Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Gia đình là nơi hun đúc, nuôi dưỡng và toả sáng giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; nếu gia đình lục đục, không hạnh phúc, bạo lực gia đình thường xuyên xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến xã hội mà còn ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị văn hoá gia đình. Bài viết nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay.
Ảnh: baodantoc.vn.
Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”1. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”2. Để đạt được mục đích đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội để phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) là rất quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Gia đình là hạt nhân, tế bào của xã hội, là chiếc nôi nuôi dưỡng con người khôn lớn, trưởng thành và phát triển

C.Mác, Ph.Ăngghen là những người đầu tiên bàn về gia đình, có quan niệm đúng đắn, khoa học về nguồn gốc và những mối quan hệ tác động đến gia đình. Thứ nhất, con người quan hệ với tự nhiên, phản ánh sự khát khao, mong muốn chinh phục tự nhiên, cải tạo tự nhiên phục vụ nhu cầu cuộc sống con người. Thứ hai, con người quan hệ với con người trong quá trình lao động sản xuất. Thứ ba, là quan hệ gia đình, theo các ông quan hệ gia đình “tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển của lịch sử: hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở – đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái”3. Kế thừa quan điểm, tư tưởng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm về gia đình cũng hết sức sâu sắc, toàn diện, khẳng định nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình.

Lịch sử dân tộc ta đã ghi nhận những cống hiến, đóng góp to lớn của gia đình đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Hàng ngàn những người con ưu tú của gia đình đã dâng hiến cuộc đời và tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, và trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các thành viên gia đình ngày đêm miệt mài làm việc ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Gia đình là nơi lưu giữ và phát triển giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, trở thành bức tranh thu nhỏ của văn hoá Việt Nam. Các giá trị văn hoá Việt Nam hiện nay được thẩm thấu, lan toả thông qua lăng kính của mỗi gia đình, vì vậy, gia đình là nơi “trưng cất”, “gạn đục khơi trong” những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất của dân tộc và thế giới. Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc chính là giữ gìn giá trị văn hoá gia đình, mọi hoạt động của con người đều để lại những dấu ấn sâu đậm của mỗi thành viên gia đình thông qua những mối quan hệ xã hội khác nhau. Bởi, gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, bồi dưỡng con người khôn lớn, trưởng thành ra xã hội, giúp ích cho đất nước ở các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.

Sự phát triển của con người gắn liền với xã hội, chịu sự chi phối, quy định bởi điều kiện kinh tế. Đây là mối quan hệ biện chứng tác động qua lại không tách rời giữa gia đình và xã hội, gia đình yên ấm, hạnh phúc thì xã hội phát triển, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; ngược lại, gia đình không hạnh phúc, BLGĐ xã hội thường xuyên xảy ra thì xã hội sẽ rối ren, kinh tế chậm phát triển. Vì thế, trong quá trình xây dựng gia đình, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội cần phải được phát huy thiết thực, hiệu quả. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước4.

Một số kết quả thực hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua

Các tổ chức chính trị – xã hội, như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, ngoài ra, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, già làng, trưởng bản ở các xã, phường, thôn, bản đã phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, giáo dục Luật Phòng, chống BLGĐ; nắm bắt địa bàn hoạt động của từng gia đình có hình thức, biện pháp giáo dục, thuyết phục kết hợp với hành chính, xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với trường hợp BLGĐ thường xuyên, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội.

Những năm qua, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị- xã hội trong phòng, chống BLGĐ đã được phát huy đầy đủ về nhận thức và hành động, quyết liệt vào cuộc bảo vệ quyền và lợi ích cho chị em bị BLGĐ; Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp tích cực, chủ động thông tin, tuyên truyền những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, sinh đẻ có kế hoạch, phòng, chống BLGĐ; tổ chức những câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ ở các thôn, xóm để chị em phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội; nhiều nơi thành lập tổ hoà giải đến từng nhà lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của chị em phụ nữ; hỗ trợ, giúp đỡ về mặt vật chất, tinh thần đối với chị em có hoàn cảnh gia đình khó khăn; hướng dẫn, vận động chị em thực hiện kế hoạch hoá gia đình; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhắc nhở, giáo dục đối với trường hợp cố tính gây thương tích cho chị em…

Bên cạnh kết quả đạt được, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội trong phòng, chống BLGĐ còn một số hạn chế: việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống BLGĐ chưa thường xuyên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội còn chậm, chưa phong phú, đa dạng, hấp dẫn; công tác phối kết giữa các tổ chức chính trị – xã hội trong quá trình tổ chức hoạt động chưa hiệu quả, chưa phát huy được ưu điểm, thế mạnh của từng thành tố.

Đặc biệt, sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị – xã hội trong phòng, chống BLGĐ chưa được cụ thể hoá, thể chế hoá thành chương trình hành động, khi có sự việc xảy ra rồi mới vào cuộc; một số chị em im lặng không tố cáo BLGĐ xảy ra đối với mình, chịu đựng vì con cái, vì hạnh phúc gia đình; cộng đồng xã hội chưa thể hiện thái độ phê phán kiên quyết, mạnh mẽ đối với những người gây ra BLGĐ và xem đó là việc nội bộ của mỗi gia đình.

Một số giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tầm quan trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống BLGĐ của các tổ chức chính trị – xã hội.

Các tổ chức chính trị – xã hội quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực và chủ động phòng, chống BLGĐ. Trên cơ sở, các tổ chức chính trị – xã hội, đặc biệt là Hội Phụ nữ các cấp cần cụ thể hoá, thể chế hoá thành chương trình, hành động để tập hợp, thu hút chị em cùng tham gia vào các hoạt động xã hội, vào các phong trào xây dựng đời sống văn hoá mới; đề cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên các tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ; phân công, giao nhiệm vụ cho từng thành viên nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình, từ đó, đưa ra hình thức, biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

Hội phụ nữ các cấp là trung tâm, cầu nối với các tổ chức chính trị – xã hội khác, với chị em phụ nữ tổ chức những hoạt động mang tính cộng đồng xã hội, như hội thi, hội diễn, xây dựng thôn, xóm, bản, phường văn minh, hiện đại; đẩy mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu cho chị em phụ nữ những tấm gương phụ nữ nghị lực, vươn lên làm giàu, không cam chịu đói nghèo, BLGĐ; vị thế, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, xoá bỏ mặc cảm, định kiến của thời xưa, phụ nữ không tham gia vào hoạt động xã hội, chủ yếu chăm lo gia đình; đồng hành cùng chị em phụ nữ ở mọi lúc, mọi nơi, thật sự là địa chỉ tin cậy để chị em phụ nữ chia sẻ khó khăn, vất vả trong cuộc sống, nhất là tư vấn, giúp đỡ phòng, chống BLGĐ; các tổ chức chính trị – xã hội tích cực, chủ động đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn chính, chung sức, đồng lòng với chị em phụ nữ trong công việc, cuộc sống; nắm bắt kịp thời những phát sinh, mâu thuẫn trong gia đình của chị em phụ nữ, phối kết hợp với các tổ chức chính trị – xã hội khác giải quyết kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra những vấn đề đáng tiếc.

Hai là, tăng cường phối kết hợp giữa các tổ chức chính trị – xã hội trong phòng, chống BLGĐ ở các địa phương.

Các tổ chức chính trị – xã hội cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, ăn khớp với nhau trong các khâu, các bước, bảo đảm cho quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống, được chị em phụ nữ biết đến và thực hiện có hiệu quả.

Đối với Hội phụ nữ là người đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của chị em phụ nữ, tích cực, chủ động đổi mới phương thức hoạt động, nắm bắt được những khu vực, địa bàn, gia đình phức tạp, đề ra cách thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến linh hoạt, sáng tạo; xây dựng sân chơi bổ ích, phù hợp với trình độ, lứa tuổi của chị em phụ nữ; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp sẵn sàng tham gia vào công tác phòng, chống gia đình khi có tình huống, sự việc cần kíp.

Đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng với Hội Phụ nữ tham gia vào xây dựng chương trình, kế hoạch giúp đỡ, hướng dẫn chị em phụ nữ thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng địa bàn an ninh trật tự, xanh, sạch, đẹp, sẵn sàng tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ với Hội Phụ nữ.

Đối với Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh cần nắm chắc địa hoạt động để kịp thời thông tin, tuyên truyền đến Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương về thực trạng phòng, chống BLGĐ xảy ra trên địa bàn, từ đó, có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, từ khâu tuyên truyền, phổ biến đến cách thức, biện pháp giải quyết, bảo đảm cho gia đình yên ấm, hạnh phúc, góp phần giữ vững trật tự an ninh trên địa bàn, xây dựng tổ, thôn, xóm, khu dân cư văn hoá. Sự phối hợp này không chỉ giải quyết những vấn đề mang tính trước mắt, mà còn mang tính chiến lược lâu dài, bảo đảm tính bền vững, ổn định của các tổ chức chính trị – xã hội trong phòng, chống BLGĐ. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp về công tác xây dựng gia đình. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương và vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc5.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của chị em phụ nữ trong phòng, chống BLGĐ.

Tính tích cực, chủ động của chị em phụ nữ trong phòng, chống BLGĐ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là sự vươn lên không cam chịu chấp nhận số phận, bằng những cách thức, biện pháp riêng có đấu tranh đòi lại quyền bình đẳng trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề dễ và đơn gian, bởi trong nhiều trường hợp chị em phụ nữ bị BLGĐ không dám phản kháng, khi các tổ chức chính trị – xã hội vào cuộc tuyên truyền, vận động làm đơn tố giác thì sợ, lo lắng, mang tiếng, xấu hổ, không dám làm, từ đó mà chấp nhận số phận sống chung với bạo hành gia đình.

Theo đó, chị em phụ nữ cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là Hội Phụ nữ, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, người có uy tín, tổ hoà giải trong xây dựng gia đình yên ấm, hạnh phúc, khi có BLGĐ phải nhanh chóng báo cáo với chính quyền các cấp; tuỳ theo tính chất, mức độ của sự việc đưa ra hình thức xử lý phù hợp, hiệu quả; tăng cường các chế tài xử lý thật mạnh đối với hành vi BLGĐ với chị em phụ nữ; bên cạnh đó, chị em phụ nữ tự trang bị cho mình kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm hiểu biết các vấn đề xã hội để giải thích cho các thành viên gia đình nắm và hiểu rõ, khi bị bạo hành gia đình có biện pháp phòng, chống hiệu quả; tích cực tham gia vào các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sống do Hội phụ nữ các cấp tổ chức; tự mình vươn lên trong công việc, cuộc sống, tự mình điều chỉnh thái độ, suy nghĩ, hành động đúng với bổn phận, trách nhiệm của người phụ nữ Việt Nam trong chăm lo, vun vén, giữ tổ ấm cho gia đình; đồng thời, không ngừng rèn luyện về đạo đức, lối sống để giữ gìn giá trị phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, tích cực, chủ động học hỏi, thông tin, trao đổi qua lại giữa các chị em phụ nữ nắm bắt thực tiễn xã hội, có cách ứng xử đối nội, đối ngoại phù hợp, hiệu quả.

Bốn là, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện pháp luật về phòng, chống BLGĐ.

Các địa phương cần đẩy mạnh công tác sơ kết, tổng kết về quá trình thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, qua đó, vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội, vừa phát huy vai trò của mỗi thành viên gia đình trong chăm lo xây dựng gia đình yên ấm, hạnh phúc, thật sự là tế bào, nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo đó, công tác sơ kết, tổng kết cần thực chất kết quả thực hiện phòng, chống BLGĐ ở địa phương mình thời gian qua, có những ưu điểm và khuyết điểm gì; vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền, vận động, phối kết hợp giải quyết BLGĐ đạt được những kết quả gì, trách nhiệm thuộc về tổ chức chính trị – xã hội nào; chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm đó thuộc về ai, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện cho những lần tiếp theo được tốt hơn; kịp thời định hướng hoạt động cho các tổ chức chính trị – xã hội trong tham gia phòng, chống BLGĐ cần hoạt động tích cực, hiệu quả hơn nữa, góp phần giảm thiểu BLGĐ và tiến tới không còn BLGĐ xảy ra ở địa phương mình; đồng thời, làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với gia đình có nhiều đóng góp cho xã hội, cho các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau6.

Kết luận

Phòng, chống BLGĐ là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không ai có thể đứng ngoài cuộc đối với hành vi BLGĐ, nhất là với phụ nữ và trẻ em. Do vậy, các tổ chức chính trị – xã hội ở các địa phương cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình làm việc, thật sự là những tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Những giải pháp nêu trên có vị trí, vai trò khác nhau, nhưng có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại nằm trong tính chỉnh thể thống nhất, thực hiện giải pháp này là cơ sở thực hiện giải pháp tiếp theo. Trong quá trình thực hiện không được tuyệt đối hoá, tiến hành song song đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo trong giải quyết các tình huống, sự việc của mỗi chủ thể, nhất là người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội, góp phần xây dựng đất nước ta vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 1996, tr. 523.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 143.
3. C. Mác – Ph. Ăngghen. Toàn tập, Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 41.
4,5,6. Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
ThS. Đoàn Văn Đại
Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp