Những yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện dân chủ ở xã – một số vấn đề lý luận và thực tiễn

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện dân chủ ở xã chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, mỗi yếu tố có vị trí và sự ảnh hưởng nhất định đến mức độ thực hiện dân chủ ở xã. Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện dân chủ ở xã góp phần đưa các quy định của pháp luật về dân chủ vào đời sống  một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình kinh tế, văn hóa  xã hội của từng địa phương; đồng thời, giúp các nhà quản lý đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở xã hiện nay.
Hội nghị Đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân cụm Trung tâm, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong năm 2021. Ảnh: quephong.nghean.gov.vn
Những vấn đề chung về thực hiện dân chủ ở xã

“Dân chủ” là thuật ngữ đa nghĩa, quan niệm về dân chủ có nhiều biến đổi và mỗi thời kỳ lại hiểu một cách khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của khái niệm này mà ở mọi thời đại đều thừa nhận, đó là theo thiết chế dân chủ, các nhà cầm quyền phải được đặt dưới sự kiểm soát của xã hội, quyền lực phải thuộc về người dân, nhân dân làm chủ.

Dân chủ ở Việt Nam được hình thành dựa trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh và những đặc điểm thực tiễn của Việt Nam trong lịch sử cũng như trong giai đoạn phát triển, đổi mới hiện nay. Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã phát triển lý luận nhận thức về dân chủ trong quá trình xây dựng đất nước, từng bước mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua các kỳ Đại hội, Đảng đã có quan điểm ngày càng rõ ràng về xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam. Văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề cao: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030, Báo cáo Chính trị nêu: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội…”2. Như vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước.

Dân chủ muốn được thực hiện có hiệu quả phải bắt nguồn từ cấp thấp nhất trong hệ thống chính trị, mang hơi thở của cuộc sống, theo đó thực hiện dân chủ (THDC) ở xã được hiểu là quá trình các cơ quan nhà nước hiện thực hóa các quyền thể hiện sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước tại xã bằng những hình thức nhất định phù hợp với các nguyên tắc và quy định của pháp luật.

Những yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện dân chủ ở xã
Các yếu tố thuộc về môi trường

Một là, yếu tố chính trị.

Dân chủ là phạm trù luôn được vận hành cùng với các yếu tố chính trị – xã hội và chịu sự tác động mạnh mẽ từ các yếu tố này, trong đó yếu tố chính trị giữ vai trò then chốt, quyết định đến hiệu quả THDC ở cơ sở nói chung và ở xã nói riêng.

Thực tiễn cho thấy, sự ổn định chính trị của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng, sự hài hoà về lợi ích giữa các lực lượng xã hội, sự dân chủ trong Đảng, trong Nhà nước và trong các tổ chức chính trị xã hội sẽ tạo điều kiện để người dân tham gia một cách bình đẳng và ngày càng nhiều vào các lĩnh vực quản lý nhà nước và xã hội3. Ngược lại, môi trường chính trị bất ổn, các thiết chế chính trị không phát huy được vai trò điều tiết, điều chỉnh các quan hệ chính trị, các quyền dân chủ của người dân không được thực hiện đầy đủ thì đó là nguyên nhân gây tâm lý bất an trong các tầng lớp nhân dân, làm suy giảm niềm tin chính trị trong đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), khiến hiệu quả THDC ở xã bị suy giảm. Như vậy, có thể thấy sự ổn định chính trị, sự hài hoà về lợi ích giữa các lực lượng xã hội là một trong những điều kiện cần để dân chủ ở xã được thực thi trong thực tiễn.

Hai là, yếu tố thể chế.

THDC ở xã là quá trình phụ thuộc vào tổng thể nhiều điều kiện, trong đó pháp luật có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt. Để THDC ở xã đòi hỏi phải thể chế hóa tư duy chính trị về dân chủ thành các quy định pháp luật cụ thể, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của từng xã theo từng thời kỳ.

Cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh, thể chế dân chủ nếu được phát triển và hoàn thiện sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc để các cấp chính quyền hành động có hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và là cơ sở pháp lý để Nhân dân thực hiện các quyền làm chủ của mình. Nếu quy định pháp luật bắt buộc chính quyền xã phải công khai thông tin, phải tham vấn, Nhân dân tự quyết định các vấn đề liên quan tới đời sống, Nhân dân giám sát, thụ hưởng các thành quả phát triển của địa phương thì đây là yếu tố thuận lợi giúp người dân có thể tham gia vào quá trình quản lý nhà nước ở địa phương. Ngược lại, nếu pháp luật không quy định rõ ràng về các quyền của người dân, về trách nhiệm của chính quyền và cơ chế vận hành pháp luật không phù hợp sẽ kìm hãm, hạn chế sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước cũng như việc THDC ở xã.

Hiện nay, THDC ở cơ sở được quy định trong Hiến pháp năm 2013; Luật Giao dịch điện tử; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Trưng cầu dân ý; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Pháp lệnh về THDC ở xã, phường, thị trấn… Đây là các văn bản pháp luật có tính chất khung, chứa đựng các quy định nền tảng về THDC ở cơ sở nói chung và ở xã nói riêng.

Ba là, yếu tố kinh tế – xã hội của địa phương.

Dân chủ là nhu cầu của con người, xuất phát từ những điều kiện cụ thể của xã hội, dân chủ chỉ có thể được củng cố và mở rộng trên cơ sở sự phát triển kinh tế ‐ xã hội của đất nước. Nội dung, phương thức và điều kiện thực thi dân chủ ở xã luôn phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế ‐ xã hội ở mỗi thời kỳ phát triển nhất định.

Dân chủ chỉ có thể thực hiện có hiệu quả trên cơ sở sự phát triển của nền kinh tế, tăng mức thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Những thành quả phát triển kinh tế sẽ tạo ra được những tiền đề vật chất cần thiết cho quá trình THDC ở xã. Nội dung, phương thức và điều kiện thực thi dân chủ ở xã luôn phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế của đất nước nói chung, của từng xã nói riêng ở mỗi thời kỳ phát triển nhất định. Vì vậy, THDC ở xã chỉ có hiệu quả khi được triển khai song hành với chủ trương thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao mức sống của Nhân dân. Chính điều kiện kinh tế của đất nước nói chung, của người dân ở địa bàn xã nói riêng có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả THDC ở xã, bởi chỉ khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân được bảo đảm và không ngừng nâng cao thì mới tạo điều kiện và khả năng để người dân chủ động THDC trên địa bàn mình cư trú và ngược lại.

Thực tế cho thấy, các hộ gia đình có thu nhập khá trở lên có mức độ tham gia vào THDC ở xã cao hơn so với các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình và thấp. Ví dụ, thành phố Hà Nội có 382 xã, chiếm 66% đơn vị hành chính cấp cơ sở, 87,7% về diện tích, 50,8% về dân số. Thu nhập bình quân trên đầu người của người dân tại các xã ở mức trung bình khá của thành phố; tại đây đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa 100%, đường trục thôn, liên thôn 95%, đường ngõ xóm 91%, trục chính nội đồng 50%. Hệ thống trường học và các thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp. Tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư đạt tiêu chuẩn làng văn hóa là 57,8%. Tỷ lệ thôn, xóm có nhà văn hóa đạt 80,5%; 100% các xã có điện; 60 bưu điện, 269 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, 272 xã đạt tiêu chí trường học, 286 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa4. Những thay đổi lớn theo hướng tiến bộ trong kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận thông tin, khoa học – công nghệ, nâng cao dân trí góp phần THDC ở xã có hiệu quả.

Bốn là, sự phát triển của khoa học – công nghệ.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng ngày một hiện đại đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận và hiểu pháp luật, từ đó, ảnh hưởng đến trình độ dân trí, cách nghĩ, cách làm của người dân trong việc thi hành và tuân theo pháp luật. Truyền thông và mạng xã hội đã trở thành một kênh quan trọng thể hiện quyền được đóng góp ý kiến của người dân đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, các vấn đề người dân quan tâm.

Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học – công nghệ cũng đặt ra hàng loạt thách thức đối với việc thúc đẩy THDC . Sự phát triển và phổ biến của internet cũng như các nền tảng truyền thông xã hội là kênh quan trọng thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin, thúc đẩy quyền tham vấn, thúc đẩy quyền thảo luận và tự do biểu đạt, cải thiện quyền thụ hưởng của người dân trên nhiều lĩnh vực nhưng cũng đặt ra thách thức về tình trạng bạo lực trực tuyến, kích động mang tính gây hấn, tin tức giả, lôi kéo tạo tâm lý hoang mang, dao động trong Nhân dân và có thể tạo nên tình trạng “dân chủ quá trớn”, lợi dụng dân chủ để chống phá hoạt động của cơ quan nhà nước.

Các yếu tố thuộc về hệ thống chính trị

Thứ nhất, năng lực của đội ngũ CBCC xã.

Một trong những yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả THDC ở xã chính là năng lực của đội ngũ CBCC xã. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCC có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm, thái độ, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền. Dù cho pháp luật về dân chủ ở cơ sở có đầy đủ, đồng bộ đến đâu nhưng đội ngũ CBCC xã yếu kém, năng lực hạn chế thì pháp luật cũng không thể đi vào cuộc sống đạt hiệu quả. Năng lực của CBCC xã có ảnh hưởng tới việc THDC ở xã được biểu hiện trên các khía cạnh sau:

(1) Trình độ, kiến thức của đội ngũ CBCC xã: đội ngũ CBCC cấp xã là người trực tiếp nắm bắt, tuyên truyền đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung của các quy định pháp luật về THDC ở xã cho Nhân dân. Do vậy, trình độ, kiến thức của đội ngũ CBCC xã có ảnh hưởng rất lớn tới mức độ THDC ở xã. Nếu CBCC xã thiếu kiến thức về các nội dung liên quan tới THDC ở xã, không nắm rõ các hình thức cung cấp thông tin cho người dân, không biết loại quyết định nào cần có sự tham vấn của người dân, không biết người dân được thực hiện quyền tự quyết trong trường hợp nào, vấn đề nào cần ưu tiên giải quyết, không nắm rõ đặc điểm và nhu cầu của người dân thì việc THDC ở xã sẽ khó mang lại hiệu quả như mong muốn.

(2) Kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Nếu CBCC xã thiếu kỹ năng sử dụng các hình thức, phương pháp thúc đẩy sự tham gia của người dân phù hợp với đặc điểm của cộng đồng dân cư, tính chất của vấn đề sẽ làm giảm hiệu quả THDC ở xã. Và hơn hết, nếu CBCC xã vẫn giữ quan điểm hoạt động của chính quyền xã là hoạt động mang tính cai trị, việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, quyết định là đặc quyền của chính quyền xã, không quan tâm tới ý kiến của người dân hay cho rằng ý kiến của người dân là phiền phức, mang lại rắc rối; hoặc vấn đề quá phức tạp để người dân đóng góp ý kiến hiệu quả5 thì cơ hội THDC ở xã của người dân sẽ bị hạn chế.

(3) Thái độ trong thực thi công vụ của đội ngũ CBCC xã. Hiệu quả THDC ở xã không chỉ phụ thuộc vào trình độ, kỹ năng của đội ngũ CBCC xã mà còn phụ thuộc vào nhận thức, thái độ phục vụ Nhân dân. Nếu CBCC xã có thái độ tích cực trong giao tiếp, có sự đổi mới về cách thức xử lý công việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm; ý thức rõ trách nhiệm chính trị và nghĩa vụ đạo đức của mình đối với người dân, biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân sẽ tạo nên niềm tin của Nhân dân vào đội ngũ CBCC xã và hệ thống chính quyền xã, từ đó giúp việc THDC ở xã được thuận lợi và mang lại hiệu quả.

Hiện nay, đội ngũ CBCC xã có trình độ đại học ngày càng cao (chiếm trên 75%). Đội ngũ này có khả năng nắm rõ và triển khai các quy định pháp luật về dân chủ vào thực tiễn một cách hiệu quả. Tuy nhiên về cơ bản chỉ mới dừng lại ở hiểu biết và thực hiện các quy định về dân chủ ở xã được quy định tại Pháp lệnh THDC ở xã, phường, thị trấn, các nội dung về dân chủ ở xã được quy định trong các văn bản pháp luật khác (ngoài Pháp lệnh) thì còn hạn chế6.

Thứ hai, mối quan hệ giữa chính quyền xã và người dân.

Mối quan hệ giữa chính quyền xã và người dân là một trong những mối quan hệ vô cùng quan trọng, được nhận thức rõ và sâu sắc trong quá trình THDC ở xã. Đó là quan hệ thống nhất về quyền và nghĩa vụ pháp lý, được khẳng định dưới dạng các quy phạm pháp luật. Mối quan hệ giữa chính quyền xã và người dân là mối quan hệ giữa các đối tác bình đẳng, có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau.

Nếu chính quyền xã đặt người dân vào vị trí trung tâm trong mọi hoạt động của bộ máy trên nền tảng “phục vụ Nhân dân”. Chính quyền xã có sự tiếp xúc thường xuyên với người dân sẽ thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Nếu chính quyền xã “tin tưởng vào ý kiến, quyết định của người dân” thì chính quyền xã sẽ có nhiều cách thức, phương pháp để khuyến khích người dân tham gia thực hiện 6 cấp độ dân chủ ở xã; đồng thời chính quyền xã sẽ sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người dân, và theo đó người dân sẽ tích cực tham gia vì lợi ích chung của xã hội. Ngược lại, người dân chỉ tham gia tích cực, hiệu quả và với tinh thần cộng tác khi người dân có hiểu biết, có ý thức và có mối quan hệ tốt với chính quyền xã. Đây là kết quả tổng hợp của mối quan tâm, sự hài lòng của người dân về những lần giao tiếp với chính quyền xã trước đó.

Yếu tố năng lực thực hiện dân chủ của người dân

Năng lực THDC của người dân là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt quyết định đối với hiệu quả của THDC ở xã. Bởi dân chủ có thể được mở rộng đến đâu ngoài việc phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, còn phụ thuộc rất lớn vào trình độ dân trí, nhận thức chính trị, trình độ pháp lý của Nhân dân… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “phải làm sao cho người dân có quyền làm chủ, có điều kiện làm chủ, biết hưởng quyền làm chủ, đồng thời biết dùng quyền làm chủ. Muốn vậy, nhân dân phải có năng lực làm chủ”7. Để người dân có thể thực hiện đúng, đủ quyền và trách nhiệm của mình, thì họ cần phải có năng lực làm chủ, tức là người dân có kiến thức, kỹ năng và thái độ, thói quen trong THDC. Năng lực làm chủ của người dân phụ thuộc trực tiếp vào hai yếu tố: quyền được thông tin và trình độ học vấn, sự hiểu biết về xã hội của người dân. Yếu tố này ảnh hưởng tới hiệu quả THDC ở xã trên các khía cạnh sau:

(1) Trình độ dân trí: đây là yếu tố tác động trực tiếp đến việc THDC ở xã. Trình độ dân trí chính là điều kiện cần thiết để có những hành vi xử sự hợp pháp. Người dân có trình độ văn hóa cao sẽ dễ dàng hiểu biết pháp luật, nhận thức đúng pháp luật và dẫn đến việc thực hiện pháp luật tốt. Ngược lại, với những người trình độ văn hóa thấp sẽ khó khăn trong việc hiểu biết cũng như thực hiện pháp luật. Khi người dân thiếu hiểu biết về nội dung vấn đề khiến sự tham gia của người dân trở nên khó khăn hơn và ít thực chất8. Hoặc người dân không hiểu biết về quyền và nghĩa vụ công dân đối với cộng đồng, về quyền dân chủ của mình cũng là yếu tố cản trở sự tham gia của người dân vào THDC ở xã.

(2) Kỹ năng thực hành dân chủ của người dân: Nếu người dân không được trang bị các kỹ năng như: Kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng trao đổi, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng hợp tác thì việc THDC của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

(3) Ý thức trách nhiệm của người dân trong THDC ở xã: ý thức trách nhiệm ở đây chính là quan điểm, nhận thức và thái độ của người dân về quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước để từ đó nhận rõ điều phải làm, phải gánh vác, phải nhận lấy về mình một cách tự giác, tự nguyện; hệ quả tự nhiên của nó chính là sống có trách nhiệm, hình thành lối sống mẫu mực, biết hòa quyện cái riêng với cái chung, làm tròn bổn phận nghĩa vụ, quyền hạn, bảo vệ lợi ích của mình và cũng tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của xã hội.

Lý luận và thực tiễn đều cho thấy, ý thức và sự nhiệt tình tham gia của người dân là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng THDC ở xã bởi vì chính nhu cầu tham gia của người dân là động lực thúc đẩy sự tham gia có ý thức của cộng đồng dân cư. Một cộng đồng dân cư được khuyến khích tham gia, có ý thức tham gia, có văn hóa tham gia sẽ tăng chất lượng tham gia vào THDC ở xã. Nếu người dân vẫn giữ lối suy nghĩ “không ảnh hưởng đến nhà mình”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ỷ lại, không quan tâm đến chính trị, chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi sẽ cản trở sự tham gia hoặc ảnh hưởng đến chất lượng tham gia của người dân. Như vậy, yếu tố năng lực THDC của người dân vừa là yếu tố thúc đẩy vừa là yếu tố trở ngại đối với THDC ở xã9.

Ý nghĩa của việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện dân chủ ở xã

Một là, việc đánh giá các tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến việc THDC ở xã sẽ là căn cứ để xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường THDC ở xã tại Việt Nam hiện nay, bảo đảm tính khả thi, phù hợp, thống nhất và toàn diện.

Hai là, nghiên cứu sự ảnh hưởng của các yếu tố trên đối với việc THDC ở xã sẽ chi phối tới các hình thức THDC: trực tiếp và gián tiếp. Căn cứ vào mức độ, phạm vi ảnh hưởng của các yếu tố mà chính quyền xã, CBCC, người dân có hành vi, ứng xử phù hợp.

Ba là, cần nhận định về sự thay đổi của các yếu tố ảnh hưởng đến việc THDC ở xã để có sự thích ứng, giải quyết phù hợp với tình hình thực tế từng xã, từng đối tượng trong việc sử dụng các hình thức THDC phù hợp.

Việc THDC ở xã chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố mang tính phổ biến, thường xuyên (thể chế, năng lực của CBCC xã, năng lực THDC của người dân) có yếu tố mang tính đặc thù, có yếu tố trở thành động lực thúc đẩy hoặc cản trở, phụ thuộc vào biểu hiện tích cực hoặc tiêu cực của yếu tố đó. Để phát huy động lực thúc đẩy và kìm hãm sự cản trở của các yếu tố trong THDC ở xã đòi hỏi các chủ thể tham gia phải dự báo được sự vận động của các yếu tố để có giải pháp tác động phù hợp, hiệu quả với đặc thù của từng xã.

Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội  đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 27 – 28, 118.
3, 6. Đào Trí Úc và các cộng sự. Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở trên thế giới và ở Việt Nam. H. NXB Đại học Quốc gia, 2014.
4. Thành ủy Hà Nội. Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Hà Nội, 2020.
5. Franklin, A. L., Ebdon, C. (2007), “Democracy, public participation, and budgeting: Mutually exclusive or just exhausting”, In R. C. Box (Ed.), Democracy and Public Administration, M.E. Sharpe, Inc.: New York, pp. 84 – 106.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB. Chính trị quốc gia, 1995.
8. S. Chiavo-Campo/P.S.A. Sundaram (2003), tr. 612.
9. Nguyễn Thị Thu Hà. Thực hiện Quy chế dân chủ trong hệ thống chính trị cơ sở nông thôn ở nước ta hiện nay. Tạp chí Lịch sử Đảng, 8/2013.
Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Khắc Ánh. Các yếu tố ảnh hưởng tới sự tham gia của công dân vào hoạch định chính sách công, Các sáng kiến dân chủ cơ sở và sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách công tại khu vực miền Trung/Kỷ yếu Hội thảo quốc tế. NXB Đại học Huế, tr. 125 -130.
2. Vũ Văn Hiền. Quy chế dân chủ ở cơ sở – vấn đề lý luận và thực tiễn. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004.
3. Đỗ Trung Hiếu. Một số suy nghĩ về xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004.
4. Nguyễn Anh Tuấn. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp luật bảo đảm dân chủ ở Việt Nam. Tạp chí Tổ chức nhà nước, tháng 4/2021.
5. Nguyễn Như Ý (chủ biên). Đại từ điển tiếng Việt. H. NXB Văn hóa – Thông tin, 1999.
ThS. Nguyễn Thị thanh
Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Tạ Đức Anh
K64, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội