Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với phòng khám đa khoa tư nhân hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác quản lý nhà nước đối với phòng khám đa khoa tư nhân ở Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần bảo đảm khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, như: hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện; nguồn lực cho hoạt động quản lý còn hạn hẹp, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu thốn, lực lượng cán bộ quản lý còn mỏng; quản lý giá dịch vụ y tế tại các phòng khám còn nhiều bất cập… Bài viết đánh giá thực tiễn và một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với phòng khám đa khoa tư nhân hiện nay.
Ảnh minh họa (hiephoibenhvientu.com.vn)
Khái quát chung về phòng khám đa khoa tư nhân

Phòng khám đa khoa (PKĐK) là một cơ sở chăm sóc sức khỏe chủ yếu là dành cho việc chăm sóc bệnh nhân ngoại trú (không ở lại qua đêm).

Để được thực hiện hoạt động khám bệnh, PKĐK tư nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thủ tục thành lập (có quyết định thành lập của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở y tế khác), thủ tục hoạt động (có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp). Ngoài ra, PKĐK còn phải bảo đảm yêu cầu về quy mô phòng khám, cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân sự đáp ứng yêu cầu của PKĐK1.

Thực trạng thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với phòng khám đa khoa tư nhân hiện nay

Hiện nay, nhu cầu an sinh xã hội, trong đó là các dịch vụ về KCB, cơ sở KCB được tổ chức thành hệ thống từ tuyến trung ương đến tuyến xã, phường, thị trấn. PKĐK tư nhân là một trong các hình thức trong hệ thống cơ sở KCB. Các PKĐK tư nhân được thành lập ngày càng nhiều đã giải quyết được phần nào nhu cầu KCB của người dân, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động KCB, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đồng thời, trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống y tế quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Hệ thống y tế tư nhân được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển nhằm huy động sự đóng góp nguồn lực của xã hội cho công tác KCB, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhiều cơ sở KCB tư nhân đã ứng dụng các kỹ thuật cao, cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ KCB, góp phần giảm tải cho bệnh viện công lập.

Theo số liệu thống kê năm 2019 cho thấy, cả nước có 669 bệnh viện, trung tâm Y tế huyện với 78.481 giường; 354 PKĐK khu vực với 4.437 giường. Đối với một số thành phố, như: Hà Nội có 3.788 cơ sở KCB ngoài công lập, trong đó có 38 bệnh viện, 170 PKĐK, 725 cơ sở KCB y học cổ truyền, 2.855 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế; 7.728 cơ sở hành nghề dược; TP. Hồ Chí Minh có 216 PKĐK công lập và tư nhân, trong đó có 28 PKĐK công lập thuộc các bệnh viện và 188 PKĐK tư nhân, trong đó hoạt động KCB tại các PKĐK chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng số lượt KCB của thành phố (gần 7%)2.

Kết quả hoạt động của các PKĐK tư nhân đã có những đóng góp to lớn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế, đa dạng hoá sự lựa chọn của người tiêu dùng, tham gia KCB làm giảm tải cho hệ thống y tế công. Sự ra đời của các cơ sở KCB tư nhân đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao.

Tuy nhiên, sự phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn có những hạn chế nhất định do chịu tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường. Đó là, PKĐK có tăng về số lượng, tăng về quy mô, nhưng chưa đi liền với nâng cao chất lượng. Hiện có gần 320 bệnh viện tư và 38.000 phòng khám tư, chỉ đáp ứng hơn 5% tổng số giường bệnh là tỷ lệ rất thấp3. Trong khi phát triển y tế tư nhân là một xu thế tất yếu và cần phải tìm giải pháp để các mô hình này phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu của xã hội.

Một số PKĐK tư nhân còn cố tình làm sai quy định, như: hành nghề không có giấy phép của cơ quan thẩm quyền; cơ sở vật chất, trang thiết bị không đủ hoặc cũ kỹ; bác sỹ là những sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm; môi trường KCB, vệ sinh phòng khám không được bảo đảm, hành nghề không đúng chuyên môn trong giấy phép hành nghề, tuỳ tiện nâng giá các dịch vụ KCB; khám bệnh không thực hiện đầy đủ các quy định về chuyên môn, gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh, thậm chí là tới tính mạng của người bệnh…. là những vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng KCB, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Còn có tình trạng một số phòng khám đang trong thời gian bị tước giấy phép KCB, nhưng vẫn mở cửa đón bệnh nhân, đơn cử như ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về việc vi phạm của các PKĐK tư nhân, Uỷ ban nhân dân các thành phố: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở có hình thức kinh doanh tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ, rủi ro như: PKĐK, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám răng hàm mặt, phòng xét nghiệm… và các cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài.

Qua đánh giá thực tế hoạt động tại các phòng khám, đoàn kiểm tra Sở Y tế sẽ phát hiện những ưu điểm và cách làm hay của cơ sở để khuyến khích và nhân rộng, đồng thời chỉ ra những tồn tại và cách làm chưa đúng để hướng dẫn đơn vị khắc phục, cải tiến vì chất lượng và an toàn cho người bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Đối với những PKĐK chưa đạt được mức tiêu chuẩn thiết yếu, sau khi chỉ ra tồn tại, thiếu sót cần khắc phục, Sở Y tế sẽ tái kiểm tra để đánh giá công tác cải tiến của phòng khám; nếu đơn vị không có biện pháp khắc phục, Sở Y tế sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Bên cạnh các hoạt động hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về KCB và các quy chế chuyên môn, thúc đẩy không ngừng nâng cao chất lượng, Sở Y tế còn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau cấp phép hoạt động PKĐK theo quy định, đặc biệt là khi nhận được phản ánh, bức xúc từ người dân về dấu hiệu sai phạm tại các cơ sở. Ngoài ra, Sở Y tế đã và sẽ tiếp tục tổ chức hậu kiểm theo các chuyên đề về bảo đảm an toàn tiêm chủng, an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm, được tiến hành lồng ghép trong các đợt kiểm tra chất lượng của Sở Y tế. Sở Y tế cùng các Phòng Y tế quận, huyện đẩy mạnh công tác quản lý, nắm bắt những phản ánh của người dân trên địa bàn, giám sát có trọng điểm đối với các PKĐK, dựa vào kết quả đánh giá chất lượng của Sở Y tế, kịp thời báo cáo về Sở Y tế nếu phát hiện cơ sở có vi phạm quy định.

Sở Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm và tăng cường quản lý các cơ sở y tế tư nhân về kê khai giá dịch vụ y tế, niêm yết công khai giá dịch vụ KCB và thu phí đúng giá niêm yết. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong quản lý hành nghề KCB tư nhân trên địa bàn. Cụ thể, chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các bộ phận chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các địa chỉ phòng khám đã từng vi phạm, đang vi phạm và bị tạm đình chỉ ngưng hoạt động, buộc các cơ sở vi phạm ngưng quảng cáo, che hoặc gỡ biển hiệu trong thời gian bị tạm ngưng hoạt động.

Thực tiễn về quản lý các PKĐK tại thành phố Hà Nội cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn khách quan4. Trong quá trình thực hiện các quy định của luật, nghị định, thông tư, Sở Y tế phải thường xuyên xin ý kiến hướng dẫn bổ sung của Bộ Y tế. Các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến hoạt động hành nghề y, dược có nhiều nội dung thay đổi, tác động đến điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề và cấp phép hoạt động, trong khi các cá nhân, tổ chức hành nghề chưa chủ động nghiên cứu và cập nhật văn bản mới. Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý cũng chưa rõ ràng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, đặc biệt là vấn đề phân cấp đối với quận, huyện, xã, phường chưa phù hợp với thực tế…

Một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với phòng khám đa khoa tư nhân

Thứ nhất, phải ban hành văn bản pháp quy mang tính chỉ đạo, hướng dẫn đối với hoạt động hành nghề y tư nhân thật cụ thể; trong đó có PKĐK tư nhân. Ngoài Luật Khám bệnh, chữa bệnh, thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Sở Y tế cần phải có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể đối với loại hình hoạt động này.

Thứ hai, khuyến khích phát triển hệ thống PKĐK tư nhân với sự hợp tác công – tư trong cung cấp dịch vụ y tế để hệ thống y tế phát triển theo hướng công bằng và hiệu quả hơn.

Thứ ba, để quản lý tốt, bên cạnh hệ thống giáo dục tốt, cần có một hệ thống quản lý điện tử thông qua mạng Internet. Ở đó công khai, minh bạch mọi thông tin về bác sỹ, phòng khám tư nhân cũng như các sự cố liên quan đến pháp luật. Từ đó có cơ sở để khách hàng (người bệnh, người dân) lựa chọn các bác sỹ, các phòng khám uy tín.

Thứ tư, duy trì bộ máy quản lý PKĐK tư nhân từ tỉnh đến huyện, xã. Phân cấp quản lý cụ thể đối với từng cấp, tránh hoạt động chồng chéo và kém hiệu quả.

Thứ năm, tăng cường giáo dục, phổ biến và tuyên truyền chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoạt động PKĐK tư nhân và các nội dung liên quan đến sức khoẻ của người dân, để người dân ngày càng nhận thức đầy đủ về bảo vệ sức khoẻ và các cơ sở PKĐK tư nhân hoạt động theo đúng pháp luật.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra là biện pháp hữu hiệu và cần thiết để hướng hoạt động của các PKĐK tư nhân phát triển theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ bảy, khen thưởng kịp thời những cơ sở hoạt động tốt và xử phạt nghiêm những cơ sở hoạt động trái với quy định của Nhà nước để hoạt động PKĐK tư nhân ngày càng phát triển đúng hướng và đem lại niềm tin của người dân trong hoạt động KCB tại các PKĐK tư nhân. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành để quản lý tốt các hoạt động PKĐK tư nhân.

Chú thích:
1. Điều 25 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh; sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
2. Điểm tin y tế. https://moh.gov.vn, ngày 01/6/2019.
3. Cần xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân. https://tuoitrethudo.com.vn, ngày 06/8/2022.
4. Hà Nội yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực y dược tư nhân. https://suckhoedoisong.vn, ngày 20/02/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 04/CT-BYT ngày 04/7/2017 của Bộ Y tế về việc tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.
2. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; sửa đổi, bổ sung năm 2013
3. Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
4. Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
5. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 về của Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII) tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
6. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh kêu gọi người dân tố giác hành vi khám, chữa bệnh của các phòng khám tư nhân. https://vtv.vn, ngày 31/11/2022.
7. TP. Hồ Chí Minh xử phạt 11 cá nhân, cơ sở khám, chữa bệnh. https://doanhnghiepvadautu.info.vn, ngày 19/02/2023.
8. Xử phạt vi phạm hành chính 122 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của Phòng khám đa khoa Thiện Hòa. https://soyte.hanoi.gov.vn, ngày 12/5/2023.
ThS. Nguyễn Cao Kỳ Duyên
Công ty TNHH Bệnh viện Việt Nhật