Triển khai kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế trong một số lĩnh vực và những giá trị rút ra cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh tế tuần hoàn đang là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm nhằm giảm thiểu chất thải, đẩy mạnh tái sử dụng các sản phẩm từ các ngành công nghiệp trong bối cảnh nguồn tài nguyên toàn cần đang dần cạn kiệt và môi trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bài viết tập trung phân tích thực tế triển khai kinh tế tuần hoàn trong ba lĩnh vực: sản xuất xi măng, xử lý nước thành phố và ngành công nghiệp thuộc da của một số nước trên thế giới. Những thành công đạt được và khó khăn gặp phải trong quá trình này tại các nước bạn sẽ là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam khi triển khai kinh tế tuần hoàn, nhất là đối với các ngành công nghiệp trong tương lai, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Ảnh minh họa (internet).
Vấn đề đặt ra

Không thể phủ nhận sự cần thiết phải khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, tuy nhiên, những nguồn này là có hạn. Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng dẫn đến khai thác tài nguyên quá mức, làm suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Do đó, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH), thực hành sản xuất bền vững là điều cấp thiết và nhận được sự quan tâm lớn từ chính phủ các quốc gia. Triển khai KTTH giúp giảm thiểu phát sinh chất thải, tạo điều kiện tái sử dụng các sản phẩm, từ đó ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.

Sản xuất xi măng, xử lý nước đô thị và ngành công nghiệp thuộc da là ba ngành cần sớm triển khai KTTH do lượng chất thải khổng lồ từ các quá trình sản xuất và xử  lý ra môi trường tự nhiên. Những ngành này có tiềm năng phát triển tại Việt Nam, tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào liên quan đến triển khai KTTH trong các ngành công nghiệp (đặc biệt là ba ngành kể trên). Việc nghiên cứu và thu thập các thông tin ban đầu liên quan đến KTTH thông qua thực tiễn triển khai ở một số ngành công nghiệp tại một số quốc gia trên thế giới sẽ giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm rút ra trong lĩnh vực này.

Kinh nghiệm triển khai kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực ở một số quốc gia trên thế giới

Về kinh tế tuần hoàn trong ngành xi măng

KTTH trong ngành xi măng được sử dụng theo mô hình dưới đây, trong đó đưa hệ thống sản xuất – tiêu thụ vào sinh quyển, chính là các quá trình địa chất, hóa học hoặc sinh học tự nhiên mà không tách rời chúng. Mô hình này được coi là thích hợp nhất để áp dụng cho ngành sản xuất xi măng và bê tông1.

Nhìn vào mô hình cho thấy, các dòng nguyên liệu công nghiệp (mũi tên xanh da trời) và nguyên liệu từ nhiên (mũi tên xanh lá dày) tương tác qua lại với nhau. Theo đó, để sản xuất xi măng, nguồn nguyên liệu thô được lấy từ tự nhiên, qua các công đoạn chế tạo phức tạp để tạo ra xi măng sử dụng cho nhu cầu hàng ngày. Từ đây, các dòng nguyên liệu công nghiệp sẽ được luân chuyển theo một chu trình khép kín từ chế tạo – sử dụng – thải bỏ – lưu trữ – tái sử dụng. Ngay cả trong quá trình sử dụng, nguồn nguyên liệu công nghiệp cũng sẽ được tận dụng, những phế thải của quá trình sản xuất xi măng cũng có thể được dùng làm nguyên liệu chế tạo.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất xi măng bao gồm những phản ứng hóa học phức tạp liên quan đến một số chuyển đổi giai đoạn và về cơ bản là không thể đảo ngược bởi các sản phẩm tạo ra khác sản phẩm ban đầu về mặt hóa học. Do đó, tái chế các sản phẩm trong ngành xi măng chủ yếu được giới hạn ở việc sử dụng nguyên liệu thải ra làm nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất và các sản phẩm khác có liên quan, thay vì đưa nó trở lại trạng thái ban đầu. Mặc dù người ta có thể tái chế một số loại bột xi măng thành tiền chất trong sản xuất clinker nhưng cũng chỉ có thể thay thế một phần và đại diện cho quá trình tái chế chứ không phải đảo ngược trong sản xuất xi măng. Hiện nay, tỷ lệ tái chế các sản phẩm trong ngành xi măng trên toàn cầu là khoảng 85%2.

(1) Ấn Độ là quốc gia có ngành công nghiệp xi măng được đánh giá là hoạt động tốt nhất trong lĩnh vực công nghiệp về tiêu thụ năng lượng, kiểm soát chất lượng, bền vững với môi trường và thích ứng trong việc áp dụng các công nghệ mới. Ngành xi măng của Ấn Độ đang đóng góp vào nền KTTH chủ yếu nhờ chuỗi cung ứng tuần hoàn và phục hồi và tái chế. Đồng thời, Hội đồng quốc gia về xi măng và vật liệu xây dựng của quốc gia này đang nỗ lực hỗ trợ ngành xi măng tăng cường sử dụng chất thải và sản xuất bền vững vì một Ấn Độ xanh và sạch. Cụ thể, trong chuỗi cung ứng tuần hoàn, các công ty sản xuất xi măng ở quốc gia này khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện. Công suất lắp đặt năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) trong các nhà máy xi măng tăng hơn 40% lên 276 MW từ năm 2010 – 20173.

Đối với hoạt động phục hồi và tái chế, Ấn Độ sử dụng các loại chất thải khác nhau từ các ngành công nghiệp có sẵn làm nhiên liệu thay thế và nguyên liệu thô cho sản xuất xi măng. Các nhà máy đã sử dụng tro bay và xỉ hạt lò cao (GBFS) trong sản xuất xi măng hỗn hợp, tức là Xi măng Pozzolana (PPC) và Xi măng poóc lăng (PSC). Điều này có lợi cho việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm hệ số clinker trong xi măng và giảm phát thải CO2 cùng với tính bền vững của môi trường. Bên cạnh đó, Hội đồng quốc gia về xi măng và vật liệu xây dựng Ấn Độ cũng đang nghiên cứu những hướng phát triển mới cho ngành xi măng đáp ứng nền KTTH. Có thể kể đến như sản xuất xỉ tổng hợp từ đá vôi cấp thấp, sử dụng nhiên liệu thay thế (chẳng hạn nhiên liệu chiết xuất từ lốp xe), sử dụng đá vôi Dolomitic làm chất phụ gia để thay thế một lượng clinker tương đương, sử dụng tro đáy và tro bay làm chất kết dính gốc xi măng, sản xuất xi măng composite,… Những nghiên cứu này giúp Ấn Độ bảo tồn tài nguyên và thúc đẩy triển khai nền KTTH.

(2) Ở một số quốc gia châu Âu, để triển khai KTTH trong ngành xi măng, các quốc gia tăng cường quản lý chất thải, thu hồi nhiệt thải từ sản xuất clinker. Chẳng hạn, sử dụng nhiên liệu thay thế trong ngành công nghiệp xi măng Ba Lan đã bắt đầu cách đây 20 năm. Để được khách hàng chấp nhận và công nhận đồng xử lý như một giải pháp quản lý chất thải, ngành này đã sớm tham gia đối thoại tích cực với nhiều bên liên quan bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các cấp chính quyền, nhà báo, nhà khoa học trong lĩnh vực chất thải. Kết quả là nhiên liệu thay thế hiện chiếm 55% nhiệt năng của các nhà máy xi măng Ba Lan. Nhiên liệu có nguồn gốc từ tái chế và chất thải công nghiệp chiếm 1,2 triệu tấn trong số 1,4 triệu tấn chất thải được đồng xử lý trong ngành công nghiệp xi măng Ba Lan hiện nay. Ngành công nghiệp xi măng hiện đang tìm cách có thể tăng năng lực đồng xử lý của Ba Lan lên 1,7 triệu tấn, tương đương với khoảng 10% lượng rác thải đô thị được tạo ra ở Ba Lan. Còn Thụy Điển, Đức và Đan Mạch đã thu hồi nhiệt thải từ ngành công nghiệp xi măng để sản xuất điện và nước nóng4.

Kinh tế tuần hoàn trong xử lý nước thành phố

Sự phát triển của các thành phố trên toàn cầu đặt ra thách thức về nguồn nước đô thị. Theo ước tính, dân số đô thị trên toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 kéo theo nhu cầu nước đô thị sẽ tăng lên 30% tổng nhu cầu so với mức hiện tại là 15 – 20%. Nhu cầu tăng lên cũng sẽ dẫn đến lượng nước thải nhiều hơn và tình trạng ô nhiễm nước trầm trọng hơn5. Trước tình hình này, triển khai các nguyên tắc KTTH trong xử lý nước thành phố đem đến cơ hội giải quyết các thách thức về nước. Các nguyên tắc khi được áp dụng hiệu quả sẽ chỉ ra cách tiếp cận mang tính hệ thống nhằm đẩy mạnh các dịch vụ cung cấp nước theo cách bền vững, hiệu quả và linh hoạt hơn, đồng thời giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đang cạn kiệt, và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Để mô tả vòng tuần hoàn nước đô thị có sự trao đổi nước và nước thải trong ranh giới hệ thống (xem mô hình Vòng tuần hoàn đô thị thông thường và Vòng tuần hoàn nước đô thị theo các chiến lược 6Rs của KTTH)6.

Trong vòng tuần hoàn này, nhà máy xử lý nước thải sẽ đóng vai trò trung tâm, thu nhận nước thải từ các khu đô thị, nhà máy, khu công nghiệp, khu vực trồng trọt, tiến hành khử khuẩn, xử lý bằng công nghệ/quy trình riêng, sau đó trả lại nước đã được xử lý, làm sạch, cải tạo đến các chủ thể trước đó. Đồng thời, nước đã được khử khuẩn và khôi phục từ các khu đô thị, nhà máy, đất nông nghiệp cũng sẽ được trả lại môi trường tự nhiên mà không gây ô nhiễm nguồn nước. Triển khai hiệu quả vòng tuần hoàn nước đô thị dựa trên các nguyên tắc của nền KTTH đóng vai trò quan trọng trong giảm nhu cầu nước ngọt nói chung, đặc biệt, tái sử dụng nước thải sẽ là nguồn cung cấp nước thay thế để tăng lượng nước ở các vùng khan hiếm nước. Quá trình này đã được áp dụng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Chẳng hạn, nước thải tạo ra ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ được xả vào sông Musi và được sử dụng cho các hoạt động nông nghiệp ở hạ lưu thành phố. Do đó, các con sông tiếp nhận nước thải đã qua xử lý một phần được tái sử dụng gián tiếp cho các mục đích nông nghiệp, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho canh tác nông nghiệp, góp phần giảm nhu cầu nước ngọt. Với sự phát triển và cải tiến nhanh chóng trong công nghệ xử lý, nước thải có thể được xử lý với chất lượng tương đương với chất lượng nước uống được. Do đó, KTTH trong ngành nước có thể cung cấp nguồn nước cho nhiều ngành khác nhau như năng lượng, nhựa sinh học, chất dinh dưỡng cho cây trồng,… trong đó, vai trò và sự phát triển của công nghệ để chuyển từ xử lý sang tái chế và phục hồi là rất lớn7. Còn ở Phần Lan, thu thập bùn và chất thải từ nhà máy xử lý nước thải, sau đó xử lý chúng bằng phương pháp phân hủy kỵ khí. Chất phân hủy này sẽ được làm khô bằng nhiệt và ép thành dạng viên để cải tạo đất, còn khí sinh học được sử dụng trong quá trình sấy khô.

Riêng đối với Hà Lan, các nhà máy xử lý nước thải được coi là nhà máy năng lượng và tài nguyên và xã hội nước này coi nước thải là nguồn năng lượng tái tạo, nguyên liệu thô và nguồn nước có giá trị. Các ban quản lý nước ở các thành phố đã thành lập một tổ chức mạng lưới hợp tác có tên là Nhà máy Năng lượng và Tài nguyên. Mô hình của Hà Lan tham gia vào lực lượng của 21 cơ quan cấp nước với tổ chức bảo trợ của họ và Quỹ Nghiên cứu Nước ứng dụng (STOWA), một số viện tri thức và nhiều tổ chức khác8. Ngoài ra, quốc gia này còn có nghiên cứu về việc thu hồi các nguyên liệu thô có giá trị như alginate và xenluloza từ nước thải.

Nhờ những nỗ lực trên mà các thành phố lớn trên thế giới đã giảm lượng chất thải từ nước, cải thiện chất lượng môi trường, giảm nhu cầu về tài nguyên tổng thể, tăng tỷ trọng tài nguyên tái tạo cũng như nhận được nhiều giá trị hơn từ các nguồn lực địa phương và khu vực đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên bên ngoài.

Kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp thuộc da

Da là một sản phẩm phụ có giá trị của ngành công nghiệp sản xuất thịt. Ngành công nghiệp thuộc da có đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngoại tệ nhưng lại có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường bởi lượng chất thải đáng kể tạo ra trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, hệ thống sản xuất tuyến tính không quan tâm đến xử lý chất thải để tái chế nên triển khai KTTH trong lĩnh vực này có thể giảm thiểu chất thải và bảo vệ môi trường9. Ngành công nghiệp thuộc da là một trong những lĩnh vực quan trọng ở Bangladesh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia này. Theo báo cáo của ngành dệt may của Băng-la-đét, ngày 17/02/2018, nước này hiện có 161 công ty trong ngành da, còn theo thông tin từ Cục xúc tiến và xuất khẩu, từ tháng 7 – 11 (năm 2017 – 2018), đã xuất khẩu trên 626,57 triệu USD. Đặc biệt, ngành công nghiệp da đang đáp ứng 10% nhu cầu da của thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng phát triển của ngành da, chỉ số hoạt động môi trường năm 2018 của nước này đang xếp hạng thứ 179 trong số 180 quốc gia trên thế giới, điều đáng báo động đối với ngành thuộc da10. Quá trình triển khai KTTH trong ngành thuộc da ở Băng-la-đét đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, đó là11:

(1) Để giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và tái sản xuất chất thải từ lĩnh vực này, cần một khoản đầu tư rất lớn vì ngành này liên quan đến các hoạt động kỹ thuật phức tạp để tái chế các vật liệu phế thải được tạo ra. Tuy nhiên, ngành thuộc da của nước này đang thiếu hỗ trợ tài chính từ Chính phủ.

(2) Băng-la-đét đang thiếu công nghệ tiên tiến để thực hành quản lý chuỗi cũng ứng bền vững trong ngành da, trong khi tiến bộ công nghệ là yếu tố bắt buộc để thực hiện các nguyên tắc tuần hoàn trong chuỗi cung ứng.

(3) Thiếu các chế tài pháp luật nghiêm khắc liên quan đến KTTH nói chung và trong ngành thuộc da nói riêng. Hiện nay, Băng-la-đét không xem xét bất cứ vấn đề nào về môi trường cũng như an toàn lao động trong ngành thuộc da, chẳng hạn như công nhân xử lý hóa chất không có các biện pháp bảo hộ an toàn hoặc không có chế tài xử lý cho việc xả thải của các xưởng thuộc da. Đây chính là một trong những rào cản quan trọng đối với ngành da khi triển khai KTTH và thực hành quản lý chuỗi cung ứng bền vững.

(4) Người dân Băng-la-đét thiếu nhận thức về KTTH, không quan tâm đến các sản phẩm xanh trong khi mua bán vì họ không am hiểu về các vấn đề liên quan đến KTTH. Trong khi đó, nhận thức xã hội là động lực quan trọng để chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính sang KTTH, vì khách hàng là một phần không thể thiếu của nền kinh tế này.

Băng-la-đét chưa có các mục tiêu chiến lược dài hạn trong ngành da nên rất khó để triển khai KTTH trong lĩnh vực này. Các mục tiêu chiến lược dài hạn thúc đẩy các nhà ra quyết định công nghiệp thực hiện các nguyên tắc KTTH. Thực hành các nguyên tắc này thông qua các hoạt động thân thiện với môi trường, chẳng hạn như tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu chất thải, có thể giúp đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn.

Trong khi đó, ở nhiều quốc gia châu Âu, nhờ có nền công nghiệp tương đối phát triển, nhận thức xã hội về KTTH cao nên đã phát triển nhiều công nghệ tiên tiến nhằm tái chế phế thải từ ngành thuộc da, tạo điều kiện triển khai KTTH thuận lợi, giảm áp lực lên môi trường, tài nguyên, thực hành phát triển bền vững. Chẳng hạn, các nhà máy thuộc da ở Anh đã sử dụng phụ phẩm thuộc da để sản xuất phân bón. Cụ thể, họ đã thủy phân chất thải da bằng axit hoặc kiềm để thu được các bán sản phẩm giàu nitơ có thể là một trong những thành phần của phân NPK. Quá trình thủy phân cho phép sản xuất hai sản phẩm có giá trị gia tăng cao, là bán sản phẩm phân bón và sản phẩm crôm cô đặc, rất phù hợp với chiến lược KTTH khi tiến dần đến thay thế phân bón vô cơ. Ở một số nhà máy khác thuộc Thụy Điển, phế thải của ngành thuộc da có thể được xử lý nhiệt, cơ học, sấy khô, khí hóa,… Các phương pháp sinh học này tạo ra chất phân hủy, khí sinh học, thủy phân collagen, chất béo hoặc phân bón có thể tái chế trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp khác đang được áp dụng rộng rãi không chỉ ở quốc gia này mà còn nhiều nước khác ở châu Âu.

Nhìn chung, tác động tiêu cực đến môi trường và ức tiêu thụ năng lượng cao của ngành thuộc da chỉ có thể được giảm thiểu bằng cách chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang KTTH nhằm bảo đảm tính bền vững và sản xuất sạch hơn. Quản lý chất chải của ngành công nghiệp thuộc da rất quan trọng vì có thành phần có giá trị có thể được thu hồi và tái sử dụng trong chính ngành này (như crom) hoặc các ngành khác (năng lượng, phân bón…). Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, triển khai KTTH trong lĩnh vực này đang gặp nhiều thách thức do thiếu vốn, công nghệ và từ phía chính phủ và người dân còn hạn chế.

Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam

Từ những kinh nghiệm quốc tế nêu trên, có thể rút ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam trong triển khai KTTH, cụ thể:

Thứ nhất, kinh nghiệm từ ngành sản xuất xi măng ở Ấn Độ, Việt Nam cần sớm thành lập các hội đồng chuyên trách chung hoặc mỗi ngành công nghiệp chuyên về nghiên cứu các phương pháp tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu, tận dụng phế thải của các ngành công nghiệp khác nhau. Hội đồng này là nơi quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư và chính bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong từng ngành để nhận dạng, phân tích vấn đề. Từ đó có phương án nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ, phương pháp mới nhằm tái chế, xử lý rác thải công nghiệp để tận dụng chúng một cách triệt để, giảm chi phí sản xuất đồng thời bảo vệ môi trường.

Thứ hai, học tập kinh nghiệm từ Ba Lan, ban quản lý các ngành công nghiệp Việt Nam cần tích cực, chủ động tham gia đối thoại với nhiều bên liên quan, bao gồm Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương, nhà báo, nhà khoa học để đồng xử lý các vấn đề về rác thải công nghiệp theo hướng bền vững, chung tay triển khai KTTH. Hoạt động đối thoại cần diễn ra thường xuyên, mang tính định kỳ với các thông tin được công bố minh bạch, rõ ràng để các bên liên quan có thể nắm được và cùng đưa ra các giải pháp hữu ích trong xử lý, tái chế, tái sử dụng phế thải công nghiệp.

Thứ ba, triển khai KTTH cần thời gian cũng như nguồn lực lớn, do đó, Việt Nam cần huy động hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, như: Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, thậm chí trong Nhân dân. Nguồn vốn huy động được sẽ được dùng để đầu tư vào máy móc, công nghệ, trang thiết bị hiện đại cho quá trình thu hồi, xử lý, tái chế rác thải công nghiệp, nghiên cứu các vật liệu thân thiện thay thế, đầu tư cho các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu ứng dụng các phương pháp, vật liệu giúp triển khai hiệu quả KTTH trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.

Thứ tư, rút kinh nghiệm từ những khó khăn, thách thức mà ngành thuộc da Băng-la-đét đang gặp phải, bên cạnh ban hành các chế tài pháp luật xử lý nghiêm các hành vi xả thải trái phép ra môi trường, cần có các chính sách khuyến khích các nhà máy cam kết thực hiện sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường. Một số chính sách khuyến khích có thể áp dụng đối với các nhà máy này, bao gồm: hỗ trợ tài chính (giảm lãi suất vay, giảm tiền thuê đất, giảm thuế,…), công nghệ (ưu đãi thuế nhập khẩu công nghệ mới), chuyên gia, thủ tục đầu tư,… Qua đó, ngày càng có nhiều các nhà máy, khu công nghiệp tham gia vào KTTH, hướng đến phát triển sản xuất bền vững.

Thứ năm, một trong những trở ngại trong triển khai kinh tế bền vững, đặc biệt ở các nước kém và đang phát triển là nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các thông tin liên quan đến KTTH, phát triển bền vững đến mọi tầng lớp chính quyền và Nhân dân. Các hình thức tuyên truyền có thể áp dụng tại nước ta như các chương trình phổ biến thông tin trực tiếp đến các cơ sở, hoặc thông qua phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức các hội thảo, hội nghị về KTTH cho các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp, nhà máy; bên cạnh đó, tổ chức các khóa tham quan các mô hình KTTH ở nước ngoài cho các nhà khoa học, lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo doanh nghiệp,… Với cách làm này, chính quyền và người dân sẽ nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết phải triển khai KTTH, trong bối cảnh môi trường đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng như hiện nay.

Thứ sáu, rút kinh nghiệm từ những khó khăn trong quá trình triển khai KTTH tại Băng-la-đét, Việt Nam cần gấp rút xây dựng mục tiêu chiến lược dài hạn cho vấn đề này. Các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp trong nước, đặc biệt là các ngành công nghiệp mũi nhọn theo hướng dài hạn, bền vững. Đồng thời, khuyến khích các sáng kiến bền vững trong triển khai KTTH để ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Bên cạnh đó, cũng cần dự báo các xu hướng phát triển kinh tế – xã hội, khí hậu, phát triển các ngành công nghiệp trong và ngoài nước để đưa ra các nhận định chính xác, giúp triển khai KTTH hiệu quả, phù hợp với sự phát triển chung của thế giới.

Kết luận

Triển khai KTTH, đặc biệt trong các ngành công nghiệp là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm chú ý của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bằng phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu trong và ngoài nước, nghiên cứu đã phân tích KTTH, đặc biệt tập trung vào quy trình tái chế đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng theo hai chu trình vòng tài chế kín và mở.

Từ những phân tích về mặt lý thuyết, bài viết nghiên cứu quá trình triển khai KTTH trong ba ngành: sản xuất xi măng, xử lý nước thành phố và ngành công nghiệp thuộc da ở một số quốc gia trên thế giới. Qua đó, có đề xuất sáu giải pháp cho Việt Nam nhằm triển khai KTTH hiệu quả. Thực hiện linh hoạt các giải pháp trên theo điều kiện thực tế của đất nước sẽ giúp Việt Nam nói chung và các ngành công nghiệp trong nước nói riêng triển khai hiệu quả KTTH, vì một nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Chú thích:
1. Marsh A.T.M., Yang T., Adu-Amankwah S., Bernal S.A., (2021). “Chapter 11 – utilisation of metallurgical wastes as raw materials for manufacturing alkali-activated cements”. In: Brito, J.D., Thomas, C., Medina, C., Agrela, F. (Eds.), Waste and By-Products in Cement-Based Materials: Innovative Sustainable Materials for a Circular Economy, first ed. Woodhead Publishing.
2. Velenturf A.P.M., Purnell P., Macaskie L.E., Mayes W.M., Sapsford D.J., (2019). “A new perspective on a global circular economy”. In: Macaskie L.E., Sapsford D.J., Mayes W.M. (Eds.), Resource Recovery from Wastes: towards a Circular Economy. The Royal Society of Chemistry.
3. Kukreja K., Sharma P., Mohapatra B., Saxena A. (2020). “Indian Cement Industry: A Key Player in the Circular Economy of India”. In: Sangwan, K., Herrmann, C. (eds) Enhancing Future Skills and Entrepreneurship. Sustainable Production, Life Cycle Engineering and Management. Springer, Cham.
4. Marsh Alastair T.M., Velenturf Anne P.M., Bernal Susan A. (2022), Circular Economy strategies for concrete: implementation and integration, Journal of Cleaner Production, Volume 362, 132486.
5, 6. Nikita S. Kakwani, Pradip P. Kalbar, (2020), “Review of Circular Economy in urban water sector: Challenges and opportunities in India”, Journal of Environmental Management, 271.
7. Villarin M.C., Merel S., (2020). “Paradigm shifts and current challenges in wastewater management”. Hazard Mater. 390, 1–21.
8. Derksen Anja, ter Laak Thomas et al. (2013), Human pharmaceuticals in the water cycle, KWR – Watercycle Research Institute & STOWA.
9. Hidalgo D., Martín-Marroquín J.M., Corona F., (2019). “A multi-waste management concept as a basis towards a circular economy model”. Renewable and Sustainable Energy Reviews, 111, 481-489.
10. Moktadir M.A., Rahman T., Rahman M.H., Ali S.M., Paul, S.K., (2018). “Drivers to sustainable manufacturing practices and circular economy: a perspective of leather industries in Bangladesh”. Journal of Cleaner Production, 174, 1366-1380.
11. Abdul Moktadir, Hadi Badri Ahmadi, Razia Sultana, Fatema-TujZohra, James J.H. Liou, Jafar Rezaei, (2019), “Circular Economy Practices in the Leather Industry: A Practical Step towards Sustainable Development”, Journal of Cleaner Production, Volume 251, 119737.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hồng Anh. Kinh nghiệm áp dụng kinh tế tuần hoàn của một số nước trên thế giới và vấn đề đặt ra với Việt Nam. Tạp chí Công thương, số 9, 2021.
2. Nguyễn Thanh Long, Lý Thị Minh Châu, Nguyễn Đình Mạnh, Bùi Xuân Nguyện. Kinh tế tuần hoàn: hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Công thương, số 18, 2021.
3. Niero M., Hauschild M. Z. (2017). “Closing the loop for packaging: finding a framework to operationalize Circular Economy strategies”. Procedia Cirp, 61, 685-690.
4. Phạm Tuyên. Mô hình kinh tế tuần hoàn với phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam. Tạp chí Lý luận chính trị, số 7, 2021.
5. Triguero Á., Cuerva M. C., Sáez-Martínez F. J. (2022). “Closing the loop through eco-innovation by European firms: Circular economy for sustainable development”. Business Strategy and the Environment.
TS. Nguyễn Hoàng Quy
Học viện Hành chính Quốc gia