Tìm hiểu về tội mua bán người tại điều 150 bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

(Quanlynhanuoc.vn) – Căn cứ quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có thể hiểu: mua bán người là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

3 đối tượng trong đường dây tội phạm mua bán người bị lực lượng của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với BĐBP Quảng Ninh bắt giữ vào ngày 18-3-2021. Ảnh: bienphong.com.vn
Về định nghĩa mua bán người

Dưới góc độ khoa học hình sự, tội phạm là hành vi có đủ những yếu tố cấu thành tội phạm, đó là khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm, đó chính là các dấu hiệu pháp lý của tội phạm được mô tả bằng các quy định cụ thể của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Qua nghiên cứu về tội mua bán người (MBN), có thể khái quát các dấu hiệu pháp lý của tội MBN theo quy định hiện hành như sau:

– Khách thể: tội MBN xâm phạm đến quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác. Đối tượng tác động của tội phạm chính là con người.

– Mặt khách quan: người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để thực hiện một trong các hành vi sau đây:

+ Hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

+ Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

+ “Thủ đoạn khác” được hiểu là các thủ đoạn như: bắt cóc; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi; đầu độc nạn nhân; lợi dụng việc môi giới hôn nhân, môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng tình thế bị lệ thuộc; lợi dụng tình thế dễ bị tổn thương hoặc tình trạng quẫn bách của nạn nhân (ví dụ: lợi dụng tình trạng nạn nhân có người thân bị bệnh hiểm nghèo cần tiền chữa trị ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng).

+ “Mục đích vô nhân đạo khác” được hiểu là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, buộc nạn nhân phải đi ăn xin hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác.

– Mặt chủ quan:

+ Lỗi: lỗi cố ý (có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Đây là tội phạm có cấu thành hình thức nên hậu quả của tội phạm, người phạm tội có thể nhìn thấy trước hoặc không thấy trước. Trong đó, lỗi cố ý trực tiếp là khi người phạm tội thực hiện hành vi MBN, trao đổi người khác và nhận thức rõ hành vi của mình, mong muốn hành vi đó diễn ra; lỗi cố ý gián tiếp là khi người phạm tội thực hiện hành vi mua bán, trao đổi người khác và có ý thức để mặc cho hành vi đó diễn ra.

+ Động cơ: đa dạng, thường là vì mục đích vụ lợi, nhưng không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

+ Mục đích: đây là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người phạm tội có mục đích nhận tiền, tài sản hoặc lợi vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

– Chủ thể của tội phạm: người phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 14 tuổi trở lên.

Một số nhận thức về Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Thứ nhất, theo Điều 8 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 01/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội MBN và Điều 151 về tội MBN dưới 16 tuổi của BLHS trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội như sau: Trường hợp trong quá trình thực hiện hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, người phạm tội còn thực hiện các hành vi phạm tội khác thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khác tương ứng theo quy định của BLHS.

Ví dụ: Nguyễn Văn A mua Nguyễn Thị C để bán. Trong quá trình đem C đi bán, A đã đánh C gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 30%. Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội MBN và tội cố ý gây thương tích”1.

Ví dụ này được đưa ra trong Điều 8 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP là chưa rõ ràng, rất dễ gây nhầm lẫn trong việc định tội danh. Trường hợp nào sẽ xử lý người phạm tội về hai tội: tội MBN và tội cố ý gây thương tích; trường hợp nào sẽ xử lý người phạm tội về tội MBN, với dấu hiệu định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự “gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác…”. Về kỹ thuật lập pháp có thể thấy, hành vi cố ý gây thương tích đã được xây đựng để trở thành một thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội MBN, nằm trong cấu thành tội phạm MBN. Do đó, khi người phạm tội có hành vi tấn công, gây thương tích cho nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội hoặc bảo đảm cho quá trình thực hiện hành vi phạm tội được thuận lợi thì chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự về tội MBN và không nên truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội cố ý gây thương tích.

Bên cạnh đó, trường hợp trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, nếu vô ý gây ra thương tích cho nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên thì người phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự theo các dấu hiệu định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự hay không?

Ví dụ: A lừa gạt B nhằm bán B sang Trung Quốc kiếm lời. Trong quá trình vận chuyển, chở B bằng xe mô tô trên đường, A vi phạm luật giao thông đường bộ tự gây ra tai nạn khiến B bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 31%. Trường hợp này A có phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015 hay không?

Trong tình huống này, có nhiều quan điểm cho rằng, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A theo điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015, bởi vì thương tích mà A gây ra cho B đang trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội (giai đoạn vận chuyển) nên dù cố ý hay vô ý gây ra thương tích thì A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo định khung tăng nặng hình phạt.

Ý kiến khác cho rằng, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với  A theo định khung tăng nặng hình phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 150, bởi vì: khoản 1 Điều 150 quy định cụ thể: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 5 – 10 năm: c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp…”. Điều này thể hiện hậu quả của tội phạm MBN phải do người phạm tội cố ý thực hiện, với các thủ đoạn cụ thể (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác) để thực hiện các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận. Bên cạnh đó, nếu chúng ta bắt giữ được A trong giai đoạn vận chuyển, B chỉ đang bị lừa gạt để bán cho người khác, chưa bị bóc lột thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự A theo điểm c khoản 2 Điều 150 là không hợp lý, không phản ánh đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Do đó, trong tình huống trên, với việc vô ý gây ra thương tích cho B với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 31% có thể xem xét A về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 138 BLHS năm 2015).

Thứ hai, khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP quy định: “Người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể quyết định sự sống của nạn nhân (ví dụ: tim, buồng gan…), làm nạn nhân chết thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự”.

Tác giả nhận định, hướng dẫn định tội danh theo khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP chưa thực sự hợp lý, chưa phản ánh đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Trường hợp này, người phạm tội đã coi nạn nhân như một loại hàng hóa để trao đổi, mua bán; sau đó đối tượng có tiếp hành vi tước đoạt tính mạng nạn nhân để lấy bộ phận cơ thể thì bản chất của hành vi này không đơn thuần là giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015. Hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến cả tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của nạn nhân. Vì vậy, tác giả đồng tình với quan điểm: “Trường hợp người thực hiện hành vi MBN, sau đó, lấy đi bộ phận cơ thể nạn nhân, mà bộ phận đó quyết định sự sống của nạn nhân, thì cùng với tội MBN, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015”2.

Thứ ba, hướng dẫn xử lý đối với hành vi mua bán bào thai. Thực tế hiện nay, đã xuất hiện nhiều trường hợp mua bán bào thai, thủ đoạn này được hiểu là: các đối tượng sẽ tìm những người phụ nữ đang mang thai hoặc đặt vấn đề nhờ mang thai hộ, rồi chăm sóc sức khỏe cho người phụ nữ này đến khi sinh đứa trẻ ra một cách khỏe mạnh thì các đối tượng sẽ mua lại đứa trẻ đó. Cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện và bắt giữ được các đối tượng khi đang đưa những người phụ nữ mang thai vượt biên qua biên giới để sinh con ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp này có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội MBN được không?

Đây là vấn đề mà các cơ quan tiến hành tố tụng, các nhà nghiên cứu pháp lý đang có nhiều tranh luận về hướng xử lý đối tượng. Có quan điểm cho rằng, cần phải xử lý các đối tượng (kể cả người phụ nữ đang mang thai) về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 BLHS năm 2015. Bởi vì, khi người phụ nữ này sinh đứa trẻ ra sẽ bán đứa trẻ đó cho các đối tượng khác để nhận tiền nên đủ yếu tố cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi. Quan điểm khác cho rằng, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng về tội MBN dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 BLHS năm 2015.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai khi cho rằng, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng về tội MBN dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 BLHS năm 2015, mặc dù có thể thấy, bản chất hành vi trên là MBN dưới 16 tuổi. Người phụ nữ đang mang thai đã đồng ý bán đứa con của mình cho các đối tượng khác nếu đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì “thai nhi” vẫn chưa được coi là một con người, chưa có các quyền của một con người độc lập nên chưa thỏa mãn dấu hiệu pháp lý về đối tượng tác động trong tội MBN dưới 16 tuổi (đó là người dưới 16 tuổi). Do đó, khi các đối tượng có hành vi đưa người phụ nữ đang mang thai sang bên kia biên giới để chăm sóc và sinh con tại đó thì giai đoạn phạm tội ở đây mới chỉ dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015 quy định: “Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108 – 134, 168, 169, 207, 299 – 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự”. Theo đó, người chuẩn bị phạm tội MBN (Điều 150) hoặc MBN dưới 16 tuổi (Điều 151) không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, trong tình huống trên, chúng ta không có căn cứ pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng về tội MBN dưới 16 tuổi, mà tùy từng tình huống cụ thể xem xét về trách nhiệm hành chính hoặc xử lý hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 347 BLHS năm 2015).

Một số kiến nghị, đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật đối với tội phạm mua bán người

Một là, cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn trong việc định tội danh giữa tội MBN với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134).

Hai là, nghiên cứu, sửa đổi, hướng dẫn định tội danh trong trường hợp MBN để lấy bộ phận quyết định sự sống của nạn nhân theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội là tội MBN và tội giết người.

Ba là, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội MBN, MBN dưới 16 tuổi ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Bốn là, cần làm rõ nội hàm trong quy định tại điểm c khoản 1 Điều 150 để tránh gây nhầm lẫn trong quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan chức năng. Cụ thể, cần quy định cụ thể hơn về yếu tố chuyển giao nạn nhân của tội phạm MBN.

Năm là, theo quy định tại Điều 27 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thực tế quá trình đấu tranh với tội phạm MBN cho thấy, việc quy định cứng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội MBN như trong quy định tại Điều 27 trong một số trường hợp không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động xử lý. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh này.

Trên đây là một số nội dung trao đổi liên quan đến tội MBN quy định tại Điều 150 BLHS năm 2015, hy vọng các vấn đề trên sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu và cán bộ thực tiễn quan tâm, nghiên cứu để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh, chống tội phạm này trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Điều 8 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.
2. Lê Thị Vân Anh. Một số vấn đề đặt ra trong việc định tội danh mua bán người theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Tạp chí Tòa án nhân dân, số 01/2021, tr. 36.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
ThS. Đặng Bá Vinh
Học viện Cảnh sát nhân dân