Cần có giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội áp dụng cho thành phố Thủ Đức nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

(Quanlynhanuoc.vn) – Cơ sở đề xuất các giải pháp chính sách cho chính quyền thành phố Thủ Đức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là chủ đề buổi Hội thảo khoa học trong khuôn khổ đề tài cấp thành phố do Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức trực tiếp và trực tuyến vào sáng ngày 24/8/2023 tại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.
TS. Trương Cộng Hoà, Phó Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Diễn đàn hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, quản lý thực tiễn từ các trường đại học, các học viện, viện nghiên cứu, các ban, ngành và các tổ chức Hội quan tâm tham gia, thảo luận và góp ý về một số nội dung trọng tâm, như: (1) Vấn đề hoàn thiện mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức; (2) Cơ hội và thách thức của thành phố Thủ Đức trước yêu cầu phát triển bền vững; (3) Giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội áp dụng cho thành phố Thủ Đức nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Mô hình “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương” một vấn đề chưa có tiền lệ

Đây là mô hình có rất nhiều những vấn đề và lý luận cần phải nghiên cứu, thảo luận. Các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi thẳng thắn và cởi mở với mục đích làm rõ các vấn đề lý thuyết liên quan đến tổ chức và hoạt động của “chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương” cũng như những tồn tại, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức.

PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Viện trưởng Viện Chính sách, pháp luật và quản lý Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phát biểu đề dẫn Hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Viện trưởng Viện Chính sách, pháp luật và quản lý Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phát biểu đề dẫn Hội thảo cho rằng, việc đánh giá chính xác thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức; chỉ ra những điểm “nghẽn” trong tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố cũng như nguyên nhân dẫn đến những điểm nghẽn đó là điều rất cần thiết cả về lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất mô hình tối ưu nhất để xác định cho mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Mô hình của chính quyền thành phố Thủ Đức sẽ là mô hình mà các địa phương khác phải tham khảo và học hỏi kinh nghiệm. Ông Viễn khẳng định, mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức là một mô hình phù hợp với xu thế của thời đại và đáp ứng yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, mô hình này cũng đặt ra rất nhiều vấn đề về cơ chế, nhân lực hành chính công, vấn đề phân cấp, ủy quyền… Hiện nay, mô hình thành phố Thủ Đức vẫn đang lúng túng trong việc thực hiện. Do đó, thời gian tới cần làm cho “chiếc áo cơ chế” rộng ra và cần có giải pháp đột phá thì việc định hình thành phố Thủ Đức mới có kết quả tốt.

GS.TS. Phan Trung Lý, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội phát biểu tại Hội thảo.

GS.TS. Phan Trung Lý, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội cho rằng, Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều vấn đề cho thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ ràng chứ không lẫn lộn giữa cấp huyện với cấp tỉnh. Thành phố Thủ Đức là mô hình tiên phong, đặc biệt thì cần phải có cơ chế đặc biệt, giải pháp đặc biệt và tầm nhìn đặc biệt.

ThS. Lê Thị Phương Thảo, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đó là phân cấp, phân quyền cho thành phố Thủ Đức.

Tham luận tại Hội thảo với nội dung “Tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức theo Nghị quyết số 98/2023/QH15”, ThS. Lê Thị Phương Thảo, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đó là phân cấp, phân quyền cho thành phố Thủ Đức. Bà Thảo cũng đề cập đến nội dung của Nghị quyết khi cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (ban hành ngày 24/6/2023, có hiệu lực từ ngày 01/8/2023), trong đó có điều 10 nói về cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức. Nghị quyết phần nào cũng đã “tháo gỡ” những vướng mắc trong phân cấp, ủy quyền cho thành phố Thủ Đức. Song, vẫn còn nhiều vấn đề cần trao đổi, bàn bạc, nhằm hướng tới xây dựng cơ chế đặc thù của thành phố Thủ Đức, trực thuộc TP. Hồ Chí Minh.

ThS. Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Thủ Đức tham luận tại Hội thảo.

ThS. Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Thủ Đức tham luận tại Hội thảo đã đề cập đến 5 vấn đề liên quan đến tổ chức hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức, nhất là vấn đề cơ chế phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư… Những vấn đề bà Hoàn nêu ra là những vấn đề thực tiễn cần phải giải quyết, là cơ sở rất quan trọng để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách có những kiến nghị, đề xuất nhằm giải quyết tốt hơn nữa những vấn đề đặt ra của mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức. 

Chính quyền thành phố Thủ Đức cần được tạo điều kiện tối đa để thực hiện Nghị quyết 98
GS.TS. Phan Trung Lý cho rằng, vấn đề của chính quyền thành phố Thủ Đức không phải đã khép lại bằng một Nghị quyết mà hiện tại mở ra rất nhiều vấn đề, từ cơ chế đến thực tiễn hoạt động.

GS.TS. Phan Trung Lý cho rằng, vấn đề của chính quyền thành phố Thủ Đức không phải đã khép lại bằng một Nghị quyết mà hiện tại mở ra rất nhiều vấn đề, từ cơ chế đến thực tiễn hoạt động. Không có chuyện ủy quyền của ủy quyền, giống như Chính phủ ủy quyền cho TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh ủy quyền cho thành phố Thủ Đức, rồi tới lượt thành phố Thủ Đức ủy quyền cho các phường… Muốn có mô hình “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương” thì cần phải có giải pháp tổng thể. GS. Phan Trung Lý đề nghị bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Thủ Đức; về lâu dài đề nghị nghiên cứu để trình Quốc hội ban hành một đạo luật hoặc một nghị quyết riêng về cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức. Mặc dù Nghị quyết 98 đã có rất nhiều “gợi mở”, nhưng trên hết cần phải nhanh chóng hành động, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

PGS.TS. Nguyễn Văn Trình, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có ba vấn đề đặt ra trong việc xây dựng cơ chế quản lý hành chính vượt trội cho thành phố Thủ Đức.

PGS.TS. Nguyễn Văn Trình, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có ba vấn đề đặt ra trong việc xây dựng cơ chế quản lý hành chính vượt trội cho thành phố Thủ Đức: 1) Trung ương có dám phân quyền cho TP. Hồ Chí Minh; 2) TP. Hồ Chí Minh có dám phân quyền cho thành phố Thủ Đức; 3) Đội ngũ cán bộ, công chức thành phố Thủ Đức có đủ sức gánh vác khối lượng công việc “khổng lồ”? Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Trình, trước hết TP. Hồ Chí Minh cần phải ủy quyền cho thành phố Thủ Đức tất cả những gì được quy định trong Nghị quyết 98. Đặc biệt, cần phải nâng cao trình độ, tư duy của cán bộ lãnh đạo và bổ sung nguồn cán bộ, công chức mới có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ và trên hết cần phải cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Thủ Đức.

Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của thành phố Thủ Đức là một quá trình, đòi hỏi phải nghiên cứu, tổng kết cả lý luận thực tiễn và cần nhiều sự đột phá

Phát biểu tại Hội thảo, Luật gia Phan Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh đã đưa 4 vấn đề cần xem xét, thảo luận: (1) Muốn thành phố Thủ Đức phát triển bền vững thì cần phải xác định rõ ràng, minh bạch về mặt pháp lý (thành phố Thủ Đức là cấp gì trong hệ thống hành chính Nhà nước Việt Nam). Nếu không làm được chuyện này thì Thủ Đức rất khó phát triển và chỉ dừng lại là “siêu quận Thủ Đức”; (2) Tổ chức bộ máy nhà nước và nhân sự của Thủ Đức phải khoa học và toàn diện (cần xây dựng chế độ nghị trưởng, bỏ Hội đồng nhân dân, các phòng, ban. Thị trưởng thành phố Thủ Đức sẽ điều hành trực tiếp…). Có như vậy thì “chiếc áo cơ chế” mới thực sự mở rộng; (3) Thành phố Thủ Đức nên tổ chức Hội nghị tổng kết sau 3 năm thành lập, cần phải trả lời nghiêm túc các câu hỏi làm được gì, không làm được gì, cái gì cần phát huy, cái gì cần phải sửa chữa; 4) Cụ thể hóa Nghị quyết 98 một cách nhanh chóng kịp thời.

Luật gia Phan Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến.

GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn khẳng định, muốn có chính quyền thông minh thì nhân lực phải thông minh. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố Thủ Đức cần phải được ưu tiên đặc biệt. Do đó, giáo dục cần phải đi trước một bước so với các lĩnh vực khác. GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm gợi ý cho thành phố Thủ Đức nhiều giải pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, tiêu biểu như: 1) Nâng tầm (tài, đức) nguồn lực hiện có của thành phố Thủ Đức; 2) Thu hút nhân tài (cả trong và ngoài nước, nhất là đội ngũ các chuyên gia) về xây dựng thành phố Thủ Đức; 3) Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ (nhất là ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Thủ Đức; 4) Thành phố Thủ Đức cần kêu gọi các nhà khoa học trên địa bàn hiến kế nhằm thiết kế thành phố Thủ Đức xứng đáng là thành phố kiểu mẫu.

GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn phát biểu ý kiến.

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Trường Đại học Luật Hà Nội trong tham luận của mình đã thẳng thắn chỉ ra quá trình tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương của Việt Nam còn quá nhiều rối rắm, phức tạp. Việc tổ chức mô hình “chính quyền trong chính quyền”, “thành phố trong thành phố” nhìn hình thức tạo nên sự thống nhất, chặt chẽ nhưng thực chất đang bó hẹp hoạt động của chính quyền địa phương. Theo GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, chính quyền Thủ Đức phải hướng đến tự quản, tự chịu trách nhiệm. Mọi sự cải cách, đổi mới phải lấy con người làm chuẩn.

Giảng viên Lê Văn Phúc, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trong bài tham luận “Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Thủ Đức đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thành phố” cho rằng, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế, chính sách mới, tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế – xã hội của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Một trong những thẩm quyền quan trọng là Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn, người lao động; quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thành phố Thủ Đức. Việc triển khai Nghị quyết 98 sẽ mở ra rất nhiều thuận lợi cho TP. Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng. Để thực hiện tốt Nghị quyết 98, việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề đặc biệt quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển của thành phố trong xu thế hiện nay.

Trong thực tiễn, thành phố Thủ Đức được thành lập với nhiều kỳ vọng lớn nhưng gần 3 năm thành lập vẫn khoác “chiếc áo cũ”, chưa có cơ chế đột phá nên không thể vươn mình phát triển như kỳ vọng. Nghị quyết số 98 có ý nghĩa đặc biệt đối với các phường, xã đông dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý do thiếu nhân sự. Các cơ chế, chính sách này rất thực tế, phù hợp, giúp thành phố Thủ Đức tăng thêm tính chủ động, đồng thời có thêm nhân lực để giải quyết khối lượng rất lớn công việc, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, có điều kiện phát triển nhanh trong thời gian tới, đáp ứng sự kỳ vọng của trung ương và của TP. Hồ Chí Minh. Trở thành người đi đầu trong mô hình “thành phố trong thành phố” với nhiều cơ hội lẫn áp lực, thành phố Thủ Đức sẽ có cơ hội bừng sáng, góp phần thay đổi diện mạo của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, trở thành mô hình được nhân rộng, đó là sự mong đợi và kỳ vọng của cả nước đang dõi theo…

Hội thảo với nhiều nội dung phong phú đã nhận được sự trao đổi và chia sẻ tích cực từ phía các nhà quản lý thực tiễn, giảng viên, nhà khoa học cũng như đại diện các cơ quan tham dự. Kết luận Hội thảo, GS.TS. Phan Trung Lý cảm ơn các nhà khoa học, đại biểu tham dự hội thảo, đồng thời, đề xuất nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, biên tập nội dung tài liệu hội thảo, gửi báo cáo khoa học tham vấn cho địa phương; đồng thời, tiếp thu những gợi mở của các đại biểu, nhà khoa học cho những diễn đàn học thuật tiếp theo được tổ chức thành công hơn.

Văn Phúc