Quản lý nhà nước về hoạt động của Phật giáo ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm qua, tôn giáo nói chung và Phật giáo ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm qua chủ trương, chính sách thể hiện sự cởi mở và sự hướng dẫn, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị để Phật giáo được tự do hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đối với Phật giáo, Nhà nước tạo mọi điều kiện để khơi dòng chảy thông suốt, kịp thời nhằm giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện đường hướng hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Phật sự 2020 và thông qua phương hướng hoạt động công tác Phật sự 2021.
Khái quát tình hình Phật giáo ở Việt Nam hiện nay

Phật giáo là một tôn giáo có lịch sử hình thành từ rất sớm, ra đời vào khoảng giữa thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên, tại Nepal – Ấn Độ. Người sáng lập ra đạo Phật là Thái tử Tất Đạt Đa. Tại Việt Nam, Phật giáo được truyền bá vào ngay từ những năm đầu Công nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử, với tinh thần “tuỳ duyên bất biến” Phật giáo đã tiếp biến và bám rễ, ăn sâu vào văn hoá và tín ngưỡng của con người Việt Nam1. Trải qua hơn 2.000 năm du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành sắc son cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa của dân tộc; vào sự hình thành tư tưởng, đạo đức, lối sống của Nhân dân Việt Nam, trở thành một bộ phận không thể thiếu của văn hóa Việt Nam, của đời sống người dân đất Việt.

Năm 1981, thể theo ý chí, nguyện vọng của tăng ni, tín đồ Phật tử cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (PGVN) được thành lập. Đây là tổ chức duy nhất đại diện cho tăng ni, tín đồ Phật tử PGVN trong và ngoài nước. Phát huy truyền thống yêu nước, “Hộ quốc – An dân” của PGVN, trải qua 8 kỳ đại hội, Giáo hội PGVN đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt hoạt động, thể hiện sự hòa hợp, đoàn kết, thống nhất. Tín đồ, tăng ni cả nước được tập hợp trong một tổ chức thống nhất là Giáo hội PGVN.

Hiện nay, “Phật giáo cả nước có trên 53.000 tăng, ni, gần 18.000 cơ sở thờ tự, khoảng 14 triệu tín đồ quy y tam bảo và 60% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo về văn hóa, lối sống”2. Với phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội PGVN đã và đang có những đóng góp to lớn trong quá trình đổi mới đất nước. Giáo hội PGVN luôn là tổ chức gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện đoàn kết các tôn giáo cùng nhau tích cực xây dựng phát triển đất nước Việt Nam. Giáo hội PGVN đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh, thông qua hoằng dương Phật pháp vận động tăng ni, phật tử cả nước sống trong chính tín, thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ công dân, gắn bó đoàn kết giữa đạo với đời, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người gặp hoàn cảnh khó khăn; thực hiện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ, khẳng định PGVN là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Một số kết quả cơ bản trong quản lý nhà nước đối với hoạt động của Phật giáo ở Việt Nam

Thực hiện đường hướng hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Nhà nước thừa nhận “Đạo pháp” và thông qua “Đạo pháp” Nhà nước tôn trọng, tạo điều kiện và quản lý Giáo hội PGVN thực hiện quá trình hoằng pháp qua các hoạt động hành đạo theo đúng Hiến chương đã được Nhà nước chấp thuận. Nhà nước thừa nhận tính “Dân tộc” và thông qua “Dân tộc” Nhà nước quản lý và tạo mọi điều kiện để Giáo hội PGVN phục vụ Tổ quốc và các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong mọi trường hợp, Nhà nước đứng trên lợi ích dân tộc để xem xét các vấn đề của Giáo hội PGVN để hoạch định chủ trương, chính sách phù hợp với PGVN trong hoàn cảnh mới và điều kiện mới. Nhà nước và Giáo hội cùng nhau khắc phục các khác biệt giữa Phật giáo và xã hội chủ nghĩa hiện thực trong từng giai đoạn phát triển để cùng phục vụ Tổ quốc và dân tộc Việt Nam.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, những nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không can thiệp vào nội bộ tôn giáo, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, tạo hành lang pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước (QLNN) đối với hoạt động tôn giáo. Dựa trên nền tảng hành lang pháp lý mà có sự vận dụng giải quyết những vấn đề cụ thể của từng tôn giáo ở những thời điểm khác nhau. Sự vận dụng này được hệ thống chính trị đặc biệt là cơ quan QLNN trực tiếp về tôn giáo từ trung ương đến địa phương vận dụng cho tất cả các tôn giáo. Đối với Phật giáo, sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, các tổ chức, hệ phái Phật giáo cả nước có nguyện vọng thống nhất trong một tổ chức chung. Nguyện vọng chính đáng này đã được Nhà nước chấp nhận và tạo điều kiện. Từ ngày 07 – 11/11/1981, có 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo cả nước vân tập về Hà Nội thành lập Giáo hội PGVN.

Đến nay, Giáo hội PGVN đã trải qua 8 kỳ đại hội và hiện đang chuẩn bị cho kỳ đại hội IX vào cuối năm 2022. Các kỳ đại hội luôn được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương và Nhân dân cả nước. Việc tham mưu với Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo cho Giáo hội PGVN là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong công tác QLNN đối với Phật giáo ở Việt Nam, thể hiện được quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với PGVN, một mặt đáp ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác QLNN đối với hoạt động của PGVN, mặt khác, tạo điều kiện cho hoạt động Phật sự, thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp, các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật cũng là thể hiện Giáo hội PGVN được pháp luật bảo hộ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội trao bức trướng tặng Đại hội đại biểu Giáo hội phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.

Cơ quan QLNN về tôn giáo ở Trung ương (Ban Tôn giáo Chính phủ) tham mưu với Chính phủ chấp thuận Giáo hội PGVN tổ chức các kỳ đại hội, chấp thuận Hiến chương Giáo hội PGVN và các bản sửa đổi được thông qua tại các kỳ đại hội. Cùng với Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ quan QLNN về tôn giáo ở địa phương (Ban Tôn giáo tỉnh, thành phố) tham mưu cho UBND cấp tỉnh cho phép thành lập, chia tách, sáp nhập tổ chức Phật giáo ở địa phương, tạo điều kiện giúp cho Giáo hội PGVN hoàn thiện nhân sự và tổ chức giáo hội từ cấp Trung ương đến cấp địa phương. Thành tựu nổi bật sau 40 năm về công tác tổ chức Giáo hội là đã thành lập Ban Trị sự Giáo hội PGVN cấp tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kiện toàn và nâng tầm hệ thống quản lý hành chính Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Giáo hội quản lý 10 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Tất cả đều hoạt động theo Hiến chương Giáo hội PGVN.

Công tác QLNN đối với tài sản và việc xây dựng của Giáo hội luôn được Nhà nước quan tâm, nhất quán thực hiện, bảo đảm cho Giáo hội có cơ sở và điều kiện để hành đạo. Nhà nước bảo hộ các tài sản hợp pháp của Giáo hội và nghiêm cấm việc xâm phạm đến tài sản đó. Đối với đất có các công trình xây dựng do cơ sở Phật giáo sử dụng gồm chùa, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo… được Nhà nước cho phép hoạt động, được sử dụng lâu dài. Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức Phật giáo cũng như sư trụ trì được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thuộc cơ sở tôn giáo. Về cơ sở thờ tự của Giáo hội PGVN, “tháng 11/1981, khi mới thành lập có 14.778 ngôi chùa, đến nay, Giáo hội có 18.544 cơ sở tự viện”3. Như vậy, các cơ quan QLNN đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Giáo hội, tăng ni, phật tử; phối hợp với ngành văn hóa hướng dẫn và quản lý các hoạt động Phật giáo tại các cơ sở Phật giáo là di tích lịch sử, văn hóa, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tăng ni, phật tử; đồng thời, giữ gìn, bảo tồn di sản lịch sử, văn hóa của đất nước.

Hiện nay, Giáo hội có 257 tự viện được Bộ Văn hóa, Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, hàng trăm tự viện được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố. Đặc biệt, xây dựng các ngôi chùa tại biên giới, hải đảo như: chùa Bản Giốc, chùa Tà Lùng tỉnh Cao Bằng, chùa Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn, tại Phú Quốc, tại Côn Đảo và các ngôi chùa tại quần đảo Trường Sa.

Cơ quan QLNN về tôn giáo trong những năm qua cũng đã phối hợp với các cấp, các ngành liên quan để xem xét Giáo hội xuất bản, in, phát hành các loại kinh, báo, tạp chí và các xuất bản phẩm khác về Phật giáo; xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo, sản xuất đồ dùng phục vụ hoạt động của Phật giáo nhằm bảo đảm để tăng ni và tín đồ phật tử có điều kiện tu học, hành đạo theo đúng truyền thống Phật giáo, văn hóa, đạo đức dân tộc và pháp luật của Nhà nước; đồng thời, ngăn chặn in ấn, lưu hành, xuất nhập khẩu ấn phẩm có nội dung trái quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội PGVN.

Đối với việc Giáo hội PGVN tham gia các hoạt động từ thiện xã hội thì cơ quan QLNN đã chủ động, phối hợp với các ngành chức năng, tham mưu với Chính phủ, UBND các cấp tạo điều kiện để Giáo hội thực hiện các hoạt động tri ân những gia đình có công với đất nước, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… và các hoạt động từ thiện nhân đạo, như: nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; thực hiện xây cầu dân sinh, đào giếng nước sạch cho đồng bào, làm đường giao thông nông thôn, tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non xã hội… Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sỹ biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc… Kết quả công tác từ thiện xã hội “mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng; số liệu tổng kết trong 40 năm qua, ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng”4.

Trong đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay, Giáo hội đã có nhiều thông bạch vận động Ban Trị sự Giáo hội PGVN các tỉnh, thành phố, tăng ni, phật tử các tự viện tích cực tham gia phòng chống dịch bằng nhiều hình thức như ủng hộ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế,… cho đồng bào vùng phong tỏa, cách ly và những người tuyến đầu phòng chống dịch hoặc lấy cơ sở tự viện làm điểm cách ly tập trung cho bệnh nhân Covid. Nhiều tăng ni, Phật tử đã tham gia vào tuyến đầu, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid tại các bệnh viện dã chiến. Hưởng ứng vận động của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố, Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Giáo hội PGVN các tỉnh, thành phố đã ủng hộ vào Quỹ Vaccine, máy thở, máy tạo ôxy, thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch trị giá hàng chục tỷ đồng. Công tác QLNN kịp thời đối với hoạt động xã hội của Giáo hội đã góp phần không nhỏ vào an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn với Nhà nước, với cộng đồng của Phật giáo.

Đối với các hoạt động quốc tế của Giáo hội PGVN, trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng mở rộng, công tác QLNN trong lĩnh vực quan hệ quốc tế của Giáo hội luôn được quan tâm. Ban Tôn giáo Chính phủ đã giải quyết theo thẩm quyền, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu với Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho Giáo hội mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, quy tụ kiều bào Việt Nam hướng về Tổ quốc. Đặc biệt, Giáo hội PGVN đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (2008, 2014, 2019), để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho bạn bè quốc tế và khu vực về đất nước Việt Nam, về văn hóa dân tộc và văn hóa PGVN, về Giáo hội PGVN duy nhất đại diện cho tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước. Đại lễ Vesak tại Việt Nam đạt nhiều thành quả tốt đẹp qua cái nhìn đầy khâm phục của các nước Phật giáo và các tổ chức quốc tế về Việt Nam nói chung, Giáo hội PGVN nói riêng. Đây là thành tựu nổi bật nhất trong sứ mệnh hội nhập quốc tế của Giáo hội PGVN, cũng là thành quả của công tác QLNN đối với hoạt động của PGVN.

Trong ngôi nhà Giáo hội PGVN còn có hệ phái mang tính biệt truyền là Phật giáo Nam tông Khmer. Phật giáo Nam tông Khmer hiện diện chủ yếu ở 12 tỉnh và 1 thành phố ở miền Tây Nam Bộ, gắn bó với tộc người Khmer nên có tên gọi là Phật giáo Nam tông Khmer. Do điều kiện tâm lý, đặc thù về đời sống tâm linh… mà cộng đồng người Khmer có nhiều lĩnh vực còn hạn chế, Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến đời sống kinh tế và đời sống tinh thần của đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer và sư sãi, tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế – xã hội. Tôn trọng, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer kết hợp với nội dung văn hóa mới. Một số chùa Phật giáo Nam tông có điều kiện đã được xây dựng thành trung tâm văn hóa – thông tin, là nơi hướng dẫn thực hiện nếp sống mới của đồng bào Khmer ở các phum, sóc; có chùa là nơi thực nghiệm, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; hoặc có chùa là nơi nghiên cứu ý nghĩa tiêu biểu về lịch sử và văn hóa vào danh mục xếp hạng của Nhà nước. Nhà nước chăm sóc đời sống, giúp phương tiện làm việc đối với các vị sư sãi chủ trì các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương và biểu dương khen thưởng các vị sư sãi có công với nước, với dân.

Một tổ chức yêu nước của Phật giáo Nam tông Khmer đó là Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, tiền thân của Hội là Ban Sãi vận được thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hội có vai trò tuyên truyền, vận động sư sãi, Phật tử Khmer ủng hộ tham gia phong trào cách mạng. Hội là thành viên của Mặt trận giải phóng miền Tây Nam Bộ. Sau năm 1975, Hội tiếp tục hoạt động đem lại nhiều thành tựu. Tháng 11/1981, Hội cùng với 8 tổ chức, hệ phái Phật giáo gia nhập vào ngôi nhà chung, thành lập Giáo hội PGVN. Hội vừa là thành viên của mặt trận Tổ quốc, vừa là thành viên của Giáo hội PGVN cấp tỉnh, huyện.

Một số vấn đề trong quản lý nhà nước đối với hoạt động của Phật giáo

Trước xu thế tiến bộ của xã hội nói chung, tôn giáo nói riêng, Phật giáo cũng tìm cho mình hướng thích nghi cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của mình. Đặc biệt, trước tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa như hiện nay, Phật giáo một mặt đẩy mạnh sự phát triển đến nhiều khu vực trên thế giới, mặt khác cũng tự đổi mới về giáo lý, lễ nghi và sinh hoạt tôn giáo. Trong bối cảnh như vậy, công tác QLNN về tôn giáo nói chung, trong đó có QLNN đối với hoạt động của Phật giáo ở Việt Nam cũng còn có và nảy sinh một số hạn chế trong quản lý chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Có thể nhận thấy qua các điểm sau: thứ nhất, hệ thống văn bản quy định về hoạt động tôn giáo của Nhà nước chưa tiến kịp với thực tế hoạt động của tôn giáo và xã hội nên phần nào đó còn chưa đáp ứng được yêu cầu của tôn giáo và Nhân dân; thứ hai, việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của Phật giáo trong các ngành, các cấp còn thiếu sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao; thứ ba, tổ chức và cán bộ làm công tác QLNN còn ít và thiếu, gây khó khăn cho việc tiếp nhận, giải quyết công việc, trong khi đó Phật giáo có cơ sở thờ tự nhiều, chức sắc, chức việc, tín đồ đông, hoạt động tôn giáo thường xuyên, rộng khắp cả trong, ngoài nước.

Đây là những hạn chế gây nhiều khó khăn cho công tác thực thi QLNN đối với hoạt động của Phật giáo ở Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả QLNN đối với hoạt động của Phật giáo trong tình hình mới hiện nay, thiết nghĩ nên có những giải pháp tích cực hơn nữa cho công tác quản lý. Tự trong nội tại của công tác QLNN phải thực hiện tốt các nhiệm vụ: một là, xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hằng năm thuộc lĩnh vực tôn giáo; hai là, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động tôn giáo; ba là, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động tôn giáo; bốn là, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với hoạt động tôn giáo; năm là, quy định tổ chức bộ máy QLNN đối với hoạt động tôn giáo; sáu là, quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong công tác QLNN đối với hoạt động tôn giáo; bảy là, tổ chức quản lý công tác nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo; tám là, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động tôn giáo.

Đối với hoạt động của Phật giáo, công tác QLNN phải thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động của Phật giáo trong tình hình mới, theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, như: quản lý tổ chức Giáo hội Phật giáo; quản lý việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong Phật giáo; quản lý các chương trình hoạt động Phật sự thường xuyên, đột xuất của Phật giáo; quản lý về đại hội, hội nghị và một số việc thuộc hành chính đạo của tổ chức Phật giáo; quản lý việc xây dựng cơ sở vật chất của Phật giáo, kinh doanh, xuất nhập khẩu kinh sách của Phật giáo và đồ dùng trong đạo; quản lý các hoạt động quốc tế của tổ chức, cá nhân Phật giáo.

Chú thích:
1. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo Sử luậnH. NXB Văn học, 2008.
2. Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội PGVN. Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự năm 2021. Văn phòng Trung ương Giáo hội, 2021.
3. Thích Huệ Thông. Khái quát quản trị hành chánh trong tổ chức Giáo hội PGVN. NXB Văn hoá văn nghệ, TP. HCM, 2019.
4. Thích Huệ Thông. 40 năm một chặng đường hình thành, ổn định và phát triển GHPGVN. NXB. Văn hoá văn nghệ, TP. HCM, 2019.
NCS. Nguyễn Hữu Nghĩa
  Trung ương Giáo hội PGVN