Về nguồn lực con người trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Một trong những quan điểm phát triển được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Đảng ta là: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”1. Do vậy, trong Chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vấn đề nhân lực cần được xác định như là một trong nội dung chính và cần cụ thể hóa được quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề con người.
Ảnh minh họa (internet).

Một trong những đặc trưng của nhà nước pháp quyền nói chung và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam nói riêng đó là quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”2; “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của Nhân dân”3.

Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy, dân số nước ta là 96.208.984 người, trong đó dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin) và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 – 2009 (1,18%/năm)4 (năm 2020, dân số nước ta là 97,58 triệu người, tăng hơn một triệu ba trăm nghìn người)5.

Với dân số như trên, mật độ dân số của Việt   Nam   là   290   người/km2,   tăng   31 người/km2 so với năm 2009. Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Phi-líp-pin (363 người/km2) và Xinh-ga-po (8.292 người/km2). Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy, “hơn một phần ba dân số từ 15 tuổi trở lên đạt trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên (36,5%); 80,8% dân số từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Gần 88% dân số trong độ tuổi từ 25 – 59 tham gia lực lượng lao động. Lực lượng lao động đã tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên chiếm 39,1%; đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) chiếm 23,1%…”6. Với số liệu này cho thấy, nước ta đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” (một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động và dự báo kéo dài đến khoảng năm 2040).

Như vậy, cùng với truyền thống tốt đẹp, giá trị văn hóa của dân tộc, khát vọng được khẳng định và vươn lên, nước ta đang có được một nguồn lực con người với những năng lực, tiềm năng to lớn. Do đó, cần tạo lập được một không gian trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để phục vụ và đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển nguồn lực con người.

Quyền con người, quyền công dân không phải là bất biến, cố định mà trái lại, luôn vận động cùng với sự vận động, phát triển của đời sống kinh tế – xã hội. Trong quá trình vận động này, có thể sẽ có: (1) Một/một số quyền giữ nguyên; (2) Một/một số quyền mới xuất hiện, được bổ sung; (3) Một/một số quyền thay đổi (về phạm vi, điều kiện, phương thức, tần suất thực hiện). Nhận diện kịp thời, đầy đủ, đúng đắn sự vận động của quyền con người, quyền công dân là tiền đề chủ quan để quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, ghi nhận.

Thực tế cho thấy, sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, phát huy dân chủ XHCN, sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ đã và đang tạo ra cơ sở vật chất, xã hội cho sự phát triển của con người, mở rộng quyền con người, quyền công dân.

Với tư cách là một thực thể xã hội, con người đã và đang không ngừng phát triển cả về thể chất (chiều cao, sức khỏe, tuổi thọ…) và trí lực (kiến thức, kỹ năng, thông tin về thế giới khách quan, khả năng kiểm soát hành vi…); chất lượng sống nhìn chung được cải thiện và nâng cao, thời gian trưởng thành được rút ngắn, thời gian để đủ năng lực tham gia các quan hệ xã hội được tăng lên. Như vậy, cần thiết tính đến phương án điều chỉnh hạ ngưỡng đủ tư cách pháp lý đầy đủ của cá nhân (ngưỡng tuổi để được coi là có năng lực hành vi đầy đủ) khi tham gia vào quan hệ xã hội nói chung, quan hệ pháp luật nói riêng. Chẳng hạn, hiện tại, “người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm37.

Tuy nhiên, như đã nêu, khi thể lực, trí lực của con người ngày càng phát triển như hiện nay, tuổi này có thể nghiên cứu giảm xuống. Đồng thời, giới hạn phía trên có thể được tăng lên (như tuổi nghĩa vụ quân sự, hiện tại là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi (giới hạn phía trên có thể được tăng thêm).

Hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa đã tạo không gian mở để các quan hệ xã hội mở rộng về phạm vi, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện. Ví dụ, số lượng gia đình đa huyết thống, đa ngôn ngữ và không chỉ ở một mà ở nhiều thế hệ đang tăng lên8; số lượng người nước ngoài lao động tại Việt Nam tăng lên hằng năm9. Từ đây xuất hiện tồn tại khách quan về đa dạng ngôn ngữ, văn hóa, lối sống của những người có quốc tịch khác nhau trên lãnh thổ nước ta và cũng loại trừ cả những khác biệt, thậm chí xung đột, đòi hỏi cần có sự định hướng, kiểm soát của Nhà nước.

Quá trình phát triển của dân chủ XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo sự thúc đẩy các quyền làm chủ của người dân được mở rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Người dân có nhu cầu ngày càng cao về quyền được thông tin, minh bạch thông tin, sự giải trình chủ động từ phía Nhà nước. Từ đó, người dân hiểu, tin vào Nhà nước, sẵn sàng tham gia cùng với Nhà nước giải quyết các công việc của Nhà nước và xã hội cũng như có những sáng kiến, giải pháp, kiến nghị, phản hồi về quản lý nhà nước. Đồng thời, trên cơ sở nguồn lực, tiềm năng to lớn của xã hội, người dân, Nhà nước hoàn toàn có thể tiếp tục chia sẻ, chuyển giao một phần công việc của Nhà nước cho xã hội thực hiện theo nguyên tắc “việc nào xã hội thực hiện có hiệu quả hơn thì giao cho xã hội làm”. Điều này làm mở rộng hơn nữa nội dung, phương thức thực hiện dân chủ XHCN.

Người dân không chỉ là một bên tham gia, giám sát công việc nhà nước mà còn có thể trở thành chủ thể chính thực hiện một công việc nào đó của Nhà nước (khi được Nhà nước ủy quyền, giao quyền, chuyển giao). Do đó, bên cạnh thực hiện quyền dân chủ qua phương thức đại diện (thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức xã hội…) thì cần thiết xem xét để bổ sung thêm các phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp. Chẳng hạn, có thể tiếp tục nghiên cứu để triển khai một trong những định hướng đã được đề cập từ năm 2007, đó là: “Thí điểm việc nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp quyết định phê chuẩn; trên cơ sở tổng kết thí điểm sẽ xem xét thực hiện chính thức chủ trương này cùng với việc xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp về việc nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch Ủy ban nhân dân xã”10.

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã, đang tạo ra một môi trường các quan hệ xã hội phi tiếp xúc trực tiếp (quan hệ trong thế giới ảo, mạng xã hội…) mở rộng về không gian, liên tục về thời gian và số lượng lớn các bên tham gia. Theo đó, bên cạnh những quyền vốn có trong thế giới thực thì những vấn đề liên quan đến thế giới ảo đang được đặt ra, như: sự tương tác/quan hệ xã hội thông qua mạng xã hội; hoạt động của con người trong mạng xã hội (giao dịch điện tử, kinh doanh trong môi trường mạng xã hội…) và đặc biệt là quan hệ giữa Nhà nước với công dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong môi trường số.

Hiện nay, nhiều dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, 4 đã được vận hành và nhiều hoạt động khác của Nhà nước sẽ tiếp tục được số hóa, thậm chí tự động hóa. Do vậy, bên cạnh các quan hệ pháp luật trực tiếp, xuất hiện nhu cầu cần thiết phải có hình thức pháp lý cho các quan hệ pháp luật được thực hiện trong môi trường ảo, môi trường số hóa. Chẳng hạn, trong tương lai, cử tri có thể bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân qua mạng được không? Việc xét xử, trong một số trường hợp có thể được xét xử trực tuyến (online) thay vì phải “xét xử trực tiếp” trong mọi trường hợp như hiện nay11. Song song với đó là quyền của mỗi cá nhân được Nhà nước bảo vệ trước sự xâm hại từ thế giới ảo và trách nhiệm của Nhà nước trong việc kiểm soát thế giới ảo cũng như bảo đảm rằng tất cả những thành tựu của khoa học – kỹ thuật và công nghệ đều hướng đến mục đích phục vụ con người, không làm tổn hại đến các giá trị của con người, xã hội.

Các vấn đề an ninh phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán…) đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Đại dịch Covid-19 đã và đang có những tác động tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng đến đời sống kinh tế – xã hội, để khắc phục được cần một thời gian dài, nhất là những tổn thương về sức khỏe, tâm lý của mỗi cá nhân, về gia đình, xã hội… Nước ta là một trong những quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu, từ đó, dẫn đến việc biến đổi hệ sinh thái sinh sống truyền thống của người dân. Những vấn đề đặt ra, như: an toàn về tính mạng, sức khỏe, việc làm của người dân trong và sau khi xảy ra dịch bệnh, hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, ngập mặn; việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, di dân, nhà ở… đã tạo nên nhu cầu cấp thiết về quyền được bảo vệ/bảo đảm an toàn trước các yếu tố an ninh phi truyền thống nhất là của các nhóm yếu thế (trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật…).

Để nguồn nhân lực (với dân số như trên đã nêu) trở thành nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển thì trong Nhà nước pháp quyền XHCN, nguồn lực con người phải được khơi dậy, phát triển, phát huy khi Nhà nước thể hiện được vai trò là người tạo lập một môi trường/không gian cho con người phát triển và bảo vệ được sự phát triển này thông qua việc Nhà nước, xã hội tôn trọng, ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng như tạo ra được các cơ sở khách quan, chủ quan để quyền con người, quyền công dân không ngừng được mở rộng. Nguồn lực con người cùng với đó là quyền con người, quyền công dân cần thiết được xác định là một trong những vấn đề cơ bản trong quá trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Các đề xuất là:

Thứ nhất, quán triệt về thể chế hóa đầy đủ quan điểm “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”, “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”, “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển” như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra.

Thứ hai, thể chế về con người cần được hoạch định, thiết kế phù hợp với sự vận động, phát triển của con người trong giai đoạn hiện nay; chú ý đến khả năng xuất hiện những nhu cầu mới, quyền mới xuất hiện do sự phát triển kinh tế – xã hội tạo ra để quyền con người, quyền công dân được mở rộng (cả về nội dung, phương thức thực hiện). Cùng với đó, điều chỉnh hình thức pháp lý của các quan hệ pháp luật về quyền con người, quyền công dân cho phù hợp, nhất là phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển của thế giới ảo để bảo đảm, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trước sự vận động thay đổi của xã hội.

Thứ ba, thể chế về con người cần tạo ra được sự liên kết/gắn kết, chia sẻ, hỗ trợ, thúc đẩy tương tác giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với Nhà nước, xã hội. Đây cũng là điều quan trọng, bởi qua đó sẽ: (1) Góp phần tạo nên đồng thuận xã hội, sức mạnh, giá trị của mỗi một cá nhân được nhân lên thông qua các cơ chế liên kết, chia sẻ; (2) Quan hệ Nhà nước, xã hội, cá nhân gắn bó chặt chẽ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, một khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ tư, Nhà nước có sứ mệnh thiết lập cơ chế, chính sách, pháp luật để hỗ trợ, thúc đẩy mỗi một cá nhân có thể tự xây dựng được cuộc sống của chính mình cũng như đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển chung của xã hội. Một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ, liên thông và kế thừa lẫn nhau, chi phí thực hiện thấp là một trong những nhu cầu cần được đáp ứng. Quan trọng hơn, xác định rõ quyền, nghĩa vụ một cách bình đẳng, minh bạch giữa các bên trong quan hệ pháp luật, bao gồm cả quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân.

Thứ năm, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho các nhóm yếu thế, nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. Chính sách đầu tư này nên xác định không chỉ trong ngắn hạn mà là dài hạn, thậm chí qua nhiều thế hệ và cần thiết đặt ra mục tiêu, biện pháp giảm số người thuộc nhóm yếu thế, qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân, chất lượng dân số của quốc gia – một trong những nền tảng để bảo đảm cho việc hiện thực hóa những mục tiêu đến năm 2025, 2030 và 2045 mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật,2021, tr. 215 – 216.
2, 3. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
4, 6. Thông cáo báo chí kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. http://tongdieu- tradanso.vn, ngày19/12/2019.
5. Dữ liệu và số liệu thống kê. Dân số lao động việc làm năm 2020. https://www.gso.gov.vn, ngày 19/01/2021.
7. Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
8. Báo cáo số 4204/BC- UBĐN14 ngày 08/11/2019 của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (khóa XIV) về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam”: “từ khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành đến nay, số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài là 3.291 trẻ em, trong đó năm 2011: 66 trẻ em, năm 2012: 298 trẻ em, năm 2013: 334 trẻ em, năm 2014: 498 trẻ em, năm 2015: 575 trẻ em, năm 2016: 551 trẻ em, 2017: 539 trẻ em, năm 2018: 430 trẻ em. Trong đó, số lượng hồ sơ người nước ngoài là người đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất là 1 năm nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi từ 2011 – 2018 là 57 trường hợp, chủ yếu là công dân quốc tịch Anh, Ốt-xtrây-li-a đang làm việc, học tập tại Việt Nam.
9. Báo cáo số 4204/BC- UBĐN14 ngày 08/11/2019 của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (khóa XIV) về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam”: “từ năm 2013 – 2018, lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc có xu hướng tăng tỷ lệ lao động giữ các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành; giảm tỷ lệ lao động giữ vị trí lao động kỹ thuật và có xu hướng tăng dần qua các năm, năm 2013 có 172 lao động nước ngoài thì đến năm 2018 có 88.845 lao động nước ngoài”.
10. Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
11. Khoản 1 Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Học viện Hành chính Quốc gia.Tài liệu bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Học viện Hành chính Quốc gia, Việt Nam; Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Xinh- ga-po; Viện Kinh tế, Việt Nam. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quản trị nhà nước/Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2018.
4. Klaus Schwab. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. H. NXB Thế giới, 2018.
5. Thomas L. Friedman. Thế giới phẳng. H. NXB Trẻ, 2018.
PGS.TS. Lương Thanh Cường
Học viện Hành chính Quốc gia