật (không xác định được chính xác số lượng cá thể) có những đặc điểm sinh học tương đối giống nhau, có khả năng giao phối với nhau và sinh sản ra thế hệ tương lai. Do đó, việc săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật… được hiểu là thực hiện các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép rất nhiều cá thể động vật nhưng chưa xác định được số lượng cụ thể. Tuy nhiên, để áp dụng điểm e khoản 1 Điều 244 BLHS thì các hành vi: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật phải có số lượng cụ thể, dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ. Vì vậy, việc sử dụng thuật ngữ “động vật” trong điểm e khoản 1 Điều 244 BLHS là không thống nhất với nội hàm của quy định trên.

Thứ tư, nội dung của điều 244 có sử dụng thuật ngữ “bộ phận không thể tách rời sự sống”, đồng thời, khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP đã giải thích về thuật ngữ này. Tuy nhiên, nội dung giải thích chưa thực sự rõ ràng, vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ.

Mặc dù, thuật ngữ “bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống” quy định tại Điều 241 BLHS đã được giải thích tại Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP như sau: “Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan…)”. Tuy nhiên, việc giải thích như trên là chưa thực sự rõ ràng bởi vì: các bộ phận trong một cơ thể sống là một thể hoàn chỉnh, thống nhất, mỗi bộ phận của cơ thể đều thực hiện các chức năng chuyên biệt khác nhau, từ đó cơ thể sống mới có thể hoạt động bình thường được. Mặt khác, đối với một số loài động vật có vảy như: tê tê Java, tê tê châu Phi… đang còn có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định vảy có phải là bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hay không. Vì nếu chỉ tách một vài vảy trên cơ thể của động vật thì cá thể đó vẫn sống, nhưng nếu tách rời toàn bộ vảy thì cá thể đó sẽ chết ngay. Ngoài ra, Điều 244 BLHS chưa có quy định cụ thể buôn bán, vận chuyển, tàng trữ bao nhiêu vảy tê tê thì bị truy cứu TNHS. Đồng thời chưa có quy định về việc quy đổi bao nhiêu vảy tê tê thì tương đương xâm hại một cá thể. Do đó, đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển vảy của các loài tê tê, lực lượng chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra hình sự.

Một số kiến nghị

Từ những phân tích như trên, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện một số quy định của pháp luật trong điều tra tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm như sau:

– Đối với quy định tại Điều 244 BLHS, kiến nghị nhập nội dung của điểm a và điểm b khoản 1 Điều 244 vào cùng một điểm; nhập điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 244  BLHS vào cùng một điểm. Đồng thời điểm e khoản 1 Điều 244 BLHS nên chỉnh sửa lại để nội dung ngắn gọn và rõ ràng hơn. Cụ thể Khoản 1 Điều 244 BLHS nên sửa lại như sau:

“a. Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này”;

b. Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01 kilôgam;

c. Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 3 – 7 cá thể lớp thú, từ 7 – 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 – 15 cá thể động vật lớp khác;

d. Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm b và c khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Đối với Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP, cần bổ sung thêm quy định về việc quy đổi số lượng hoặc khối lượng vảy bị tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép tương đương với một cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm bị xâm hại. Việc quy đổi này phụ thuộc và đặc điểm sinh học của từng loài động vật.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự.
2. Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
ThS. Lê Xuân Sang
Học viện Cảnh sát nhân dân