Hệ thống giáo dục mở theo hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

(Quanlynhanuoc.vn) – Giáo dục mở là giáo dục không có yêu cầu nhập học và thường được cung cấp trực tuyến; đồng thời, loại bỏ mọi rào cản đối với cơ hội học tập, tiếp cận thông tin và kiến thức mà người học có nhu cầu. Những phương diện mở chủ yếu của giáo dục mở là: “mở về đối tượng”, “mở về địa điểm”, “mở về phương pháp” và “mở về ý tưởng”. Dựa vào công nghệ kỹ thuật số, giáo dục mở thực hiện học tập trực tuyến, học tập từ xa một cách thuận lợi, nhờ đó, nguồn nhân lực sẽ tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ra mắt Câu lạc bộ Giáo dục Mở, ngày 26/5/2021. Ảnh: với.vn
Đặt vấn đề

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) đã khẳng định: “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở – mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên; tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục”1.

Để triển khai mô hình xã hội học tập (XHHT), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2010”, tiếp đó là Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tạo nên một hệ thống giáo dục mở (GDM) còn nhiều bất cập về tổ chức, chính sách và quản lý. Ngay trong Luật Giáo dục cũng chưa làm rõ tính chất “mở” của hệ thống giáo dục hiện nay, nhất là đối với hệ thống giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên (GDTX). Trong khuôn khổ của bài viết, hệ thống giáo dục mở theo hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 như một xu thế phát triển của thế giới hiện đại đang xây dựng XHHT.

Khái niệm về giáo dục mở

Giáo dục mở là một thuật ngữ dùng để chỉ những tập quán của các cơ sở giáo dục hay những sáng kiến giáo dục nhằm tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận các chương trình giáo dục và đào tạo mà trước đây chỉ thực hiện được thông qua hệ thống giáo dục chính quy. Thực chất của GDM là tạo nên một hệ thống giáo dục không có rào cản với bất cứ ai đối với cơ hội học tập của họ. Và, trong xã hội có được những chính sách tháo dỡ những rào cản đó chính là XHHT.

Cuối thế kỷ XX, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 3.0 và xu thế toàn cầu hóa lôi cuốn ngày càng nhiều quốc gia vào dòng chảy của nó, những điều kiện phát triển nền kinh tế tri thức xuất hiện, các nhà giáo dục và nhà khoa học thấy rằng, sự hạn chế của hệ thống giáo dục truyền thống không còn đủ năng lực để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền sản xuất hiện đại. Hạn chế cơ bản nhất là chỉ đem lại học vấn một lần cho mỗi người học, trong khi người lao động phải liên tục cập nhật những kiến thức mới trong suốt cuộc đời của họ. Hơn nữa, hệ thống giáo dục truyền thống chỉ hướng tới đào tạo thế hệ trẻ mà coi nhẹ đối tượng đi học là người lớn. Cho nên, cần có hệ thống giáo dục người lớn để thực hiện được ý tưởng học tập suốt đời cho mọi người.

Chính vì thế, nói đến GDM, trước tiên người ta nghĩ đến trường đại học mở, ngay sau đó là tính đến hệthống GDTX mở. Hai hệ thống này đều hướng tới giáo dục suốt đời cho mọi người. Việc thay mô hình giáo dục truyền thống bằng mô hình GDM, về thực chất là một cuộc cách mạng giáo dục. Việc tháo dỡ cấu trúc hệ thống giáo dục truyền thống để thay vào hệ thống GDM sẽ kéo theo sự thay đổi những mối quan hệ nội tại giữa các thiết chế giáo dục. Những thiết chế đó sẽ phải vận hành theo những nguyên tắc và cơ chế mới, được quản lý theo phương pháp mới và được định hướng phát triển theo những chính sách mới. Mặt khác, sự lãnh đạo và điều hành mô hình GDM phải theo hệ thống lý thuyết mới, hệ quan điểm mới và triết lý giáo dục sẽ khác trước. Phương thức tư duy giáo dục truyền thống lỗi thời phải thay bằng phương thức tư duy GDM mang tính đổi mới triệt để, không dung hòa và không nửa vời trong lý luận.

Hệ thống GDM có cấu trúc cân đối giữa hệ thống giáo dục ban đầu với hệ thống giáo dục tiếp tục. Hai hệ thống này liên thông, hỗ trợ, tiếp nối nhau, tạo nên một hệ thống cung ứng những kiến thức mới hết sức đa dạng và phong phú, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người với mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ. Tổ chức UNESCO đã khẳng định: “Giáo dục thường xuyên qua mọi lứa tuổi, trong suốt cuộc đời, không chỉ bó hẹp trong những bức tường nhà trường. Nền giáo dục phải được cải tổ toàn diện. Giáo dục phải trở thành phong tràoquần chúng thực sự”2.

Hệ thống giáo dục đại học mở

Để giáo dục đại học vượt qua sự chật hẹp của mình trong quá trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu cao về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, những nhà cải cách giáo dục đại học đã gắn tính “mở” trong đào tạo những ý tưởng cơ bản sau đây:

(1) Mở về các đối tượng tham gia học tập. Theo ý tưởng này, sẽ không hạn chế người học về các phương diện tuổi tác, trình độ chuyên môn – nghề nghiệp, địa vị xã hội… miễn là người đó có nhu cầu học tập, đặc biệt là học để phục vụ công việc hay học để chuyển đổi nghề nghiệp. Nhiều trường đại học trên thế giới còn mở các khóa học cho người lớn tuổi, những người già nhằm phát huy những năng lực trong họ mà trước đây các lớp đào tạo chưa bộc lộ được những năng lực đó.

(2) Mở về địa điểm học. Hình thức học trước đây là học tập theo giáo dục trực tiếp, người học phải đến lớp, đến trường. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, người học sẽ học theo phương thức giáo dục trực tuyến với nhiều hình thức, như: học tại nhà, tại nơi làm việc, học di động…, tức là học trong mọi thời gian và không gian khác nhau, học mọi lúc, mọi nơi với thiết bị kết nối internet (laptop, máy tính bảng, ipad, điện thoại thông minh).

(3) Mở về ý tưởng. Hiện nay, có rất nhiều ý tưởng trong đào tạo, như ý tưởng về khởi nghiệp và từ đó giáo dục hướng tới phát huy những năng lực khởi nghiệp cho người học, ý tưởng về đào tạo công dân số hay công dân toàn cầu… Có thể nói, giáo dục thiếu tính mở sẽ không bao giờ có được ý tưởng lớn lao, đáp ứng yêu cầu của thời đại.

(4) Mở về phương pháp. Những phương pháp của giáo dục truyền thống không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầuđào tạo ngày Việc mở rộng các phương pháp đào tạo đang là xu thế chung của giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Hiện nay, các trường đại học sử dụng ngày càng nhiều phương pháp, như: phương pháp học tập kết hợp, thực chất là kết nối giữa hai hình thức đào tạo online và offline; phương pháp động não hay não công, tập kích não; phương pháp đơn giản để sáng tạo gồm các khâu xác định vấn đề, cởi mở ý tưởng, tìm giải pháp tối ưu và chuyển đổi, sử dụng sơ đồ tư duy…

Nói đến GDM là nói đến việc học tập suốt đời, bởi chỉ khi giáo dục có tính mở thì GDM đi dọc theo cuộc đời của từng con người. Nói đến GDM cũng là nói đến giáo dục từ xa, có nghĩa là mở rộng không gian và thời gian giáo dục. GDM không phải là giáo dục từ xa, nhưng trong GDM có giáo dục từ xa và trong giáo dục từ xa có GDM.

Bước vào thế kỷ XXI, công nghệ thông tin và truyền thông tiến bộ vượt bậc, nó tạo nên công nghệ trực tuyến giúp việc mở rộng năng lực dạy học tại nhiều địa điểm khác nhau, trong nhiều thời gian khác nhau của hệ thống GDM. Đến nay, ngoài những công cụ thông thường để cung cấp thông tin, cung cấp kiến thức như tài liệu in, băng ghi âm, đĩa CD, ngoài ra, còn có các phương tiện trực tuyến, như: trang web, Youtube (nền tảng chia sẻ video trực tuyến), hay iTunesU (ứng dụng phần mềm để truy cập thông tin World Wide Web). Việc học tập trực tuyến đang ngày càng phổ biến nhờ vào việc hình thành edX – dự án phi lợi nhuận chuyên về thương mại điện tử để tạo ra những tài nguyên GDM (Open educational resources – OER) và những khóa học trực tuyến cho đông đảo học viên (Massive open online course – MOOC).

(5) Theo một số trường đại học mở trên thế giới. Trước tiên, là Trường Đại học Mở Vương quốc Anh (United Kingdom Open University – UK OU) thành lập năm 1969. Nhà trường đào tạo với quy mô 250.000 sinh viên mỗi năm, trong đó sinh viên quốc tế là 50.000 (chiếm 20%), sinh viên người Anh là 32.000, còn lại 168.000 là học viên người lớn, vừa làm vừa học3.

Tiếp đến là một số trường siêu đại học, như: Trường Idira Gandhi ở Ấn Độ được thành lập năm 1985, đã thu hút 3,5 triệu sinh viên; Trường Anadolu ở Thổ Nhĩ Kỳ, thành lập năm 1958, có 2 triệu sinh viên; Trường Đại học Mở Trung Quốc, thành lập năm 1979 với gần 3,6 triệu sinh viên. Phổ biến nhất là những đại học mở có số lượng người theo học từ 150.000 đến dưới 1.000.000, như: Đại học Mở ở Buckinghamshire của Vương quốc Anh, thành lập năm 1969, có 180.000 sinh viên, (trường có 13 chi nhánh trong nước và nhiều văn phòng đại diện ở một số nước châu Âu); Đại học Mở Hàn Quốc được thành lập năm 1972, có 600.000 sinh viên, với 300 câu lạc bộ theo sở thích và 1.200 câu lạc bộ học thuật; Đại học Kỹ thuật số của Pháp

(France Université numérique – FUN), thành lập năm 2003, có tới 300 khóa học trực tuyến miễn phí với 80 cơ sở đào tạo được tổ chức khai giảng các tháng trong năm; Trường Kỹ nghệ quốc gia ở Pháp (Écolenationale superieure d’art et metiers – ENSAM), thành lập năm 1995, có 500 khóa học từ xa thông qua trang ứng dụng PLEI@D; Trung tâm đào tạo từ xa quốc gia của Pháp (Centre nationale d’enseignement à distance – CNED) thành lập năm 1990, có tới 300.000 sinh viên4.

Trên thế giới còn có một loại hình đại học mở dành cho người lớn hoặc dành tỷ lệ học cao cho người lớn so với sinh viên trẻ tuổi. Điều này bắt nguồn từ nhu cầu học tập của người lớn tăng lên với nhiều lý do, trước hết là để hoàn thiện tay nghề hoặc hoàn thiện bản thân, bên cạnh đó là để thích ứng cuộc sống hiện đại. Từ năm 1930 – 1940, tỷ lệ người lớn theo học đại học trên thế giới không quá 10%; từ năm 1970 – 1980, tỷ lệ này ở nhiều nước đã vượt 70%. Hiện nay, số người lớn theo học đại học ở Mỹ là 82%, Phần Lan là 94%, Hàn Quốc là 90% và Cộng hòa Liên bang Đức là 91%5.

Ở Việt Nam, có Trường Đại học Mở Hà Nội (Hanoi Open University – HOU) được thành lập năm 1993 với tên gọi ban đầu là Viện Đại học Mở Hà Nội. Trường có các hệ đào tạo: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa và học trực tuyến với 17 ngành đào tạo trình độ đại học và 8 ngành đào tạo trình độ sau đại học. Từ khi thành lập đến nay, Trường đã đào tạo và cung cấp hơn 200.000 nhân lực cho xã hội. Mục tiêu đến năm 2035, Trường trở thành một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đa trình độ, đa phương thức, trong đó chú trọng đào tạo từ xa, có vị trí xứng đáng trong hệ thống các trường đại học mở châu Á, thông qua nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, vì một nền giáo dục đại học đại chúng, một xã hội học tập và học tập suốt đời6.

Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh được thành lập năm 1990 với tên gọi ban đầu là Viện Đào tạo mở rộng. Trường có chức năng đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ và đào tạo tại các điểm vệ tinh nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội; Trường có 5 chuyên ngành cấp bằng tiến sỹ, 12 chuyên ngành cấp bằng thạc sỹ, 17 ngành đào tạo trình độ đại học. Với triết lý giáo dục của mình, Trường cho rằng mọi người đều có quyền bình đẳng về giáo dục và vai trò của trường là cung cấp cơ hội học tập vượt qua các rào cản về không gian, thời gian và những ràng buộc khác cho mọi người7.

Hệ thống giáo dục thường xuyên mở

GDTX không phải là lĩnh vực đào tạo thuộc phạm trù khoa học sư phạm, mà là phạm trù khoa học sư phạm người lớn. Công việc đào tạo người lớn đã có nghề, đã qua hệ thống giáo dục ban đầu đòi hỏi phải có nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức học tập, công tác kiểm tra, đánh giá và quản lý hoàn toàn không giống với cách đào tạo thế hệ trẻ – những người chưa qua lao động nghề nghiệp.

Theo quan niệm truyền thống, hệ thống GDTX được hiểu như là một hệ thống giáo dục không chính quy (Non-formal education) và phi chính quy (Informal education) gồm những trung tâm GDTX và Trung tâm học tập cộng đồng, cung cấp các khóa học trực tuyến. Ngày nay, theo yêu cầu của chương trình chuyển đổi số quốc gia, GDTX cũng phải phát triển theo hướng chuyển đổi số và mang tính mở. Vì vậy, hệ thống GDTX nhất thiết phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế, như sau:

Nhiệm vụ của GDTX không chỉ bó hẹp trong các trung tâm GDTX và trung tâm học tập cộng đồng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Các bộ, ban, ngành và các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp và xã hội đều có nhiệm vụ tổ chức GDTX để các thành viên của mình học tập suốt đời.

Các cơ sở GDTX trong và ngoài sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều phải coi người lao động trong từng bộ, ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng xã hội khác là nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân là đối tượng của GDTX; cần dạy cho người lao động những gì họ cần chứ không hoàn toàn phụ thuộc những gì đã có trong sách giáo khoa hay các giáo trình.

Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, GDTX trước hết phải trở thành hệ thống GDM với cơ sở vật chất kỹ thuật số. Các cơ sở GDTX sẽ là nơi cung ứng các khóa học trực tuyến đại chúng và nhiều phương thức E-learning cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT giai đoạn 2021 – 2030, trước hết là mô hình công dân số theo quy định của Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ chính trị và cũng là thách thức đối với hệ thống GDTX hiện nay.

Kết luận

Học tập suốt đời là nội dung căn cốt của XHHT. Khi tiến hành cuộc vận động “người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng học tập” thì hệ thống giáo dục chính quy truyền thống không còn giữ vai trò độc tôn. Giáo dục không chính quy và phi chính quy có vai trò ngày càng lớn trong việc giúp người dân học mọi lúc, mọi nơi trong mọi thời gian và không gian khác nhau. Giáo dục tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 là nền giáo dục được triển khai trong môi trường số. Chuyển đổi số trong giáo dục tạo ra một sự thay đổi cơ bản về nội dung, phương pháp, các thiết chế giáo dục… Một nền giáo dục số hóa sẽ tạo nên con người mới, sống và làm việc trong xã hội số với chính phủ số và nền kinh tế số.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2006, tr. 41.
2. UNESCO. Tuyên ngôn 21 điểm về giáo dục thường xuyên nhân kỷ niệm 40 năm thành lập UNESCO. Tài liệu lưu trữ tại UNESCO Hà Nội, 1985.
3. Huyền Anh. Tổng hợp tài liệu dịch từ Dai- lymail 2016. Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 110 – 113.
4. Phạm Tất Dong. Học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập – xu thế phát triển tất yếu. NXB Dân trí, 2017, tr. 120.
5. Bùi Thanh Xuân. Báo cáo tổng kết: Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế xây dựng các thành phố, thị trấn học tập. Trung tâm Nghiên cứu giáo dục không chính quy, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm – Hà Nội, 2011, tr.15 – 16.
6. Quá trình hình thành và phát triển của Trường Đại học Mở Hà Nội. https://hou.edu.vn, ngày 23/6/2021.
7. Giới thiệu chung http://www.oude.edu.vn, ngày 23/6/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2006.
Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư.
2. Vụ Giáo dục thường xuyên – Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chuyển đổi số trong giáo dục thường xuyên. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Những năng lực cốt lõi của công dân học tập” do Tiểu ban giáo dục thường xuyên và học tập suôt đời, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chủ trì, Hà Nội, 2020.
3. Manolo Abella (2015). Cạnh tranh toàn cầu về trí tuệ và tài năng. Journal on Interna- tional Affairs,Vo.68.N2.
4. L.Kliachko, V.A.Mau (2015). Tương lai của các trường đại học: Các xu hướng toàn cầu. Politicheskie issledovania, N.3, p. 5 – 7.

GS.TS. Phạm Tất Dong
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam