Giới hạn quyền tự do thông tin theo quy định của Luật An ninh mạng năm 2018

(Quanlynhanuoc.vn) – Quyền tự do thông tin – trước hết là một trong các quyền cơ bản và tự nhiên của con người. Tiếp đến, quyền tự do thông tin luôn là nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày của hầu hết cá nhân, tổ chức, cộng đồng xã hội.  Tuy nhiên, trong môi trường pháp luật Việt Nam, quyền tự do thông tin của mọi cá nhân, tổ chức không phải là vô cực mà có những giới hạn pháp lý nhất định theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin và các nội dung liên quan. Bài viết làm rõ những khía cạnh pháp lý của giới hạn đối với quyền tự do thông tin theo Luật An ninh mạng năm 2018, chỉ ra bất cập, khó khăn của những giới hạn pháp lý và kiến nghị hoàn thiện luật đáp ứng thực tiễn. 
Ảnh minh họa (internet).
Khái quát về quyền tự do thông tin và cơ sở pháp lý giới hạn đối với quyền tự do thông tin

Thông tin và quyền tự do thông tin

“Thông tin” được hiểu là việc truyền tin, đưa tin, báo cho biết và được xem là một trong những hoạt động xuất hiện sớm nhất từ buổi bình minh của nhân loại. Qua hàng triệu năm sơ khai, nhờ vào dấu hiệu, tín hiệu thông tin dần được chuyển hóa thành âm thanh, ngữ điệu, tiếng nói và chữ viết.

Xét theo góc độ quyền tiếp cận thông tin của công dân, thì “thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra”1.

Thông tin không chỉ là những cái biết, hiểu và tri thức được tiếp xúc, giao lưu trong cộng đồng, mà còn là chất liệu nuôi dưỡng cơ bản cho thế giới quan nhân sinh đối với vạn vật, từ cái to lớn, như: dải thiên hà, hệ mặt trời, trái đất đến cái nhỏ li ti, như: tế bào, mầm sống, vi khuẩn, siêu vi; từ những vô hình, như: phân tử, nguyên tử đến siêu vô hình, như: âm thanh, cảm xúc, buồn vui trong tâm tư con người… Đặc điểm quan trọng của thông tin không đơn thuần là phương tiện dẫn truyền thông qua âm thanh, hình ảnh, số liệu tác động lên giác quan, tư duy của con người mà còn được tạo thêm giá trị mới khi con người sử dụng nó – khoa học phát triển lên nhờ đó, tri thức nhân loại được duy trì và con người hoàn thiện lên nhờ đó. Vì vậy, thông tinquyền tự do thông tin (QTDTT) là những phạm trù của quyền sống và được sống của con người, trong đó QTDTT ví như sợi dây liên kết cộng đồng, là nhu cầu thiết yếu như cái ăn, cái mặc của xã hội đương đại; khi một người bị mất QTDTT, tất yếu gắn liền theo hệ quả tiêu cực là mất thăng bằng định hướng và bị cô lập với hầu hết đời sống xã hội.

Tuy nhiên, cần xác định khái niệm QTDTT không chỉ bao hàm việc biểu đạt mặt chủ quan của chủ thể mà còn là quyền được tiếp nhận, được tác động, thụ hưởng những thông tin từ khách quan của người hay vật khác, bao gồm: quyền tiếp nhận thông tin; quyền tìm kiếm thông tin và quyền phổ biến thông tin.2

So sánh tương quan và mối liên hệ, thì: quyền tự do ngôn luận có nội hàm sâu hơn QTDTT, nhưng lại có ngoại diên hẹp hơn. Nói chính xác hơn, khi đề cập đến quyền tự do thông tin đã bao hàm quyền tự do ngôn luận và ở chiều ngược lại, quyền tự do ngôn luận là một cách thức thể hiện của QTDTT. Trên thực tế, có lúc cả hai quyền này được hiểu là một.

Cơ sở pháp lý của quyền tự do thông tin

QTDTT là một quyền con người cơ bản về dân sự – chính trị và là quyền công dân được hiến định tạiĐiều 25 Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, những quyền đã được  xác lập, đó là: công dân được quyền biết và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp mọi thông tin biết hay do cơ quan đó tạo ra (ngoại trừ thông tin bị cấm hoặc thông tin bảo mật – Điều 5, 6 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016); đồng thời, được quyền phát biểu, đưa ra thông tin, nhận xét về các vấn đề của đất nước và thế giới; có quyền tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác trên các phương tiện thông tin truyền thông (Điều 3, 11 Luật Báo chí năm 2016).

Cơ sở pháp lý cho QTDTT của con người nói chung và của công dân ở Việt Nam được ghi nhận tại Hiến pháp và trong các luật hoàn toàn phù hợp với các Tuyên ngôn, công ước quốc tế: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới” (Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948).

Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Có quyền tự do ngôn luận, quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến… (Điều 18, 19 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có quan điểm rõ ràng về QTDTT, Người khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý.3

Cơ sở pháp lý về giới hạn quyền tự do thông tin

Hiến pháp Việt Nam và Hiến pháp ở các quốc gia tiến bộ trên thế giới đều ghi nhận và bảo hộ các quyền cơ bản của con người, trong đó có QTDTT. Song, tính công lý của QTDTT không đơn thuần chỉ có một chiều – quyền tiếp cận thông tin, tìm kiếm thông tin, phổ biến thông tin – mà còn có chiều ngược lại: quyền bảo vệ thông tin cá nhân, quyền từ chối cung cấp thông tin mà mình biết hoặc có trách nhiệm bảo mật. Đồng thời, dù xét theo chiều nào: phổ biến/giữ kín thông tin thì những khía cạnh của QTDTT đó chỉ được xem là quyền hiến định khi không gây ra hay không tạo điều kiện làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của xã hội và người khác.

Điều 25 Hiến pháp năm 2013, ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Mặt khác, cũng xác lập ranh giới đối với các quyền nêu trên: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đồng thời, khi chủ thể thực hiện QTDTT thì nhất thiết cũng phải tuân thủ một quyền hiến định khác: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” (Điều 21 Hiến pháp).

Như vậy, dù là QTDTT, quyền bảo vệ bí mật cá nhân, gia đình hay quyền con người nói chung cũng không thể là vô cực, bất chấp mọi điều kiện mà cần có giới hạn nhất định. Giới hạn đó là yêu cầu công lý và công bằng của pháp quyền. Vì lẽ đó, “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp).

QTDTT và giới hạn của nó cũng đã được thể hiện ở tư tưởng dân chủ sâu sắc và biện chứng của Hồ Chí Minh, đó là: “Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”4. Phục tùng chân lý cũng chính là giới hạn pháp lý của QTDTT, tự do ngôn luận.

Quy định của Luật An ninh mạng về giới hạn quyền tự do thông tin

Sứ mệnh của Luật An ninh mạng (ANM) năm 2019 được xác định: phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm ANM; nhằm bảo đảm hoạt động trên không gian mạng (KGM) không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, KGM được hiểu là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm: mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

KGM được xem như một trung tâm hội chợ, không giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn trải rộng khắp toàn cầu; ai cũng có thể tương tác, trao đổi ý kiến​​, chia sẻ thông tin, cung cấp hỗ trợ xã hội, kinh doanh, hành động trực tiếp, tạo ra phương tiện truyền thông nghệ thuật, chơi trò chơi, tham gia vào các cuộc thảo luận kinh tế, chính trị, văn hóa… và, cả những (hầu hết) vi phạm/tội phạm tinh vi đều thông qua lưới thông tin toàn cầu này. Chính sách đối ngoại rộng mở trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị của Việt Nam cũng là điều kiện tất yếu mở rộng cho cả vi phạm/tội phạm trên KGM xâm lấn vào xã hội nội địa.

Theo Điều 8; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 16; khoản 1 Điều 17, 18, 19 Luật ANM quy định các hành vi tham gia thông tin trên KGM bị nghiêm cấm và cần phải phòng ngừa, xử lý, có thể khái quát thành hai nhóm cơ bản:

Nhóm một, sử dụng kỹ thuật – công nghệ thông tin: phá hoại KGM, phá hoại có chủ đích hệ thống bảo mật, ANM; tạo sự cố gián đoạn, đứt gãy thông tin hoặc chiếm quyền điều hành của máy chủ, sao chép, thủ tiêu hoặc làm biến dạng hệ thống dữ liệu; mua bán phần mềm, công cụ công nghệ dùng cho mục đích thao túng, chiếm quyền điều hành của người dùng.

Nhóm hai, tạo dựng hoặc lan truyền/chuyển tải thông tin: giả mạo, giả danh, gian dối hoặc làm sai lệchthông tin trong lĩnh vực kinh tế, giao dịch điện tử để thực hiện mục đích chiếm đoạt tài sản hoặc mục đích gây rối khác; tạo ra, sao chép, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc thông tin, cố ý để lộ thông tin cá nhân, gia đình hoặc tổ chức nhằm xúc phạm, bôi nhọ, làm nhục danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ hoặc gây ra hoang mang, bất ổn cho dư luận xã hội; sử dụng hình ảnh, âm thanh, lời nói… mời chào, lôi kéo, xúi giục việc mua bán ma tuý; tham gia cờ bạc, dâm ô đồi trụy.

Xét về chủ thể vi phạm pháp luật, ở nhóm một phần nhiều là tổ chức (có thể là hành vi cá nhân nhưng số ít), xu hướng xâm hại khách thể về an ninh – chính trị hoặc phá hoại an toàn thông tin mạng. Đây là nhóm phạm pháp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm ngăn chặn và phòng ngừa chủ yếu của lực lượng chức năng bảo vệ ANM (Quốc phòng, Công an, Cơ yếu Chính phủ).

Chủ thể vi phạm pháp luật ở nhóm hai có thể là bất kỳ ai (cá nhân, tổ chức) ở trong nước và ngoài nước. Khách thể bị xâm hại chủ yếu là tài sản và trật tự an toàn xã hội trên các lĩnh vực giao dịch dân sự. Cũng là nhóm phạm pháp phổ biến, thường xuyên, đa dạng và bất thường, dễ tạo dư luận xã hội, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia. Vì vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với vi phạm/tội phạm từ nhóm này không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà còn tùy thuộc phần lớn vào nhận thức và ý thức pháp luật của người dùng internet.

Mặc dù Luật ANM được xem là đã dự liệu khá đầy đủ những hành vi bị coi là vi phạm pháp luật ANM và xác lập những căn cứ pháp lý cho các cơ quan chức năng chủ động áp dụng biện pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm/tội phạm. Song, việc phát hiện, truy tìm, thu thập chứng cứ và xác định tội danh trong môi trường điện tửhoàn toàn không đơn giản như kiểu cảnh sát truy đuổi, khống chế người phạm pháp trên đường phố hay những vụ vây bắt, dẫn giải tội phạm thuần túy.

Những hạn chế, bất cập

Thực tiễn thi hành Luật ANM thời gian qua đã phản ánh, bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định.

Thứ nhất, về hành vi khách quan, Luật ANM liệt kê khoảng 70 hành vi bị coi là vi phạm ANM cần phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý (Điều 8; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 16; khoản 1 Điều 17, 18, 19), bao gồm cả ba lĩnh vực: an ninh – chính trị; kinh tế và trật tự công cộng. Xét theo giác độ các yếu tố cấu thành vi phạm/tội phạm theo tiêu chuẩn thực định, hành vi vi phạm/tội phạm trên internet thường không tác động trực tiếp lên bị hại hay đối tượng phạm pháp, thậm chí, đó lại là kết quả lựa chọn qua nhiều tầng lớp thông tin được bóc tách từ phía nạn nhân. Chẳng hạn, trong tình huống đơn giản như mua bán hàng online, thanh toán khi giao hàng (nhưng không cho đồng kiểm) đến phức tạp hơn như “dán” tài khoản và mã kiểm soát thẻ tín dụng lên mẫu thanh toán…, việc chứng minh mối quan hệ nhân – quả (hành vi vi phạm/tội phạm là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hậu quả thiệt hại và ngược lại) là cả một chuỗi dài quanh co và thường thiếu cơ sở vững chắc để xử lý. Mặt khác, đặc điểm của vi phạm/tội phạm online hầu như không có nhân chứng hay vật chứng sống, việc truy tìm dấu vết vi phạm/tội phạm chủ yếu theo phương thức tiếp cận điện tử là truy tìm địa chỉ người dùng IP5, nhưng nếu người dùng sử dụng địa chỉ ảo thì việc tìm kiếm sẽ bế tắc.

Cơ sở của trách nhiệm pháp lý đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là cần chứng minh việc chiếm đoạt bằng “thủ đoạn gian dối” – tức là hành vi đó phải khách quan, hữu hình, có thực từ chính người thực hiện. Tuy nhiên, như nêu trên, việc chiếm đoạt tài sản online là thông qua hệ thống mã lệnh tự động từ tài khoản chủ sở hữu. Thời điểm tiền bị xuất ra khỏi tài khoản (thời điểm bị coi là hoàn thành chiếm đoạt) là do hệ thống phần mềm tự động thực hiện, không phải do “thủ đoạn gian dối” cụ thể nào. Việc chứng minh “thủ đoạn gian dối” trong những trường hợp này tỏ ra còn mơ hồ, bất định. Kể cả việc chứng minh yếu tố “lén lút” – đặc trưng của hành vi trộm cắp – ở thời điểm dịch chuyển tiền ra khỏi nơi cất giữ của chủ sở hữu trong những tình huống như vậy cũng trở nên bất cập.

Thứ hai, về chủ quan, tiêu chí xác lập đối với lỗi: là thái độ của người vi phạm/tội phạm đối hành vi trái pháp luật và hậu quả hành vi, trên cơ sở đánh giá các yếu tố về lý trí và ý trí của người đó. Áp vào các trường hợp vi phạm/tội phạm online, hầu hết chỉ có thể xem xét đối với người có lỗi cố ý (trực tiếp hay gián tiếp). So sánh với yếu tố cấu thành lỗi vô ý (do quá tin hoặc do cẩu thả) của lý thuyết thực định thể hiện rõ trong hành vi cụ thể của người có lỗi, như: chạy xe quá tốc độ gây tai nạn; vô ý vứt thuốc lá ở nơi cấm hút thuốc, gây cháy; vô ý mang tài liệu có dấu chỉ độ “mật”, “khẩn” đi photo sao y ở nơi kinh doanh photo… thì đối với lỗi vô ý ở hành vi online là rất khó xác định, lỗi đó có thể do những nguyên nhân, như: làm rớt, làm mất bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/giấy tờ nhà đất; chụp ảnh bạn bè, người thân, trong đó vô tình có những thông tin riêng tư về gia đình, cá nhân người khác, đưa lên facebook, zalo…

Rơi vào những tình huống này, dù hậu quả có nghiêm trọng thế nào cũng rất khó cho cơ quan chức năng trong việc xác lập trách nhiệm pháp lý về chủ quan vi phạm/tội phạm. Theo đó, sẽ thiếu căn cứ vững chắc khi xác định chủ thể vi phạm/tội phạm để áp dụng các biện pháp luật định nhằm ngăn chặn, xử lý. Việc xử lý gượng ép có thể dẫn đến vi phạm quyền con người, QTDTT, thậm chí, đưa đến quy kết trách nhiệm pháp lý oan sai.

Thứ ba, về chủ thể vi phạm/tội phạm online, có thể là đối tượng trong nước sử dụng địa chỉ ảo từ nước ngoài xâm nhập vào trong nước. Ngược lại, có thể đối tượng từ nước ngoài sử dụng địa chỉ ảo từ trong nước thực hiện vi phạm/tội phạm trong nước hoặc xâm nhập vào nước ngoài. Khi phát hiện, xác định chủ thể thì biện pháp ứng phó thế nào? Thông thường, ở tình huống đầu, chỉ có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khóa kết nối, phòng ngừa tái diễn mà không thể xử lý trách nhiệm pháp lý, nhưng như thế là đối phó nhầm chủ thể. Ở tình huống sau, thì phát hiện, xác định và xử lý trách nhiệm pháp lý được, nhưng có thể rơi vào tình huống không có chủ thể thực danh hoặc nếu có, cũng sẽ là xử lý nhầm người dùng nào đó đã bị vi phạm/tội phạm online “mượn” địa chỉ (IP).

Thứ tư, việc phải xác định số lượng, danh tính nạn nhân cùng với thiệt hại cụ thể về tinh thần và vật chất trong vụ việc/vụ án online là cơ sở để định hình loại việc, định mức tăng nặng, giảm nhẹ định khung xử lý nhưng những yêu cầu đó luôn đặt ra những thách thức “quá tải” đối với cơ quan chức năng, là do: nạn nhân, người liên quan có số lượng lớn, rải rác khắp các vùng miền trong hoặc ngoài nước; địa chỉ người dùng là mã số điện tử (IP) là thực danh hoặc không phải thực danh – trong khi luật đòi hỏi phải truy tìm, xác định danh tính, cư trú rõ ràng, triệu tập lấy lời khai, đối chứng, đối chất… hầu như không thể thực hiện triệt để, vì phương tiện, chi phí sẽ rất lớn và có thể vượt quá thời hạn điều tra, thẩm tra, xác minh theo luật định.

Thứ năm, về biện pháp xử lý trách nhiệm pháp lý, bao gồm: xử lý trách nhiệm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.

(1) Xử lý trách nhiệm hành chính. Luật ANM năm 2018 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 nhưng chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Điều này, đã gây lúng túng  cho cơ quan chức năng khi phải áp dụng xử lý hành chính đối với các vi phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

(2) Xử lý trách nhiệm hình sự. Hiện có khoảng 16 tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự (Chương XXI mục 2 quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông gồm 9 tội danh). Đồng thời, còn có 7 tội danh khác khá phổ biến, liên quan KGM, gồm Điều 117, 155, 156, 321, 322, 326 và 3316. Trong khi đó, các hành vi vi phạm/tội phạm được nêu tại Luật ANM lại có số lượng lớn (khoảng 70 hành vi) chênh lệch với số tội danh được xác lập tại Bộ luật Hình sự. Vấn đề này, có lúc trở thành vật cản cho cơ quan tố tụng khi áp chiếu tội danh về ANM, luôn phải sử dụng phần lớn thời hạn điều tra để chứng minh cho được tình tiết “sử dụng công nghệ thông tin” khi phạm tội ở mỗi tình huống cụ thể.

Tình hình còn đáng lo ngại hơn khi số vi phạm/tội phạm online bị phát hiện khá cao, nhưng số điều tra, truy xét và xử lý được còn chưa tương ứng. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân bất cập còn tồn tại của những quy phạm pháp luật về ANM. Thống kê trong năm 2021, có khoảng 100 triệu lượt dữ liệu người dùng internet, tổ chức doanh nghiệp Việt Nam lộ lọt. Cùng với đó hơn 100 nghìn tài khoản mật khẩu rao bán trên chợ đen6.

Từ những phân tích trên đây về các khía cạnh còn khó khăn, hạn chế trong thực tiễn tổ chức thi hành LuậtANM – đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm phát huy tốt nhất công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiệu quả đối với các hành vi vi phạm/tội phạm lợi dụng QTDTT trên KGM xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Do đó, cần phải khẳng định: đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta – cả tập thể và cá nhân. Chỉ khi nào tất cả mọi người đều xem ANM, quyền riêng tư và những giới hạn luật định là trách nhiệm chung của mình, thì dữ liệu của chúng ta sẽ mới được bảo mật, mới đủ sức phòng chống, ngăn chặn hữu hiệu vi phạm/tội phạm trên KGM.

Kiến nghị

Một là, rà soát, đánh giá và điều chỉnh các quy phạm của Luật ANM nhằm thể hiện tính “thực định” đầy đủ hơn, nghĩa làm cho chúng trở nên rõ ràng, cụ thể hơn; tránh xác lập quy phạm theo cách liệt kê hành vi như hiện nay. Có thể, ghi nhận thành chương, điều, khoản cụ thể theo ba khách thể nhóm: an ninh – chính trị; kinh tế – văn hóa và trật tự công cộng.

Hai là, sớm ban hành nghị định và văn bản quy phạm pháp luật liên quan hướng dẫn, làm rõ hơn biện pháp tổ chức thi hành Luật ANM. Về lâu dài, xuất phát từ những đặc thù đối với loại vi phạm/tội phạm online, nên tách và tập hợp các luật liên quan an toàn KGM thành Luật Hình sự ANM, Luật Tố tụng hình sự ANMLuật Xử phạt vi phạm hành chính về ANM. Xem xét bổ sung chế định luật về kiểm soát hoạt động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài.

Ba là, dành nguồn ngân sách tương xứng đầu tư hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin quốc gia, tăng tính kiểm soát, ứng phó kịp thời hiệu quả. Cùng với đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về KGM cho các lực lượng chuyên trách phòng chống vi phạm/tội phạm ANM và lực lượng hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng hành chính ở các cơ quan tư pháp và quản lý hành chính. Mở rộng hướng tập hợp và sử dụng hiệu quả hoạt động cộng tác của các chuyên gia công nghệ thông tin trong và ngoài nước;

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật bảo vệ ANM trong các tầng lớp xã hội. Nâng cao kinh nghiệm, kiến thức và nhận thức người sử dụng các giao thức internet bằng điện thoại, máy tính; đặc biệt quan tâm đến ý thức tự chủ, tự giác của đối tượng thanh niên, sinh viên và học sinh. Các cơ quan quản lý nhà nước chú trọng phối hợp với gia đình, trường học, các đoàn thể, tổ chức xã hội và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet có biện pháp thiết thực để bảo vệ, giáo dục trẻ em trong môi trường mạng công cộng.

Chú thích:
1, 2. Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
3, 4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 378, 378.
5. Địa chỉ IP (viết tắt của Internet Protocol) có nghĩa là giao thức internet. https://www.thegioididong.com, truy cập ngày 26/3/2023.
6. Năm 2021, phát hiện 30 vụ lộ mất bí mật nhà nước. https://www.hcmcpv.org.vn, ngày 21/12/2021.
TS. Hoàng Minh Khôi
Trường Đại học Tôn Đức Thắng