Vai trò của quyền hành pháp đối với kiểm soát quyền tư pháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Tổ chức và sử dụng quyền lực nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý của Nhà nước. Song, việc kiểm soát quyền lực trong quá trình này cũng không kém phần quan trọng. Thực tiễn, việc quyền lực nhà nước bị tha hóa là điều đã thấy trong lịch sử hình thành và phát triển của Nhà nước. Vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước, đặc biệt là vai trò của quyền hành pháp đối với kiểm soát quyền tư pháp, chống lại tình trạng lạm dụng, lợi dụng quyền lực nhà nước luôn được đặt ra.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Quyền lực nhà nước không phải là quyền lực tự có mà quyền lực của Nhân dân, được Nhân dân ủy quyền, Nhân dân giao quyền. Nhân dân không trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước của mình mà giao cho Nhà nước thay mình thực hiện, nên tất yếu nảy sinh đòi hỏi chính đáng và tự nhiên phải kiểm soát quyền lực nhà nước. Mặt khác, khi ủy quyền cho Nhà nước, quyền lực nhà nước thường vận động theo xu hướng tự phủ định mình, trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu (từ của Nhân dân là số đông chuyển sang số ít của một nhóm người hoặc của một người). Bên cạnh đó, quyền lực của Nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước  suy cho cùng là giao cho những con người cụ thể để thực thi. Hành động của con người, với tư cách là một chủ thể xã hội – tâm lý luôn luôn chịu sự tác động của nhiều mối quan hệ xã hội, các loại tình cảm khiến quyết định dễ bị sai lệch. Với đặc tính đó, không thể khẳng định người được ủy quyền luôn luôn làm đúng, làm đủ những gì mà Nhân dân đã uỷ thác. Vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhu cầu khách quan từ phía người ủy quyền là Nhân dân đối với người được ủy quyền là Nhà nước và đặc biệt là vai trò của quyền hành pháp đối với kiểm soát quyền tư pháp.

Quan niệm chung về quyền hành pháp và quyền tư pháp

Ở nước ta, quyền lực nhà nước là tập trung, thống nhất giữa ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thông qua Hiến pháp, các quyền này được phân công cho các cơ quan khác nhau thực hiện. Không chỉ thực hiện phân công quyền lực, Hiến pháp còn định hình các nguyên tắc cơ bản nhất của cơ chế thực thi cho mỗi loại quyền lực và mối quan hệ giữa các cơ quan được trao quyền. Bên cạnh việc bảo đảm sự phối hợp, cốt lõi của cơ chế và mối quan hệ này là sự “kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”1. Thực hiện phân công quyền lực không chỉ là thừa nhận sự tồn tại và tính tất yếu của phân công lao động trong quản lý xã hội mà còn là cơ sở tiền đề bảo đảm cho việc thực hiện một yêu cầu quan trọng hơn rất nhiều, đó là kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, để quyền lực nhà nước không vượt qua giới hạn của Hiến pháp và các đạo luật (hình thức cao nhất thể hiện ý chí, lợi ích của Nhân dân, của quốc gia, dân tộc). Nghĩa là, quyền lực được thực thi một cách dân chủ, luôn thuộc về Nhân dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân, bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Thứ nhất, về quyền hành pháp.

Cũng như nhiều quốc gia khác, ở nước ta, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp (Nhân dân thông qua Hiến pháp trao quyền hành pháp cho Chính phủ). Nhưng từ lý luận đến thực tiễn, không phải tất cả quyền hành pháp đều được trao cho Chính phủ. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, quyền hành pháp được phân chia giữa Chủ tịch nước và Chính phủ. Bên cạnh một số ít quyền hạn thuộc về lập pháp và tư pháp, phần lớn các quyền hạn của Chủ tịch nước hiện nay thuộc về hành pháp như quyền thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại, quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang, quyền ra lệnh tổng động viên, ban bố tình trạng khẩn cấp… Tuy nhiên, Hiến pháp vẫn  trao phần lớn quyền hành pháp cho Chính phủ.

Thứ hai, về quyền tư pháp.

Quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay có nhiều cách hiểu, trong đó cách hiểu thông dụng của nhiều nhà nghiên cứu là: quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động, hành chính…

Ở một số nước, quyền tư pháp không chỉ đơn thuần được hiểu là quyền áp dụng các quy định của pháp luật vào các tranh chấp cụ thể để xác định sự đúng – sai, hợp pháp hay bất hợp pháp trong hành vi của con người, từ đó, xác định biện pháp chế tài tương ứng, bao gồm, quyền giải thích pháp luật để phục vụ việc giải quyết vụ việc ấy.

Ở một số quốc gia có thiết lập cơ chế bảo hiến theo mô hình Tòa án tối cao là cơ quan bảo hiến hoặc thành lập Tòa án Hiến pháp, quyền tư pháp bao hàm cả quyền tuyên vi hiến các đạo luật, các hành vi của các nhánh quyền lực nhà nước. Các nước theo hệ thống luật án lệ (common law), quyền tư pháp còn được hiểu bao gồm cả quyền tạo ra án lệ (tại Việt Nam, theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Tòa án nhân dân Tối cao có thẩm quyền ban hành án lệ).

Việt Nam, trước khi xây dựng các thiết chế tài phán hành chính, quyền tư pháp không bao hàm quyền xét xử các vụ án hành chính. Tuy nhiên, với việc tiếp thu ngày càng nhiều hơn những yếu tố hợp lý trong lý thuyết phân quyền vào thiết kế bộ máy nhà nước, quyền tư pháp ở nước ta đã từng bước mở rộng. Theo đó, tòa án không chỉ xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế mà còn xét xử cả các vụ án hành chính. Mặc dù vậy, cho tới nay, tòa án Việt Nam vẫn chưa được chính thức trao cho thẩm quyền xét xử tính hợp pháp hay bất hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật. Tòa án Việt Nam cũng chưa được phép tiến hành việc xét xử các vụ khiếu kiện liên quan tới các quyết định hành chính do những người có thẩm quyền cao hơn cấp Bộ trưởng ban hành.

Quyền tư pháp có thể được tiếp cận theo cả theo nghĩa rộng và hẹp, cụ thể:

Theo nghĩa rộng: quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử của hệ thống tòa án nói riêng, cũng như các hoạt động áp dụng pháp luật của hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật (viện kiểm sát, cơ quan điều tra, thi hành án…) và các cơ quan bổ trợ tư pháp để bảo đảm thực hiện quyền xét xử đạt được hiệu quả cao nhất, nhằm bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, các quyền và tự do của con người, của công dân, đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật.

Theo nghĩa hẹp: quyền tư pháp chỉ là quyền xét xử của tòa án và được thực hiện bằng hoạt động tố tụng hình sự, hành chính, lao động, dân sự, kinh tế để giải quyết các xung đột nảy sinh trong các mối quan hệ xã hội nhằm bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, các quyền và tự do của con người, của công dân, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật.

Quyền tư pháp là bộ phận cấu thành của quyền lực nhà nước, là thẩm quyền có được do sự phân công (phân chia) của quyền lực nhà nước (quyền lực do ủy quyền của cộng đồng). Kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, quyền tư pháp nói riêng là một trong những vấn đề cần thiết.

Quyền hành pháp kiểm soát quyền tư pháp trong hệ thống quyền lực nhà nước

Kiểm soát quyền tư pháp được thực hiện bởi chính các yếu tố hợp thành bộ máy nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp). Trong mối quan hệ giữa hành pháp và tư pháp trong kiểm soát quyền lực, thông thường người ta chỉ nói nhiều đến tư pháp kiểm soát hành pháp, trường hợp ngược lại, ít được đề cập. Tuy vậy, hành pháp cũng có vai trò kiểm soát quyền lực với tư pháp khi nói tới hoạt động giám sát của các cơ quan hành chính đối với hệ thống cơ quan tư pháp.

Một là, theo Hiến pháp hiện hành, giữa Chính phủ và các cơ quan tư pháp (toà án và viện kiểm sát) không có sự phối hợp quyền lực (chỉ có phối hợp công tác theo quy chế được ban hành bởi nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Tuy vậy, không thể nói Chính phủ không có ảnh hưởng tác động đến quyền lực tư pháp. Bởi lẽ, Chính phủ là chủ thể quản lý nhà nước đối với tất cả các ngành, các lĩnh vực, do đó, hệ thống hành chính thực hiện sự kiểm tra theo chức năng, thanh tra đối với các cơ quan khác của Nhà nước, trong đó bao gồm cả các cơ quan tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân trong một số lĩnh vực nhất định của quản lý nhà nước, chẳng hạn, trong lĩnh vực tài chính, kinh tế, môi trường, đất đai… Đó là sự tác động của yếu tố “quyền lực mềm” trong thực tiễn hoạt động của quyền lực nhà nước.

Hai là, cơ chế kiểm soát quyền tư pháp của hành pháp còn được thể hiện ở việc Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán các tòa án, phó viện trưởng, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ba là, theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Về bản chất, chính quyền địa phương là thực hiện quyền hành pháp. Cơ chế tại địa phương kiểm soát quyền tư pháp của Hội đồng nhân dân đối với cơ quan tư pháp ở địa phương được thể hiện ở việc Hội đồng nhân dân có quyền giám sát hoạt động của các CQNN ở địa phương, trong đó có các cơ quan tư pháp. Các cơ quan tư pháp tại địa phương gồm: tòa án nhân dân các cấp, viện kiểm sát nhân dân các cấp, phải định kỳ báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và chịu sự giám sát. Ủy ban nhân dân trong phạm vi thẩm quyền của mình cũng thực hiện sự kiểm tra theo chức năng thanh tra đối với các cơ quan khác của Nhà nước, trong đó bao gồm cả các cơ quan tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân trong một số lĩnh vực nhất định của quản lý nhà nước như: tài chính, kinh tế, môi trường, đất đai…

Bốn là, kiểm soát quyền lực bên trong tổ chức của bộ máy nhà nước (giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp) nhằm bảo đảm cho các quyền này có điều kiện thực hiện đầy đủ và đúng đắn ý nguyện của Nhân dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật; đồng thời, bảo đảm thực hiện phân cấp, phân quyền giữa quyền lực nhà nước ở trung ương và ở địa phương phù hợp yêu cầu thực tiễn và rõ ràng, rành mạch trong tổ chức bộ máy nhà nước.

Năm là, xuất phát từ các đặc điểm về hệ thống chính trị Việt Nam, có thể hiểu kiểm soát quyền tư pháp là quá trình các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, giới truyền thông và công dân quan sát, theo dõi, xem xét, kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền tư pháp nhằm bảo đảm cho cơ quan thực hiện quyền tư pháp mà cụ thể là tòa án, thẩm phán, cán bộ, công chức của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn được giao theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và bảo đảm quyền lực nhà nước thực hiện khách quan, khoa học, hiệu quả, giữ vững bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Tài liệu tham khảo:
1. Trần Ngọc Đường. Một số vấn đề về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Học viện Hành chính Quốc gia. Giáo trình Hiến pháp và Luật Tổ chức bộ máy nhà nước. NXB Bách khoa Hà Nội, 2020.
4. Phạm Hồng Thái. Kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tạp chí Luật học số 28 (2012).
5. Kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp trong điều kiện xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển. https://tcnn.vn, ngày 20/9/2019.
ThS. Lê Ngọc Hưng
Học viện Hành chính Quốc gia