Áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong quản lý nhà nước đối với dịch bệnh Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) –  Mặc dù, Chính phủ Việt Nam chưa công bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 nhưng để bảo vệ cho sức khỏe, tính mạng cho người dân và giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế – xã hội do dịch bệnh gây ra, Chính phủ đã phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp được áp dụng như trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Những bài học kinh nghiệm rút ra trong quản lý nhà nước đối với dịch bệnh Covid-19, đó là nâng cao ý thức tuân thủ các biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các chủ thể trong xã hội; triển khai hiệu quả các biện pháp này ngay tại xã, phường, thị trấn; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm các biện pháp khẩn cấptrong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ảnh minh hoạ: Internet

Thực trạng áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong quản lý nhà nước đối với dịch bệnh Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ hoàn toàn trật tự cuộc sống của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Kể từ khi dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona – 2019 (Covid-19) xuất hiện ở Việt Nam cuối tháng 01/2020, đến nay, vẫn đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ về vấn đề bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng cho Nhân dân. Đặc biệt, từ cuối tháng 4/2021, đợt dịch Covid-19 thứ tư đã bùng phát tại Việt Nam với biến thể Delta và gây ra số lượng lây nhiễm lớn gấp nhiều lần các đợt dịch trước đó cộng lại. Tính đến ngày 26/7/2021, tổng số lây nhiễm ở Việt Nam đã lên tới 106.347 ca mắc, trong đó 104.146 ca ghi nhận trong nước, 19.342 người khỏi bệnh và 524 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 103.495 ca, trong đó có 102.576 ca trong nước (99%), 16.525 người đã khỏi bệnh (16%), 489 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 có 62 tỉnh ghi nhận trường hợp mắc, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là tỉnh Cao Bằng1.

Trong suốt thời gian diễn ra bùng phát dịch bệnh, Chính phủ đã phải áp dụng rất nhiều biện pháp quyết liệt, thậm chí, nhiều biện pháp chưa từng áp dụng từ trước đến nay để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Đó là các BPKC được áp dụng như trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Tại Điều 21 – 28 Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm, bao gồm: phân loại, sơ cứu, cấp cứu kịp thời người bị nhiễm bệnh theo phác đồ hướng dẫn thống nhất của Bộ Y tế; tổ chức điều trị miễn phí cho những người bị nhiễm bệnh; lập các trạm chống dịch tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp để tiếp nhận, cấp cứu người bị nhiễm bệnh; thành lập các đội cấp cứu lưu động được trang bị dụng cụ y tế, thuốc men, phương tiện để phát hiện và cấp cứu tại chỗ người bị nhiễm bệnh, sẵn sàng chuyển người bị nhiễm bệnh về các trạm chống dịch nơi gần nhất; tập trung phương tiện, thuốc men, trang thiết bị y tế, chuẩn bị giường bệnh, phòng khám, điều trị và bố trí cán bộ y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu, khám, chữa bệnh miễn phí cho người bị nhiễm bệnh và người có nguy cơ bị nhiễm bệnh; lập trạm gác, trạm kiểm dịch liên ngành hoặc bố trí các đội công tác chống dịch khẩn cấp tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch bệnh; tổ chức tuần tra, kiểm soát trên dọc ranh giới địa bàn có tình trạng khẩn cấp; kiểm dịch bắt buộc đối với hàng hóa, vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm, đồ uống đưa vào hoặc đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh; tăng cường các biện pháp kiểm tra y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh, hành lý, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật…

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động, linh hoạt áp dụng các BPKC trong phòng, chống dịch (PCD). Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu cấp bách PCD bệnh. Chính phủ đã chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp PCD bệnh thông qua việc kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết quy định một số nội dung khác với Luật Đấu thầu năm 2013; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản dưới luật để mua sắm, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ PCD trong trường hợp cấp bách như không phải áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với trường hợp nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ tài sản của tổ chức, cá nhân cho công tác PCD; có thể mua sắm tài sản với số lượng cao hơn tiêu chuẩn, định mức… Các nghị quyết của Chính phủ ban hành, đó là: Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong PCD Covid-19; Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong PCD Covid-19; Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch Covid-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”… Trong đó, đặc biệt là việc thành lập các bệnh viện dã chiến, Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19, Trạm Y tế lưu động mà không thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động. Cùng với đó là thừa nhận kết quả cấp phép của các nước phát triển để rút ngắn thời gian cấp phép lưu hành đối với trang thiết bị y tế và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, nhiều công điện được Văn phòng Chính phủ ban hành, như: Công điện số 6741/CĐ-VPCP ngày 22/9/2021 về việc nâng cao hiệu quả công tác PCD Covid-19; Công điện số 7036/CĐ-VPCP ngày 30/9/2021 về việc tập trung triển khai có hiệu quả công tác PCD Covid-19, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; Công điện số 7668/CĐ-VPCP ngày 20/10/2021 gửi các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo PCD Covid-19; chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường quản lý mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác PCD Covid-19…

Tổ chức triển khai quản lý nhà nước về dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 quy định về các biện pháp PCD Covid-19, trong đó Chỉ thị số 16/CT-TTg là văn bản thể hiện sự quyết liệt nhất với biện pháp “cách ly toàn xã hội”.

Với chức năng trực tiếp quản lý nhà nước về dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 28/3/2020 về việc tăng cường biện pháp PCD Covid-19 trong các cơ sở y tế… Đặc biệt, ngày 29/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 11042/BYT-DP về điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19, trong đó quy định rõ về ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ), ca bệnh xác định (Fo) và người tiếp xúc gần (f1).

Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật đã ban hành, các BPKC trong PCD Covid-19 đã được các cơ quan nhà nước chức năng áp dụng, như: bắt buộc cách ly tập trung tại cơ sở do Nhà nước chỉ định đối với các trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 và những người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Ngân sách nhà nước và Bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh và ăn ở cho bệnh nhân, người cách ly tập trung là người Việt Nam; hạn chế đi lại trong cả nước, người dân chỉ ra được ra khỏi nhà trong những trường hợp thật cần thiết; thực hiện cách ly toàn xã hội; cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; các hãng hàng không trong và ngoài nước dừng vận chuyển khách đến Việt Nam; tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại trên tuyến biên giới; tiêm phòng vắc xin Covid-19. Cụ thể: từ ngày 16/7/2021, Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với 19 tỉnh, thành phố Nam Bộ, Nam Trung Bộ và áp dụng các biện pháp xét nghiệm, tiêm phòng tối đa với lượng vắc-xin hiện có; từ ngày 26/7/2021, TP. Hồ Chí Minh đã phải áp dụng biện pháp cấm người dân ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, một biện pháp còn cứng rắn hơn cả Chỉ thị số 16/CT-TTg2; từ ngày 24/7/2021, Thủ đô Hà Nội và một số địa phương phía Bắc cũng đã áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg3.

Đánh giá việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong quản lý nhà nước về dịch bệnh Covid-19

Thứ nhất, nâng cao ý thức tuân thủ các BPKC trong PCD Covid-19 của các chủ thể trong xã hội, như: tuyên truyền vận động để nâng cao ý thức của người dân, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, nâng cao ý thức PCD, có những biện pháp bảo vệ phù hợp đối với bản thân và gia đình; tuân thủ nghiêm các BPKC trong PCD, nâng cao trách nhiệm của người dân chủ động phát hiện, tố giác và thông báo kịp thời tới chính quyền địa phương những trường hợp vi phạm các BPKC trong PCD bệnh tại nơi cư trú.

Với Chính phủ, luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức về các BPKC trong PCD Covid-19 đến với người dân. Trong đó, tuyên truyền, phổ biến thông tin với giáo dục kỹ năng, biện pháp PCD; tuyên truyền các mô hình hay, cách thực hiện hiệu quả các BPKC trong PCD Covid-19…

Thứ hai, triển khai hiệu quả các BPKC PCD Covid -19 ngay tại xã, phường, thị trấn: phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt, nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức triển khai các BPKC trong PCD tại cấp cơ sở. Chú trọng việc đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, tổng thể trước khi ban hành cơ chế, chính sách để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ ba, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm các BPKC trong PCD: việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các BPKC trong PCD Covid-19 có ý nghĩa quan trọng, có tính răn đe, ngăn chặn đại dịch Covid-19, đã xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm các BPKC trong PCD Covid-19 của các cơ quan nhà nước chức năng. Theo đó, các cơ quan nhà nước đã nhanh chóng vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc vi phạm các BPKC trong PCD Covid-19… Các biện pháp quyết liệt này có ý nghĩa răn đe đối với một số đối tượng bất chấp các quy định về PCD, thậm chí chống người thi hành nhiệm vụ PCD. Cùng với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về PCD Covid-19, tiếp tục biểu dương, khen thưởng các cấp, tập thể, cá nhân có các mô hình hay, cách làm tốt trong PCD.

Chú thích:
1. Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 26/7/2021. https://vncdc.gov.vn, ngày 26/7/2021.
2. Những địa phương yêu cầu người dân không ra đường sau 18h. https://thuvienphapluat.vn, ngày 29/7/2021.
3. Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 06h00 ngày 24/7. https://moh.gov.vn, ngày 24/7/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
3. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
4. Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.
5. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
6. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế.
7. Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2000.
TS. Lê Thanh Bình
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh