Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách an sinh xã hội nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân và sự ổn định chính trị – xã hội, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách an sinh xã hội vẫn bộc lộ một số hạn chế, như: mức trợ cấp ưu đãi người có công còn thấp; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân; vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ… Vì vậy, cần xây dựng các giải pháp phù hợp để công tác an sinh xã hội ngày càng đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

An sinh xã hội (ASXH) là một hệ thống các cơ chế, chính sách, các giải pháp công cộng của Nhà nước nhằm trợ giúp mọi thành viên trong xã hội đối phó với các rủi ro, các cú sốc, như: ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp… ASXH là một trong những lĩnh vực có đối tượng thụ hưởng rất lớn liên quan đến quyền được bảo đảm ASXH của công dân. Phương thức hoạt động của ASXH thông qua các biện pháp công cộng tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội, hướng tới vì sự hưng thịnh và hạnh phúc cho mọi người dân và cho xã hội.

Bảng 1: Mô hình cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam1

Quan điểm của Đảng đối với công tác an sinh xã hội

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”2, điều này khẳng định, ASXH là một trong những yếu tố quan trọng, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, Đảng là lực lượng lãnh đạo tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Bằng nhiều cách thức, phương pháp, Đảng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ASXH cho người dân ổn định cuộc sống.

Một là, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, định hướng phát triển và duy trì hoạt động bảo đảm ASXH trong phạm vi cả nước. Theo đó, Nhà nước xác định các nội dung cơ bản trong việc xây dựng chính sách ASXH; các nội dung ưu tiên triển khai trong từng giai đoạn tại các địa bàn khác nhau đặt ra mục tiêu phù hợp.

Hai là, Nhà nước nắm giữ việc phân bổ nguồn ngân sách cho các ngành, lĩnh vực. Có thể thấy, thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng linh hoạt các nguồn lực vào việc bảo đảm công tác ASXH; đặc biệt, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 ở nước ta, việc xây dựng và triển khai các chính sách giúp đỡ người dân, các nhóm yếu thế trong xã hội càng khẳng định, nước ta rất coi trọng công tác ASXH nhằm bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, không ai bị bỏ lại phía sau trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Ba là, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc giải quyết các vấn đề ASXH trên phạm vi cả nước và quốc tế. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết các mối quan hệ thực hiện ASXH càng trở nên cần thiết. Trong các hoạt động ASXH, có rất nhiều các công việc cần huy động sự giúp đỡ, phối hợp của cộng đồng quốc tế, chính vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục nâng cao vai trò giúp cân bằng các hoạt động, duy trì sự ổn định trong công tác ASXH ở nước ta trước bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay.

Bốn là, Nhà nước vừa đóng vai trò quản lý các hoạt động về ASXH, vừa định hướng, đề ra mục tiêu để các đơn vị chức năng thực hiện. Nhân dân là người thụ hưởng các chính sách, vừa là người giám sát các hoạt động của Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chính sách về ASXH vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời, kịp thời phát hiện, tố giác những hành vi tham nhũng, sai trái ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội.

Thực trạng công tác an sinh xã hội thời gian qua

Cấu trúc ASXH ở Việt Nam gồm: việc làm, thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội (BHXH); trợ giúp xã hội đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản. Đây được coi là nền tảng và định hướng cho việc thể chế hóa thành cơ chế, chính sách, pháp luật về ASXH gắn với thực tiễn trong những năm qua.

Một số kết quả đạt được

(1) Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 –  2025 trên phạm vi toàn quốc vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều (tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52% với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ3.

(2) Về chế độ BHXH, năm 2022, số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, đạt 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN trên 14,3 triệu người, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT trên 91,1 triệu người, tỷ lệ bao phủ đạt 92,03% dân số. Đồng thời, toàn ngành BHXH đã giải quyết hơn 95 nghìn hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; bảo đảm chi trả kịp thời cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; chi trả trên 10,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; gần 1 triệu người hưởng các chế độ BHTN; 151,4 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú. Đáng chú ý, năm 2022, có khoảng 61% số người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 20254.

(3) Về công tác trợ giúp xã hội năm 2022, Chính phủ đã hỗ trợ 24.763 tấn gạo cứu đói cho gần 1,652 triệu lượt nhân khẩu và hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai. Các tỉnh, thành phố đã chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, ước tính kinh phí của 63 tỉnh, thành khoảng 5.888 tỷ đồng. Theo thống kê, cả nước hiện đang thực hiện trợ cấp xã hội cho gần 3,3 triệu đối tượng với tổng kinh phí thực hiện trên 28.000 tỷ đồng. Hiện nay, có 29 tỉnh, thành phố quyết định mở rộng đối tượng hưởng chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội. Đến nay, cả nước có gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội, khoảng 10.000 người cao tuổi đang được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 95% người cao tuổi có thẻ BHYT, hơn 1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ hằng năm. Cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, thực hiện trợ cấp xã hội và cấp thẻ BHYT miễn phí cho trên 1,5 triệu người khuyết tật5.

(4) Chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được tăng lên theo quy định của pháp luật, theo đó, từ ngày 01/7/2023, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ được điều chỉnh tăng, bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2022 – 2025 là 2 triệu đồng. Trong thời gian qua, về cơ bản đã giải quyết được các hồ sơ tồn đọng, số lượng người được hưởng chế độ hằng tháng cũng tăng lên cả về số lượng và mức chi, điều này giúp hỗ trợ các đối tượng với người có công và thân nhân người có công một phần khó khăn về mặt kinh tế trong cuộc sống.

Để có được những kết quả trên là nhờ vào thể chế, chính sách ASXH được cập nhật, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn; hoạt động xã hội hóa công tác ASXH được triển khai có hiệu quả, từng bước thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, tính tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong xã hội; ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào việc quản lý của BHXH, như triển khai thành công ứng dụng “VssID – BHXH số” trên điện thoại thông minh. Qua đó, người dân có thể trực tiếp theo dõi, giám sát và được cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, có thể thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH tại bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào.

Hạn chế và nguyên nhân

Công tác bảo đảm ASXH ở nước ta chưa theo kịp quá trình đổi mới đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. Cơ chế quản lý theo hình thức “xin – cho”, hành chính – mệnh lệnh vẫn còn tồn tại ở một số ngành, địa phương. Các chủ trương, chính sách về ASXH chưa bám sát với thực tiễn; văn bản mới được ban hành đã có những bất cập cần phải chỉnh sửa, bổ sung; việc triển khai các văn bản, chính sách về ASXH vào đời sống còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, tại một số địa bàn cụ thể, như: các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực ASXH còn thiếu kỹ năng chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành ASXH còn hạn chế. Chất lượng cán bộ quản lý các cấp về ASXH chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, còn tồn tại những biểu hiện quan liêu, xa dân; hướng dẫn tổ chức thực hiện, xử lý các vụ, việc vi phạm pháp luật còn lúng túng.

Nguồn lực tài chính cho ASXH còn hạn hẹp, mức hỗ trợ còn thấp, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực ASXH chưa tự giác, còn trông chờ vào chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước.

Quy mô và chất lượng dịch vụ ASXH chưa cao, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các sản phẩm dịch vụ ASXH chưa thực sự sáng tạo, phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân. Hệ thống ASXH chưa bao phủ hết các mặt, các lĩnh vực, đối tượng tham gia còn hẹp. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH còn thấp do các giải pháp mở rộng đối tượng chưa thật sự hiệu quả, đặc biệt đối với các đối tượng lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người được giải phóng sức lao động, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tri thức, các hình thức quản trị, quản lý công nghệ bậc cao, hiệu quả lớn… đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở các đối tượng lao động không có tay nghề kỹ thuật chưa cao, đặc biệt là lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo có xu hướng gia tăng; chênh lệch phát triển giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; tỷ lệ hộ nghèo tập trung cao ở nhóm dân tộc thiểu số. Văn hóa ứng xử trong quản lý, thái độ, trách nhiệm với cộng đồng và đối tượng thụ hưởng ASXH còn nhiều bất cập. Khoảng cách thụ hưởng ASXH giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức về công tác bảo đảm ASXH trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, thường xuyên tiến hành rà soát, bổ sung, cập nhật các văn bản pháp luật và thực hiện tốt công tác đánh giá các chính sách ASXH nhằm kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong việc triển khai thực hiện. Công tác này được làm tốt sẽ giúp việc triển khai hệ thống pháp luật, chính sách về ASXH đạt hiệu quả cao trong thực tiễn.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân hiểu rõ các nội dung liên quan tới các chính sách, pháp luật về ASXH bằng các phương pháp, cách thức phù hợp với từng đối tượng. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách, pháp luật đạt hiệu quả cao.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý về ASXH, bảo đảm cả về số lượng, chất lượng, trang bị các kỹ năng cần thiết trong quá trình quản lý và triển khai các chính sách về ASXH; ưu tiên đội ngũ trẻ, có trình độ tin học và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là sự kiểm tra của các tổ chức đảng tại cơ sở trong công tác quản lý về ASXH bằng nhiều hình thức, như: kiểm tra đột xuất, định kỳ… nhằm phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh kịp thời không gây hậu quả nghiêm trọng tới sự phát triển chung của toàn xã hội.

Thứ sáu, tăng cường công tác xã hội hóa nhằm thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thực hiện các chính sách ASXH trên phạm vi cả nước tại các địa phương, đặc biệt, tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đạt được hiệu quả cao.

Kết luận

Thời gian qua, Đảng ta luôn thống nhất chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương xuống cơ sở nắm bắt và cập nhật tình hình kinh tế – xã hội, đặc biệt luôn chỉ đạo kịp thời các vấn đề liên quan tới công tác ASXH. Sự chỉ đạo quyết liệt này đã đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội cho các nhóm yếu thế, người có công, hỗ trợ, giúp đỡ người dân vượt qua đại dịch Covid-19 vừa qua. Với những thành tựu trên, một lần nữa khẳng định, Đảng ta luôn sáng suốt, khách quan trong việc xây dựng hệ thống chính sách và chỉ đạo Nhà nước, toàn dân làm tốt công tác ASXH để cùng hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, hội nhập với thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Chú thích:
1. Bảo đảm an sinh xã hội chưa đạt được mục tiêu có phần là do hoạt động giám sát còn hạn chế. https://quochoi.vn, ngày 13/02/2020.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 47.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Hà Nội, tháng 12/2022.
4, 5. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022.
TS. Đỗ Hoàng Vương
Học viện An ninh nhân dân
ThS. Nguyễn Thị Thu Hà
Học viện Hành chính Quốc gia