Một số đặc trưng của nền công vụ trách nhiệm

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 đề ra mục tiêu cải cách chế độ công vụ là: “Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài”. Vậy, thế nào là nền công vụ trách nhiệm? Nền công vụ trách nhiệm có những đặc trưng gì? Nội dung bài viết trình bày sự cần thiết phải xây dựng một nền công vụ trách nhiệm, cách hiểu về trách nhiệm và nền công vụ trách nhiệm.
Ảnh minh họa (internet).
Yêu cầu xây dựng nền công vụ trách nhiệm

Đối với một nền công vụ hiện đại, tinh thần trách nhiệm là đòi hỏi quan trọng hàng đầu. Yêu cầu đối với các chính quyền trong thế kỷ XXI đó là phải học cách để phục vụ công chúng tốt hơn và có trách nhiệm hơn. Trách nhiệm được coi là một trong “bốn trụ cột” của hoạt động quản lý nhà nước, bao gồm: trách nhiệm, tính minh bạch, tính dự đoán được và sự tham gia. Trong bốn trụ cột, trách nhiệm được coi là vấn đề then chốt1. Đặc biệt, với sự mở rộng của các giá trị dân chủ trong công vụ, các cơ quan nhà nước ngày càng phải thực hiện các chức năng của mình với tinh thần trách nhiệm cao hơn, bởi càng dân chủ bao nhiêu người ta lại càng biết đòi hỏi bấy nhiêu trách nhiệm của các cơ quan quản lý2. Chính vì thế, nâng cao trách nhiệm là một đòi hỏi mang tính thời đại đối với các nền công vụ nói chung và từng cán bộ, công chức (CBCC) trong bộ máy nhà nước nói riêng. Nền công vụ trách nhiệm không chỉ thể hiện tính pháp lý mà còn mang tính đạo đức, tính chính trị, tạo dựng hình ảnh của chế độ nhà nước, của Nhà nước trong cộng đồng xã hội.

Mục tiêu cao nhất của nền công vụ hiện đại là nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của người dân. Công dân được coi như khách hàng của nền công vụ, do đó, nhà nước có trách nhiệm phục vụ tốt nhất nhu cầu của công dân. Việc thỏa mãn nhu cầu của công dân đòi hỏi công vụ phải chuyển từ “cai trị” sang “phục vụ” và phục vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Cách hiểu về trách nhiệm và nền công vụ trách nhiệm

Có nhiều cách hiểu về “trách nhiệm”. Trong tiếng Anh, có hai thuật ngữ cùng được hiểu là “trách nhiệm”: một là, “responsibility”; hai là, “accountability”. Hai từ này thường được dùng thay thế cho nhau, tuy nhiên, có sự khác biệt cơ bản giữa hai thuật ngữ.

Trách nhiệm với nghĩa là “responsibility” – thường được hiểu là việc phải làm, như là bổn phận, nghĩa vụ. Với nghĩa này, trách nhiệm là khả năng của con người ý thức được những kết quả hoạt động của mình, thực hiện một cách tự giác những nghĩa vụ được đặt ra cho mình.

Còn “accountability” có nghĩa rộng, không chỉ có nghĩa là những việc phải làm mà còn bao gồm việc đứng ra nhận và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện những việc đó. Accountability có thể được hiểu là tổng hợp của: trách nhiệm (responsibility), khả năng biện minh (answerability, nghĩa vụ pháp lý (liability)3. “Trách nhiệm” theo nghĩa là Accountability thể hiện khả năng của một cá nhân/tổ chức thừa nhận về những gì mình đã làm khi thực hiện một việc nào đó; đồng thời, bao hàm nghĩa vụ giải thích, báo cáo, thông tin, biện giải về những việc đó và những hệ quả, cũng như việc sẵn sàng chịu sự đánh giá, phán xét, thậm chí là trừng phạt cả về mặt pháp lý và đạo đức đối với những hệ quả đó.

Theo từ điển Tiếng Việt, trách nhiệm được hiểu như sau: (1) Phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả; (2) Sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của họ, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả.4

Như vậy, có thể hiểu: trách nhiệm là những việc nên làm, phải làm, được làm với kết quả tốt, nếu kết quả không tốt sẽ phải gánh chịu phần hậu quả. Trên cơ sở đó, nền công vụ trách nhiệm có thể được hiểu là nền công vụ mà các chủ thể công vụ thực hiện các nghĩa vụ, quyền hạn được giao một cách tự giác và đạt kết quả tốt, đồng , sẵn sàng chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện những nghĩa vụ, quyền hạn đó.

Một số đặc trưng của nền công vụ trách nhiệm

Một là, các nghĩa vụ, quyền hạn của các chủ thể thực thi công vụ (TTCV) được thể chế hóa rõ ràng, đầy đủ, khoa học. Hoạt động công vụ được tiến hành trên cơ sở pháp luật nhằm thực hiện các chức năng của Nhà nước vì lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước, lợi ích chính đáng của các tổ chức và cá nhân. Do đó, trong nền công vụ trách nhiệm, pháp luật cần ghi nhận, quy định đầy đủ những nghĩa vụ, quyền hạn của các chủ thể TTCV, tránh tình trạng bỏ trống, bỏ sót, không đưa vào quy định những việc thuộc sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của nền công vụ. Các nhiệm vụ, quyền hạn, việc chịu trách nhiệm phải có địa chỉ rõ ràng, gắn với từng cá nhân, tổ chức. Các quy định về quy trình công việc, về trách nhiệm tập thể và cá nhân phải cụ thể, minh bạch. Luật hóa đầy đủ trách nhiệm của CBCC và hình thành cơ chế giám sát hiệu quả, có chế tài nghiêm minh đối với những vi phạm trách nhiệm công vụ.

Hai là, các chủ thể công vụ thực hiện đúng quy định về nghĩa vụ, quyền hạn với kết quả tốt nhất. Yêu cầu về trách nhiệm, trước hết là phải làm việc theo đúng quy định pháp luật và phải tạo ra được kết quả theo những tiêu chuẩn cụ thể. Vì vậy, CBCC cần nhận thức và hiểu rõ được quyền, nghĩa vụ, những điều được phép hoặc không được phép làm trong quá trình TTCV, thực hiện đúng chức trách của mình trong các mối quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp, với tổ chức, công dân. Nhưng đồng thời, các CBCC, cơ quan, tổ chức trong nền công vụ đó phải tạo ra kết quả hơn là yêu cầu một cách không phạm luật. Chẳng hạn, CBCC đến làm việc tại nhiệm sở đúng giờ (không đi muộn, không về sớm) thì mới chỉ thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc; chưa hẳn đã có trách nhiệm với công việc được giao (bởi hoạt động của cá nhân chưa được xem xét về kết quả đạt được theo yêu cầu hay kế hoạch của cơ quan, đơn vị). Nếu CBCC thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nhưng chưa tạo được kết quả theo yêu cầu thì chưa thể coi là hoàn thành trách nhiệm công vụ.

Đặc biệt, người thực hiện công vụ không chỉ cần quan tâm đến kết quả công việc của mình mà còn quan tâm đến kết quả chung của tổ chức. Họ ý thức được sự gắn kết giữa quyền lợi, lợi ích của tổ chức với lợi ích của bản thân. Trong một số trường hợp, cá nhân sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích của tổ chức xuất phát từ ý thức bảo vệ lợi ích của tổ chức cũng chính là bảo vệ lợi ích cá nhân của mình.

Ba là, các chủ thể công vụ thực hiện nghĩa vụ, quyền hạn với tinh thần tự giác. Các chủ thể công vụ có ý thức tự giác về quyền, nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó và thực hiện công vụ với tính chủ động sáng tạo, lựa chọn phương án hành động tối ưu, hợp lý nhất. Trách nhiệm bao gồm: (1) Trách nhiệm đối với hoạt động công vụ của cá nhân (thực hiện tròn vai, đúng và hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao); (2) Trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, Nhân dân; (3) Trách nhiệm với tổ chức, lãnh đạo và tập thể.

Mặc dù tuân thủ pháp luật là một giá trị hết sức quan trọng trong TTCV nhưng xét ở góc độ trách nhiệm, đó mới chỉ là những yêu cầu tối thiểu. Ở góc độ cao hơn, người TTCV phải TTCV với một tinh thần tự giác, nỗ lực, cống hiến, thậm chí là hy sinh… Đó chính là tinh thần trách nhiệm.

Trách nhiệm của các chủ thể TTCV thể hiện qua nhiều tiêu chí nhưng quan trọng nhất là thông qua cách họ xử sự và đóng góp để TTCV đạt được hiệu quả cao nhất, nhằm làm cho xã hội tốt đẹp hơn, đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện hơn. Người TTCV phải thực sự sống với dân, đau nỗi đau của dân, lo nỗi lo của dân, tìm cách tháo gỡ những khó khăn của người dân, làm hết khả năng để chia sẻ khó khăn với dân, luôn gắn kết kết quả hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công với nhu cầu, sự chấp nhận, sự đánh giá của xã hội; luôn trăn trở để tạo ra những giá trị tốt nhất, những giá trị mới, hữu dụng cho xã hội; luôn đứng ra chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, sự tác động của những hoạt động đó với xã hội. Ở cấp độ này, không dừng lại ở những điều phải làm, được làm, người CBCC phải xác định cái gì đáng làm, nên làm, cần phải làm trên cơ sở yêu cầu của xã hội và sự tự ý thức về vai trò, bổn phận, sứ mệnh của bản thân5.

Chính vì vậy, trong nền công vụ trách nhiệm, CBCC phải hiểu rõ vị trí, vai trò, bổn phận, nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ công vụ; tự giác, sẵn sàng, chủ động nhận trách nhiệm, có ý thức rõ rệt về bổn phận, nghĩa vụ, thực hiện nghĩa vụ một cách tự giác, chủ động, sáng tạo, nỗ lực tìm ra cách thức để công việc đạt kết quả tốt nhất, thực hiện nhiệm vụ được giao đến cùng, không thoái thác hoặc trao lại cho ai khác, gắn mình với việc thực hiện công vụ cho đến khi có kết quả. CBCC thực hiện đúng pháp luật và đạt được kết quả tốt nhất, với chi phí thấp nhất, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân. Từ chỗ nhận thức được trách nhiệm của mình, CBCC tham gia một cách có ý thức vào công vụ, tự giác thực hiện nhiệm vụ, triển khai các trách nhiệm đã quy định hay được giao mà không cần phải có người giám sát, nhắc nhở, đôn đốc, thúc giục mới chịu làm. Chính mình tự giám sát mình, làm việc một cách tận tâm, cẩn thận, chu đáo và thực hiện đúng cam kết về kết quả, thời gian, chất lượng công việc, thực hiện trách nhiệm một cách trong sáng, tận tụy, không vụ lợi.

Bốn là, các chủ thể TTCV có tinh thần nỗ lực, cầu thị, hợp tác, chia sẻ, khắc phục khó khăn và hoàn cảnh cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong quá trình TTCV, CBCC luôn sẵn sàng đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp công sức cho cấp trên, đồng nghiệp một cách tự nguyện, tự giác góp phần xây dựng, phát triển tổ chức; có tinh thần hợp tác cao trong công việc với các thành viên khác trong tổ chức. Thái độ trách nhiệm cao trong công việc là thể hiện đạo đức nhân cách của CBCC với tập thể, đơn vị, với Nhà nước và Nhân dân; có trách nhiệm cao mới cầu thị học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, không ngần ngại khó khăn, gian khổ, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm là, các chủ thể TTCV thực hiện trách nhiệm giải trình. Các chủ thể công vụ phải giải đáp theo định kỳ những vấn đề liên quan đến việc họ đã sử dụng thẩm quyền của mình như thế nào, đã sử dụng các nguồn lực ra sao và đạt được những kết quả gì; sẵn sàng giải thích và biện minh cho những hoạt động đã làm, sẽ làm, thừa nhận về những gì mình đã làm khi thực hiện một việc nào đó; đồng thời giải thích, báo cáo, thông tin, biện giải về những việc đó và những hệ quả; sẵn sàng giải trình kết quả khi các chủ thể liên quan yêu cầu hoặc có các ý kiến trái chiều về quá trình thực hiện. Các chủ thể TTCV cần sẵn sàng giải trình trách nhiệm về công vụ trước các chủ thể có liên quan, như: về chính trị, về hành chính, về nghề nghiệp và trách nhiệm giải trình trước xã hội.

Sáu là, các chủ thể TTCV sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc TTCV. Các tổ chức, cơ quan, CBCC trong nền công vụ cần dự báo được hậu quả sẽ xảy ra trong mỗi hoạt động của mình và chịu trách nhiệm về các hậu quả này. Quá trình thực hiện công việc nếu phát sinh hậu quả thì biết nhìn nhận thiếu sót, có ý thức khắc phục và rút kinh nghiệm, không đùn đẩy trách nhiệm cho người khác hoặc cho tập thể. Sẵn sàng chịu trách nhiệm, xin lỗi và nỗ lực khắc phục hậu quả nếu phát ngôn, hành động, việc làm không đúng như quy định hoặc cam kết. Sẵn sàng chịu sự đánh giá, phán xét, thậm chí là trừng phạt cả về mặt chính trị, pháp lý và đạo đức đối với những hệ quả đó, như: sẵn sàng từ chức nếu thực hiện không đúng, không tốt vai trò, chức vụ; sẵn sàng chịu các hình thức xử lý kỷ luật hành chính (như khiển trách, cảnh cáo…, buộc thôi việc) hay phải chịu trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự… tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm.

Chú thích:
1. S. Chiavo-Campo và P.S.A. Sundaram. Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh”. H. NXB Chính trị quốc gia, 2003. tr.11 – 13.
2. Nguyễn Đăng Dung. Ý tưởng về một nhà nước chịu trách nhiệm. NXB Đà Nẵng, 2007, tr. 50.
3. Học phí đại học và vấn đề giải trình trách nhiệm. http://www.thesaigontimes.vn, ngày 29/11/2011.
4. Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm từ điển học. Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2002, tr.1020.
5. Bùi Thị Ngọc Mai. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Luận án tiến sỹ Quản lý hành chính công, Học viện Hành chính Quốc gia. Hà Nội, 2016, tr. 75.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
3. Ngô Thành Can (chủ biên), Lưu Kiếm Thanh, Nguyễn Thị Hồng Hải. Công vụ và quản lý thực thi công vụ. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2018.
4. Nguyễn Thị Hồng Hải, Ngô Thành Can. Quản lý công vụ, công chức. H. NXB Bách khoa, 2021.
TS. Bùi Thị Ngọc Mai
Học viện Hành chính Quốc gia