Tạo dựng và duy trì niềm tin – Mục tiêu, điều kiện và tiêu chí đánh giá hiệu quả lãnh đạo công

(Quanlynhanuoc.vn) – Niềm tin là khởi nguồn của sự gắn kết, tham gia, vào cuộc, dấn thân, hy vọngcảm giác về hạnh phúc và có ý nghĩa trong xã hội nói chung cũng như trong hoạt động công vụ và quá trình lãnh đạo công nói riêng. Chính vì vậy, niềm tin, tín nhiệm xã hội vừa là mục tiêu, phương thức, vừa là tiêu chí đánh giá hiệu quả lãnh đạo công để tạo ra sự đồng thuận, hợp lực trong xã hội. Sáu nguyên tắc căn bản mà lãnh đạo công cần nỗ lực theo đuổi bền bỉ để tạo dựng và duy trì niềm tin xã hội bao gồm: (1) Dựa trên giá trị; (2) Hài hòa lợi ích; (3) Không ngừng cải thiện năng lực và cách thức thực hiện vai trò; (4) Lời nói đi đôi với việc làm; (5) Đồng hành, kể cả khi thất bại; (6) Bắt đầu từ việc làm gương cho đến kiên trì xây dựng hình ảnh lãnh đạo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng 13. Ảnh: Phạm Hải
Vai trò của niềm tin trong lãnh đạo

Niềm tin bao gồm 3 hợp phần là: nhận thức (phần lý trí), cảm xúc (phần tình cảm) và hành động (phần hành vi tương ứng với niềm tin, phản ảnh sự cam kết đối với niềm tin đó).

Trong đời sống xã hội, có niềm tin xã hội và niềm tin chính trị. Niềm tin có một sức mạnh vô cùng đối với cách hành xử lâu dài của con người. Thiếu niềm tin, thậm chí bất tín là nguồn gốc của đối phó, thiếu sáng tạo, chống đối, phá hoại và tất yếu là bất ổn. Chính vì vậy, niềm tin được xem như là một loại vốn xã hộimà lãnh đạo các cấp độ đều nỗ lực đầu tư, xây dựng, duy trì, làm cho tăng trưởng, phát triển để có được các kết quả đầu ra trông đợi.

Đối với LĐC, nguy cơ xói mòn niềm tin đến từ nhiều nguồn gốc như tính phức tạp của quá trình giao lưu, hội nhập, những thay đổi bất thường trong môi trường (bao gồm cả tự nhiên, công nghệ) dẫn tới những khó khăn hoặc thất bại trong việc tạo đầu ra trông đợi trong điều hành xã hội, sự tấn công mạnh mẽ của những thế lực phản động, chống phá đối với chính quyền, hay từ sự suy thoái của chính hệ thống lãnh đạo: thói tham nhũng, cửa quyền, lợi ích cục bộ,…

Sự tin tưởng, niềm tin xã hội có ý nghĩa sống còn, vừa là mục tiêu, là phương thức, công cụ, vừa là tiêu chí đánh giá hiệu quả lãnh đạovì các lý do sau:

Một là, đối với quá trình LĐCtính đa mục tiêu, đa bên và nhiều biến số liên quan (chủ thể, đối tượng, các bên liên quan, các thách thức thường trực hoặc bất thường, phương thức lãnh đạo…) tương tác và vận hành trong bối cảnh có tính bất định cao (nhiều thay đổi, thay đổi nhanh chóng, thậm chí khó lường). Sự phát triển xã hội, phát triển công nghệ và các biến đổi của tự nhiên đang dẫn tới nhiều cách luận giải và trông đợi đối với vai trò và cách thức thực hiện vai trò của nhà nước trong quá trình phát triển. Tất cả những điều trên đặt ra câu hỏi về niềm tin đối với LĐC, đòi hỏi quá trình này cần có một trụ cột bền vững, để các thay đổi của nó và xoay quanh nó đều có ý nghĩa, có chủ đích chứ không phải trở nên mất kiểm soát, hay tạo ra tình trạng nhốn nháo, hỗn loạn, phản phát triển.  

Bên cạnh đó, các mục tiêu toàn diện hay phương diện, lâu dài hay trước mắt mà LĐC theo đuổi vì lợi ích công cộng luôn phải đối mặt với một trở lực tất yếu là thiếu nguồn lực. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh được, trong cả hai trường hợp trên, đối với lãnh đạo, niềm tin chính là trụ cột, là nguồn lực không thể thay thế.

Hiệu quả của hoạt động lãnh đạo, bất kể khác biệt ngành nghề, quy mô, lĩnh vực, thời điểm, đều có thể đánh giá chung bởi 5 chữ T, gồm: Tin (đặt trông đợi ở lãnh đạo, vào hành động và lời nói của lãnh đạo); Theo (hành động trên thực tế theo niềm tin và cùng với lãnh đạo); Thời (tạo ra những thay đổi trên diện rộng, đại cũ); Thế (củng cố và cải thiện vị thế, uy tín, danh tiếng cho cơ quan, đơn vị và bản thân đội ngũ lãnh đạo); Tôi-và Chúng ta (sự hài hòa giữa cá nhân và tập thể lãnh đạo, giữa cá nhân/đội ngũ lãnh đạo với tập thể, cộng đồng, xã hội, nhất là khi không thể sử dụng quyền lực chính thức/pháp định).

Trong đó, chữ T đầu tiên là Tin: niềm tin, sự tin cậy, sự tín nhiệm, niềm tin xã hội. Niềm tin là sự khởi đầu cho mọi động thái, nỗ lực, cách thức hành động của các bên liên quan trong quá trình lãnh đạo để hiện thực hóa các mục tiêu bất biến là phát triển hài hòa, bền vững, đồng thuận xã hội. Niềm tin nuôi dưỡng sự trung thành và tận tậm của dân chúng, cộng đồng, xã hội, là động lực khích lệ người ta kiên trì tư duy, chủ động, liên tục tìm kiếm sáng kiến, đổi mới. Niềm tin đem đến sức mạnh tinh thần để tạo ra sự kiên định, vững vàng trước khó khăn, thử thách và mọi cám dỗ. Vì sức mạnh đó của niềm tin, các thế lực thù địch, các phe phái chống đối đều đặt mục tiêu cao nhất, dùng các cơ chế hiệu quả nhất (như mạng xã hội và mua chuộc bằng vật chất) nhằm gỡ bỏ niềm tin, tạo sự bất tín đối với hệ thống lãnh đạo.

Hai là, đối với cá nhân các nhà LĐC: lãnh đạo là xây dựng năng lực lãnh đạo và năng lực tự lãnh đạo ở những người khác. Năng lực và thành tựu của mỗi cá nhân hay nhóm phụ thuộc vào sức mạnh từ bên trong, vào niềm tin vào sức mạnh của chính bản thân chứ không chỉ vào những yếu tố khách quan, bên ngoài. Vì vậy, xây dựng và duy trì niềm tin đối với LĐC cũng có thể được xem như một cơ chế mẫu để mỗi cá nhân, nhóm các bên liên quan thực hành và xây dựng năng lực, niềm tin cho bản thân. Kịch bản lý tưởng nhất là khi sự ghi nhận của tổ chức trùng với sự thừa nhận, chấp nhận và trân trọng từ phía xã hội. Tức là được xã hội tin cậy và ủng hộ. Đây là điều kiện bảo đảm cho sức ảnh hưởng, độ lan tỏa, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo.

Ba là, đối với các bên liên quan: theo đuổi các mục tiêu phát triển là một quá trình dài, đòi hỏi nhiều sự thay đổi, điều chỉnh, tạo lập… không chỉ từ phía lãnh đạo mà cả từ phía các bên liên quan. Điều này càng trở nên khó khăn khi những thay đổi đó gắn với thiệt thòi, hy sinh trước mắt hoặc những khía cạnh nhất định, vào những giai đoạn nhất định từ phía cá nhân. Khi không có niềm tin vào lãnh đạo, vào sự đúng đắn của các mục tiêu đang theo đuổi, vào các việc cần làm, thậm chí, vào bản thân mình thì các bên liên quan dễ bị xô đẩy giữa các thái cực về nhận thức, cảm xúc và hành vi (từ miễn cưỡng hành động sang oán thán, đổ lỗi, thậm chí đạp đổ và dễ bị thao túng bởi luận điệu của các thế lực thù địch, phá hoại).

Bốn là, bản thân hệ thống LĐC cũng cần có niềm tin: niềm tin của LĐC đến từ lý tưởng sáng đẹp, sự thôi thúc muốn tạo ra những chuyển biến tích cực vì một xã hội tốt đẹp hơn, từ tri thức, trải nghiệm thực tiễn, lắng nghe xã hội. Đó là đức tin có tính khoa học gắn với lý tưởng, được kiểm chứng và có thể được bồi đắp, điều chỉnh theo thời gian cho phù hợp với sự phát triển xã hội.  

Có nhiều tiêu chí có thể sử dụng để đánh giá mức độ tin đối với LĐC, thể hiện sự chuyển hóa từ niềm tin thành hành vi, hành động công vụ trên thực tiễn, như:

(1) Gắn kết: niềm tin quyết định nỗ lực và thành quả của sự kết nối của nhiều thứ – của các bên liên quan với lãnh đạo, của bản thân các bên liên quan với ý nghĩa của hành động, sự tồn tại của tổ chức; hay đóng góp vào kết nối tổ chức, địa phương, quốc gia… với những quá trình chung lớn hơn hay các đối tác khác. Thực tiễn phòng, chống Covid-19 trong thời gian qua đã cho chúng ta một ví dụ thuyết phục về điều này. Vào những thời khắc sinh-tử, sống-còn trong gang tấc, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân tiếp theo thì nhiều cá nhân và nhóm, theo một lẽ tự nhiên chỉ còn nghĩ đến bản thân, gia đình, đến lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, Nhân dân Việt Nam đã vượt qua được điều đó để nghĩ đến đồng loại, cộng đồng và Tổ quốc. Những lời hiệu triệu hay khẩu hiệu tuyên truyền gắn với “cộng đồng” đã được người dân hưởng ứng tốt nhất có thể. Điều này chỉ có thể xuất phát từ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vào sự tử tế, vào tình người – những giá trị công mà xã hội ta dày công vun đắp.

(2) Tham gia: niềm tin quyết định mức độ, tần suất, chất lượng tham gia, trải nghiệm cam kết, dấn thân, trải nghiệm những lộ trình, biện pháp… là sự chuyển hóa của niềm tin thành hành động theo mục tiêu hay hoạt động mà lãnh đạo khởi xướng hoặc thông qua. Nếu các bên liên quan tin vào LĐC, họ sẽ vào cuộc, sẽ tham dự, sẽ đến (xuất hiện), làm việc, sáng tạo và đóng góp cho cơ quan, đơn vị, địa phương, Tổ quốc, chứ không phải chỉ một trong số đó (tệ nhất là chỉ đến mà không làm việc hoặc làm việc một cách đối phó). Cũng trong thời gian chống dịch vừa qua, vào những thời khắc khó khăn nhất, khi các quyết định lãnh đạo được đưa ra trong bối cảnh khẩn cấp và có nguy cơ khủng hoảng đầy khó khăn thì những chuyến xe, chuyến hàng, những đoàn người xung phong, tự nguyện từ các bác sỹ, chiến sỹ trong lực lượng quân đội, công an, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, các cụ già, em nhỏ,…đều đã tình nguyện góp công, góp của, góp sức lên đường cứu trợ chống dịch,… là bằng chứng hiển nhiên của sự chấp nhận hy sinh, thiệt thòi vì một niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, là kết quả của niềm tin về cách hành xử của mỗi cá nhân “khi Tổ quốc cần”.

(3) Dấn thân: niềm tin quyết định mức độ khám phá, chấp nhận rủi ro để tìm kiếm cái mới và cống hiến cho tập thể, cộng đồng. Thiếu niềm tin, nhất là niềm tin vào bản thân các nhà lãnh đạo, các bên liên quan có xu hướng “giữ mình”, “khép mình”, “bàng quan”, hay “cầu an”. Những sáng kiến ở mọi khía cạnh cuộc sống trong chống dịch, từ sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, cập nhật thông tin, các ATM gạo, tự nguyện cung cấp nơi ở, nơi kinh doanh làm nơi đón tiếp, chăm sóc bệnh nhân, đến các cách tiếp cận mà không tiếp xúc trực tiếp,… trong các chiến dịch phòng, chống dịch,… là kết quả của niềm tin, nếu “chung tay” chúng ta sẽ “tất thắng trong trận này”.

(4) Hy vọng: niềm tin quyết định sự lạc quan ở các bên liên quan, sự tìm kiếm lý tưởng và những điều tốt đẹp nhất có thể. Dù mọi thứ còn ngổn ngang, tổn thất là có thật, nỗi đau còn nguyên đó, dù hiểu rõ rằng, phục hồi sẽ đối mặt với muôn vàn thách thức, trong đó có thách thức không lường trước được hết và ngày mai sẽ không bao giờ còn giống hôm qua… nhưng cả xã hội Việt Nam đã đi về hướng tương lai để từng bước chấp nhận tình trạng “bình thường mới”. Đó là kết quả của niềm tin đến không chỉ từ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước với sự điều chỉnh linh hoạt các ứng phó theo diễn biến dịch bệnh, mà còn từ các bí quyết sống vui vượt trên nghịch cảnh (các hình ảnh, clip, châm ngôn hài hước được lan truyền mạnh mẽ qua mạng xã hội) và từ tính cách lạc quan của người Việt đến từ ngàn đời, với niềm tin rằng, còn hướng về phía trước là còn cơ hội.

(5) Cảm giác về ý nghĩa và hạnh phúc: niềm tin vừa phụ thuộc vào khả năng tìm kiếm ý nghĩa của sự tồn tại hay hành động; đồng thời cũng là cơ sở tham chiếu giúp các cá nhân và cộng đồng lý giải ý nghĩa và cảm giác về sự hài lòng hay cao hơn, là hạnh phúc, kèm theo đó là rất nhiều cảm giác và thái độ tích cực (sự chủ động, tự chủ, thoải mái, sự cởi mở),… đến kết quả là sự kiểm soát tốt bản thân và tình thế. Chính những điều này đã loại bỏ được sự hoài nghi, bất an, cảm giác chông chênh, mất cân bằng, thậm chí vô phương, tuyệt vọng…

Các nguyên tắc chính để tạo dựng và duy trì niềm tin trong lãnh đạo công

Niềm tin đối với LĐC có thể đến từ nhiều nguồn và ở nhiều cấp độ tin cậy khác nhau, do đó, cần thực hiện kết hợp nhiều nguyên tắc, nhiều hành động thì mới xây dựng và duy trì được niềm tin xã hội.

Thứ nhất, gắn với giá trị

LĐC không chỉ tuân thủ, thực hành các giá trị mà còn có trách nhiệm là hình mẫu, trách nhiệm tạo dựng các giá trị công vụ để dẫn dắt xã hội và làm cơ sở cho các giá trị xã hội. Do đó, tạo dựng niềm tin trong LĐC cũng phải hướng tới sứ mệnh đó, để xây dựng các giá trị.

Niềm tin vào lãnh đạo có thể được hình thành tạm thời hoặc trên nền các “mặc cả” “đổi chác” về lợi ích nhất là lợi ích cục bộ của nhóm, của nhiệm kỳ. Tuy nhiên, một niềm tin lâu bền, đủ sức mạnh để người tin trân trọng, gìn giữ, áp dụng lâu dài, lan tỏa và bảo vệ, thì nhất định phải dựa trên các giá trị và giá trị công. Bên cạnh đó, dân gian đúc kết về sức mạnh của niềm tin là “một sự không tin, vạn sự bất tín” – hoặc có tất cả, hoặc không có gì- cho nên, niềm tin mà LĐC tạo dựng được cần có tính bền vững và cũng dùng các giá trị để lan tỏa niềm tin.

Các giá trị này là khía cạnh trí tuệ của niềm tin, nó phản ảnh sự giác ngộ làm cho những người mang theo giá trị luôn tỉnh táo, kiên trì, kiên tâm bền bỉ và thoát khỏi sự thao túng của những cảm xúc nhất thời hay niềm tin vội vàng.

Các giá trị cốt lõi làm nền tảng cho niềm tin trong LĐC sẽ là nền tảng để tạo ra được môi trường thể chế, chính sách thuận lợi cho sự phát huy năng lực của mọi thành phần trong xã hội và cung ứng những dịch vụ công cần thiết cho phát triển. Các giá trị đó có thể bao gồm: trung thực, (thúc đẩy sự tham gia) năng động, thích ứng cao, trách nhiệm giải trình, tính mở (Nhà nước/Chính phủ mở)3. Có ít nhất hai giá trị không thể bị bỏ qua để tạo nên niềm tin vào LĐC, bất kể sự thay đổi về thời gian.

Đó là, chuyên nghiệp (bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, không ngừng cải tiến, hướng tới hiệu suất, hiệu quả, đầu ra, phi cảm tính trong tổ chức quá trình công vụ cũng như thực hiện từng nhiệm vụ công vụ). Chuyên nghiệp cũng tạo khuôn khổ cho công khai, minh bạch, công tâm, khách quan. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp có thể bị bẻ cong bởi quyền hành chính thức của cá nhân/nhóm lãnh đạo chính thức.

Tiếp theo là liêm chính, giá trị này mang đặc tính, sứ mệnh hàng đầu của LĐC liên quan đến tính “công”: công chức, công quyền, công tài, công sản, công sở, công khai,… tất cả đều để phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích của công dân, cộng đồng, dân tộc, Tổ quốc. Vì vậy, niềm tin bền vững vào LĐC phải dựa trên sự bảo đảm tính công này và hành vi công vụ đi ngược lại giá trị này cũng đồng nghĩa là sự phủ nhận hay làm thất bại sứ mệnh của LĐC. Theo nghĩa đó, để xây dựng và duy trì niềm tin vào LĐC cần thẳng tay trừng trị tội tham nhũng, ăn hối lộ. Tham nhũng không chỉ đơn thuần liên quan đến lạm dụng quyền lực mà khi vi phạm đến một mức độ, quy mô nhất định thì tham nhũng chính là phạm tội phản bội Tổ quốc, phản bội Nhân dân. Do đó, Chính phủ cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật riêng về giám sát thu nhập và tài sản của những người có chức vụ trong cả khu vực công và khu vực tư.

Ngoài ra, kinh nghiệm của quốc tế cũng cho thấy, niềm tin chính trị xuất hiện khi công dân đánh giá cao Chính phủ và các thiết chế, quá trình chính sách và/hoặc khi cá nhân các nhà lãnh đạo chính trị giữ lời hứa, hoạt động hiệu quả, công bằng và chân thực4.

Thứ hai, chia sẻ, hài hòa lợi ích

Niềm tin và đồng thuận xã hội không phải là một thứ miễn phí, tự nhiên có, mà căn cứ vào điều kiện về lợi ích. Niềm tin đối với LĐC chỉ xuất hiện và bền vững khi bảo đảm được sự hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Hài hòa lợi ích vừa là nguyên tắc, vừa là điều kiện bảo đảm tính chính đáng và sức thuyết phục của LĐC, nó ràng buộc để bảo đảm là quá trình lãnh đạo nói riêng cũng như toàn bộ máy hay từng cán bộ, công chức hoạt động không phải vì lợi ích nội bộ hay lợi ích cá nhân mà vì lợi ích công cộng trước nhất.  

Lợi ích của các bên liên quan trong quá trình lãnh đạo được pháp luật hóa trong các quy định của pháp luật đối với các tình huống chung, có tính đại trà và được củng cố thêm bằng công luận, bằng cái mà xã hội hy vọng vào sự “biết điều” trong một số trường hợp đặc thù khác. Tuy nhiên, hài hòa lợi ích cũng không đơn thuần là sự chia đều, cào bằng về cơ hội và mức độ thụ hưởng, nó được cân nhắc giữa các mục tiêu dài hạn và trước mắt, tập thể và cá nhân, vật chất và tinh thần.

Việc lãnh đạo thiên vị, dồn quá nhiều quan tâm, cơ hội, thậm chí tinh vi “thao túng” “nắn chỉnh” chính sách; hoặc giành lợi ích quá nhiều cho một hay một vài người/nhóm, địa phương nào đó, thân quen hay được ưu ái kiểu bè phái, cánh hẩu,… tất yếu làm giảm niềm tin, giảm cam kết, giảm tinh thần cống hiến và tạo ra sự bất tín ở các bên liên quan. Đây chính là chỗ mà thói vun vén cá nhân, tính thực dụng giết chết niềm tin chân chính cần có từ cộng đồng, xã hội đối với đội ngũ lãnh đạo.

Thứ ba, không ngừng cải thiện năng lực, cách thức thực hiện vai trò

Bản chất của hoạt động lãnh đạo gắn với thay đổi – bao gồm khởi xướng thay đổi, nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo, khích lệ tư duy thay đổi và tổ chức những thay đổi có tính hệ thống để tạo ra chuyển biến có tính bản chất trong cơ quan, đơn vị, ngành, lĩnh vực, địa phương hay quốc gia. Chính vì vậy, niềm tin đối với LĐC chỉ có được dựa trên những bằng chứng rõ rệt về năng lực cải cách thường xuyên, liên tục để nâng cao năng lực thực hiện vai trò của LĐC và tạo ra kết quả cụ thể như mức độ phát triển của địa phương, đất nước. Bởi vì, người dân có xu hướng tin tưởng nhiều hơn ở những Chính phủ/Nhà nước có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế, việc làm, cơ hội tiếp cận giáo dục và cung ứng các dịch vụ công một cách thuận tiện và minh bạch5.

Tạo dựng và duy trì niềm tin từ cộng đồng, doanh nghiệp hay các bên liên quan khác cần bắt đầu từ việc hình thành được một tầm nhìn dài hạn (để các bên liên quan có căn cứ cho thiết kế lộ trình sống, kinh doanh, làm việc một cách dài hơi, có chủ đích, có kế hoạch); thiết lập hệ thống quy trình, thủ tục thành văn một cách khoa học, khách quan và được công khai đúng cách, thường xuyên rà soát để tháo bỏ các rào cản (để hạn chế sự tùy tiện, thiên vị hay trù dập,…). Không ngừng học hỏi, cải thiện năng lực giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột, tranh chấp; ra quyết định kịp thời và sáng suốt, nhất là đối với các tình huống khẩn cấp hay có nguy cơ khủng hoảng (bao gồm cả khủng hoảng truyền thông) sẽ củng cố niềm tin. Đối với bên ngoài, việc thực hiện một cách thực chất các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với đại diện các nhóm có trong xã hội cũng là một cách để làm hẹp đi khoảng cách và trân trọng người dân trong thiết kế, triển khai quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Việc nghiêm túc tuân thủ các quy định, cam kết, các chuẩn mực chung đã được thông qua cũng rất có giá trị trong xây dựng niềm tin ở các bên liên quan, vì đó là sự khẳng định một nguyên tắc quan trọng trong điều hành xã hội – nguyên tắc pháp quyền.

Nỗ lực xây dựng văn hóa tổ chức tích cực, không gian tinh thần và vật chất phù hợp cho thực thi là kết quả trực tiếp của hoạt động lãnh đạo, vừa gây ấn tượng tích cực với bên ngoài, vừa củng cố niềm tin bên trong, tạo ra niềm tin về nỗ lực đầu tư vào con người để họ có điều kiện thuận lợi để làm việc một cách bài bản, quyết tâm xây dựng lộ trình nghề nghiệp, phấn đấu vì sự nghiệp của tổ chức, của cộng đồng một cách lâu dài.

Quản lý và phát triển đội ngũ theo những triết lý, mục tiêu, tiêu chuẩn thành văn hay được phát ngôn cũng là một cơ sở để các bên liên quan bên trong và bên ngoài hệ thống tin vào các lý tưởng vĩ đại, mục tiêu lâu dài của LĐC, hình thành tình cảm lớn, niềm tin sâu sắc với lý tưởng và sự nghiệp đã lựa chọn và theo đuổi. Ngoài ra, bản thân những người được chọn đồng hành, thân cận, tin dùng cũng là một chỉ báo về các giá trị mà các nhà lãnh đạo thực sự tin và thực hành theo nguyên lýdân gian: “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.  

Thứ tư, lời nói đi đôi với việc làm

Các bên liên quan trong quá trình lãnh đạo khó có thể tin hoặc tin tưởng thực sự, lâu dài nếu lãnh đạo chỉ bằng lời nói, thậm chí những lời hứa hoa mỹ, giả tạo, chỉ nhằm mục đích mị dân để nhận được sự ủng hộ hay đạt được những lá phiếu từ những người đi bầu.  

Đoàn kết, nhất trí, đồng thuận là những giá trị và niềm tin mà lãnh đạo muốn theo đuổi và muốn làm cơ sở để gây dựng niềm tin từ xã hội, từ các bên liên quan. Cách hành xử giữa các thành viên trong tập thể lãnh đạo cũng là một bằng chứng của nỗ lực lãnh đạo và sức mạnh đến từ đoàn kết, nhất trí trong lãnh đạo – một điều kiện có tính sống còn để tạo nên sức mạnh tập thể. Tuy nhiên, không có gì hủy diệt niềm tin, tạo ra sự bất tín đối với lãnh đạo nhanh hơn bằng các bằng chứng hiển hiện của sự đấu đá, phe phái trong lãnh đạo. Khi đó, những lời hô hào về đoàn kết, nhất trí, chung tay, chung sức,… chỉ còn là những lời sáo rỗng, thậm chí kích hoạt những xì xào, cười cợt, chế diễu đối với lãnh đạo.

Thứ năm, đồng hành, kể cả khi thất bại

An toàn là một cảm giác xuất hiện trong phần lớn lý do tạo nên sự tin tưởng. Tuy nhiên, niềm tin đối với lãnh đạo có thể bị thử thách khi lãnh đạo thất bại hay các bên liên quan thất bại trong đạt được mục tiêu. Lãnh đạo cần đồng hành với bên liên quan, để khi thành công thì củng cố, chứ không phải tranh công; khi thất bại thì bảo vệ giá trị để tiếp tục theo đuổi chứ không đổ lỗi và bỏ cuộc nhanh chóng. Chính vì vậy, trong những bối cảnh bất định đặc biệt như thiên tai, bão lũ, tai nạn lớn, sự hiện diện kịp thời của lãnh đạo tại hiện trường, phản ứng chính sách kịp thời thường có hiệu ứng tích cực và tạo nên sự tin tưởng.

Thứ sáu, bắt đầu từ việc làm gương và kiên trì xây dựng hình ảnh lãnh đạo

Đôi khi niềm tin đối với cả một hệ thống lãnh đạo có thể bắt nguồn từ sự thiện cảm và tin cậy đối với một hoặc chỉ một vài cá nhân lãnh đạo6. Sự thiện cảm và tin cậy đối với một/một vài cá nhân được chọn để trao gửi niềm tin đến từ tổng hòa nhiều thứ, tạo nên hình dung của cá nhân về một lãnh đạo nào đó. Đó là hình ảnh lãnh đạo.

Hình ảnh lãnh đạo là tổng hòa của nhiều yếu tố, cả âm lượng, diện mạo lẫn dáng, cả thể chất lẫn trí tuệ, cả lời nói và hành động, cả với tư cách cá nhân lẫn là một bộ phận hợp thành của tập thể lãnh đạo, cả nỗ lực lẫn kết quả lãnh đạo. Có quan niệm rằng, những lãnh đạo có hình thức, có tính tích cực, có thể thuận lợi hơn trong tạo ra sức thuyết phục và gây dựng niềm tin. Tuy nhiên, cảm nhận hay linh cảm về sự tích cực của lãnh đạo không đơn thuần là nét đẹp thể chất mà chủ yếu thông qua thần thái – tính cách và bản lĩnh. Uy tín cá nhân (không tính đến những lời khen mang tính khách sáo hoặc dối trá) là sự chấp nhận, ghi nhận và tôn vinh nhờ sự tích cực từ phát ngôn, hành động thể hiện tính cách của lãnh đạo chứ không chỉ là sức hấp dẫn, sức cuốn hút – vẻ đẹp hình thức thông thường. Do đó, cần không ngừng xây dựng năng lực làm việc trong bối cảnh có tính áp lực cao, đa văn hóa và môi trường quốc tế; chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức; kỹ năng lãnh đạo các cấp cần được đào tạo, tư vấn, rèn luyện về phong cách, phong thái.

Ở cấp độ tập thể và quốc gia, truyền thông chính sách và hình ảnh lãnh đạo cần được chú trọng để các chủ trương, chính sách đến với đối tượng của chính sách và cộng đồng, xã hội sớm nhất; các dự định cũng như sự cân nhắc lại, thậm chí những lời xin lỗi về sai sót, thất bại… trong lãnh đạo cần được thiết kế thành các chiến lược bài bản chứ không phải theo đuôi dư luận, thấy người dân quan tâm hoặc phản đối cái gì thì cung cấp thông tin về cái đó.  

Chú thích:
1. Henri F. Amiel khẳng định xã hội tồn tại nhờ niềm tin và phát triển nhờ khoa học.
2. Xem thêm: Bùi Đình Phong (2019), “Lòng dân – Thước đo đối với kết quả đạt được”, Những vấn đề lý luận chung, Tạp chí Lý luận Chính trị số 3 (3/2019), tr.15-20.
3. Ví dụ, theo quan niệm của OECD Recommendation on Open Government (GOV/PGC (2017), tải về từ: legalinstruments.oecd.org/en/instruments/OECD-LEGAL-0438, ngày 15/8/2022 (nguyên bản tiếng Anh: Chính phủ Mở là văn hóa điều hành thúc đẩy các nguyên tắc minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của nhiều bên để ủng hộ dân chủ và tăng trưởng bao hàm toàn diện. Theo đó, Chính phủ Mở có vai trò sống còn để xây dựng niềm tin từ công dân và là chìa khóa để đạt được những đầu ra chính sách đa dạng như, đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội theo khuôn khổ Chương trình nghị sự toàn cầu về các Mục tiêu phát triển bền vững; hay sự liêm chính, chống tham nhũng, hiện đại hóa hành chính, chính phủ số, đổi mới công vụ…).
4. Peri K. Blind (2006), “Building Trust in Government in the Twenty-First Century: Review of literature and Emerging Issues”, 7th Global Forum on Reinventing Government, Building Trust in Government, 26-29 June, Vienna, Austria.
5. Fiorina M.P. (1978), “Economic Retrospective Voting in American National Elections: A Micro Analysis”, American Journal of Political Science, 22, 2 (May 1978): 426-443; trích theo Peri K. Blind (2006), sách đã dẫn.
6. Cũng cần phân biệt niềm tin và sự trung thành đối với cá nhân và đối với lý tưởng, mục tiêu mà người lãnh đạo đó đại diện cho tập thể và vì lợi ích công cộng mà khởi xướng và theo đuổi.
PGS.TS. Trần Thị Thanh Thủy
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh