(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh đất nước đang tiến hành công cuộc cải cách hành chính để phát triển và hội nhập, giữa việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và vai trò, trách nhiệm của Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng. Giải quyết tốt mối quan hệ này cần phát huy tính tích cực của cả hai phía Nhà nước và Nhân dân. Bài viết đánh giá thực trạng, đề xuất một số giải pháp phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.
1. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu việc giác ngộ chính trị, bồi dưỡng đạo đức, vạch rõ đường đi cho toàn thể nhân dân ta và tin tưởng tuyệt đối vào tính tất yếu của đại thành công trên cơ sở của sức mạnh đại đoàn kết. Để thực sự phát huy quyền làm chủ của Nhân dân hơn nữa, Đại hội XIII đã bổ sung nội dung “dân giám sát”. Đây là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về dân chủ. Sự phát triển, hoàn thiện đó có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong xây dựng và phát huy nguồn lực con người, hoàn thiện văn hóa công vụ, là động lực, yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước1.
Nâng cao nhận thức của người dân về quyền dân chủ, quyền lợi của Nhân dân, khắc phục tâm lý đến cơ quan hành chính nhà nước là đến “cửa quan”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trước hết, nếp sống văn minh trong Đảng phải thể hiện được lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bởi chủ nghĩa xã hội là một xã hội văn minh mà Nhân dân ta đang hướng tới. Nếu trong Đảng có sự sa sút về lý tưởng thì không thể nói cơ sở Đảng đó đã xây dựng được nếp sống văn minh. Muốn thực hành dân chủ tốt phải có một thể chế thực sự dân chủ, trong đó điều rất cơ bản là phải công khai thông tin, nhất là thông tin tài chính, “… thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều phải bàn bạc với xã viên, cán bộ không được quan liêu, mệnh lệnh”2. Cơ chế dân chủ là linh hồn của nếp sống văn minh cho sự hoạt động của Nhà nước, là nền tảng cho việc xây dựng và phát triển văn hóa công vụ (VHCV). Mọi sự chuyên quyền, độc quyền, lạm quyền đều trái với VHCV.
2. Những năm vừa qua, thông qua cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện gián tiếp, vai trò kiểm tra, giám sát của Nhân dân đã thật sự phát huy hiệu quả cao trong phát hiện và xử lý các vi phạm của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tạo mọi điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, ý kiến kiến nghị của cử tri và tình hình hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân; việc thu, chi ngân sách, quyết toán các công trình xây dựng do Nhân dân đóng góp…, dưới sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân, chất lượng các công trình được nâng cao, đồng thời hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Hiệu quả càng thấy rõ khi quá trình kiểm tra, giám sát được thực hiện qua nhiều hình thức, phương pháp tổ chức khác nhau, góp phần cải thiện biểu hiện thái độ và hành vi của CBCCVC trong thi hành công vụ…
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc thực thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” còn một số hạn chế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phương châm chưa thực sự thường xuyên. Công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện chưa được chú trọng. Một số văn bản pháp luật liên quan đến dân chủ ở cơ sở chậm được xây dựng và hoàn thiện”3; Phương châm chưa thực sự đi đôi với giữ gìn trật tự, kỷ cương. Có nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức; ý kiến của Nhân dân chưa thực sự được lắng nghe; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chưa được thể chế hóa một cách cụ thể, đầy đủ, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội chưa đều… Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng, coi nhẹ ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, giải quyết chưa kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, trong phát huy quyền làm chủ của Nhân dân…4.
3. Xây dựng và phát triển VHCV là một quá trình, vì vậy đòi hỏi sự nỗ lực, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, mỗi CBCCVC, các cơ sở đào tạo và Nhân dân cùng tham gia. Qua đó phát huy quyền làm chủ của Nhân dân một cách có hiệu quả, phải cho “dân biết” bằng cách giải quyết tốt hai vấn đề: nâng cao dân trí và thông tin đầy đủ cho dân, nghĩa là công khai hóa. Hai vấn đề này đòi hỏi phải thực hiện một xã hội thông tin đa chiều, giúp cho người dân thường xuyên được cập nhật thông tin một cách dễ dàng và hiệu quả nhất.
Nâng cao dân trí cho Nhân dân nhằm hạn chế bệnh cửa quyền, quan liêu trong bộ máy nhà nước, trước hết là nâng cao nhận thức về pháp luật và thực hành nếp sống, làm việc theo pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước cần luật hóa đối với việc thực hiện công khai, minh bạch đối với các cơ quan công quyền. Đi đôi với việc công khai hóa, cần thực hiện chế độ trách nhiệm cá nhân đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tốt chế độ trách nhiệm cá nhân, người cán bộ lãnh đạo sẽ có động lực lớn trong việc lựa chọn những cộng sự, nhân viên dưới quyền có năng lực, trình độ và trách nhiệm, thực hiện công việc chung có hiệu quả cao. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện VHCV, làm căn cứ để các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét trách nhiệm khi CBCCVC vi phạm các chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, đồng thời là căn cứ để Nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của CBCCVC.
Các cơ quan hành chính nhà nước cần công khai các tiêu chí VHCV để người dân được biết, bố trí lịch tiếp công dân, lắng nghe ý kiến phản hồi, đánh giá, góp ý, qua đó, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển VHCV của CBCCVC. Khuyến khích nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về văn hóa ứng xử của công chức, viên chức bằng nhiều hình thức, như: hộp thư góp ý; tổ chức buổi làm việc, tiếp nhận phản hồi trực tiếp hằng tháng với lãnh đạo cơ quan. Những ý kiến đóng góp của người dân về đạo đức, VHCV, tinh thần và trách nhiệm của CBCCVC khi thực thi công vụ sẽ kịp thời động viên CBCCVC làm việc tốt hơn, yêu nghề hơn, đồng thời qua những phản hồi của người dân sẽ giúp cho tổ chức, lãnh đạo cơ quan kịp thời phát hiện, uốn nắn, điều chỉnh hoặc có các hình thức kỷ luật thích đáng với những vi phạm.
Nhà nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, chủ động đề ra chế độ làm việc thích hợp để Nhân dân thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Mặt khác, về phía người dân cần nâng cao ý thức, nhận thức rõ trách nhiệm và quyền lợi, muốn thực hiện quyền lợi làm chủ thì trước hết phải có năng lực làm chủ, bản thân mỗi người dân mình phải tự học và rèn luyện về nhận thức và bản lĩnh với tinh thần tích cực, chủ động.
Thực hiện quyền dân chủ trong Nhân dân cần gắn liền với việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Khắc phục tình trạng lợi dụng dân chủ để thực hiện những hành vi gây rối, tiêu cực, cố tình khiếu nại sai hoặc do không hiểu biết mà vô tình vu khống; hạn chế, ngăn ngừa tình trạng một số người tìm hiểu rất kỹ pháp luật nhưng chỉ vận dụng một chiều, tìm những căn cứ có lợi cho mình mà không xét đến tổng thể.
Đẩy mạnh phát huy thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường tính tự nguyện, tự giác trong cộng đồng dân cư; tuyên truyền, giáo dục tinh thần vì lợi ích chung của quốc gia đối với sự phát triển; đóng góp nhiều hơn trong việc xây dựng VHCV ở nước ta hiện nay.