“Biện chứng pháp” trong triết học Socrates và những giá trị vượt thời đại

(Quanlynhanuoc.vn) –  Socrates là một trong những triết gia vĩ đại của nền triết học phương Tây, được coi là ông tổ của nhân học triết học, ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh, là người sáng lập phương pháp “biện chứng pháp”. “Biện chứng pháp” là phương pháp giúp con người truy tìm chân lý, lẽ phải bằng cách thức tranh luận, phản biện, truy vấn, vặn hỏi. Bài viết phân tích phương pháp “biện chứng pháp” của Socrates, từ đó làm rõ những giá trị vượt thời đại từ biện pháp này của ông.
Triết gia Socrate (Ảnh: vietnamnet)
“Biện chứng pháp” trong triết học Socrates

“Biện chứng pháp”, hay còn gọi là nghệ thuật tranh luận Socrates. Socrates xây dựng một phương pháp đối thoại tích cực bằng cách thức: tranh luận, phản biện, truy vấn, vặn hỏi, qua đó giúp mọi người tránh được sự ngộ nhận, định kiến cá nhân, xác định đúng bản chất của sự việc, tìm ra chân lý để hành động đúng, làm đúng, hướng tới điều thiện, tránh điều ác. Phương pháp này được thực hiện bằng ngôn từ, văn phong hài hước thông qua bốn bước cơ bản:

(1) Bước 1: chất vấn.

Theo Socrates, trong đối thoại, trước hết, người chất vấn cần phải biết, phải tạo nên “tình huống có vấn đề”, tức là cần đặt lại đối với những vấn đề tưởng chừng như đã rõ ràng từ trước. Tiếp  đến là cần lập luận để dồn đối phương (người bị chất vấn) vào thế tự mâu thuẫn với chính mình, từ đó bản thân người bị chất vấn tự nhận ra sai lầm của mình và công nhận ý kiến của người chất vấn là đúng. Để thực hiện được mục đích này thì chủ thể thực hiện đối thoại phải biết mỉa mai hay châm biếm, chọc tức đối phương1.

(2) Bước 2: chủ thể cuộc chất vấn phải biết “đỡ đẻ” cho đối phương.

Thuật ngữ “đỡ đẻ’ với nghĩa đen/nghĩa gốc là “hành động giúp cho người phụ nữ sinh nở được dễ dàng” nhưng Socrates dùng thuật ngữ này với nghĩa bóng, theo đó trách nhiệm của người chất vấn là giúp người bị chất vấn tìm ra lối thoát để đưa họ đến chân lý hay “đẻ” ra suy tư mà họ đã thai nghén trong lòng nhằm tạo lập tri thức mới2. Nếu không gợi mở thì mọi suy nghĩ chỉ tiềm ẩn ở trong đầu mà không thể thoát ra được bên ngoài để trở thành tri thức phổ quát, hay chân lý.

(3) Bước 3: tính quy nạp.

Tính quy nạp ở bước này thể hiện ở việc, chủ thể đối thoại cần phải phân tích các sự vật, hiện tượng đơn lẻ đến việc khái quát thành tri thức chung và nắm bắt bản chất vấn đề tranh luận. Socrates tìm kiếm ý niệm công bằng qua các hành vi gọi là công bằng, ý niệm đẹp qua các sự vật được gọi là đẹp, ý niệm thiện qua những việc làm mà con người cho là tốt lành. Theo Socrates, những cái riêng như bông hoa có thể héo tàn nhưng cái đẹp mà những bông hoa đó đại diện thì còn mãi với thời gian trong tâm thức loài người3.

Có thể thấy, mục đích của tính quy nạp là xây dựng khái niệm chung, phổ quát, phản ánh đúng bản chất của sự vật, nhấn mạnh vai trò của khái niệm trong nhận thức. Đây chính là khởi nguồn của tri thức khoa học.

(4) Bước 4: định nghĩa.

Khi đã có tri thức chung, chủ thể đối thoại cần đi đến bước định nghĩa, nghĩa là kết luận vấn đề một cách xác thực. Chủ thể đối thoại cần nắm bắt bản chất các sự vật như chúng vốn có trong thực tế, xác định đúng bản chất của đối tượng và cuộc tranh luận có thể kết thúc.

Theo Socrates, định nghĩa là quá trình, theo đó trí óc có thể phân biệt hoặc xếp hạng hai đối tượng tư duy: cái cụ thể cảm tính (bông hoa đẹp đang đặt trên bàn) và cái chung phổ quát (ý niệm đẹp mà trong đó bao hàm cả cái đẹp của bông hoa đang đặt trên bàn). Do vậy, không thể đồng nhất cái đẹp cụ thể với ý niệm đẹp nói chung4.

Qua khả năng định nghĩa, Socrates cho thấy, tri thức đích thực không phải là sự tra xét các sự vật, hiện tượng đơn lẻ mà là sự khám phá cái chung ẩn dấu trong chúng, cái chung đó vẫn tồn tại mặc dù các sự vật, hiện tượng đơn lẻ có thể mất đi, ví như cái đẹp vẫn còn sau khi bông hoa héo5.

Theo Bryan Magee, biện chứng pháp “đã làm cho ông (Socrates) trong chừng mực nào đó, trở thành người nổi tiếng nhất trong tất cả các triết gia, ông đã tiến hành truy hỏi không ngừng về những khái niệm nền tảng của chúng ta”6.

Có thể thấy, Socrates là ông tổ của phương pháp “biện chứng pháp”. Biện pháp này chính là con đường giúp con người tìm kiếm tri thức. “Biện chứng pháp” là cuộc hành trình tranh luận, giải quyết những mâu thuẫn của tư duy thông qua hàng loạt những câu hỏi phản biện, tra vấn, phát hiện sự thiếu sót, sai lầm trong nhận thức, phá vỡ những định kiến, thành kiến, cách nghĩ theo lối mòn.

Giá trị thời đại trong triết học Socrates

“Biện chứng pháp” của Socrates có giá trị lịch sử rất lớn, nó góp phần thức tỉnh người Hy Lạp, buộc họ phải nhận thức lại niềm tin của họ đối với vấn đề chân lý. Socrates chỉ ra rằng, chân lý là tri thức khách quan, phổ quát. Sự thống nhất hệ giá trị, thống nhất triết lý là cơ sở cho sự thống nhất hành động và đó là chìa khóa nhằm kiến tạo một xã hội tốt đẹp.

Đối với xã hội hiện đại, “biện chứng pháp” của Socrates vẫn hàm chứa những giá trị rất lớn. Phương pháp tìm kiếm chân lý ấy đã đi vào nền giáo dục nhân loại một cách tự nhiên và trở thành một phương pháp được sử dụng phổ biến trong hoạt động giáo dục hiện nay. Nó được coi là phương pháp giảng dạy tích cực, kích thích năng lực tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, phát huy tinh thần tích cực, chủ động của người học trong học tập, đồng thời, phương pháp “biện chứng pháp” sẽ là một phương pháp hiệu quả trên mọi cuộc hành trình đi tìm chân lý.

“Biện chứng pháp” được coi là “nghệ thuật sản ý”, những câu hỏi tra vấn có tác dụng kích thích tư duy, làm sản sinh ra những ý tưởng mới, phá vỡ những giới hạn chật hẹp của nhận thức, khai mở những chiều kích mới, tạo ra những đột phá trong nhận thức. Bởi vậy, tác dụng của “biện chứng pháp” là kích thích năng lực sáng tạo, mà sáng tạo là động lực của phát triển, nếu không có sáng tạo sẽ không có bất cứ bước tiến nào.

Câu hỏi tra vấn là cội nguồn cho sự sáng tạo. Bởi vậy, việc vận dụng “biện chứng pháp” của Socrates trong hành trình nhận thức nói chung và nhận thức chính mình là con đường để con người ngày càng tiến gần tới chân lý toàn vẹn.

Socrates đã chỉ cho chúng ta thấy sức mạnh của tri thức đối với nhân loại. Ngày nay, trong thời đại nền kinh tế tri thức, trí tuệ trở thành nguồn sức mạnh quyết định, thậm chí nó còn là tiêu chí của sự phát triển của xã hội hiện đại. Thước đo của thời hiện đại không phải là sức mạnh “cơ bắp” mà là sức mạnh tri thức. Do đó, bồi dưỡng trí tuệ và nâng cao tri thức trở thành một hoạt động tất yếu của mỗi con người. Triết học Socrates chính là lời nhắc nhở chúng ta không ngừng bồi dưỡng đạo đức, nâng cao trí tuệ để hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Kết luận

Socrates đã để lại cho nền triết học phương Tây nói riêng và nền triết học thế giới nói chung những tư tưởng còn nguyên giá trị thời đại. Ông đã thực hiện một cuộc cách mạng đích thực là đưa con người vào vị trí trung tâm của sự truy tầm triết học, làm nên bước ngoặt trong nhận thức về chân lý. Phương pháp “biện chứng pháp” đã, đang và sẽ còn được sử dụng như là một trong những cách thức hiệu quả cho quá trình nhận thức.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. 5, 6. Lê Công Sự. Socrates và tư tưởng độc đáo của ông. Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 9, 2012.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Thanh, Nguyễn Anh Tuấn. Đại cương lịch sử triết học phương Tây. NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
2. Nguyễn Văn Khoa (dịch). Socrates tự biện. H. NXB Tri thức, 2006.
3. Thái Ninh. Triết học Hy Lạp cổ đại. HNXB Sách giáo khoa Mác – Lênin, 1987.
4. Đinh Ngọc Thạch. Triết học Hy Lạp. H. NXB Chính trị quốc gia, 1999.
5. Đỗ Văn Tuấn, Lưu Văn Hy (dịch). Tuyển tập danh tác triết học – Từ Plato đến Derrida. H. NXB Văn hóa thông tin, 2006.
6. Nguyễn Hữu Vui. Lịch sử triết học. H. NXB Chính trị quốc gia, 2007.
TS. Vũ Thị Hải
TS. Nguyễn Văn Thỏa
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội