Quyền về môi trường trong pháp luật Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày nay, vấn đề bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành đang là vấn đề nóng ở các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm cho người dân sống trong môi trường trong lành. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều hành vi lách luật, hành vi gây ô nhiễm môi trường xâm phạm quyền môi trường, cần sớm có giải pháp nhằm bảo đảm quyền về môi trường ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (internet)
Quy định pháp luật quyền về môi trường

Trong pháp luật quốc tế, vấn đề quyền con người sống trong môi trường trong lành hay quyền môi trường không phải được đề cập từ trong những tuyên ngôn nhân quyền thế giới mà nó xuất hiện từ những đúc kết thực tế và phát sinh do nhu cầu của xã hội là những quyền mới phát sinh. Tuyên bố của Liên hiệp quốc về môi trường và con người năm 1972 (Tuyên bố Stockholm) đã ghi nhận ở nguyên tắc đầu tiên: “Con người có quyền cơ bản được tự do, bình đẳng và đầy đủ các điều kiện sống, trong một môi trường chất lượng, cho phép cuộc sống có phẩm giá và phúc lợi mà con người có trách nhiệm long trọng bảo vệ và cải thiện môi trường cho các thế hệ hôm nay và mai sau”. 20 năm sau, vào năm 1992, Tuyên bố của Liên hiệp quốc về môi trường và phát triển (Tuyên bố Rio De Janeiro) cũng tiếp tục khẳng định trong nguyên tắc đầu tiên: “Con người là trung tâm của những mối quan tâm về sự phát triển lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hữu ích và lành mạnh hài hòa với thiên nhiên”.

Tại Việt Nam, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường (BVMT), Nhà nước ta cũng đã sớm ghi nhận các quy định về BVMT, bảo đảm quyền môi trường trong lành trong hệ thống pháp luật BVMT và thực hiện các chương trình quốc gia BVMT, phát triển bền vững. Nước ta đã sớm phê chuẩn công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) vào năm 1994 và phê chuẩn Nghị định thư Kyoto vào năm 2004. Đặc biệt, Điều 43 Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Đồng thời, cũng đưa ra những quy định về điều kiện nhằm thực thi quyền về môi trường, như: Nhà nước có chính sách BVMT; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động BVMT, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (Điều 63). Quy định này là tiền đề để triển khai các biện pháp bảo đảm quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành.

Cụ thể hóa Điều 43 Hiến pháp năm 2013, khoản 2 Điều 4 Luật BVMT năm 2014 lần đầu tiên ghi nhận quyền con người về môi trường và khoản 3 Điều 4 Luật BVMT năm 2020 ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành: “Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành”. Luật BVMT cũng đã có các quy định về chính sách của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT. Các quy định về vai trò của Nhà nước trong việc BVMT. Đây là những tiền đề quan trọng để hiện thực hóa quyền con người trong lĩnh vực môi trường.

Ngoài Luật BVMT, để bảo đảm việc triển khai thực hiện việc bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành theo Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản đã được ban hành, như:

Về các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về BVMT đã được quy định tại: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Các văn bản này đã góp phần ngăn ngừa tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ công tác BVMT; làm giảm tình trạng chồng chéo trong các quy định về BVMT và góp phần huy động sức mạnh cộng̣ đồng tham gia BVMT…

Cùng với đó, nhiều văn bản pháp luật được ban hành đã có các quy định về bảo đảm quyền con người có liên quan tới môi trường, hệ sinh thái, như: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Luật Khám, chữa bệnh; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Phòng cháy và chữa cháy… Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã ban hành hàng trăm văn bản dưới luật, cụ thể hóa văn bản luật, đồng thời lồng ghép BVMT vào các chương trình kinh tế – xã hội, tiếp tục đổi mới thể chế, cách thức quản lý theo hướng sử dụng tổng hợp, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên.

Các quyền liên quan đến quyền về môi trường trong lành là quyền tiếp cận nước tại Luật Tài nguyên nước năm 2012, quyền tiếp cận đất tại Luật Đất đai năm 2012, Luật Khai thác tài nguyên khoáng sản năm 2012… và đây là các văn bản có liên quan đến quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân, như: quyền được tham gia vào các chương trình kinh tế – xã hội có liên quan đến môi trường sống của dân cư; quyền được biết các thông tin môi trường; quyền hưởng thụ các giá trị môi trường…

Ngoài các quy định về quyền và vai trò của các chủ thể trong việc tiến hành các biện pháp bảo đảm quyền về môi trường trong lành của người dân, Nhà nước ta cũng có một hệ thống các biện pháp xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường xâm phạm quyền sống trong môi trường trong lành tại Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, tiếp đến là Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 sửa đổi mức phạt vi phạm hành chính lĩnh vực BVMT; các quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo trong Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật BVMT cho phép mọi người có quyền ý kiến với những hành vi vi phạm pháp luật môi trường; khởi kiện những hành vi vi phạm pháp luật môi trường trong Luật BVMT. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng có những quy định về các tội phạm trong lĩnh vực môi trường, trong đó không chỉ là những quy định về chế định hình phạt áp dụng cho cá nhân mà còn áp dụng đối với những pháp nhân có hành vi xâm phạm môi trường.

Những hạn chế trong thực hiện quy định pháp luật quyền về môi trường

Các quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm quyền về môi trường của mọi người. Nước ta đã có những thành công trong lĩnh vực pháp luật bảo đảm quyền về môi trường của người dân, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể là:

Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực BVMT và quyền con người về cơ bản đã khá đồ sộ và đáp ứng được phần nào đối với việc bảo đảm quyền con người và môi trường. Nhưng quyền con người được sống trong môi trường trong lành bao gồm hai nhóm quyền chính, đó là: (1) Quyền nội dung: quyền được hưởng môi trường có lợi cho sức khỏe, quyền sử dụng nước, quyền tiếp cận đất đai; (2) Quyền thủ tục: quyền tiếp cận thông tin liên quan đến môi trường, quyền được tham gia hoạch định chính sách, ban hành quyết định có liên quan đến môi trường, quyền tiếp cận công lý với vấn đề môi trường. Nội dung của những quyền này rất rộng và được quy định rải rác tại nhiều văn bản luật, trong đó cũng có sự chồng chéo, do đó, trong quá trình thực hiện pháp luật cũng có nhiều khó khăn, tạo điều kiện cho những hành vi nhũng nhiễu trong quản lý nhà nước về môi trường1.

Thứ hai, hiện nay, hành vi vi phạm pháp luật môi trường như các doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý; các hành vi xả rác tự phát của người dân; môi trường tự nhiên vẫn tiếp tục bị xuống cấp nhanh… các hành vi này vẫn xảy ra vì các chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ thế vi phạm còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Đã có các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, nhưng đến nay vẫn chưa có vụ việc nào bị xử lý và cũng còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, vì vậy, cũng cần có hướng dẫn thống nhất nội dung này.

Thứ ba, các quy định pháp luật về các công cụ quản lý môi trường mặc dù đã góp phần BVMT, tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều chỗ chưa đạt hiệu quả. Công tác đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT còn mang tính hình thức, nhiều dự án đã bỏ qua khâu này hoặc thực hiện mang tính đối phó.

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT đã thực sự trở thành một công cụ không thể thiếu trong quản lý môi trường. Tuy nhiên, công tác này ở các cấp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do đội ngũ cán bộ thanh tra chuyên ngành về môi trường vừa thiếu, vừa yếu.

Thứ năm, ý thức pháp luật về BVMT của người dân và toàn xã hội còn thấp, đặc biệt là quan điểm quyền được sống trong môi trường trong lành mặc dù đã được Đảng và Nhà nước ta khẳng định và đề cập rất sớm trong kế hoạch quốc gia về môi trường, song việc gắn kết, lồng ghép vấn đề quyền con người và môi trường hay tiếp cận BVMT dựa trên quyền con người vẫn là vấn đề còn rất mới mẻ với người dân. Qua đại dịch Covid-19 bùng phát, vấn đề nhận thức quyền được sống trong môi trường trong lành có thể được thay đổi, tuy nhiên, để thay đổi từ nhận thức đến thay đổi hành vi vẫn còn là một khoảng cách khá xa.

Thứ sáu, quyền về môi trường trong lành chỉ có thể được bảo đảm khi có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan nhà nước, từ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế sự vào cuộc của các chủ thể có trách nhiệm nhiều nơi chưa thực sự quyết liệt, còn thụ động trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.

Thứ bảy, vấn đề về ngân sách cho hoạt động BVMT: nhận thức được tầm quan trọng của BVMT trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định dành tối thiểu 1% tổng chi ngân sách nhà nước, hằng năm đều có những công bố về mức chi ngân sách cho hoạt động này, tuy nhiên, thực tiễn triển khai nguồn ngân sách có nơi có lúc chưa hiệu quả, thiếu các nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động BVMT2.

Một số đề xuất về bảo đảm quyền môi trường của người dân

Hiến pháp năm 2013, Luật BVMT năm 2020 là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý môi trường với nhiều điểm đột phá, hướng đến mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm quyền sống trong môi trường trong lành. Mặc dù vậy, môi trường là vấn đề phức tạp, đặc biệt là vấn đề bảo đảm quyền con người và quyền môi trường. Vì vậy, trong thời gian tới cần chú trọng:

Một là, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, tham mưu ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung rà soát, bổ sung các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT đã không còn phù hợp, mâu thuẫn với Luật BVMT năm 2020 để bảo đảm tính hoàn thiện, thống nhất và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Các chính sách, pháp luật về quyền con người được sống trong môi trường trong lành cần được cụ thể hóa hơn, tránh những quy định mang tính chung chung, hình thức.

Hai là, tiến hành các biện pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát đơn giản hồ sơ, trình tự thực hiện và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường để các chủ thể tự nguyện thực hiện các hoạt động BVMT, bảo đảm quyền sống trong môi trường trong lành của các chủ thể bị tác động.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVMT, về quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân nhằm nâng cao ý thức của tất cả mọi người, tạo sự đồng thuận trong xã hội thì việc hiện thực hóa quyền sống trong môi trường trong lành sẽ đạt kết quả cao hơn.

Bốn là, quyền môi trường là nhóm quyền mới, trong đó để thực hiện được quyền này, vai trò của các chủ thể quản lý nhà nước về môi trường là rất lớn. Vì vậy, để hệ thống pháp luật được thực hiện tốt, đạt hiểu quả cao cần nâng cao vai trò của cán bộ, công chức; trình độ nhận thức và hiểu biết của đội ngũ này đối với BVMT về quyền con người sống trong môi trường trong lành. Đồng thời, cần xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm về BVMT.

Năm là, để bảo đảm có thể kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường, bảo đảm quyền môi trường của người dân cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác BVMT; tập trung cho việc xây dựng các cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, trong đó hoàn thành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về BVMT để tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phục vụ cho hoạt động của ngành và cho nhu cầu xã hội.

Sáu là, để thực hiện tốt các hoạt động BVMT thì tài chính dành cho hoạt động BVMT rất quan trọng, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà cần đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho BVMT, tạo điều kiện để các tổ chức có thể tạo nguồn vốn cho hoạt động này.

Bảy là, để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật môi trường xâm phạm quyền sống trong môi trường trong lành của mọi người, cần bảo đảm quá trình giải quyết của các cơ quan có trách nhiệm được tiến hành một cách minh bạch, khách quan, hành vi vi phạm bị xử lý nghiêm minh, bảo đảm nguyên tắc độc lập của tòa án trong xét xử đối với những vụ kiện trong lĩnh vực môi trường.

Chú thích:
1. Nguyễn Anh Đức, Vũ Công Giao. Quyền về môi trường trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (sách chuyên khảo – Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội). H. NXB Tư pháp, 2019, tr. 45.
2. Đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 09/02/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội. Quyền về môi trường. H. NXB. Tư pháp, 2019.
4. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, 2020.
5. Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ sửa đổi mức phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường.
6. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
7. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
8. Viện Nhà nước và Pháp luật và Viện Kas (Đức). “Pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay”. Kỷ yếu hội thảo, Hà Nội, 2012.
9. Tuyên bố của Liên hiệp quốc về môi trường và phát triển. http://vea.gov.vn, (truy cập ngày 30/4/2022)
ThS. Bùi Thị Hường
Viện Nhà nước và Pháp luật – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam