Một số yêu cầu đặt ra nhằm thúc đẩy bình đẳng giới về chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Thúc đẩy phụ nữ tham chính là trao quyền cho phụ nữ về mặt chính trị, bảo đảm sự đại diện bình đẳng giới trong chính trị. Thực hiện bình đẳng giới về chính trị trong Quân đội có những điểm khác với các lĩnh vực, ngành, nghề khác. Vì vậy, cần quan tâm nghiên cứu để tiến hành lồng ghép giới, thực hiện bình đẳng giới về chính trị một cách thực chất và hiệu quả. Bài viết phân tích làm rõ thực trạng, những vấn đề đặt ra từ thực trạng thực hiện bình đẳng giới về chính trị trong Quân đội, từ đó, đề xuất một số yêu cầu thúc đẩy bình đẳng giới về chính trị trong Quân đội.
Ảnh minh họa (tienphong.vn).

Bình đẳng giới (BĐG) là xu thế khách quan của thời đại, là động lực quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia dân tộc. Ở Việt Nam, thực hiện BĐG là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và được Hiến định ngay từ Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của Nhà nước. Những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BĐG, nhất là BĐG về chính trị đã được triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến toàn diện về nhận thức và hành vi trong toàn hệ thống chính trị nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về BĐG, tạo điều kiện cho nữ giới ngày càng tham gia nhiều hơn vào hoạt động lãnh đạo, quản lý.

Tuy là lĩnh vực đặc thù nhưng Quân đội đã triển khai toàn diện, hiệu quả nhiều chủ trương, biện pháp nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của nữ giới theo Hiến pháp, pháp luật, góp phần tạo điều kiện để phụ nữ Quân đội phát huy phẩm chất tốt đẹp “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang”, đóng góp to lớn vào phong trào thi đua yêu nước của Phụ nữ Việt Nam, vào sự nghiệp xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện bình đẳng giới về chính trị trong Quân đội

BĐG về chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam là việc nam giới và nữ giới trong Quân đội có vị trí, vai trò ngang nhau về quyền, lợi ích về chính trị theo Hiến pháp, pháp luật, phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội là tổng thể các hoạt động của các chủ thể cùng với sự tích cực, sáng tạo, nỗ lực tự học tập, rèn luyện, phấn đấu của đội ngũ nữ giới trong Quân đội. Việc thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội có vai trò rất quan trọng, thể hiện bản chất cách mạng, tiến bộ, nhân văn, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là con đường để hiện thực hóa quyền dân chủ về chính trị của nữ giới; tạo động lực cho nữ giới quân đội ra sức học tập, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời, đấu tranh với các quan điểm, hành vi sai trái, phản động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Quân đội ta.

Thời gian qua, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; triển khai các chương trình chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2016 – 2020… Theo đó, công tác thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội đã được cụ thể hóa thông qua nhiều chương trình, kế hoạch hành động và được thực hiện đồng bộ trong toàn quân. Các cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho phụ nữ Quân đội nhận thức đúng vai trò, vị thế của mình trên các lĩnh vực công tác; có chính sách khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để phụ nữ Quân đội tham gia ngày càng nhiều các hoạt động của các cơ quan, đơn vị; giải quyết hài hòa giữa công việc gia đình, đơn vị; khắc phục tâm lý tự ti, mặc cảm giới.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị đã chú trọng xây dựng quy hoạch phát triển, duy trì tỷ lệ cán bộ nữ phù hợp ở một số ngành chuyên môn kỹ thuật và cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy các cấp. Đặc biệt, năm 2019, tỷ lệ cán bộ nữ đạt 2,87% so với tổng số cán bộ đang công tác; tạm tuyển, tuyển dụng, bổ nhiệm tại chức các đồng chí nữ vào đội ngũ cán bộ đạt 2,24%; số cán bộ nữ được bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm, nâng lương đạt 26,91%. Số cán bộ nữ giữ chức vụ quản lý, chỉ huy so với tổng số cán bộ nữ hiện đang công tác là 31,85%. Có 4/10 đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng (đơn vị có từ 30% nữ trở lên) có cán bộ nữ giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy. Tỷ lệ đảng viên nữ trên tổng số đảng viên trong toàn quân đạt 9,46%; kết nạp đảng viên nữ đạt 8,27%; tỷ lệ đảng viên nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 2,69%. Giai đoạn 2011 – 2020, tỷ lệ cán bộ nữ tăng từ 1,8% (năm 2010) lên 2,83% (6 tháng đầu năm 2020) so với tổng số cán bộ đang công tác của toàn quân; tỷ lệ nữ được kết nạp vào Đảng trung bình mỗi năm đạt 9,11% (năm 2010 đạt 8,55%), tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 2,62% (tính đến tháng 6/2020); 1 nữ cán bộ chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ được điều động, bổ nhiệm ủy viên chuyên trách Ủy ban kiểm tra Quận ủy Trung ương, 3/10 đơn vị trực thuộc Bộ (có từ 30% nữ trở lên) có cán bộ nữ giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy; 04 nữ sĩ quan được thăng quân hàm cấp tướng. 100% đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có đại diện phụ nữ tham gia các hội đồng tư vấn, các đoàn kiểm tra về những vấn đề có liên quan đến phụ nữ và trẻ em1.

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ so với tổng số cán bộ đang công tác đạt 3% (tăng 0,5%); số đảng viên tham gia cấp ủy so với tổng số cấp ủy viên các cấp hiện đang công tác là 2,97% (tăng 0,33%). Số cán bộ nữ giữ chức vụ quản lý, chỉ huy so với tổng số cán bộ nữ hiện đang công tác là 25,8% (trong đó cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là 0,19%; cấp cục và tương đương là 1,07%; cấp phòng, khoa và tương đương là 16,7%; cấp tiểu đoàn, đại đội là 6,15%; 1 nữ quân nhân được phong quân hàm cấp tướng2.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BĐG về chính trị trong Quân đội vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, như: nhận thức của một số chủ thể về vai trò của nữ giới, về sự cần thiết thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội chưa đúng; những biểu hiện định kiến về giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và bản thân nữ giới Quân đội còn tư tưởng an phận, khép mình, ngại tham gia hoạt động của tổ chức, cơ quan; nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện có mặt còn thiếu tính toàn diện, sát thực… đã và đang trở thành rào cản đối với nữ giới trong phát huy vai trò, vị thế, tiềm năng sáng tạo, cống hiến và phụng sự cho Tổ quốc; đồng thời là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội hiện nay.

Một số vấn đề đặt ra

Thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội là một nhiệm vụ chính trị mang đậm tính chất xã hội, nhưng trên thực tế có chỗ, có nơi chưa được xem là nhiệm vụ chính trị – xã hội trọng yếu, nhiều khi kết quả hoạt động BĐG về chính trị không ảnh hưởng đến thành tích xây dựng đơn vị, không ảnh hưởng đến xem xét, đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ, chỉ huy các cấp trong Quân đội. Trong nhiều thời điểm, thực hiện BĐG về chính trị ít được thể hiện trong các nghị quyết lãnh đạo xây dựng đơn vị, thực hiện nhiệm vụ, có chăng chỉ có trong nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ và của Hội phụ nữ đơn vị.

Thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội nhiều khi gần như mang “tính phong trào”, kết quả thì gắn với công tác tổ chức cán bộ… Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải giải quyết mâu thuẫn giữa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng yếu của đơn vị với thực hiện BĐG về chính trị với tính chất là “một phong trào chính trị – xã hội”, một nhiệm vụ “không thiết yếu”. Vì vậy, để thúc đẩy BĐG về chính trị thực chất, đòi hỏi các cấp trong Quân đội cần có nhận thức, thái độ, lãnh đạo, chỉ đạo đúng với tính chất của việc thực hiện BĐG về chính trị là thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần phát huy “tình đồng chí, đồng đội”, xây dựng Quân đội cách mạng, xây dựng sức mạnh chính trị – tinh thần của Quân đội. Bên cạnh đó, thực hiện BĐG về chính trị là nhằm tiếp tục phát huy văn hóa tôn trọng phụ nữ, tạo điều kiện cho nữgiới trong Quân đội có điều kiện khẳng định vị trí, vai trò, vị thế của mình, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thực trạng thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội những năm qua, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề thuộc cả về lý luận và thực tiễn, trong đó những mâu thuẫn cơ bản:

Thứ nhất, mâu thuẫn giữa thực hiện nhiệm vụ mang tính chức năng, chính yếu của quân đội (huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chiến đấu,… xây dựng đơn vị chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại) với thực hiện nhiệm vụ mang tính “công tác xã hội”, không thiết yếu – thực hiện BĐG.

Thứ hai, mâu thuẫn giữa tính chất tổ chức và hoạt động quân sự với thực hiện BĐG về chính trị. Thực chất của mâu thuẫn này phản ánh mối quan hệ giữa những yếu tố có tính chất đặc thù của tổ chức quân sự, văn hóa quân sự với mục tiêu, nội dung, hình thức của công tác BĐG về chính trị trong các lĩnh vực, ngành nghề khác.

Thứ ba, mâu thuẫn giữa mục tiêu thực hiện BĐG về chính trị với hạn chế về nhận thức, trách nhiệm, năng lực của một số chủ thể trong Quân đội hiện nay. Thực chất của mâu thuẫn này là phản ánh mối quan hệ giữa mục tiêu của hoạt động và nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các chủ thể, giữa nhận thức, trách nhiệm với năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động của bản thân các chủ thể còn nhiều bất cập. Đây là những mâu thuẫn – rào cản cần tháo gỡ để thúc đẩy thực hiện BĐG trong Quân đội, nhất là BĐG về chính trị.

Yêu cầu cơ bản thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới về chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Hiện nay, trước thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; việc điều chỉnh tổ chức lực lượng, tinh giản biên chế, sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội, cùng với đó là những mâu thuẫn nảy sinh trong thực tiễn thực hiện BĐG về chính trị… Vì vậy, để giải quyết những mâu thuẫn đặt ra từ thực tiễn, thúc đẩy thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội cần phải xác định chính xác và thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội hiện nay.

Đây là yêu cầu cơ bản, có tính chất pháp lý trong thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội. Quán triệt yêu cầu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội. Trước hết, thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội phải quán triệt và vận dụng đúng đắn sáng tạo những quan điểm, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về BĐG, giải phóng phụ nữ, về cán bộ và công tác cán bộ. Phải quán triệt những quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BĐG, BĐG trong lĩnh vực chính trị, nhất là Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 về Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 – 2030; các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Quốc phòng liên quan đến công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và BĐG trong Quân đội giai đoạn 2021 – 2030.

Hai là, thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội phải gắn với xây dựng, phát triển đội ngũ nữ quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng phù hợp với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Đây là yêu cầu cơ bản, thể hiện tính mục đích của công tác thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội. Nội dung yêu cầu chỉ ra, mục tiêu thực hiện BĐG về chính trị là phải hướng tới xây dựng, phát triển đội ngũ nữ quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng có số lượng, cơ cấu phù hợp với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và chất lượng ngày càng được nâng cao, chú trọng các yếu tố về bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, trình độ, năng lực chuyên môn và sức khỏe. Yêu cầu này đòi hỏi quá trình thực hiện BĐG về chính trị phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chỉ huy các cấp; cần gắn mục tiêu, phương châm, nguyên tắc, hình thức, biện pháp thực hiện BĐG về chính trị với các nội dung, biện pháp khác trong tổng thể hoạt động của đơn vị. Góp phần thực hiện thằng lợi chủ trương của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI: “Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới (giai đoạn 2020 – 2025), quyết liệt điều chỉnh tổ chức Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng3.

Ba là, tiến hành đồng bộ, toàn diện, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách trong thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội.

Yêu cầu này chỉ đạo nhận thức, hành động của các chủ thể thực hiện, nhằm bảo đảm thực hiện đồng bộ, toàn diện, cân đối, hài hòa và bền vững các yếu tố cấu thành BĐG về chính trị trong Quân đội; đồng thời, giúp cho hoạt động này luôn gắn bó thống nhất với tổng thể các hoạt động khác tại đơn vị. Cơ sở xác định yêu cầu này là từ đặc trưng của công tác thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội. Việc đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị  không tách rời với chất lượng, hiệu quả thúc đẩy thực hiện BĐG về chính trị, vì vậy, thực hiện yêu cầu này cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung: phải luôn đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội; BĐG phải được tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ; kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách trong thực hiện.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng.

Phát huy sức mạnh tổng hợp và vai trò của các chủ thể, lực lượng là yêu cầu rất quan trọng trong thực hiện BĐG về chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Việc quán triệt yêu cầu này là cơ sở để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, lực lượng cũng như sự gắn kết giữa các thành tố đó trong quá trình hực hiện BĐG; đồng thời, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nội dung này luôn có được sự thống nhất xuyên suốt, không chồng chéo, mâu thuẫn với nhau mà tương hỗ, bổ trợ cho nhau. Yêu cầu này chỉ đạo mọi giải pháp thúc đẩy thực hiện BĐG cần xác định đúng các lực lượng, trong đó chỉ rõ đâu là chủ thể tác động chủ yếu, thứ yếu, đâu là lực lượng chính, lực lượng phối hợp; trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể, lực lượng gắn thực hiện BĐG về chính trị với các mặt công tác; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm, nhận thức và hành vi sai trái.

Chú thích:
1. Bộ Quốc phòng, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong Quân đội giai đoạn 2011 – 2020. Hà Nội, 2020.
2. Tổng cục Chính trị. Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ Quân đội lần thứ VII. H. NXB Quân đội nhân dân, 2022.
3. Quân ủy Trung ương. Báo cáo Chính trị của Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, số 174-BC/QUTW, Hà Nội, ngày 09/10/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
4. Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hànhChiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021– 2030.
ThS. Hoàng Văn Mạnh
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng