Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

(Quanlynhanuoc.vn) – Ở Việt Nam, thực hiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm là yêu cầu cấp thiết của xã hội, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cũng như sự chung tay góp sức của toàn dân. Bên cạnh những thành tựu, thực hiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm còn có những hạn chế nhất định. Để khắc phục những hạn chế trong thực hiện pháp luật, phát huy vai trò của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm của các chủ thể trong xã hội; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ảnh minh họa (internet).
Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thời gian qua

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bên cạnh những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp mà con người đang thường xuyên phải đối mặt như thiên tai, lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm môi trường… thì dịch bệnh cũng là kẻ thù vô cùng đáng sợ đối với con người trên trái đất. Những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang xuất hiện nhiều và lây lan nhanh trên khắp thế giới là một trong những hiểm họa đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người.

Ở Việt Nam, những năm qua, thực thi pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm (PCDBTN) đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã giảm tỷ lệ mắc và tử vong. Việt Nam đã thanh toán được các bệnh như đậu mùa, bại liệt. Nhiều bệnh đã được loại trừ và khống chế như bệnh uốn ván sơ sinh, giun chỉ bạch huyết, giảm các bệnh lây nhiễm HIV/AIDS… Tỷ lệ chết, mắc một số bệnh truyền nhiễm là rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, như: tay chân miệng, cúm, sốt xuất huyết, cúm A (H5N1)… Hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây chết người, như: sốt xuất huyết, tay chân, miệng, sởi, thủy đậu, uốn ván, viêm gan vi-rút; viêm màng não do não mô cầu… đều giảm. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như MERS – CoV, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) cũng được ngăn chặn kịp thời.

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, các bệnh dịch trong nước đã được khống chế và kiểm soát tốt. Số ca mắc bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm dần qua các năm. Trong năm 2018, số ca mắc bệnh tay chân, miệng giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017. Các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, lao, phong, bạch hầu, ho gà…, số ca mắc cũng giảm và có tỷ lệ mắc thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ðáng chú ý, việc phòng ngừa các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục duy trì thành quả. Trong đó, có nhiều bệnh số ca mắc đã giảm từ hàng trăm, tới hàng nghìn lần so với trước khi có chương trình tiêm chủng mở rộng, như bại liệt, uốn ván sơ sinh…1.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện pháp luật về PCDBTN ở Việt Nam còn có những hạn chế nhất định. Một số chủ thể đã không tuân thủ pháp luật về PCDBTN khi dịch bệnh xảy ra. Chẳng hạn, không thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc ra đường thuộc diện không cần thiết trong phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay. Theo đó, một số người đã không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế.

Với hành vi vứt khẩu trang, các chất, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan dịch bệnh, một số người đã không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi công cộng để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm (quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP). Có những trường hợp che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh (quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Điển hình là trường hợp của bệnh nhân thứ 178 – bệnh nhân đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên mắc Covid-19 (tháng 3/2020). Bệnh nhân Covid-19 số 178 dù biết mình có triệu chứng đau họng và sốt nhưng vẫn giấu chuyện bản thân từ Bệnh viện Bạch Mai về mà khai báo chỉ ở nhà, không đi đâu, nay thấy đau đầu, chóng mặt thì đi khám. Sự khai báo không trung thực này đã gây không ít khó khăn và trở ngại cho công tác kiểm soát dịch bệnh. Hành vi khai báo không trung thực này đã khiến 8 bệnh nhân nằm chung phòng với bệnh nhân và 12 cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ phải cách ly tập trung ở các cơ sở y tế. Qua xác minh, toàn tỉnh Thái Nguyên có 1.378 người liên quan đến bệnh nhân 178 phải cách ly tại các cơ sở y tế, cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe.

Trường hợp hai vợ chồng (người bệnh 3.633 và 3.634) tại thành phố Hà Nội (tháng 5/2021) đã không khai báo y tế theo quy định, làm lây lan bệnh cho nhiều người. Nhiều nơi ở Hà Nội đã bị tạm phong tỏa vì liên quan hai người bệnh nêu trên. Cơ quan chức năng cho rằng, đây là một trong những trường hợp điển hình không tuân thủ các quy định của ngành Y tế trong phòng, chống dịch, dẫn đến lây nhiễm Covid-19 tại cộng đồng2. Có những trường hợp không thi hành pháp luật về PCDBTN, một số cá nhân đã từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thầm quyền đối với người mắc bệnh (quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP). Hay trường hợp khác khi không thi hành quyết định cách ly y tế, người phụ nữ 44 tuổi cố thủ trên tầng 3 ngôi nhà ở phường Trần Nguyên Hãn, thành phố Bắc Giang bị chính quyền phạt 10 triệu đồng. Người phụ nữ 44 tuổi, được chính quyền xác định là F1 của ca dương tính Covid-19, không chịu thực hiện theo quy định cách ly của Nghị định3.

Vi phạm quy định pháp luật về cách ly y tế, bệnh nhân Covid-19 số 1.342 đã lây bệnh Covid-19 trong khu cách ly tập trung khi tiếp xúc với một bệnh nhân khác, trong khi theo quy định, khi cách ly y tế không được tiếp xúc với người khác. Khi cách ly tại nhà, bệnh nhân Covid-19 số 1.342 cũng không thực hiện các quy định cách ly tại hộ gia đình như không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, không tụ tập tại nơi cách ly, giữ khoảng cách 2m với người tiếp xúc và phải đeo khẩu trang4.

Ngày 27/5/2021, quán internet 101-2 Gaming (quận Bình Tân – TP. Hồ Chí Minh) đã tìm mọi cách che mắt lực lượng chức năng để mở chui, đón khách bất chấp lệnh cấm của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch5.

Nhiều vi phạm pháp luật về PCDBTN còn thể hiện ở các hành vi: không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP); không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh (quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP); không tố chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (khoản 1 Điều 5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP); đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp(quy định tại điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP); không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khấn cấp dịch bệnh (điểm b  khoản 5 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP); cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng, chống dịch (quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử); không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng (Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn); giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép (quy định tại điểm a khoản 5 và khoản 9 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình); cản trở, chống lại người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh (khoản 2, 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP).

Những hạn chế trong thực thi pháp luật về PCDBTN là nguyên nhân của nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các bệnh truyền nhiễm đã xảy ra ở Việt Nam, như: hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gia cầm A(H5N1), cúm A(H1N1)… Ngoài ra, bệnh dại hiện có số ca gây tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Số người chết do bệnh dại trung bình giai đoạn 2011 – 2016 vẫn xấp xỉ 100 người/năm… Căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng của con người trên toàn thế giới như dịch bệnh do vi rút Corona gây ra (Covid-19) cũng đã và đang tồn tại ở Việt Nam6.

Nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện pháp luật về PCDBTN ở Việt Nam là do một số quy định pháp luật về PCDBTN còn chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính cụ thể; ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là và xem thường dịch bệnh, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo nội dung khuyến cáo của ngành Y tế; chính quyền tại một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chưa chú trọng đầu tư cho công tác phòng dịch; việc phối hợp liên ngành trong kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, phòng, chống các yếu tố nguy cơ sức khỏe chưa chặt chẽ; mạng lưới y tế tại một số địa phương còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu chưa hợp lý; kinh phí cho công tác phòng, chống dịch chưa được đầu tư đúng mức, khi xảy ra dịch bệnh mới có kinh phí, hoặc cấp muộn dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh đôi lúc chưa nghiêm.

Một số giải pháp

Một là, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về PCDBTN của các chủ thể trong xã hội: mỗi người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, có những biện pháp bảo vệ phù hợp, kịp thời, đồng thời, cần gương mẫu tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về PCDBTN, chủ động phát hiện, tố giác và thông báo kịp thời tới chính quyền địa phương những trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh tại nơi cư trú. Đó chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ dịch bệnh truyền nhiễm.

Các cơ quan, đơn vị cần phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCDBTN đến mọi người dân. Kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục kỹ năng, biện pháp phòng, chống dịch. Tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để PCDBTN. Đồng thời, tuyên truyền, biểu dương các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật về PCDBTN. Đấu tranh phê phán đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về PCDBTN.

Các hình thức tuyên truyền, giáo dục về pháp luật PCDBTN phải phong phú, đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, bao gồm: thông tin, tuyên truyền trên báo, đài; tuyên truyền qua các ấn phẩm, như: tờ rơi, tờ gấp, bản tin, thông báo nội bộ, tài liệu hỏi – đáp…; tuyên truyền trên các website, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; tuyên truyền trực quan tại nơi công cộng bằng băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, bảng LED; tuyên truyền bằng xe lưu động đến từng địa bàn khu dân cư (chú trọng các thôn, xã vùng xa khu vực trung tâm).

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả hình thức tuyên truyền trên intermet, mạng xã hội bằng cách thường xuyên đăng tải các tin, bài viết, thông tin chính thống về nguyên nhân, tác hại, cách phòng, chống dịch, hành vi vi phạm và chế tài xử lý đối với vi phạm pháp luật về PCDBTN qua Facebook, Zalo, Youtube, VCNET…; tuyên truyền qua tin nhắn điện tử, thiết bị điện tử bằng video, hình ảnh. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở bằng các bản tin, bài viết về pháp luật PCDBTN phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của cơ quan, đơn vị, địa phương. Làm tốt công tác này sẽ tạo được niềm tin của công dân vào các quyết sách, biện pháp của Chính phủ, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện nghiêm những biện pháp tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về PCDBTN ở Việt Nam: những quy định về PCDBTN được quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, với 6 chương, 64 điều cũng đã quy định khá đầy đủ về trình tự, thủ tục cũng như các biện pháp phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra. Luật đã đáp ứng cơ bản yêu cầu của công tác PCDBTN trong bối cảnh hiện nay.

Hoạt động kiểm dịch y tế biên giới được quy định trong Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ thay thế Nghị định số 103/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới. Các hoạt động cách ly y tế được quy định trong Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.

Việc xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm PCDBTN được áp dụng theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Đối với những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Thực tiễn thực hiện pháp luật về PCDBTN ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phòng, chống dịch. Cụ thể: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định đối tượng điều chỉnh là công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân người nước ngoài ở Việt Nam, do vậy, cũng cần có sự sửa đổi, bổ sung pháp luật bảo vệ đối với các tổ chức ngoại giao, các tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài. Luật đã có khái niệm cách ly nhưng chỉ quy định cách ly người có biểu hiện, nghi ngờ mắc bệnh (trong đó, khi dịch bệnh phát sinh thì cũng có người không có biểu hiện, nghi ngờ và họ cũng không về từ vùng có dịch nhưng họ vẫn bị cách ly và phải chấp nhận cách ly). Luật cũng quy định về vấn đề hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh nhưng còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể, do đó, cần quy định về việc phối hợp ngăn chặn dịch bệnh giữa các quốc gia, việc trao đổi thông tin về phòng, chống dịch bệnh, vấn đề nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam, người Việt Nam ra nước ngoài trong lúc có dịch…

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các hành vi vi phạm về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm được áp dụng theo Điều 240. Tuy nhiên, việc hiểu như thế nào là “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 này hiện chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng bằng văn bản quy phạm pháp luật, do đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, Công văn 45/TANDTC-PC không phải là văn bản quy phạm pháp luật và không có giá trị pháp lý để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Chính vì vậy, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần thiết phải ban hành Nghị quyết quy định về vấn đề này để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất pháp luật.

Công văn số 45/TANDTC-PC cũng đưa ra yếu tố định lượng về giá trị thiệt hại là 100 triệu đồng để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. Tuy  nhiên, hiện nay lại chưa có quy định hướng dẫn cụ thể việc xác định thiệt hại như thế nào hoặc có những trường hợp, bệnh nhân cố tình không đeo khẩu trang hoặc trốn cách ly… nếu không làm lây bệnh lại không xử được (chẳng hạn, trường hợp người trốn cách ly, dù không gây lây nhiễm bệnh tật cho người khác, nhưng lại gây những thiệt hại như: làm cộng đồng hoang mang, chính quyền phải có biện pháp, công sức để tìm kiếm, đưa họ về, phải cách ly thêm người tiếp xúc với họ… thì sẽ được xử lý như thế nào), do đó, cần có văn bản bổ sung và hướng dẫn về quy định này để bảo đảm tính răn đe, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.

Ba là, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về PCDBTN: ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể trong xã hội được nâng cao nếu các hành vi vi phạm pháp luật về PCDBTN của công dân được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong PCDBTN có ý nghĩa quan trọng, có tính răn đe, ngăn chặn đối với những ai có ý định vi phạm pháp luật, đồng thời  tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh.

Thực tiễn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã chứng minh hiệu quả của việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật đối với PCDBTN. Theo đó, việc các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc vi phạm quy định PCDBTN, cần khẩn trương xác minh, xử lý các thông tin liên quan đến quá trình tiếp nhận, xử lý ca bệnh Covid-19; đồng thời, các địa phương tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm PCDBTN thật sự nghiêm minh và kịp thời…, từ đó, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về PCDBTN trong xã hội.

Chú thích:
1, 6. Khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. https://nhandan.vn, ngày 20/12/2018.
2. Bệnh nhân 178 khai báo vòng vo: Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp điều tra. https://thanhnien.vn, ngày 24/4/2020.
3. F1 cố thủ chống cách ly bị phạt 10 triệu đồng. https://vnexpress.net, ngày 28/5/2021.
4. Khởi tố vụ án hình sự lây lan. http://baochinhphu.vn, ngày 03/12/2020.
5. Quán internet ở TP. Hồ Chí Minh lén lút mở khi dịch Covid-19 lan rộng. https://zingnews.vn, ngày 28/5/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
3. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
4. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế.
TS. Lê Thanh Bình
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh