Lý thuyết vốn xã hội trong nghiên cứu về tính nhân văn của con người Việt Nam khi xảy ra đại dịch Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Vốn xã hội là tập hợp các nguồn lực hiện hữu hoặc tiềm tàng, gắn với việc sở hữu một mạng lưới bền vững gồm các mối quan hệ quen biết hoặc thừa nhận lẫn nhau, ít nhiều được thiết chế hóa. Có ba đặc điểm cơ bản của vốn xã hội cần chú ý: gắn liền và là sản phẩm của việc xây dựng và sở hữu một mạng lưới các quan hệ xã hội; có thể hữu hình hoặc tiềm ẩn trong các quan hệ xã hội tùy theo cách vận dụng của chủ thể hành động; các mạng lưới quan hệ xã hội được thể chế hóa thông qua các nhóm và tổ chức xã hội, từ đó cho phép thành viên hưởng lợi từ các mối quan hệ nhóm1.
Vốn xã hội là tập hợp các nguồn lực hiện hữu hoặc tiềm tàng, gắn với việc sở hữu một mạng lưới bền vững gồm các mối quan hệ quen biết hoặc thừa nhận lẫn nhau, ít nhiều được thiết chế hóa.
Lý thuyết về vốn xã hội

Vốn xã hội tồn tại trong mối quan hệ với các loại vốn khác bao gồm vốn kinh tế (economic capital) biểu hiện ở của cải, tài sản vật chất và vốn văn hóa (cultural capital) hoặc vốn biểu tượng (symbolic capital) biểu hiện ở sản phẩm văn hóa, địa vị, sự tôn trọng và thói quen văn hóa2. Vốn xã hội là “một tính năng của các mối liên kết nội bộ mà đặc trưng cho cấu trúc của các diễn viên tập thể và cung cấp cho họ sự gắn kết và lợi ích của nó liên quan”3.

Để giải thích cho sự vận hành của vốn xã hội, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố quyết định sự tồn tại của vốn xã hội dưới ba hình thức gồm: các nghĩa vụ và kỳ vọng, khả năng lưu chuyển thông tin của cấu trúc xã hội và các chuẩn mực đi kèm các chế tài. Và dù tồn tại dưới hình nào, thì vốn xã hội cũng sẽ tồn tại như một quá trình trao đổi “có đi có lại” (reciprocity) giữa các cá nhân trong xã hội, dựa trên lòng tin lẫn nhau4.

Như vậy, vốn xã hội giúp các cá nhân kết nối với nhau, tạo ra ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển thông qua chia sẻ các hành động và mục đích chung5. Từ lý thuyết vốn xã hội cho chúng ta biết và giải thích hành vi, sự kết nối, chia sẻ thông qua các hành động vì mục tiêu, mục đích chung, đặc biệt thể hiện rõ nhất trong thời gian đất nước xảy ra đại dịch và cả hệ thống chính trị, người dân tham gia vào phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “vô luận việc gì cũng đều do con người làm ra…”6. Con người là nguồn lực quan trọng và những công việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực con người được coi là quốc sách hàng đầu của đất nước và trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Người căn dặn trong Di chúc viết tháng 5/1968 rằng: “Đầu tiên là công việc đối với con người”7. Và, dù có nhiều khái niệm khác nhau, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu, nguồn lực con người là tổng thể những yếu tố thuộc về thể chất, tinh thần, đạo đức, phẩm chất, trình độ tri thức, vị thế xã hội… tạo nên năng lực của con người, của cộng đồng người có thể sử dụng, phát huy trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và trong những hoạt động xã hội. Nhưng khi chúng ta nói tới nguồn lực con người là chúng ta nói tới con người với tư cách là chủ thể hoạt động sáng tạo tham gia cải tạo tự nhiên, làm biến đổi xã hội, cũng đồng thời sẽ nhấn mạnh đến số lượng và chất lượng nguồn lực con người.

Có ba đặc điểm cơ bản của vốn xã hội cần chú ý: (1) Gắn liền và là sản phẩm của việc xây dựng và sở hữu một mạng lưới các quan hệ xã hội; (2) Có thể hữu hình hoặc tiềm ẩn trong các quan hệ xã hội tùy theo cách vận dụng của chủ thể hành động; (3) Các mạng lưới quan hệ xã hội được thể chế hóa thông qua các nhóm và tổ chức xã hội, từ đó cho phép thành viên hưởng lợi từ các mối quan hệ nhóm.

Như vậy, mạng lưới quan hệ xã hội là một biểu hiện trong vốn xã hội và có vai trò quan trọng trong việc chi phối các quan hệ trong đời sống xã hội, huy động nguồn lực con người. Mối liên hệ giữa niềm tin, vốn xã hội và những thành quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là biểu hiện của sự gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong cuộc “chiến” phòng, chống đại dịch Covid-19.

Lý thuyết vốn xã hội nghiên cứu từ thực tiễn xảy ra đại dịch Covid 19 thời gian qua

Để xây dựng được mạng lưới xã hội từ sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, con người phải có lòng tin. Lòng tin được thể hiện qua sự tin cậy, tin tưởng lẫn nhau, là niềm tin cùng nhau hướng đến các mối quan hệ vì mục đích, lợi ích chung, các lợi ích này được xác định dựa trên những giá trị chung mà xã hội đó tôn thờ, cũng như dựa trên xu thế phát triển tất yếu của xã hội. Trong đại dịch, lòng tin chính là chúng ta sẽ kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19, là không ai bị bỏ lại phía sau. Lòng tin của đại đa số quần chúng nhân dân vào sức mạnh tập thể, vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở đó, các quyết sách đã được Chính phủ, Đảng, Nhà nước ban hành, như: hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… nhằm bảo đảm đời sống và an toàn cho Nhân dân trong đại dịch Covid-198.

Trong đại dịch, vốn xã hội được khai thác triệt để nhằm hỗ trợ các cá nhân khi họ gặp khó khănvà cần trợ giúp, đồng thời củng cố quan hệ tam giác: cơ quan chính quyền, tổ chức dân sự và giới kinh doanh chặt chẽ hơn. Vận dụng lý thuyết vốn xã hội vào trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã vượt qua đại dịch dù với rất nhiều khó khăn và tổn thất nhưng thực tế đã chứng minh rằng: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…”9.

Trên tinh thần chống dịch như chống giặc, hàng trăm, hàng ngàn con người – từ đội ngũ y bác sĩ, đến lực lượng quân đội, công an, lực lượng vũ trang, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên… đã tạm gác lại tình cảm gia đình, tình cha mẹ, con cái, anh em họ hàng, bạn hữu… để tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch. Với tinh thần “chúng ta ở cánh đồng trũng. Bên ngoài nước to, gió lớn. Chúng ta phải bao đê cho chặt”10, ranh giới sinh – tử về tình người, nghĩa đồng bào đã giúp nhân dân vượt khỏi rào cản dịch bệnh. Chúng ta cũng cần tôn vinh nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến vô cùng gian khó và hiểm nguy từ đại dịch Covid-19. “Chúng ta cũng cảm ơn cả những chiến sĩ biên phòng, công an cửa khẩu, các ngành, cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà báo và mọi người dân cùng tham gia chống dịch Covid-19…”11.

Như vậy, khả năng tập hợp nguồn lực con người Việt Nam đã tạo ra nguồn vốn xã hội to lớn, làm gia tăng đoàn kết xã hội, phát huy được nguồn lực con người, thể hiện trong tình người sôi nổi, rộng khắp cả nước. Các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ y bác sĩ, thanh niên, bộ đội, quân nhân hăng hái tham gia vào tuyến đầu chống dịch Covid-19. Và, lòng tin chính là cơ sở tạo nên sự gắn kết giữa những người dân trên khắp lãnh thổ Việt Nam nói chung và ở các tỉnh, thành phố nói riêng. Lòng tin đã xây dựng nên tình người và con người Việt Nam nhân văn, nghĩa tình. Đây được xem là cội nguồn của đạo đức, nảy sinh và phát triển, hun đúc qua những khó khăn, gian khổ. Đặc biệt, để tạo ra nhiều vốn xã hội thì cần phải có nhiều hoạt động xã hội dân sự, nơi con người giao lưu, tương tác với nhau để tạo ra sự tin tưởng, chia sẻ và xây dựng trên nguyên tắc đồng thuận, cùng hướng đến những giá trị tích cực và dựa trên mục đích chung.

Trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19, chúng ta có khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, tập hợp được mọi lực lượng giàu lòng yêu thương, sẻ chia.

Kết luận

Như vậy, thực tiễn đã chứng minh vốn xã hội có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong nghiên cứu tình người nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19. Vốn xã hội có vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực con người. Các giá trị, chuẩn mực chung, các mạng lưới phi chính thức và thành viên của tổ chức ảnh hưởng tới năng lực của cá nhân trong quá trình hợp tác vì mục địch chung.

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch là tình đồng bào, đồng chí, tình quân nhân, tình anh em, bạn hữu; là tình cảm tương thân tương ai, là sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Đó là nguồn sức mạnh, động viên tinh thần vô cùng to lớn để chúng ta nhanh chống đẩy lùi được dịch bệnh. Và, đó là biểu hiện, sự thể hiện ra bên ngoài về tính nhân văn của con người Việt Nam.

Chú thích:
1. Bourdieu and Wacquant (1992), An Invitation to Reflexive Sociology. University of Chicago Press.
2. Bourdieu, P. (1986). The forms of capital. In: Richardson, J., Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education. Westport, CT: Greenwood: 241-58.
3. Adler, PS & Kwon, S-W (2002), Social capital: Prospects for a new concept, Academy of management review, vol.27, no 1, pp.17-40.
4. Coleman, JS (1988), Social capital in the Creation of Human Captital, American Joural of sociology, vol. 94, pp. S95-S120.
5. Nguyễn Thị Như Thúy, Lữ Thị Mai Oanh. Vai trò của vốn xã hội đối với việc huy động nguồn lực con người trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 Một vài phân tích dưới góc độ tiếp cận xã hội học. Kỷ yếu Hội thảo: 75 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1945-2020). Giá trị và bài học lịch sử. NXB Đại học Huế, 2020, tr. 85-91.
6,7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2002, tr. 323.
8. “Từ cuộc chiến chống đại dịch Covid19: Suy nghĩ về sự tỏa sáng giá trị văn hóa Việt Nam”. Tapchicongsan.vn, ngày 22/7/2022. ISSN 2734-9071.
9. Nguyễn Khải. Mùa Lạc. H. NXB Văn học, 2020.
10. Nguyễn Quý Thanh. Vốn xã hội và phát triển. H. NXB Đại học quốc gia, 2016.
11. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 còn rất dài. http://medinet.gov.vn, ngày 24/7/2020.

TS. Nguyễn Thị Như Thúy
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh