Quản trị quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong nhiều Văn kiện của Đảng gần đây, như: Văn kiện Đại hội XIII; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2013 đều nhấn mạnh: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Như vậy, các vấn đề về quản trị quốc gia cần được nghiên cứu có hệ thống, toàn diện, gắn với thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội, hệ thống chính trị của Việt Nam.
Ảnh: hdll.vn.
Nhận diện quản trị quốc gia

Quản trị tiếp cận theo góc độ quốc gia theo Ngân hàng Thế giới (WB) định nghĩa là “cách thức thực thi quyền lực trong việc quản lý nguồn lực kinh tế và xã hội của một quốc gia vì sự phát triển”1. Theo Kaufmann, quản trị bao gồm các khía cạnh: quá trình chính phủ lựa chọn, giám sát và thay thế; năng lực xây dựng và thực thi những chính sách tốt của chính phủ; sự tôn trọng của người dân đối với thể chế đang chi phối quan hệ kinh tế giữa họ2.

Ở nước ta khái niệm “Quản trị quốc gia” (QTQG) được đề cập đến trong một số diễn đàn và được chính thức đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ở nước ta, khái niệm quản lý nhà nước (QLNN) có tính phổ biến hơn. Một câu hỏi được đặt ra là QTQG có thể thay thế cho QLNN hay là cần có sự kết hợp QTQG và QLNN.

QTQG có thể hiểu là cách thức tổ chức quyền lực chính trị, hành chính, xã hội nhằm quản trị xã hội, quản trị sự phát triển xã hội bảo đảm lợi ích công và vì mục tiêu phát triển quốc gia.

Quản trị quốc gia và những thách thức của thời đại ngày nay

Quản trị toàn cầu, QTQG, quản trị địa phương đang là những vấn đề của thời đại. Những biến động của thế giới từ toàn cầu hóa, từ sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc và gần nhất là đại dịch Covid-19 đã đặt nhân loại trước các vấn đề của phát triển. Nếu như toàn cầu hóa trong bối cảnh không dịch bệnh, những cái nhìn đơn lẻ đã là rào cản thì trong đại dịch Covid-19, những cái nhìn đơn lẻ, những việc làm đơn lẻ càng là rào cản dù ở cấp độ quản trị nào. Đại dịch Covid-19 tạo ra sự ngăn cách, khu biệt nhưng để giải quyết đại dịch Covid-19, điều quan trọng nhất là kết nối. QTQG phải là trung tâm tạo ra sự kết nối để thúc đẩy sự phát triển.

Đối với các quốc gia, tư duy QTQG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều này nó khác biệt với tư duy QLNN vẫn đang hiện hữu. QTQG nhìn nhận quốc gia là một tổng thể, một thực thể với đầy đủ nguồn lực, lợi thế so sánh và cả những hạn chế cần khắc phục. QTQG đòi hỏi quản trị địa phương bên cạnh việc biết những lợi thế của địa phương thì cũng tư duy đầy đủ về lợi ích chung của quốc gia, đặt quản trị địa phương trong tổng thể QTQG, không thể là sự khu biệt, tách biệt. Với tầm nhìn QTQG, tư duy tính GDP từng địa phương cần phải sớm dừng lại để nhìn nhận, cả nước là một nền kinh tế với tất cả sự sinh động, sự vận động, sự lưu chuyển để đo lường, đánh giá chính xác về GDP.

QTQG đòi hỏi cần phải phân định rõ vai trò, trách nhiệm của khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, trách nhiệm của nhà nước, xã hội và thị trường trước các vấn đề phát triển. Tầm nhìn quốc gia phải được sự chia sẻ của nhà nước, xã hội và thị trường, không phải là việc riêng của nhà nước và càng không phải là việc riêng của xã hội hay thị trường. Tầm nhìn quốc gia cần là điểm cố kết để nhà nước, xã hội và thị trường thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất vai trò, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, QTQG phải đối mặt với sự đa dạng của xã hội và thị trường. Những vấn đề lợi ích cũng đa dạng theo và tìm ra điểm cân bằng của lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội và lợi ích thị trường không phải lúc nào cũng là một quyết định dễ dàng.

QTQG không có mẫu số chung cho mọi quốc gia mà cần gắn với thực tiễn mỗi quốc gia, điều kiện kinh tế – xã hội, truyền thống văn hóa. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia cần xây dựng cho mình mô hình QTQG phù hợp để QTQG thực sự là động lực, là đòn bẩy cho phát triển.

Trong thời đại ngày nay, các vấn đề phát triển ngày càng phức tạp và liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau. Bản thân nhà nước không thể là chủ thể duy nhất thúc đẩy sự phát triển quốc gia. Trách nhiệm phát triển quốc gia không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là trách nhiệm của xã hội, của cộng đồng, của mỗi công dân. Trước mỗi biến cố, mỗi sự kiện, mỗi chủ thể đều thấy mình có một phần trách nhiệm và tham gia để QTQG. Điều căn bản là nhận thức của các chủ thể về trách nhiệm QTQG còn chưa rõ ràng. Ví dụ như trước đại dịch Covid-19 hiện nay, phòng, chống dịch bệnh không thể là trách nhiệm đơn lẻ của nhà nước, của riêng ngành y tế công lập mà cả ngành y tế, cả xã hội phải thấy mình hiện diện trong sự vận hành của quốc gia.

Đổi mới quản trị quốc gia ở Việt Nam

QTQG ở Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của nhà nước. Với tầm nhìn, định hướng mà Đảng xác định, tầm nhìn QTQG từ đó đã được minh định. Nhà nước là chủ thể QTQG quan trọng nhất, có ý nghĩa quan trọng quyết định đối với hiệu quả QTQG. Tuy nhiên, nhà nước không phải là chủ thể duy nhất tham gia vào QTQG. Sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội, sự phát triển của khu vực ngoài nhà nước đang đặt ra những yêu cầu mới trong tổ chức QTQG. Bên cạnh đó, những vấn đề mới phát sinh trong QTQG, nhà nước sẽ không thể một mình đơn độc trong quá trình quản lý mà cần phải huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước, xã hội và thị trường vào quá trình này.

Để đổi mới QTQG ở Việt Nam cần phải đổi mới tư duy QLNN. QLNN là một thành tố trong QTQG nhưng không phải là QTQG. Nhà nước cần phải giải đáp cụ thể Nhà nước cần làm gì trong QTQG. Có lẽ, Nhà nước cần phải thực hiện tốt vai trò cụ thể hóa tầm nhìn, định hướng phát triển, tạo ra thể chế cho phát triển, kiến tạo ra luật chơi, sân chơi và cả người chơi phù hợp trong hành trình phát triển quốc gia.

Các cơ quan QLNN cần phải được tổ chức hướng đến mục tiêu QTQG hiệu quả. Điều này có nghĩa bộ máy nhà nước cần tổ chức thực sự hợp lý, gắn với vai trò định hướng, điều tiết, thiết lập tầm nhìn của mình. Các cơ quan QLNN cần phải có tư duy của chủ thể QTQG, hướng đến mục tiêu quản trị hiệu quả. Tầm nhìn quốc gia được cụ thể theo các cấp độ quản trị nhưng bảo đảm tính kết nối. Quản trị địa phương gắn với QTQG, là những vec-tơ cùng chung hướng QTQG. Quản trị địa phương là những thành tố góp phần tạo nên QTQG hiệu quả.

Sự tham gia của xã hội vào quá trình QTQG như một tất yếu của quá trình QTQG. Sư tham gia của xã hội mà trực tiếp sự tham gia của người dân, sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội vào quá trình hoạch định chính sách, thực hiện chính sách phát triển có ý nghĩa quan trọng trong quá trình QTQG.

Sự tham gia của thị trường vào quá trình QTQG thông qua việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Sự định hướng về phát triển kinh tế – xã hội từ cơ quan QLNN được thực hiện thông qua các lực lượng của thị trường. Các chủ thể tham gia vào thị trường dù là chủ thể thuộc sở hữu của nhà nước hay chủ thể tư nhân đều tuân theo quy luật thị trường, tuân theo những định hướng ưu tiên phát triển. QTQG cần thiết lập được thị trường cho phát triển mà ở đó sự cạnh tranh phải là cạnh tranh lành mạnh, tránh mọi sự thao túng thị trường và tác động ngược trở lại đối với chính sách theo hướng có lợi cho một số chủ thể trên thị trường. Điểm cân bằng của thị trường luôn lấy phát triển và lợi ích chung là điểm mấu chốt, lợi ích của chủ thể đóng góp vào thị trường đủ tạo động lực để tham gia.

Chú thích:
1. WB, World Development report: Governance and Development, Washington DC, 1992.
2. Kaufmann, Daniel, Aart Kraay; Massimo Mastruzzi, The worldide governance indicators methodology and analytical issues, The World Bank Policy research working paper 5430, September 2010.
TS. Đoàn Văn Dũng
Học viện Hành chính Quốc gia