Phân quyền công tác cán bộ, tổ chức bộ máy biên chế trong mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng chính quyền đô thị với những đột phá về mô hình, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền trên tất cả các lĩnh vực, để tạo sự bứt phá, tự chủ, tự quyết gắn với điều kiện đặc thù phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô là cấp thiết. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề cập các vấn đề lý luận và thực tiễn, cơ sở pháp lý về phân quyền cho Thủ đô trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy biên chế nhằm góp phần hoàn thiện quy định này trong Dự thảo Luật Thủ đô.
Ảnh minh họa (dantri.com.vn)
Tính tất yếu, khách quan xây dựng mô hình chính quyền đô thị, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa các cấp chính quyền

Về góc độ lý luận nghiên cứu khoa học hành chính, khoa học pháp lý liên ngành, đa ngành, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) hiện nay là một xu thế tất yếu, vì đặc thù của đô thị và nông thôn có sự khác nhau, dẫn đến cần phải có mô hình CQĐT và chính quyền nông thôn phải có sự khác biệt.

Mô hình CQĐT phù hợp với đặc điểm của CQĐT về tính thống nhất liên thông của hạ tầng kinh tế – kỹ thuật đòi hỏi sự quản lý điều hành liên tục thống nhất nên mô hình đô thị phải được tổ chức sao cho không tạo ra quá nhiều sự cắt khúc trong tổ chức các cấp quản lý hành chính trong phạm vi lãnh thổ hành chính của đơn vị. CQĐT quản lý ngành là chủ yếu để phục vụ quản lý cơ sở hạ tầng, trật tự an toàn giao thông, môi trường… bảo đảm quyền làm chủ của người dân.

Phân quyền, phân cấp là xu hướng tất yếu trong quá trình quản trị nhà nước, quản trị địa phương, phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương, các cấp chính quyền địa phương, chỉ ra được các đặc thù phân cấp, phân quyền giữa đô thị và nông thôn cần phải có sự khác biệt;

Xu hướng chuyển đổi của chính sách, pháp luật trong bối cảnh hiện nay là xây dựng chính sách, pháp luật từ dưới lên, có những thể chế được hình thành từ những thiết chế thấp hơn Nhà nước với đặc thù của mỗi cấp chính quyền, đô thị, nông thôn, vùng miền trong một nền hành chính quốc gia thống nhất thông suốt, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

Về lý thuyết, mô hình tổ chức CQĐT phải bảo đảm các nguyên tắc: (1) Đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; (2) Đề cao trách nhiệm cá nhân trên cơ sở phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân và tập thể trong tổ chức và hoạt động của CQĐT; (3) Bảo đảm tính chủ động, độc lập của CQĐT trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao; (4) Bảo đảm sự thông suốt và hiệu quả, giảm bớt tổ chức trung gian, hướng tới CQĐT một cấp thống nhất.

Trong bối cảnh hiện nay, CQĐT là chính quyền địa phương (CQĐP) được tổ chức phù hợp với các đặc điểm của đô thị vừa thể hiện các vấn đề chung của chính quyền địa phương về bản chất, vị trí, vai trò, chức năng đại diện của Nhân dân và các mối quan hệ giữa chính quyền các cấp theo quy định của pháp luật; vừa thể hiện các yêu cầu đặc thù riêng của phương thức tổ chức, quản lý và phát triển đô thị. CQĐT được xây dựng và hoàn thiện hướng tới quản trị địa phương hiệu lực, hiệu quả, chính quyền tinh gọn, minh bạch, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về mô hình chính quyền đô thị nói chung và thực tiễn tại Hà Nội

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra chủ trương: “thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”1 Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về CQĐT đã tạo cơ sở pháp lý và môi trường thuận lợi để CQĐT có thể chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủLuật Tổ chức CQĐP năm 2019 (sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Luật Tổ chức CQĐP năm 2015) khẳng định: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 2 của Luật này phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” (khoản 1 Điều 2); Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 44: “Chính quyền địa phương ở quận là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương” (khoản 14 Điều 2); sửa đổi, bổ sung Điều 58: “Chính quyền địa phương ở phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương” (khoản 17 Điều 2). Những sửa đổi, bổ sung trên đây nhằm tạo cơ sở để Quốc hội quyết định một số đề án về thí điểm CQĐT ở một số địa phương phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng đô thị.

Để thể chế hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình CQĐT và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn thi hành, văn bản thí điểm, hướng dẫn, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động của CQĐT tại thành phố Hà Nội có một số thay đổi so với Luật CQĐP năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) như sau:

Theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, tổ chức mô hình CQĐT có sự thay đổi là CQĐP ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là UBND phường. Tại Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, căn cứ quy định của pháp luật về thẩm quyền và phân cấp, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường (ở thành phố Hà Nội, thẩm quyền này chủ tịch UBND quận, thị xã quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác đối với chủ tịch UBND phường (chủ tịch phường), phó chủ tịch UBND phường (Phó chủ tịch phường); khen thưởng, kỷ luật công chức làm việc tại UBND phường; giao quyền chủ tịch phường theo quy định của pháp luật. Sở Nội vụ thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường.

Cơ cấu tổ chức của UBND phường, gồm: chủ tịch phường; phó chủ tịch phường; trưởng công an phường; chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường và các công chức khác: văn phòng – thống kế; địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường; tài chính – kế toán; tư pháp – hộ tịch, văn hóa – xã hội. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận, thị xã. Căn cứ quy định trên, UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp phân bổ số lượng biên chế công chức của UBND phường thuộc từng quận, thị xã.

Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội, Nghị định số 68/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Nghị quyết số 160/2021/QH14 xác định chức danh uỷ viên hoạt động chuyên trách tại các ban thuộc HĐND thành phố Hà Nội bao gồm: ủy viên chuyên trách Ban Pháp chế, Ban Kinh tế – Ngân sách, Ban Văn hóa – xã hội, Ban Đô thị.

Về ưu điểm của mô hình và việc tổ chức triển khai thực hiện được thể hiện ở một số điểm như sau:

(1) Mô hình thí điểm đã chỉ ra tất yếu khách quan cần phải thay đổi mô hình có sự khác nhau giữa tổ chức CQĐT và chính quyền nông thôn, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

(2) Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý chính quyền của thành phố. Huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển của thành phố, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

(3) Khi không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội, việc thực hiện quyền giám sát vẫn bảo đảm hiệu quả, kênh thực hiện quyền lực của Nhân dân thông qua một số hình thức sau: (1) Hoạt động giám sát của HĐND thành phố, HDND quận; (2) Hoạt động giám sát của Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khác hoặc cơ quan nhà nước khác, như thông qua kiểm tra, giám sát của Đảng, xét xử của toà án đối với vụ án hành chính; (3) Giám sát trực tiếp của Nhân dân thông qua quyền khiếu nại, tố cáo, giám sát thông qua các kênh thông tin, truyền thông, mạng xã hội do các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội thành lập. Vì vậy, tiếng nói người dân ở cấp cơ sở của các đô thị vẫn được HĐND các cấp cũng như cơ quan nhà nước lắng nghe để xem xét.

(4) Triển khai Nghị quyết của Quốc Hội, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, thành phố Hà Nội đã ban hành kịp thời một số văn bản hướng dẫn, như: Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12/4/2021 để triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, Quyết định số 2696/QĐ-UBND của Chủ tịch thành phố ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND phường khi thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại thành phố Hà Nội hướng dẫn hoạt động của các chủ thể tác động bởi thí điểm đã tạo ra những cơ sở pháp lý để thực hiện. Theo Quyết định số 2696/QĐ-UBND quy định nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc và quan hệ công tác của UBND phường với các cơ quan, tổ chức liên quan. Chủ tịch UBND phường, phó chủ tịch UBND phường, trưởng công an phường, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường, các công chức khác làm việc tại UBND phường và người hoạt động không chuyên trách ở phường, tổ trưởng tổ dân phố, các tổ chức và cá nhân có quan hệ làm việc với UBND phường chịu sự điều chỉnh của quy chế.

(5) Nội dung Nghị định số 32/2021/NĐ-CP cho phép chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính… Quy định này góp phần giảm tải công việc cho lãnh đao UBND phường, tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức khi làm thủ tục chứng thực, thủ tục chiếm phần lớn thủ tục hành chính ở phường. Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng đã chủ động chuẩn bị trước một bước tổ chức bộ máy, quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ để sẵn sàng khởi động mô hình mới, không để xảy ra khoảng trống khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CQĐP.

Bên cạnh những ưu điểm, việc tổ chức mô hình CQĐT theo nghị quyết của Quốc hội, nghị định hướng dẫn của Chính phủ, có một số vấn đề đặt ra như sau:

Thứ nhất, về mô hình. Hiện nay, mô hình CQĐT thí điểm tại Hà Nội là  phường không tổ chức HĐND phường, còn cấp huyện và cấp tỉnh đều có HĐND và UBND. So với mô hình CQĐP ở phường trước khi thí điểm bao gồm cả HĐND và UBND, xác định là cấp CQĐP. Tổ chức CQĐT ở phường chỉ có UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, hiện nay UBND phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng và chỉ xây dựng và tổ chức CQĐP ở đô thị (tức là quận, phường không có huyện) đây là sự phát triển về nhận thức trong tổ chức CQĐP ở đô thị.

Thứ hai, theo hướng dẫn, hiện nay, chủ tịch UBND phường là công chức, làm việc theo chế độ thủ trưởng, vì vậy, cá nhân người đứng đầu yêu cầu rất cao về năng lực, trình độ lãnh đạo, phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều hành giải quyết công việc thuộc thẩm quyền. Việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo (chủ tịch, phó chủ tịch UBND), tuyển dụng công chức chuyên môn phải đáp ứng yêu cầu, đáp ứng được sự hài lòng của người dân, lắng nghe, giải quyết được nguyện vọng, nhu cầu của người dân theo đúng quy định pháp luật. Hoàn thiện thể chế, ban hành đầy đủ văn bản pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện,  chức năng, nhiệm vụ của UBND phường, UBND quận, vấn đề tuyển dụng và sử dung công chức phường. Mọi quyết định của UBND  phường với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước ở phường phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Thứ ba, việc không tổ chức HĐND phường, theo quy định của pháp luật, vẫn còn các hình thức giám sát khác, nhưng cách thức triển khai, thực hiện như thế nào, cần phải có hướng dẫn cụ thể để hoạt động giám sát đạt hiệu quả. Theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP thì UBND phường đối thoại 2 lần/năm trước mỗi kì họp HĐND, tổ đại biểu quận cũng 6 tháng mới tiếp xúc cử tri một lần trước kỳ họp, còn như trước đây việc tiếp dân 1 tháng/1 lần với đại biểu HĐND phường, vì vậy sẽ gây khó khăn cho người dân, cử tri phản án tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của mình.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) ở phường quy định không quá 15 người, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của CBCC cấp xã cũng gặp phải một số bất cập, như: phải đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ, lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau. Điều này, đòi hỏi CBCC ở phường cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm phụng sự Nhân dân, phụng sự Tổ quốc, vững về chuyên môn, có kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức pháp luật, thành thục mọi kỹ năng đối với vị trí việc làm của mình.

Thứ năm, phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã với xu hướng thực hiện đúng thẩm quyền đã được phân quyền, trên cơ sở phân quyền sẽ phân cấp, ủy quyền xuống cho chính quyền huyện, xã bảo đảm điều kiện khi phân cấp, phân quyền (nguồn nhân lực, tài chính, quy trình thủ tục rõ ràng), tính chịu trách nhiệm khi thực thi các hoạt động phân cấp, ủy quyền. Thực hiện phân cấp quản lý đạt hiệu quả hơn, hướng phân cấp về cơ sở, nhất là các lĩnh vực đô thị, vấn đề dân sinh, đòi hỏi cần phải giải quyết nhanh chóng (ví dụ như: lắp đặt bổ sung, thay thế đèn chiếu sáng ngõ, ngách… nếu giao cho cơ sở sẽ đáp ứng nhanh hơn, thay vì chờ quy trình thực hiện từ cơ sở báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền cấp trên).

Thứ sáu, khi không tổ chức HĐND phường, chỉ có UBND phường, vậy cần phải xác định địa vị pháp lý cho UBND phường là CQĐP ở phường, là cấp cơ sở cấp gần dân nhất, thực hiện dân chủ ở cơ sở chứ không phải là một phòng thuộc quận.

Một số góp ý phân quyền về công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, biên chế trong Luật Thủ đô (từ thực tiễn thí điểm mô hình chính quyền đô thị)

Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 đã quy định rất rõ về vấn đề phân cấp, ủy quyền. Vì vậy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ nên quy định các vấn đề khác nhau, trong đó chú trọng các quy định mang tính phân quyền tối đa để tạo thuận lợi cho thành phố Hà Nội.

Thứ nhất, về CQĐP tại Điều 9 Dự thảo Luật Thủ đô xác định, ở thành phố, quận là cấp CQĐP bao gồm HĐND và UBND, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ có tổng kết về việc thí điểm các thành phố trực thuộc trung ương, có cần phải thống nhất tất cả các mô hình ở thành phố trực thuộc trung ương hay không, vậy có nên quy định mở hơn về vấn đề này trong Luật Thủ đô?

Thứ hai, đẩy mạnh phân quyền cho thành phố Hà Nội về khối lượng biên chế được xác định trên tổng số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao một số lượng tối đa nhất định, căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định và các căn cứ khác theo đặc thù địa bàn để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. Trên cơ sở đó, lại tiếp tục phân quyền cho cấp huyện, đặc biệt là thành phố thuộc thành phố Hà Nội chủ động trong việc giao biên chế đủ bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước dựa trên các căn cứ trên.

Thứ ba, thẩm quyền cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội phải cao hơn thẩm quyền cấp huyện để tạo tiền đề bứt phá (rút kinh nghiệm từ thành phố Thủ Đức). Đối với thành phố thuộc thành phố Hà Nội, cần tăng tính chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND, tổ chức CQĐP thành phố thuộc thành phố Hà Nội sao cho năng động, hiệu quả (cân nhắc giữa các mô hình cấp chính quyền, không thành lập cấp CQĐP, giữa chức danh chủ tịch và thị trưởng). Về số lượng biên chế hành chính cho phép thành phố được chủ động trong việc giao biên chế đủ bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước. Yêu cầu tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng các cơ quan chuyên môn và đơn vị trực thuộc thành phố thuộc Thủ đô; việc tổ chức lại và thành lập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cũng cần được quan tâm. Trong đó, cần điều chuyển một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND thành phố thuộc Thủ đô để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố phù hợp với điều kiện cụ thể và khả năng thực hiện.

Thứ tư, nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ, dự thảo Luật có những quy định cụ thể về phân quyền cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội và HĐND, UBND thuộc thành phố Hà Nội. Liên quan phân cấp, ủy quyền, ngoài việc ủy quyền theo nguyên tắc chung quy định tại Luật Tổ chức CQĐP, thì dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mở rộng việc phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố  Hà Nội. Trong đó, quy định UBND thành phố Hà Nội phân cấp hoặc ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã và thuộc thành phố Hà Nội. Các cơ quan chuyên môn này được ủy quyền cho UBND hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có thể ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hành chính khác trực thuộc UBND thành phố Hà Nội. Các quy định tại dự thảo đang hướng đến mục tiêu phân cấp, ủy quyền đến tận cơ sở, nhằm tạo tính chủ động, linh hoạt trong giải quyết công việc. Tuy nhiên, quá trình xây dựng cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để bảo đảm đồng bộ với các quy định hiện hành.

Thứ năm, việc thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù tại thành phố Hà Nội cần căn cứ vào nhu cầu thực tế và nên quy định theo hướng mở để giải quyết nhu cầu thành lập khi có phát sinh về sau, tránh chồng chéo, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác trên địa bàn. Đồng thời, cân nhắc việc trao quyền cho HĐND thành phố quyết định cơ cấu tổ chức các sở và tương đương thuộc UBND thành phố (như Luật Thanh tra năm 2022 phân quyền cho cấp tỉnh quyết định việc tổ chức thanh tra trong các sở) gắn với các tiêu chí, điều kiện tại địa phương.

Thứ sáu, quy định cơ quan chuyên môn ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới để giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Đặc biệt, đi cùng với vấn đề ủy quyền là những điều kiện để người nhận ủy quyền thực hiện công việc, cơ chế giám sát thực hiện bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Thứ bảy, cập nhật Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn tổ dân phố. Nghị định số 33/2023/NĐ-CP thay thế cho 4 Nghị định, có điểm mới đẩy mạnh phân cấp cho CQĐP nhiều nội dung trong đó có phân quyền, phân cấp số lượng CBCC cấp xã. Quy định HĐND thành phố Hà Nội ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn định mức số lượng CBCC cấp xã; có thẩm quyển quy định cơ cấu và số lượng CBCC tại cấp xã; số lượng, chức danh chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách.

Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của CQĐT, hoàn thiện Luật Thủ đô theo hướng phân quyền, phân cấp trên tất cả các lĩnh vực để tạo sự bứt phá, tự chủ, tự quyết của Thủ đô gắn với điều kiền đặc thù, phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Chú thích:
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 34.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2019.
3. Luật Thủ đô năm 2012.
4. Phan Trung Lý. Xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật cho Chính quyền địa phương ở thành phố Thủ Đức. Kỷ yếu Hội thảo về thành phố Thủ Đức . TP. Hồ Chí Minh, ngày 27/6/2023.
5. Trần Thị Diệu Oanh. Phân định thẩm quyền các cấp chính quyền địa phương. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, năm 2023.
PGS. TS. Trần Thị Diệu Oanh
Học viện Hành chính Quốc gia