Đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến sự phát thải khí CO2 tại Việt Nam từ năm 1990 – 2021

(Quanlynhanuoc) – Lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm vừa qua. FDI không chỉ là nguồn động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước mà còn đẩy nhanh tiến trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, nhiều dự án FDI đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, bởi một số quốc gia phát triển có xu hướng chuyển công nghệ lỗi thời, gây ô nhiễm của họ sang quốc gia tiếp nhận đầu tư. Bằng phương pháp hồi quy tuyến tính, bài viết đã chỉ ra mối quan hệ và lượng hóa tác động của lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến lượng phát thải khí CO2 của Việt Nam. Từ đó, chứng minh học thuyết “thiên đường ô nhiễm” đã tồn tại ở Việt Nam trong những năm qua.
Đặt vấn đề

Năm 2011, Việt Nam ghi nhận lượng khí thải CO2 là 1,56 tấn thì đến năm 2021 con số này đãtăng lên gấp 2 lần với 3,36 tấn. Theo thống kê, mỗi ngày có tới 500 nghìn tấn CO2 lơ lửng trong không khí tại Việt Nam và con số này là khoảng 2 tỷ tấn mỗi năm, chiếm khoảng 1% của toàn thế giới1. Sự gia tăng lượng khí thải CO2 dẫn đến sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, điều này gây ra những tác động tiêu cực và hệ quả nghiêm trọng đối với con người cũng như môi trường Việt Namvà có tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nước nhà. Vì vậy, cần nghiên cứu tập trung đánh giá tác động của FDI đối với lượng khí thải CO2 của Việt Nam, từ đó đề xuất một số chính sách liên quan đến việc thu hút FDI, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Mối liên hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và môi trường

Trong một nghiên cứu chỉ ra rằng, có một mối quan hệ dài hạn phi tuyến tính giữa lượng khí thải CO2 bình quân đầu người và dòng vốn FDI ròng. Dấu hiệu của các hệ số này thể hiện hình chữ U ngược trong cả hai thông số kỹ thuật của FMOLS, do đó, mối quan hệ giữa FDI và lượng khí thải carbon tuân theo hình dạng của lý thuyết EKC. Tác động ban đầu của dòng vốn FDI đối với lượng phát thải CO2 là tích cực, điều này ngụ ý rằng giả thuyết “thiên đường ô nhiễm” được chứng minh một cách xác đáng. Ở giai đoạn đầu của đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nước tiếp nhận đầu tư đã cạnh tranh với các nước khác để thu hút thêm vốn đầu tư bằng cách nới lỏng các tiêu chuẩn môi trường. Từ đó, dòng vốn vào tăng ồ ạt dẫn đến quá trình công nghiệp hóa nhanh, tạo động lực cho nền kinh tế, đồng thời làm tăng sản xuất và tiêu thụ năng lượng, đây là những nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về môi trường2.

Học thuyết “thiên đường ô nhiễm” (pollution heaven) của Brian Copeland và Taylor Scott3 với mô hình nghiên cứu thương mại Bắc – Nam cho rằng, các doanh nghiệp sẽ lựa chọn đầu tư và sản xuất tại các quốc gia có quy định về môi trường lỏng lẻo khi lập kế hoạch bố trí quy mô doanh nghiệp. Giả thuyết này phản ánh thực tế rằng khi các doanh nghiệp của các nước phát triển, có nền công nghiệp lớn mạnh thành lập nhà máy sản xuất tại nước ngoài sẽ thường chọn các quốc gia có nguồn tài nguyên dồi dào và nhân công rẻ nhất, tuy nhiên, điều này đi kèm với ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và chi phí khắc phục cũng không hề rẻ. Những tác động có hại đến môi trường này thường không thể thay đổi được, hiện tượng này xảy ra rất phổ biến tại các nước đang phát triển, như: Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan…

Nghiên cứu của Monica Singhania, Neha Saini4 với mục đích làm sáng tỏ giả thuyết “thiên đường ô nhiễm” cũng chứng minh rằng FDI có tác động đáng kể đến sự suy thoái môi trường, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Samuel Asumadu Sarkodie and Vladimir Strezov5 cũng nghiên cứu về tác động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính ở các nước đang phát triển từ 1986 – 2016 và phát hiện rằng, việc tiêu thụ năng lượng cũng khiến cho sự phát thải khí CO2 trở nên nặng nề hơn. Cả hai nghiên cứu này đã củng cố cho thuyết “thiên đường ô nhiễm”.

Giả thuyết thứ hai bên cạnh thuyết “thiên đường ô nhiễm” chính là giải thuyết “ô nhiễm lan tỏa” được Grossman và Krueger đề cập6. Giả thuyết này trái ngược với thuyết “thiên đường ô nhiễm”. Họ tin rằng, sự đầu tư của các doanh nghiệp đa quốc gia vào nước sở tại có thể mang lại nhiều tiêu chuẩn và công nghệ sản xuất phù hợp với môi trường. Việc này có thể có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường cho nước nhận đầu tư thông qua chuyển nhượng công nghệ.

Kế thừa giả thuyết, học thuyết của các nghiên cứu trước đó từ nhiều khu vực và nền kinh tế qua nhiều giai đoạn phát triển của kinh tế thế giới, nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết cho mối tương quan giữa FDI và sự phát thải khí CO2 tại Việt Nam như sau: mặc dù quy mô FDI có thể chỉ tác động nặng nề tới một số khu vực công nghiệp tập trung, song dựa trên thuyết “thiên đường ô nhiễm” và giả thuyết “ô nhiễm lan tỏa” có thể cho rằng tổng vốn FDI tăng sẽ tỷ lệ thuận với đến sự phát thải khí CO2 và gây ảnh hưởng trên quy mô toàn quốc. Thêm vào đó, trình độ kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam còn yếu kém, việc chuyển giao công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường còn thấp. Giả thuyết này sẽ được kiểm định thông qua phương pháp hồi quy tuyến tính dựa trên dữ liệu thu thập trong giai đoạn 1990 – 2021 trên toàn quốc, nhằm chứng minh cho mối tương quan giữa FDI và sự phát thải khí CO2.

Phương pháp và kết quả nghiên cứu

Từ các nguồn phát thải khí CO2 có thể thấy, các tác nhân từ kinh tế, môi trường và xã hội có ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát thải khí CO2 trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Các nhân tố góp phần vào sự gia tăng CO2 hơn cả tại Việt Nam bao gồm: sự tăng trưởng của FDI – đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng của GDP – tổng sản phẩm quốc nội, tăng trưởng EX – xuất khẩu và sự tăng trưởng của POP – dân số.

Về FDI: bên cạnh việc mở rộng quan hệ ngoại giao kinh tế, giúp cho kinh tế nước nhà phát triển thì FDI còn đem đến khá nhiều vấn đề tiêu cực khác, một trong số đó chính là gia tăng khí thải CO2 ảnh hưởng đến môi trường. Khi dòng FDI đầu tư vào nước ta càng nhiều đồng nghĩa với việc có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp mọc lên, nguồn năng lượng cần sử dụng trong các nhà máy tăng lên nhiều hơn, chất thải thải ra nhiều hơn khiến các hệ thống xử lý đôi khi không thể xử lý hết… Những điều này đã tạo điều kiện và cơ hội cho phát sinh khí CO2. Ngoài ra, FDI còn tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế GDP và tăng trưởng xuất khẩu. Cả 2 yếu tố GDP và EX đều ảnh hưởng đến phát thải khí CO2.

Về GDP: sự tăng trưởng kinh tế kéo theo cải thiện mức sống, nhu cầu sống của người dân. Các khu đô thị mọc lên, nhu cầu tiêu dùng nhiều, dẫn tới phát thải chất thải nhiều hơn. Đặc biệt tăng trưởng kinh tế còn kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất. Các ngành công nghiệp này không chỉ đòi hỏi sử dụng nhiều năng lượng mà còn là ngành đóng góp nhiều nhất vào việc gây ô nhiễm không khí.

Về EX: kim ngạch xuất khẩu, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi một quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển xuất khẩu càng nhiều, môi trường của quốc gia đó có xu hướng chịu ảnh hưởng tiêu cực7.

Về POP: bản thân của việc gia tăng dân số chính là một sự phát thải khí CO2. Khi con người ngày càng đông, việc xây nhà ở đã chiếm dụng đất của việc trồng cây xanh, thiếu cây xanh, khí thải CO2 không thể chuyển hóa. Tiếp đó, hoạt động giao thông gia tăng dẫn tới khói bụi và khí thải từ xe cộ ra môi trường nhiều lên, trong đó phần lớn là khí thải CO2. Đặc biệt, gia tăng dân số cũng dẫn tới việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng, như: năng lượng điện, nhu cầu tiêu dùng tăng, kích nguồn cung tăng, do đó, các nhà máy, doanh nghiệp phải sản xuất nhiều hơn, lượng khí và chất thải theo đó cũng gia tăng.

Với các yếu tố ảnh hưởng đến lượng phát thải khí CO2 như trên, nghiên cứu đã sử dụng các số liệu thống kê GDP, tỷ trọng xuất khẩu, thống kê dân số, thống kê nguồn vốn FDI và lượng khí thải CO2 của Việt Nam từ dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) để đánh giá những nhân tố ảnh hưởng tới sự phát thải khí CO2 thông qua mô hình hồi quy. Mô hình có thể được mô tả như sau:

lnCO2t = α0 + α1 lnFDIt-1 + α2 lnGDPt-1 + α3 lnEXPt-1 + α4 lnPOPt-1

Trong đó, biến phụ thuộc là lượng phát thải CO2 vào năm t tại Việt Nam, với các biến giải thích bao gồm:

– FDI đại diện cho lượng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam;

– GDP đại diện cho Tổng sản phẩm quốc nội để đo lường sự phát triển tăng trưởng kinh tế quốc gia;

– EXP đại diện cho tổng khối lượng hàng hoá xuất khẩu để chỉ ra mức độ mở cửa thương mại với thế giới;

– POP đại diện cho dân số được đo bằng tổng dân số vào cuối năm.

Quy mô FDI và tình hình phát thải CO2 và tại Việt Nam giai đoạn 1990 2021

Sau gần 40 năm đổi mới và mở cửa thu hút FDI, nguồn vốn FDI đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam đã thu hút được hơn 400 tỷ USD, trong số này, có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng số vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực8. Cho đến nay, FDI luôn được đánh giá là tạo ra những giá trị cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Những cải cách kinh tế từ năm 1986, kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Từ năm 2002 – 2020, GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016 – 2019 đạt mức 6,8%, đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% – 7% của kế hoạch 5 năm 2016 – 20209. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại, giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Tuy nhiên, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển về kinh tế; hệ quả tất yếu là lượng khí thải CO2 của Việt Nam cũng tăng lên theo từng năm.

Mối tương quan giữa FDI và sự phát thải khí CO2 tại Việt Nam

Từ những số liệu đã thống kê, dữ liệu có thể được mô tả ngắn gọn để có thể nhận diện các thông số của dữ liệu (giá trị trung bình, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, độ lệch chuẩn) để tiện cho theo dõi số liệu và phân tích. Dưới đây là bảng cung cấp thống kê mô tả ngắn gọn cho các biến số.

Kết quả hồi quy được thể hiện trong bảng 2 dưới đây:

Kết quả hồi quy mô hình nghiên cứu bằng phương pháp OLS cho thấy:

P_value của kiểm định F = 0,0000 < 0,01 từ đó có thể suy ra mô hình hồi quy này là phù hợp, tức trong số 4 biến giải thích, có ít nhất một biến có thể giải thích được sự thay đổi của lượng phát thải ô nhiễm.

Khả năng giải thích của mô hình là 98,36% với Adj R-squared=0,9836. Tức mô hình đã giải thích được 98,36% sự thay đổi biến thiên của biến phụ thuộc CO2.

R-squared = 0,9857 suy ra độ mạnh của mô hình chiếm tới 98,57% tức biến độc lập có thể giải thích được 98,57% sự thay đổi của biến phụ thuộc.

Theo bảng 2 có thể thấy, các biến giải thích FDI, EX, POP đều có P-value < 5%, tức sự thay đổi của FDI, gia tăng dân số, gia tăng xuất khẩu có tác động đáng kể đến sự phát thải khí CO2 ra môi trường.

Kết quả được rút ra ước tính như sau:

lnCO2t = -204474,6 + 3,507881lnFDIt-1  – 131,6798 lnGDPt-1 + 686,9618 lnEXPt-1 + 3,157603lnPOPt-1

Các tham số trên cho ra các kết luận sau đây:

(1) Biến FDI, EXP và POP có mối tương quan dương với biến phụ thuộc CO2 (vì hệ số hồi quy của 3 biến này >0).

(2) Biến GDP không có mối quan hệ với biến phụ thuộc CO2 (vì P-value của biến này >5%).

Điều này cho thấy, mức độ thay đổi của lượng khí phát thải CO2 hoàn toàn phụ thuộc vào sự biến đổi của FDI, sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và sự gia tăng dân số. Các biến FDI, POP, EXP đều có mức độ tin cậy từ 93% (với biến FDI) đến 100% (với biến EXP và POP). Riêng biến GDP không đủ ý nghĩa thống kê vì có P-value=0,463 (lớn hơn 0,1).

Nếu các giá trị khác không đổi, khi khối lượng FDI tăng 1% thì lượng phát thải CO2 năm sau đó tăng khoảng 3,51%.

Nếu các giá trị khác không đổi, khi kim ngạch xuất khẩu tăng 1% thì lượng phát thải CO2 năm sau đó sẽ tăng 686,96%.

Nếu các giá trị khác không đổi, khi dân số tăng thêm 1% thì lượng phát thải CO2 năm sau đó tăng 3,16%.

Đối với biến FDI, ước lượng mô hình cho thấy rằng khi FDI từ các quốc gia vào Việt Nam giai đoạn 2000 – 2022 tăng lên 1% thì lượng phát thải khí CO2 năm sau đó tăng 3,51% nếu các giá trị khác không đổi tức là FDI cũng gây ra tác động tiêu cực cho môi trường ở Việt Nam, cụ thể là gia tăng phát thải khí CO2. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, FDI có tác động xấu đến chất lượng môi trường ở các nước tiếp nhận. Điều này có thể giải thích rằng, việc mở cửa thương mại khiến cho dòng FDI thu hút vào Việt Nam có tốc độ gia tăng mạnh mẽ, song lý thuyết đã chứng minh ô nhiễm di cư từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia đang phát triển thông qua kênh FDI. Trên thực tế, các công ty đa quốc gia có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường khi họ tìm cách khai thác lợi thế từ các nước được đầu tư, nơi mà các điều luật kiểm soát môi trường tương đối lỏng lẻo và độ nhạy môi trường thấp hơn. Vì vậy, nghiên cứu có kết quả mang chiều hướng tương đồng về kết luận với các công trình nghiên cứu trước đó, điểm đột phá mới của nghiên cứu này là tính toán một cách chính xác hơn số liệu tương quan giữa FDI và lượng phát thải khí CO2. Từ đó, các chính sách hợp lý được đưa ra để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực này của FDI, tránh cho mức độ ảnh hưởng FDI đến môi trường ngày càng trở nên sâu sắc.

Như vậy, nghiên cứu kết luận rằng, FDI có tác động tương quan thuận chiều đến lượng phát thải CO2 tại Việt Nam. Cụ thể, với việc khối lượng FDI tăng 1% thì lượng phát thải CO2 năm sau đó sẽ tăng khoảng 3,51% trong giai đoạn 1990 – 2022, số liệu này hợp lệ với quy mô FDI hiện tại và lượng phát thải khí CO2 tại Việt Nam không chỉ bị ảnh hưởng bởi sự tăng nguồn vốn FDI trong hiện tại mà còn bị ảnh hưởng bởi các FDI từ các năm trước. Cuối cùng, giả thuyết Việt Nam là một nơi “ẩn giấu ô nhiễm” hay “thiên đường ô nhiễm” của các nước phát triển đã được chứng minh.

Sau gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, FDI vẫn tiếp tục được xác định là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp Việt Nam hiện thực hóa nhanh các định hướng phát triển. Với những lợi thế về môi trường đầu tư thông thoáng, môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn nhân lực dồi dào với chi phí thấp, là một những nền tảng để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam. Nguồn vốn FDI đã đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, nhờ vào FDI mà Việt Nam bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, đóng góp tăng trưởng GDP với mức đóng góp của khu vực FDI trong GDP của cả nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, FDI cũng còn nhiều điểm hạn chế chưa giải quyết được; còn nhiều bất cập của FDI trong thời gian qua. Đặc biệt, đó là việc FDI tác động xấu lên môi trường, làm tăng lượng phát thải CO2 ở Việt Nam. Nhưng thu hút FDI là một chủ trương lớn, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, cần phải chuyển hướng thu hút các FDI “xanh” nhằm giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh, hiện thực hóa nhanh các định hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Nghiên cứu đã chứng minh được FDI nó ảnh hưởng tiêu cực đến lượng phát thải CO2 ở Việt Nam; đồng thời, với đó là kim ngạch xuất khẩu, dân số tăng cũng khiến cho phát thải CO2 tăng làm ô nhiễm môi trường. Với xu hướng mà các nước phát triển và đang phát triển hướng đến trong tương lai, trong đó có Việt Nam, tăng cường thu hút FDI “xanh” sẽ được chú trọng hơn để không chỉ nhằm phát triển đất nước mà còn bảo vệ môi trường, sức khỏe cuộc sống của người dân Việt Nam, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài, bền vững.

Chú thích:
1. Lượng khí thải CO2 tại Việt Nam 500 nghìn tấn/ngày. https://kinhtemoitruong.vn, ngày 23/4/2021.
2. To, A.H.; Ha, D.T.-T.; Nguyen, H.M.; Vo, D.H. The Impact of Foreign Direct Investment on Environment Degradation: Evidence from Emerging Markets in Asia.Int. J. Environ. Res. Public Health,16,1636. https://www.mdpi.com, 10 May, 2019.
3. Brian R. Copeland, M. Scott Taylor. North-South Trade and the Environment. The Quarterly Journal of Economics, Vol. 109, No. 3 (Aug., 1994), pp. 755 – 787.
4. Monica Singhania, Neha Saini. Demystifying pollution haven hypothesis: Role of FDI”. Journal of Business Research, Volume 123, February 2021, Pages 516 – 528.
5. Samuel Asumadu Sarkodie, Vladimir Strezov. Effect of foreign direct investments, economic development and energy consumption on greenhouse gas emissions in developing countries. Science of The Total Environment, Volume 646, 1 January 2019, Pages 862 – 871.
6. Gene M. Grossman and Alan B. Krueger. Environmental Impacts of a North American Free Trade Agreement. National Bureau of Economic Research, working paper 3.914, November 1991.
7. Samuel Asumadu Sarkodie, Vladimir Strezov. Effect of foreign direct investments, economic development and energy consumption on greenhouse gas emissions in developing countries. Science of The Total Environment, Volume 646, 1 January 2019, Pages 862 – 871.
8. Những dấu ấn của “FDI xanh” tại Việt Nam. https://vneconomy.vn, ngày 17/3/2023.
9. World Bank. Tổng quan về Việt Nam. Update 14/4/2023.
Tài liệu tham khảo:
2. Nguyễn Ngọc Đạt, Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Trịnh Hoàng Anh và Vũ Huyền Phương. Tác động của đầu tư FDI và phát thải CO2 tới tăng trưởng kinh tế: bằng chứng thực nghiệm từ một số nước châu Á. Tạp chí Kinh tế Đối ngoại số 91/2017.
2. Nguyễn Tiến Long, Nguyễn Thị Thúy Vân, Nguyễn Thị Ngân. 35 năm thu hút FDI vào Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới. Tạp chí Kinh tế & Quản trị kinh doanh, số 20/2022.
TS. Đặng Xuân Huy
Trường Đại học Thương mại