Tư tưởng Hồ Chí Minh với sự tiếp biến tinh hoa văn hoá phương tây về nhân quyền

(Quanlynhanuoc.vn) – Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân quyền (quyền con người) là sự kế thừa, kết tinh và phát triển những giá trị tư tưởng nhân văn truyền thống của dân tộc ta và tư tưởng nhân quyền tiến bộ của nhân loại, trong đó có tinh hoa văn hóa phương Tây về nhân quyền.
Ảnh minh họa (tư liệu).
Quá trình Hồ Chí Minh tiếp nhận tinh hoa văn hóa phương Tây về nhân quyền

Hồ Chí Minh tiếp cận văn hóa phương Tây, trong đó có văn hóa nhân quyền khá sớm. Tháng 9/1905, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh theo học ở trường Tiểu học Pháp – bản xứ ở thành phố Vinh. Ở ngôi trường này, lần đầu tiên được tiếp xúc với khẩu hiệu “LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ” (Tự do, Bình đẳng, Bác ái) đã khơi gợi trong tâm hồn cậu học trò câu hỏi lớn và những hoài bão, khát vọng, rằng: thực dân Pháp nêu cao khẩu hiệu: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” nhưng tại sao lại đi xâm lược, áp bức, bóc lột Nhân dân Việt Nam? Làm thế nào để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột?… Từ đó, Người “muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”1.

Trăn trở lớn trước vận mệnh của dân tộc, Hồ Chí Minh tự đặt trách nhiệm cho mình: “Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”2. Năm 1911, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân.

Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh không ngừng làm giàu trí tuệ bằng vốn văn hóa – tư tưởng của nhân loại. Người đã học và sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ, dùng những ngôn ngữ ấy trong việc nghiên cứu lịch sử và văn hoá phương Đông, phương Tây. Người đã thâm nhập trực tiếp vào các nước phương Tây để kiểm nghiệm giá trị “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, “tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”. Qua việc tiếp cận, nghiên cứu nhiều sách, báo, tài liệu và qua những hoạt động chính trị – xã hội, Hồ Chí Minh đã có những hiểu biết sâu sắc về đời sống chính trị – xã hội; về QCN, quyền công dân; về cuộc đấu tranh của người lao động; sự bần cùng về kinh tế và sự bất bình đẳng về chính trị của người lao động không chỉ diễn ra ở các nước thuộc địa mà có ngay ở các nước tư bản; về bản chất bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, thực dân…

Riêng về QCN – giá trị thiêng liêng, cao quý này đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử, đó là những giá trị cao quý được kết tinh từ nhiều nền văn hóa, văn minh của các dân tộc trên thế giới nhưng phải đến thế kỷ XVII – XVIII, xuất hiện các cuộc cách mạng tư sản, khái niệm QCN mới được các nhà tư tưởng khai sáng, luận bàn một cách chặt chẽ.

Từ cách tiếp cận pháp quyền tự nhiên, các nhà tư tưởng khai sáng tiếp tục khẳng định, QCN là đặc quyền tự nhiên, là bẩm sinh, vốn có của con người; đó là tiếng gọi của lẽ phải, công lý và là sự thiết yếu về đạo đức. Việc bảo vệ các quyền tự nhiên là nghĩa vụ của chính phủ và chúng giới hạn quyền lực của chính phủ. Học thuyết về quyền tự nhiên có ảnh hưởng sâu đậm đến sự hình thành Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ (năm 1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp (năm 1789). Đó là những văn kiện chính trị quan trọng góp phần hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về QCN.

Tiếp thu những giá trị nhân quyền trong lịch sử nhân loại, trong đó tinh hoa văn hóa phương Tây về nhân quyền, năm 1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, Hồ Chí Minh gửi đến Hội nghị các nước thắng trận trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất họp ở Versailles “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”. Bản yêu sách gồm 8 điểm – là lời thỉnh cầu những QCN cơ bản của người dân An Nam đã không được Hội nghị quan tâm. Thực tế đó, giúp Hồ Chí Minh ngày càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Người nhận thức rõ rằng, những lời tuyên bố tự do của những nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Người rút ra kết luận quan trọng, muốn được giải phóng, các dân tộc không thể trông chờ vào sự ban ơn của chủ nghĩa đế quốc, thực dân mà phải tự làm cách mạng, phải “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” để dành lấy độc lập dân tộc, bảo vệ QCN.

Trong cuộc “Hành trình khát vọng”, đến tháng 7/1920, Hồ Chí Minh đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương của Lênin, đường lối của Quốc tế cộng sản về ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc đã thúc đẩy Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản và là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, tiến hành cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai bán nước. Với sự thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại đã đưa Nhân dân ta từ kiếp lầm than nô lệ trở thành những chủ nhân của đất nước độc lập, tự do.

Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong tiếp nhận tinh hoa văn hóa phương Tây về nhân quyền

Kế thừa truyền thống dân tộc và tiếp thu các giá trị văn hóa nhân quyền của nhân loại trong đó có tinh hoa văn hóa phương Tây về nhân quyền, Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp quý báu vào lý luận và thực tiễn đấu tranh vì QCN.

Hồ Chí Minh tiếp nhận tinh hoa văn hóa phương Tây về nhân quyền, nhưng không dừng lại ở đó, cách tiếp cận QCN của Hồ Chí Minh có nhiều điểm mới, rộng lớn và sâu sắc hơn. Nếu các học giả phương Tây luôn đề cao cái tôi, nhấn mạnh quyền tự do cá nhân (nhân quyền cao hơn chủ quyền) trong tiếp cận QCN thì Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp cận QCN một cách khác.

Xuất phát từ truyền thống dân tộc, từ đặc điểm của thời đại và con người hiện thực Việt Nam đang bị địa chủ, phong kiến và đế quốc thực dân áp bức, bóc lột để xem xét và giải quyết vấn đề QCN. Người hiểu rõ, một dân tộc bị nô lệ thì người dân ở đó không thể có bất cứ QCN và tự do nào. Vì thế, ý chí “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” do Người khái quát đã được truyền đến mọi người Việt Nam yêu nước, nhờ đó đã tạo nên Cách mạng Tháng Tám vang dội. Tư tưởng này còn được Người nhiều lần khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”3; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”4

Tư tưởng Hồ Chí Minh về QCN được thể hiện nổi bật trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Ở đó, đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của lý luận về QCN khi lần đầu tiên trong lịch sử khái niệm quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do của con người đã được đồng nhất với quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do của các dân tộc.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tinh hoa văn hóa phương Tây về nhân quyền, kế thừa và phát triển QCN “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi quốc gia – dân tộc. Ngay từ những câu đầu tiên của Tuyên ngôn, như một lời khẳng định về quyền tự nhiên của con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những giá trị về nhân quyền trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (năm 1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1789) rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, rằng “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”5. Đây là những quyền tự nhiên, là “những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Dựa trên cơ sở pháp lý, đạo lý mà Pháp, Mỹ và cả thế giới thừa nhận, từ quyền cá nhân “tất cả mọi người sinh ra…” Hồ Chí Minh đã suy rộng ra, nâng lên thành quyền dân tộc tự quyết: “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”6. Với cách suy luận biện chứng: QCN là lẽ tự nhiên thì quyền của mỗi dân tộc cũng là lẽ tự nhiên, là chân lý không thể nào chối cãi – đây thực sự là một giá trị hoàn toàn mới, là một sáng tạo to lớn về tư duy lý luận lần đầu tiên được khẳng định trên phạm vi toàn thế giới. Cũng từ đó, Người chứng minh rõ việc các thế lực đế quốc xâm lược, áp bức bóc lột dân tộc Việt Nam là trái với lẽ tự nhiên, là sự vi phạm trắng trợn QCN mà cách mạng tư sản Mỹ và cách mạng Pháp đã công nhận.

Như vậy, bằng sự mở rộng QCN chỉ với tính cách cá nhân thành QCN với tính cách là quyền dân tộc, Hồ Chí Minh đã nâng vấn đề quyền tự nhiên của con người lên một tầm cao mới về chất, đây là một bước nhảy vọt về lý luận QCN. Việc nâng “QCN” thành “quyền dân tộc” đã trở thành chân lý của thời đại: từ nay, mọi dân tộc đều có quyền quyết định vận mệnh của mình, các dân tộc khác không có quyền can thiệp. Việc xâm phạm đến quyền dân tộc là chà đạp lên nhân quyền của toàn thể nhân dân nước đó, hay nói cách khác, quyền dân tộc, chủ quyền quốc gia là “nhân quyền tập thể” của nhân dân một quốc gia, dân tộc, do đó phải được tôn trọng và bảo vệ bằng luật pháp quốc tế.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về QCN là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó là sự thể hiện cao nhất chủ nghĩa nhân văn cao cả và chủ nghĩa yêu nước chân chính của Người, nhằm hoàn thiện nhân cách của mỗi con người, đem lại cho mỗi người dân Việt Nam quyền làm người từ kiếp người nô lệ. Nền độc lập của dân tộc vừa được khôi phục, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”7 và nhấn mạnh: “dân chỉ biết được rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”8. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân”; “Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”9; “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”10; “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”11

Những tư tưởng và hoạt động của Hồ Chí Minh về QCN thể hiện tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế thời đại, là đóng góp to lớn vào giá trị chung của nhân loại về QCN. Tư tưởng Hồ chí Minh về QCN không chỉ là sự kế thừa truyền thống dân tộc và tiếp thu các giá trị văn hóa nhân quyền của nhân loại trong đó có tinh hoa văn hóa phương Tây về nhân quyền, mà đó còn là sự đúc kết, sáng tạo vượt bậc của Hồ Chí Minh. Giá trị QCN trong tư tưởng Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận. Những tư tưởng đó là định hướng chính trị cơ bản cho toàn bộ hoạt động của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên lĩnh vực QCN ở mọi giai đoạn phát triển.

Chú thích:
1,11. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.461, 75.
2. Báo Nhân Dân, ngày 18/5/1965.
3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.543, 30, 543, 543, 64, 175, 65.
10. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.518.
TS. Đào Thị Tùng
Học viện Chính trị Khu vực III