Kết quả triển khai chính sách trợ giúp xã hội dành cho hộ gia đình dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu

(Quanlynhanuoc.vn) – Lai Châu là địa bàn đặc thù với 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, là tỉnh có nền kinh tế kém phát triển nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước. Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh có 75 xã và 617 bản đặc biệt khó khăn1, đây là thách thức lớn cho việc cân đối triển khai chính sách trợ giúp xã hội tới các hộ gia đình dân tộc thiểu số; ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lai Châu. Bài viết tập trung khai thác những mặt tích cực của việc triển khai chính sách với những kết quả đã đạt được, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục triển khai chính sách trợ giúp xã hội tới đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm tiếp theo.
Ảnh minh họa (vov.vn).
Đặt vấn đề

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 nêu rõ, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị – xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong đó, nhấn mạnh bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là đối với dân tộc thiểu số (DTTS) tại các địa bàn khó khăn.

Với một xuất phát điểm thấp, song với những nỗ lực của các cấp, các ngành, tỉnh Lai Châu đã tập trung đẩy mạnh việc triển khai các chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) dành cho hộ gia đình DTTS, như: hỗ trợ nâng cấp, cải tạo nhà ở, hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt, chăm sóc, giáo dục thường xuyên cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, hỗ trợ về giáo dục, về y tế và chăm sóc sức khỏe… Sự thành công của chính sách được ghi nhận thông qua mức độ hài lòng cao từ phía người thụ hưởng. Tuy nhiên, để chính sách TGXH tiếp tục phát huy hiệu quả trong giai đoạn tới, tỉnh Lai Châu cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp về chính sách.

Những kết quả nghiên cứu về triển khai chính sách

Hiện nay, đời sống của người DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế nghèo nàn, chậm phát triển, tập quán canh tác vẫn ở tình trạng lạc hậu. Một bộ phận người DTTS còn thiếu đất sản xuất, đời sống mọi mặt của một số dân tộc đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu tiếp tục giảm xuống còn 16,7% và và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 8,6%, song vẫn cao hơn so với mặt bằng chung cả nước2. Khoảng cách về mức sống giữa các vùng, các dân tộc có sự chênh lệch ngày càng tăng, như: khó khăn về kinh tế, nhà ở, thu nhập, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

Bên cạnh đó, Lai Châu còn chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và tai nạn, trong giai đoạn 2015 – 2020, theo số liệu thống kê năm 2021 của tỉnh cho thấy, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra lên tới 1.111,69 tỷ đồng, trong đó có 162 người chết và bị thương, 16.465 nhà ở nhà bị sập, đổ hoàn toàn, thiệt hại 9.036 ha hoa màu. Tai nạn trên địa bàn với tổng thiệt hại lên tới 27,61 tỷ đồng, trong đó người chết và bị thương là 517 người (204 người chết và 313 người bị thương), tổng số vụ cháy/nổ cũng lên tới 133 vụ3.

Thiệt hại về thiên tai và tai nạn đã làm cuộc sống của nhiều hộ gia đình DTTS rơi vào cảnh ngày càng khó khăn. Chính vì vậy, tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện đa dạng các biện pháp TGXH. Trong đó, ngân sách của tỉnh hằng năm chi cho TGXH dao động từ 100 – 160 tỷ. Tổng số tiền chi cho cả giai đoạn 2015 – 2019 lên tới khoảng 821 tỷ đồng. Mức chi này tương ứng với khoảng gần 2,5% tổng chi ngân sách toàn tỉnh4. Chỉ tính riêng năm 2019, đã có tới 1.094 hộ gia đình được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo nhà ở với tổng kinh phí lên tới hơn 5 tỷ đồng. Khoản tiền này được lấy từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 20205.

Bên cạnh đó, các chương trình bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững cũng triển khai nhiều hoạt động TGXH dành cho hộ gia đình. Năm 2020, Lai Châu thực hiện nhiều hoạt động TGXH, bao gồm: thăm hỏi, tặng quà tới 73.857 lượt hộ gia đình, phân bổ 374,58 tấn gạo cứu đói, 50 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ hộ gia đình sửa chữa, xây mới nhà ở6. Trước thực trạng mức sống khó khăn của một số hộ gia đình DTTS đã có nhiều hoạt động trợ giúp dành cho hộ gia đình, như: thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, chuồng trại cho 2.021 hộ gia đình, đạt 65,89% tổng số hộ được phê duyệt với mức hỗ trợ bình quân lên tới 3 triệu đồng/hộ; các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Tè (gọi tắt là Đề án 245) đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhiều nhà ở cho các hộ gia đình DTTS có hoàn cảnh khó khăn (xem bảng 1 dưới đây)7.

Theo bảng 1 cho thấy, trong năm 2020, Đề án 245 của tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ xây mới 755 nhà ở và sửa chữa 307 nhà ở cho các hộ gia đình DTTS tại 14 xã, thị trấn của huyện Mường Tè. Tổng số nhà được xây mới, sửa chữa lên tới 1.062 nhà với tổng kinh phí thực hiện lên tới 42.355 triệu đồng. Các hoạt động trợ giúp xây mới, sửa chữa nhà ở đã huy động hơn 800 cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức, đoàn viên, thanh niên với khoảng trên 22.000 ngày công, huy động 20 phương tiện giải phóng hơn 50.000 m3 đất đá, bắc 33 cầu tạm để vận chuyển nguyên vật liệu qua sông, suối. Ngoài ra, người dân cũng tham gia đóng góp trên 20.000 ngày công lao động, tự trang bị, mua sắm thêm công cụ lao động, tự thuê máy móc, sử dụng 10 xe ô tô và trên 100 xe máy cá nhân cùng tham gia làm nhà8.

Ngoài được hỗ trợ về nhà ở, nhiều hộ gia đình DTTS còn được tiếp cận các hoạt động TGXH về giáo dục với mức hỗ trợ có thể lên tới 100% mức lương tối thiểu. Mức thấp nhất mà hộ gia đình nhận được cũng lên tới 30% dành cho bậc mầm non. Tổng số tiền giải ngân chi cho hoạt động TGXH về giáo dục dành cho hộ gia đình DTTS của tỉnh lên tới 87.553 triệu đồng9. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã giảm bớt gánh nặng ngân sách chi tiêu đầu tư cho giáo dục, qua đó tăng cường nguồn vốn tập trung cho phát triển kinh tế. Các hoạt động TGXH về y tế và chăm sóc sức khỏe dành cho hộ gia đình DTTS cũng ngày được tăng cường (nhất là trong đại dịch Covid-19), góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Từ các kết quả trên cho thấy, công tác triển khai chính sách TGXH dành cho hộ gia đình DTTS của tỉnh Lai Châu đã được đảng bộ và chính quyền địa phương luôn quan tâm, triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách về TGXH; đồng thời, công tác cứu trợ đột xuất đối với hộ gia đình DTTS đã được triển khai tương đối kịp thời, góp phần tạm thời ổn định cuộc sống của đối tượng yếu thế trong tỉnh. Đây chính là nhân tố, điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chính sách TGXH dành cho hộ gia đình DTTS tại tỉnh Lai Châu đạt được nhiều kết quả tích nhiều hơn trong giai đoạn tới.

Một số giải pháp tăng cường trợ giúp xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới

Một là, ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển kinh tế hộ gia đình, coi đây là giải pháp “cốt lõi” giảm số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn cần được trợ giúp.

Hoạt động này cần được quán triệt, thực hiện lồng ghép trong các chiến lược phát triển kinh tế cũng như các chương trình hỗ trợ giảm nghèo của địa phương. Cần tập trung vào những điểm sáng về kinh tế, qua đó, tạo ra chuỗi liên kết vùng, liên kết các điểm phát triển trên địa bàn. Những điểm sáng về phát triển kinh tế này sẽ góp phần lan tỏa giá trị, lợi ích ra các địa bàn xung quanh, từ đó, giảm dần số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn/đặc biệt khó khăn cần được TGXH.

Hai là, nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai chính sách TGXH đến với các hộ gia đình DTTS.

Có kế hoạch kiện toàn đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác triển khai chính sách; tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ triển khai chính sách. Nêu gương, động viên, khen thưởng kịp thời những cán bộ hoàn thành tốt việc triển khai chính sách TGXH, đồng thời kiểm điểm, phê bình những trường hợp thiếu trách nhiệm, thụ động, lợi dụng vị trí công việc vì mục đích cá nhân, gây cản trở người dân tiếp cận chính sách.

Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai chính sách TGXH cần hướng tới tháo gỡ khó khăn, khắc phục những yếu kém trong các khâu, các công đoạn triển khai chính sách, lấy đó là trọng tâm, trọng điểm đề ra mục tiêu, nhiệm vụ triển khai chính sách TGXH trong giai đoạn kế tiếp.

Tăng cường chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách TGXH; xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng TGXH của các địa phương để phục vụ hoạch định chính sách và bố trí kinh phí trợ cấp của tỉnh; điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, bảo đảm đáp ứng mức sống tối thiểu cho đối tượng được thụ hưởng.

Ba là, đa dạng hóa các loại hình TGXH, ưu tiên tập trung nguồn lực TGXH dành cho những hộ gia đình DTTS đặc biệt khó khăn như Cống, Mảng, La Hủ.

Đa dạng hóa, cụ thể hóa các chương trình TGXH để hỗ trợ, bù đắp thiếu hụt về thu nhập cho đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí  và phương thức TGXH hướng tới bảo đảm các đối tượng có thu nhập dưới mức sống tối thiểu đều nhận được TGXH. Nghiên cứu xây dựng chính sách TGXH bảo đảm các hộ nghèo, hộ gia đình DTTS ở vùng sâu, vùng xa có con em đi học phổ thông đều được đến trường; tiến tới mục tiêu mọi người đến tuổi về hưu mà không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, với người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn đều được chăm sóc và TGXH.

Tăng cường chỉ đạo, giám sát nâng cao hiệu quả TGXH đột xuất, nâng cao năng lực cho người dân đối phó với rủi ro đột xuất, hình thành quỹ dự phòng TGXH đột xuất tại các địa phương để chủ động huy động các nguồn lực, mở rộng đối tượng và hỗ trợ kịp thời khi gặp rủi ro khi thiên tai, dịch bệnh đột xuất.

Thực hiện xã hội hóa nhằm huy đồng nguồn lực của khu vực tư nhân, như: các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… nhằm đem lại lợi ích cho đối tượng thụ hưởng, song không gây tổn hại tới lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia. Theo đó, đẩy mạnh triển khai chính sách TGXH sang thành cung cấp dịch vụ TGXH hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà hướng tới chăm sóc đối tượng dựa vào cộng đồng.

Những hộ gia đình DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần tiếp tục được ưu tiên trong việc triển khai chính sách TGXH, trong các chế độ hỗ trợ và tạo động lực phát triển. Đặc biệt, những DTTS nghèo như Cống, Mảng, La Hủ cần tiếp tục được hỗ trợ ở mức độ ưu tiên cao hơn so với các DTTS khác.

Chú thích:
1. Lê Chí Công. Thực tiễn 15 năm tỉnh Lai Châu cụ thể hóa và thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng (2004 – 2019): những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới. NXB Lai Châu, 2020, tr. 95.
2, 5. Báo cáo số 123/BC-UBND ngày 18/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về đánh giá tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
3. Cục Thống kê tỉnh Lai Châu. Niên giám thống kê tỉnh Lai Châu 2021. H. NXB Thống kê, 2021, tr. 247.
4. Cục Thống kê tỉnh Lai Châu. Niên giám thống kê tỉnh Lai Châu 2020. H. NXB Thống kê, 2020, tr. 198.
6, 9. Báo cáo số 235/BC-UBND ngày 19/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về tổng kết tình hình thực hiện đề án phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc La Hủ, Mảng, Cống giai đoạn 2013 – 2020.
7, 8. Báo cáo kết quả thực hiện Đề án 245 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, ngày 28/10/2020.
TS. Đông Thị Hồng
TS. Lê Hương Giang
Trường Đại học Lao động – Xã hội