Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa là nhân tố quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, quyết định sự phát triển của văn hóa dân tộc. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đang đặt ra cấp thiết, cần được thực hiện bằng những giải pháp phù hợp, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc tổ chức tại Phú Thọ.
Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”1. Cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác văn hóa (CTVH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Bắc nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa.

Đội ngũ cán bộ làm CTVH vùng đồng bào DTTS có chức năng, nhiệm vụ quán triệt và hướng dẫn đồng bào DTTS thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào DTTS vùng Tây Bắc. Khác với đội ngũ cán bộ làm công tác ở các lĩnh vực địa chính, tiếp công dân, giải quyết thắc mắc, kiến nghị của bà con, cán bộ làm CTVH vùng đồng bào DTTS có những đặc thù riêng, đó là: có vốn sống, kinh nghiệm, nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa; nói được tiếng dân tộc, am hiểu phong tục, truyền thống văn hóa của đồng bào DTTS, cùng tham gia vào những hoạt động biểu diễn, tục lệ, nghi thức; hướng dẫn đồng bào DTTS cách thức, biện pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa bản địa trong bối cảnh lịch sử mới.

Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một cán bộ văn hóa chuyên trách được biên chế; cán bộ này phụ trách về các hoạt động văn hóa – xã hội, tham mưu, giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương nắm được các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra ở địa phương; hướng dẫn, vận động Nhân dân tham gia vào các hoạt động giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp; đấu tranh, loại bỏ văn hóa phẩm đồi trụy, lạc hậu, không lành mạnh, đi ngược lại với chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Thời gian qua, các địa phương vùng Tây Bắc rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cho cán bộ là người DTTS, điển hình như: tỉnh Lai Châu trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, toàn tỉnh đã tuyển dụng 927 công chức, viên chức người DTTS, trong đó ưu tiên xét tuyển 881 người; một số dân tộc đặc biệt ít người đến nay đã có cán bộ cấp huyện, xã. Tỷ lệ cán bộ người DTTS trong quy hoạch ở cấp tỉnh đạt trên 30%, cấp huyện gần 40%, cấp xã gần 80%2.

Tỉnh Sơn La, năm 2020, cán bộ lãnh đạo diện tỉnh quản lý có 460 đồng chí, trong đó có 158 đồng chí người DTTS, chiếm 34,35%; cán bộ lãnh đạo diện huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc quản lý có 5.192 đồng chí, trong đó có 3.022 đồng chí người DTTS, chiếm 58,2%. Cán bộ lãnh đạo diện các sở, ban, ngành, đoàn thể quản lý có 636 đồng chí, trong đó có 146 đồng chí là người DTTS, chiếm 22,95%3.

Đội ngũ cán bộ làm CTVH vùng đồng bào DTTS Tây Bắc tăng lên về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đội ngũ cán bộ làm CTVH đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào DTTS chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực, chủ động xuống cơ sở, nắm bắt, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, từ đó, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết thắc mắc, kiến nghị của đồng bào DTTS, qua đó, xây dựng, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các bộ, ban, ngành có liên quan của đội ngũ cán bộ làm CTVH vùng đồng bào DTTS Tây Bắc còn chậm, chưa cụ thể hóa vào từng lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể; chưa thật sự linh hoạt, năng động, sáng tạo. Vẫn còn có cán bộ trông chờ, dựa dẫm vào hướng dẫn của cấp trên, thậm chí, một số cán bộ làm CTVH không hiểu được đặc điểm, truyền thống, tính cách, tâm lý của đồng bào DTTS, đặc biệt là tiếng nói, từ đó, khó có thể hướng dẫn, tổ chức cho đồng bào DTTS thực hiện các hoạt động văn hóa gắn với phát triển du lịch, bảo đảm phát triển bền vững, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS vùng Tây Bắc.

Biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc

Với mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra yêu cầu khách quan cho sự nghiệp cách mạng của nước ta, đó là: tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”… thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ làm CTVH vùng đồng bào DTTS Tây Bắc là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, cần tập trung như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm CTVH.

Đây là biện pháp quan trọng có ý nghĩa hàng đầu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm CTVH cho đồng bào DTTS vùng Tây Bắc. Đội ngũ cán bộ làm CTVH cần được quán triệt đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Cần tạo sự thống nhất hành động toàn diện giữa cán bộ làm CTVH với đồng bào DTTS, trong đó, đổi mới tư duy phát triển, liên kết, quảng bá, giới thiệu hình ảnh văn hóa của đồng bào dân tộc mình ra địa phương khác để thu hút nguồn lực từ bên ngoài; giải quyết có hiệu quả những vấn đề nảy sinh trong hoạt động thực tiễn. Đồng thời, nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển văn hóa đồng bào DTTS với bảo đảm tính bền vững, ổn định trong từng hoạt động khai thác, sử dụng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tất cả mọi hoạt động của đội ngũ cán bộ làm CTVH, cùng với đồng bào DTTS phải hướng đến mục tiêu lâu dài, không chỉ đáp ứng lợi ích, nhu cầu trước mắt, phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, ổn định và bền vững.

Hai là, chú trọng ĐTBD theo chức danh đối với cán bộ làm CTVH.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định: Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, ĐTBD, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở. Đổi mới ĐTBD cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; trọng dụng người có tài, có đức. Điều chỉnh chế độ tiền lương, trợ cấp đối với những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù. Điều này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 tại Hà Nội: “Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa”.

Khám phá văn hóa đặc sắc của các dân tộc tại Làng Văn hóa.

Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ trong thời kỳ mới, Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong thời kỳ mới”; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”; Quyết định số 771QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 -2025”. Theo đó, các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình cụ thể, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra để xây dựng chương trình, kế hoạch ĐTBD hiệu quả, phù hợp với mục tiêu chung của cả nước; chú trọng ĐTBD theo chức danh được phân công, giao nhiệm vụ, cán bộ công tác ở lĩnh vực nào thì ĐTBD theo lĩnh vực đó.

Khi phân công, bổ nhiệm cán bộ làm CTVH nên lựa chọn những người đã được đào tạo đúng chuyên ngành về văn hóa; tiếp tục tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, trong đó mời những nhà nghiên cứu, chuyên gia, am hiểu về văn hóa để giảng dạy, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào những vấn đề mới của Đảng, Nhà nước về giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào DTTS, chủ trương phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói, giảm nghèo; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóacủa các thế lực thù địch, phản động; hướng dẫn cán bộ văn hóa cách thức, biện pháp tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS cùng tham gia vào hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa DTTS trong thời kỳ mới.

Ba là, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về chuyên ngành cho cán bộ làm CTVH.

Thông qua những lớp tập huấn, bồi dưỡng sẽ giúp cho cán bộ làm CTVH có thêm những hiểu biết về văn hóa, cách thức tổ chức, hoạt động thực tiễn khi tiến hành công việc. Trong khi yêu cầu của việc xây dựng đời sống văn hóa ngày càng cao, nội dung hoạt động văn hóa ngày càng đa dạng, nhất là trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế. Việc mở những lớp tập huấn, bồi dưỡng phải thiết thực, cụ thể phản ánh được những yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi địa phương, tránh tình trạng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng quá nhiều nội dung, không hiệu quả. Quá trình tập huấn cần trang bị cho người học hệ thống những kiến thức đầy đủ, toàn diện về các mặt hoạt động, đặc biệt là đưa ra những tình huống, những nội dung mà cán bộ văn hóa thường xuyên gặp phải trong quá trình công tác để có những cách xử lý cho đúng đắn, phù hợp; thường xuyên cập nhật những nội dung mới về văn hóa, lựa chọn những nội dung tập huấn sát với đặc điểm của địa phương; đi sâu vào cách thức hoạt động, tổ chức, hướng dẫn quần chúng nhân dân thực hiện có hiệu quả những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song song với việc không ngừng củng cố trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ làm CTVH vùng DTTS phải tự bồi đắp, nâng cao tri thức, kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ…, cần am hiểu ngôn ngữ của đồng bào DTTS, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân dễ dàng tiếp cận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội và người dân trong kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ làm CTVH.

Các tổ chức chính trị – xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong kiểm tra, giám sát các hoạt động của cán bộ làm CTVH theo chức trách, nhiệm vụ đã được cấp ủy, chính quyền địa phương giao, như: thái độ, trách nhiệm với đồng bào DTTS, nhất là trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, văn hóa phẩm đồi trụy, không lành mạnh; sự phối kết hợp giữa cán bộ làm CTVH với già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; tham mưu, đề xuất với cấp trên, trả lời ý kiến thắc mắc, băn khoăn của đồng bào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; phản ánh với cấp ủy, chính quyền địa phương khi phát hiện thấy sai phạm để ngăn chặn, xử lý kịp thời, tuỳ theo tính chất, mức độ của sự việc.

Đồng bào DTTS vùng Tây Bắc vừa là chủ thể sáng tạo ra những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, vừa là người tham gia vào quá trình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong điều kiện mới, do vậy, cần tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của đồng bào DTTS cùng với cán bộ làm CTVH thực hiện tốt quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về xây dựng, giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Kết luận

Đảng ta khẳng định: Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”4. Phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Từ nay đến đó là chặng đường đầy khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải có sự đồng thuận, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm CTVH vùng đồng bào DTTS Tây Bắc phải là cánh tay đắc lực của Đảng, Nhà nước trong việc tuyên truyền, giáo dục, làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm sâu vào trong quần chúng nhân dân vùng đồng bào DTTS Tây Bắc, trở thành hệ tư tưởng chủ đạo, định hướng cho mọi hoạt động. Có như vậy, mới thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 và hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường, hạnh phúc mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 146- 147.
2. Nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu sốhttps://laichau.gov.vn, ngày 18/02/2021.
3. Phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
. http://www.baosonla.org.vn, ngày 07/9/2021.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIH. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016, tr. 126.
 ThS, NCS Nguyễn Tú Anh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng