Triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Châu Âu trong bối cảnh triển khai Hiệp định Thương mại tư do Liên minh châu Âu – Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Xuất khẩu gạo đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2000 -2022 của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập khi có sự thay đổi về phía cung và cầu của thị trường châu Âu. Bài viết phân tích đặc điểm từ phía cung và cầu lúa gạo, đồng thời đánh giá các quy định liên quan đến ngành gạo trong Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA). Từ đó, đánh giá triển vọng phát triển hiệu quả xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh triển khai Hiệp định EVFTA hiện nay.
Ảnh minh họa (chinhphu.vn).
Đặt vấn đề

Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo, với sản lượng lớn và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường trên thế giới. Ngày nay, sản xuất lúa ở Việt Nam phát triển với những thành tựu mới nhờ kết quả mới của kỷ nguyên di truyền học hiện đại, nguồn tài nguyên giống lúa phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam có giá trị xuất khẩu chưa cao, tăng chậm, đồng thời, chưa bảo đảm quyền lợi và thu nhập cho người trồng lúa.

Một trong những thị trường quan trọng cho xuất khẩu gạo Việt Nam là khu vực Châu Âu, với các lợi thế cạnh tranh trong quá trình xuất khẩu nhờ việc ký kết thành công Hiệp định EVFTA. Trong bài viết này, phương pháp tổng hợp và so sánh dữ liệu thứ cấp được sử dụng để phân tích và đánh giá triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam sang châu Âu trong bối cảnh Hiệp định EVFTA. Kết luận của nghiên cứu sẽ giúp cho các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam có thể đưa ra các chiến lược và kế hoạch phát triển xuất khẩu gạo sang thị trường này; đồng thời,nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng thị phần của gạo Việt Nam tại châu Âu.

Đặc điểm thị trường gạo châu Âu

Thị trường gạo châu Âu có nhu cầu tăng dần, đặc biệt là tại các nước Đông Âu và Trung Âu. Tuy nhiên, nhu cầu tại châu Âu vẫn còn thấp so với các khu vực khác trên thế giới. Nguyên nhân của việc tăng nhu cầu về gạo ở châu Âu là do dân số, đặc biệt là ở các nước Đông Âu và Trung Âu dẫn đến nhu cầu tiêu thụ gạo cũng tăng theo; nền kinh tế của châu Âu đang phục hồi và phát triển, dẫn đến tăng trưởng thu nhập của người dân, do đó họ có thể chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm nông sản nhập khẩu, bao gồm cả gạo; tăng trưởng dân số di dân: châu Âu có số lượng dân di cư đến đây tăng dần trong những năm gần đây. Xu hướng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ đang trở thành một xu hướng phổ biến tại châu Âu và gạo hữu cơ đang được ưa chuộng hơn.

Ở châu Âu, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và môi trường, do đó xu hướng tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ đang tăng lên. Nhiều người dân châu Âu tin rằng việc sử dụng sản phẩm hữu cơ không chỉ làm cho họ cảm thấy tốt hơn về sức khỏe của mình, mà còn làm cho họ có đóng góp tích cực hơn đối với môi trường và cho rằng việc ủng hộ sản phẩm hữu cơ cũng là một cách để khuyến khích các nhà sản xuất đưa ra sản phẩm chất lượng cao hơn và bảo đảm bền vững.

Mặt khác, xu hướng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ đang tăng lên đồng nghĩa với sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất gạo hữu cơ trên thị trường châu Âu. Sự cạnh tranh này là do ngày càng có nhiều nhà sản xuất và nhà cung cấp gạo hữu cơ trên thị trường, đồng thời sự quan tâm của người tiêu dùng đến các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao. Đồng thời, giá gạo hữu cơ trên thị trường châu Âu thường cao hơn so với gạo thông thường, do các sản phẩm hữu cơ thường được sản xuất và chế biến bằng các phương pháp tự nhiên, không sử dụng hóa chất và chất bảo quản độc hại. Các nhà sản xuất gạo hữu cơ cũng cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các tổ chức kiểm định và chứng nhận hữu cơ, điều này cũng ảnh hưởng đến giá của sản phẩm.

Theo số liệu của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA), lượng cầu về gạo tại các quốc gia khối Liên minh châu Âu (EU) tăng đều theo các năm và tiêu thụ 3,12 triệu tấn trong năm 2017- 2018 và tăng thành 3,45 triệu tấn trong năm 2021 – 2022.  Lượng gạo nhập khẩu của hầu hết các nước thành viên trong khối EU đều tăng trong suốt giai đoạn 2015 – 2020, trong đó, Bỉ và Pháp là hai quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng bình quân là 6,9% và 1,9%. Cũng trong giai đoạn này, xu hướng nhập khẩu gạo của EU chuyền từ nội khối sang ngoại khối. Theo báo cáo của Triển vọng Nông nghiệp của EU giai đoạn 2020 – 2030, nhu cầu gạo nhập khẩu tại khu vực này sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2030, cụ thể, lượng gạo nhập khẩu sẽ tăng khoảng 250.000 tấn1.

Về phía nguồn cung, các quốc gia châu Âu không tự cung cấp đủ gạo, chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng gạo trên thế giới. Sản xuất trong khu vực chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, đạt mức 1,8 triệu tấn mỗi năm. Sự phân phối nguồn cung tại khu vực này có sự chênh lệch rõ rệt, 53% sản lượng được sản xuất tại I-ta-li-a, đứng thứ hai Tây Ban Nha với khoảng 28%, 12% tại Hy Lạp và Bồ Đào Nha, và phần còn lại ở bốn quốc gia khác gồm Pháp, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri và Hung-ga-ry (Báo cáo của Trung tâm WTO và Hội nhập, 2021). Thị trường gạo châu Âu quan tâm về bảo vệ môi trường và các vấn đề liên quan đến bền vững hướng tới mục tiêu trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới hoàn toàn đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững theo Điều 13 của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Với sự quan tâm đến bảo vệ môi trường và các vấn đề bền vững, các nhà sản xuất và xuất khẩu gạo cần phải chú ý đến các yêu cầu về sản xuất gạo bền vững, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước và đất đai một cách hiệu quả và bảo vệ môi trường khỏi những tác động tiêu cực. Ngoài ra, các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn Hữu cơ (doỦy ban châu Âu ban hành) và Fairtrade (do Tổ chức quốc tế về dán nhãn Thương Mại Công Bằng) cũng đang được áp dụng để bảo đảm gạo được sản xuất theo cách bền vững và các nhà sản xuất được trả giá công bằng cho sản phẩm của mình. Các nhà sản xuất và xuất khẩu gạo cần phải chú ý đến các tiêu chuẩn này và phát triển sản xuất gạo bền vững để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm bền vững trên thị trường châu Âu.

Hơn nữa, thị trường gạo châu Âu là sự đa dạng về loại gạo được tiêu thụ. Người tiêu dùng châu Âu có thói quen tiêu thụ nhiều loại gạo khác nhau, từ gạo trắng, gạo nâu, đến các loại gạo hạt lớn, gạo hữu cơ và các sản phẩm chế biến từ gạo. Do đó, các nhà sản xuất và xuất khẩu gạo cần phải đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau về sản phẩm, từ chất lượng đến giá cả và thời gian giao hàng. Họ cần phải cung cấp cho thị trường châu Âu các loại gạo chất lượng cao và đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm, đồng thời, đưa ra các sản phẩm chế biến từ gạo đa dạng để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Các nhà sản xuất và xuất khẩu gạo cần phải đưa ra chiến lược marketing phù hợp để quảng bá sản phẩm của mình trên thị trường châu Âu, bao gồm việc tìm hiểu về thị trường và yêu cầu của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu và phát triển các kênh phân phối hiệu quả.

Thực trạng xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2001 – 2022

Giai đoạn 2001-2019.

Đây là giai đoạn có những chuyển biến tích cực trong quá trình hội nhập thương mại quốc tế của Việt Nam. Việt Nam tham gia thị trường quốc tế với mặt hàng chiến lược là gạo và trở thành 1 trong 5 quốc gia sản xuất gạo lớn nhất trên toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và Băng-la-đét. Theo Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh chóng, từ khoảng hơn 3,7 triệu tấn gạo, thu về 500 triệu USD vào năm 2001 và đạt mức xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo và thu về gần 2800 triệu USD vào năm 2019. Lượng gạo trung bình xuất khẩu trong 1 năm là 5,6 triệu tấn với giá trị là 2,2 tỷ USD (2,128 tỷ USD nếu tính theo giá cố định 2010), tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn 1989-2000 với lượng xuất khẩu 2,5 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu giai đoạn 1989-2000 cũng chỉ đạt 0,58 tỷ USD (0.82 tỷ USD nếu tính theo giá cố định 2010)2.

Việc giá trị xuất khẩu gạo tăng lên nhanh chóng là do: (1) chất lượng gạo tăng do có chuyển biến trong cơ cấu gạo xuất khẩu; (2) quá trình sản xuất đã có nhiều cải tiến; (3) các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết tạo cơ hội xuất khẩu mặt hang gạo sang được khắp các châu lục và tích lũy được kinh nghiệm trong hoạt động thương mại gạo; (4) giá gạo thế giới tăng kể từ khi khủng khoảng gạo năm 2002 cũng góp phần nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu trung bình thời kỳ này đã tăng 27% so với giai đoạn 1989 – 20003 (theo Tổng cục Thống kê, 2022).

Giai đoạn 2020 – 2022.

Trong vòng hai năm 2020 – 2021, ngành lúa gạo trên toàn cầu đã phải đối mặt với tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, chất lượng sản phẩm gạo của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và các giống gạo ngon có giá trị cao đã xuất hiện. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,25 triệu tấn, trị giá khoảng 3,12 tỷ USD, tuy giảm 1,9% so với năm trước do mục tiêu bảo đảm lương thực quốc gia nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 11,2%. Trong năm 2020, giá xuất khẩu bình quân đạt mức 496 USD/tấn, tăng 12,2% so với năm trước và đạt mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho người nông dân4. Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam, đứng đầu là Phillipines với 33,9% thị phần7. Trong năm 2020, lượng xuất khẩu sang khu vực này đạt 2,22 triệu tấn và 1,06 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 19,3% về giá trị so với năm 2019. Sản xuất lúa tiếp tục tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 74% để nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt5.

Cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể, tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm. Đây là một loại sản phẩm có chất lượng cao, đi cùng với đó là giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Trong năm 2020, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, trong đó gạo trắng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu với 45,1%, đạt 2,76 triệu tấn; các loại gạo như gạo jasmine và gạo thơm; gạo tấm; gạo nếp có tỷ trọng xuất khẩu và giá trị xuất khẩu lần lượt chiếm 26,8% và 1,64 triệu tấn; 13,65% và 834,4 nghìn tấn; 8,9% và 547,9 nghìn tấn6.

Nông dân và thương nhân xuất khẩu tập trung tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường có yêu cầu cao như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Kết quả tích cực thu được từ quá trình xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020 là do các loại sản phẩm cấp thấp dần được thay thế; tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo được triển khai tạo sự thay đổi trong quá trình canh tác lúa, hướng đến nâng cao chất lượng thay vì sản lượng; việc tham gia ký kết Hiệp định Thương mại  mang tầm chiến lược như: EVFTA, UKVFTA tạo điều kiện tốt cho gạo Việt Nam phát triển, đã có 8 thương hiệu gạo được cấp phép xuất khẩu vào thị trường EU bao gồm: Jasmine 85, ST5, ST30, Nàng hoa, VDZORUT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào; dịch bệnh Covid-19 đã xảy ra nhưng không tác động tiêu cực đến nhu cầu xuất khẩu gạo, mà ngược lại, nhu cầu này còn gia tăng, đây cũng là nguyên nhân khách quan khiến việc xuất khẩu gạo không chịu ảnh hưởng xấu.

Năm 2021, lượng xuất khẩu trong quý III, đã chứng kiến sự sụt giảm, đặc biệt là trong tháng 7 và 8, từ đó kéo kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm sụt giảm, chỉ đạt 2,42 tỷ USD (giảm 1,2% so với cùng kỳ 2020), đồng thời giảm 8,3% so với cùng kỳ 2020 về khối lượng. Tới tháng 10/2021, khi các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại cùng với chính sách của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, sản xuất, xuất khẩu đã được nối lại nhanh hơn dự kiến, từ đó góp phần đạt được con số ấn tượng: xuất khẩu gạo năm 2021 đạt 6,24 triệu tấn, tương đương 3,24 tỷ USD, tăng khoảng 5,5% so với năm 2020, trong đó, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021.

Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết mức giá gạo của Việt Nam luôn được duy trì cao hơn các đối thủ cạnh tranh trong các tháng cuối năm 2021. Chẳng hạn, vào tháng 1/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 415 USD/tấn, trong khi tại Thái Lan mức giá là 381 USD/tấn, còn ở Ấn Độ và Pakistan lần lượt là 348 USD/tấn và 353 USD/tấn.Các doanh nghiệp tiếp tục thống trị tại các thị trường quan trọng, ví dụ như Philippines đã chiếm 39,4% tổng lượng xuất khẩu với 2,45 triệu tấn, đem về 1,25 tỷ USD. Trung Quốc cũng đóng góp 17% tổng lượng với 1,06 triệu tấn. Đồng thời, việc tiếp cận thị trường EU cũng đang dần mở rộng hơn.

Hơn nữa, sự thực thi của Hiệp định EVFTA từ năm 2020 đã mang lại những thành tựu đáng kể. Việc xuất khẩu gạo từ Việt Nam vào các nước thành viên của EU đã đạt mốc 60.000 tấn, ước tính trị giá 41 triệu USD. Tuy con số về khối lượng tăng chưa đáng kể, nhưng giá trị tăng thêm hơn 20% so với năm 2020. Theo thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong danh sách 10 nguồn cung cấp gạo cho EU từ các đối tác quốc tế, gạo xuất khẩu từ Việt Nam tới EU đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất, với tỷ lệ tăng 20,3%, với giá trung bình là 781 USD/tấn7. Không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu 8 loại gạo đã được phê duyệt, một số giống gạo độc đáo của Việt Nam như ST24 và ST25 cũng đã lần đầu tiên có cơ hội tiến thẳng vào thị trường này. Điều này đánh dấu sự phát triển của những dòng gạo thơm đặc trưng, đồng thời, tạo ra một nguồn cung ứng sáng giá. Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang tập trung vào việc mở rộng quy mô thị trường gạo chất lượng cao tại châu Âu đã chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng kho bãi hiện đại và nhà máy sản xuất tiên tiến. Đồng thời, cũng đang xây dựng các mối quan hệ hợp tác vững chắc với các địa phương để phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ.

Vào năm 2022, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên toàn cầu, chỉ sau Thái Lan và Ấn Độ. Kết quả ấn tượng này đạt được nhờ việc xuất khẩu gần 7,11 triệu tấn gạo, đem lại tổng giá trị khoảng 3,45 tỷ USD. Điều này đã thực hiện một kỷ lục mới về khối lượng gạo xuất khẩu, được thúc đẩy bởi mùa màng bội thu và tình hình giá gạo tăng trên thị trường thế giới. Tháng 10/2022 cũng ghi nhận một kỷ lục khác trong lịch sử ngành gạo Việt Nam với việc xuất khẩu đạt 710,997 tấn, trị giá hơn 339 triệu đô la. Đây là sự tăng trưởng đáng kể về cả lượng (22,3%) và giá trị (23,9%) so với tháng 9 trước đó8. Thị trường Đông Nam Á vẫn duy trì vai trò quan trọng trong kế hoạch xuất khẩu của Việt Nam, với sự dẫn đầu tiếp tục thuộc về Philippines, chiếm 44,9% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Indonesia, thị trường lớn thứ tư cho ngành gạo của Việt Nam, đã trở thành mục tiêu quan trọng của các nhà xuất khẩu. Thông tin từ chính quyền Jakarta cho biết họ sẽ nhập khẩu 500.000 tấn gạo để làm tồn kho dự trữ, đánh dấu việc họ quay trở lại thị trường xuất khẩu sau ba năm không phải mua gạo từ nước ngoài.

Như vậy, trong giai đoạn 2000 – 2022, quá trình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Âu vẫn còn tổn tại các hạn chế. Một trong những yếu tố gây trở ngại cho sự phát triển xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang thị trường EU là do thuế nhập khẩu mà EU áp dụng lên gạo từ Việt Nam đã từng rất cao trước khi Hiệp định EVFTA được ký kết. Đồng thời, EU cũng thiết lập một hạn ngạch xuất khẩu gạo cho Việt Nam, giới hạn khối lượng hàng hóa được xuất khẩu. Gạo từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU phải đối mặt với mức thuế suất đáng kể, dao động từ 5% đến 100% tùy theo quốc gia thành viên EU. Điều này đã khiến cho khả năng cạnh tranh gạo của Việt Nam trở nên khá khó khăn so với những quốc gia khác được miễn thuế nhập khẩu như Mi-an-ma hay Cam-pu-chia. Ví dụ, nhiều loại gạo thơm hàng đầu như ST20 và ST25, đã từng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, khi nhập khẩu vào thị trường EU, phải chịu mức thuế nhập khẩu lên đến 45%. Điều này đã làm tăng giá bán của những loại gạo này lên đáng kể, có thể lên đến 1.400 USD/tấn, so với mức giá gốc 700 USD/tấn.

Gạo xuất khẩu được thu gom và pha trộn từ nhiều nguồn, dẫn đến hình dạng không đồng nhất, chất lượng gạo còn chưa cao, chưa đáp được tiêu chuẩn chất lượng, chủng loại cũng như chất lượng vệ sinh an toàn lương thực quốc tế. Đây là lý do khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn đáng kể trong suốt thời kỳ 2001-2020.

Các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi có mức thu nhập thấp và trung bình (theo báo cáo của Tổng cục thống kê và Tổng cục hải quan), 2 khu vực trên tiêu thụ hơn 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, việc thu nhập trung bình toàn cầu tăng theo thời gian kéo theo sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm chất lượng tốt và an toàn, có uy tín và nguồn gốc rõ ràng. Giai đoạn 2001 – 2015, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam không quá chú ý đến vấn đề này mà chỉ chủ yếu xuất khẩu lượng dư thừa, không xây dựng thương hiệu của riêng gạo Việt Nam làm giảm đáng kể hiệu quả xuất khẩu của ngành gạo. Điều này làm giảm lợi thế cạnh tranh của mặt hang này khi có các đối thủ khác, như: Mi-an-ma hay Cam-pu-chia tham gia vào thị trường gạo quốc tế. Ngay sau đó, thị phần gạo xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam đã sụt giảm nhanh chóng (giảm 25% so với cùng kỳ năm 2015).

Một số quy định xuất khẩu gạo trong Hiệp định EVFTA

Quy định về thương mại hàng hóa.

Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và 28 quốc gia thành viên của EU đã mang đến nhiều lợi ích quan trọng cho quá trình xuất khẩu gạo, trong đó điểm nổi bật nhất là việc giảm thuế quan mà châu Âu áp dụng đối với gạo Việt Nam. Cụ thể, trong khoảng thời gian 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (2020 – 2026), EU đã cam kết loại bỏ 99,2% các dòng thuế trong danh mục thuế, tương đương với 99,7% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này. Đối với phần còn lại 0,3% giá trị xuất khẩu (bao gồm một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao…), EU đã thỏa thuận mở cửa cho Việt Nam thông qua hạn ngạch thuế quan (TRQs) với mức thuế nhập khẩu là 0%. Về phía Việt Nam, đã cam kết loại bỏ phần lớn thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU. Do đó, EVFTA cung cấp một cơ hội tốt hơn cho gạo Việt Nam trong việc cạnh tranh trên thị trường châu Âu, bởi các nhà nhập khẩu không cần đóng thuế nhập khẩu, giúp họ có giá cạnh tranh hơn. Hơn nữa, EU đã đặc biệt cung cấp ưu đãi thuế suất 0% cho Việt Nam với hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Điều đặc biệt, EU đã đồng ý hoàn toàn tự do hóa đối với gạo tấm, mở ra cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo tấm vào EU hàng năm9.

Các hàng rào kỹ thuật.

Về phần các rào cản kỹ thuật trong thương mại, hai bên đã đồng tình củng cố việc thực hiện các quy định của Hiệp định về Rào cản Kỹ thuật (TBT) trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đối với các biện pháp liên quan đến an toàn thực phẩm (SPS), Việt Nam và EU đã thống nhất một số nguyên tắc liên quan đến SPS, nhằm hỗ trợ việc tiến hành hoạt động thương mại cho các sản phẩm thuộc lĩnh vực động vật và thực vật. Trong quá trình lựa chọn tiêu chuẩn để đánh giá cho gạo Việt Nam, công ty gạo Trung An đã lựa chọn tiêu chuẩn GlobalGAP thay vì VietGap bởi những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đã bị từ chối khi đi vào châu Âu bởi dư lượng kháng sinh. Mặt khác, công ty đã thuê các tổ chức về làm GlobalGAP nhằm đảm bảo liều lượng theo đúng quy định và các bước sản xuất theo đúng quy trình, thời gian cách ly cho từng chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa theo đúng yêu cầu.

Đánh giá triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh triển khai Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA là một cơ hội thúc đẩy xuất khẩu gạo đã được đánh giá tích cực và triển vọng. Dựa trên cam kết trong Hiệp định EVFTA giữa EU và Việt Nam đã dành một lượng hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm cho Việt Nam. Hạn ngạch này bao gồm ba loại: 30.000 tấn gạo đã xay, 20.000 tấn gạo chưa xay và 30.000 tấn gạo thơm. Một điều đáng chú ý là EU đã loại bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm, hứa hẹn tiềm năng để Việt Nam xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo tấm vào EU mỗi năm. Ngoài ra, đối với các sản phẩm chế biến từ gạo, EU cam kết sẽ giảm thuế xuống 0% trong khoảng thời gian từ 3-5 năm. Điều này mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp gạo của Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường EU. Mặc dù những lợi ích này, thị phần gạo của Việt Nam trên thị trường EU vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3.1% tổng lượng gạo nhập khẩu vào EU. Trái lại, dữ liệu từ cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy EU nhập khẩu khoảng từ 3 – 4 triệu tấn gạo hàng năm. Trong 10 tháng đầu năm 2022, EU đã nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo từ các nguồn không thuộc EU, tăng đáng kể 47,2% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gạo từ Việt Nam vào EU đạt 94,714 tấn, chiếm 4,1% thị phần nhập khẩu của EU, tăng từ mức 3% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, với lượng cầu ổn định của thị trường này về với các sản phẩm gạo đến từ Châu Á, thị trường châu Âu dự kiến vẫn là một thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước đang thực hiện nỗ lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng và đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa. Điều này nhằm mục tiêu nâng cao uy tín và danh tiếng của các sản phẩm trên thị trường, đồng thời, giúp bảo vệ các thương hiệu khỏi việc bị thất thoát sang các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là biện pháp quan trọng để thúc đẩy sự tăng cường vị thế của Việt Nam trong tình hình thương mại quốc tế. Trong ngành gạo, các thương hiệu gạo của Việt Nam đang từng bước thể hiện sự chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu riêng cho từng sản phẩm. Điều này góp phần tăng khả năng cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cho gạo xuất khẩu. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo không chỉ là cách thể hiện chất lượng, độ tin cậy mà còn thể hiện sự độc đáo và danh tiếng gạo của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Điển hình như thương hiệu gạo Trung An, công ty đã có kế hoạch đưa sản phẩm của họ vào châu Âu từ năm 2012-thời điểm Hiệp định EVFTA còn đang trong quá trình bàn bạc. Công ty tiến hành làm theo quy trình GlobalGAP và phấn đấu đạt các chứng chỉ canh tác như VietGAP hay GlobalGAP để đáp ứng được nhu cầu của người dân châu Âu.

Về mặt chất lượng, ngành gạo Việt Nam đã chứng minh được khả năng cung cấp sản phẩm gạo chất lượng cao với giá cả hợp lý. Sản phẩm gạo Việt Nam được sản xuất theo các quy trình nghiêm ngặt và bảo đảm chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu chất lượng của thị trường châu Âu. Việt Nam cũng đang tập trung vào phát triển sản phẩm gạo hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường châu Âu đối với các sản phẩm hữu cơ và bền vững.

Đồng thời, ngành gạo Việt Nam cũng đang chuyển dịch từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất bền vững và hiệu quả hơn, từ đó giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành gạo Việt Nam trên thị trường châu Âu. Mô hình sản xuất truyền thống của ngành gạo Việt Nam trước đây thường tập trung vào việc sử dụng hóa chất, phân bón và thuốc trừ sâu để đạt sản lượng cao hơn. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến nhiều vấn đề như nhiễm độc đất, nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và giảm chất lượng sản phẩm. Hiện nay, ngành gạo Việt Nam đang chuyển dịch sang mô hình sản xuất bền vững, bao gồm các hoạt động tạo ra giá trị về môi trường, xã hội và kinh tế, bảo đảm sức khỏe của con người và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Mô hình này đặt sự tập trung vào việc sử dụng các phương pháp canh tác và nuôi trồng bền vững, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tái tạo, bảo đảm tính bền vững của vùng sản xuất gạo.

Ngoài ra, ngành gạo Việt Nam cũng đang tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ mới và hiện đại trong quản lý sản xuất, từ chọn giống, gieo trồng, chăm sóc cây trồng, thu hoạch đến sơ chế và chế biến sản phẩm gạo. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, kinh doanh và tiếp thị cũng đóng góp rất lớn vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chú thích:
1. Gạo Việt Nam nhiều cơ hội vào thị trường Bắc Âu. https://dangcongsan.vn, truy cập ngày 27/4/2023.
2. Sản xuất và xuất khẩu gạo ở nước ta. https://www.tapchicongsan.org.vn, truy cập ngày 19/7/2023.
3. Tổng cục Thống kê. Phát triển lúa gạo theo hướng hiệu quả, bền vững. https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 20/7/2023.
4. Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ không phải do thiếu lương thực. https://vtv.vn/kinh-te, truy cập 20/7/2023.
5. Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, https://vneconomy.vn, truy cập ngày 20/7/2023.
6. Xuất khẩu gạo Việt Nam: Cơ hội và thách thức, https://vioit.org.vn/vn/, truy cập ngày 21/7/2023.
7,9. Mở rộng cơ hội xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU nhờ EVFTA. https://moit.gov.vn, truy cập ngày 21/7/2023.
8. Xuất khẩu gạo tháng 10 tăng cao kỷ lục. https://baochinhphu.vn, truy cập ngày 20/7/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Anh T.T, & Thang D.N. (2008). Các nhân tố ảnh hưởng tới mức độ tập trung thương mại của Việt Nam với Asean+3. Vietnam Economic and Policy Research center (VEPR).
2. Bui, T.H.H., Chen, Q. An. Analysis of Factors Influencing Rice Export in Vietnam Based on Gravity Model.J Knowl Econ 8, 830 – 844 (2017). https://doi.org/10.1007/s13132-015-0279-y.
3. Khanh T.D., Duong V.X., Nguyen P.C., Xuan T.D., Trung N.T., Trung K.H., Gioi D.H., Hoang N.H., Tran H.D., Trung D.M., Rice Breeding in Vietnam: Retrospects, Challenges and Prospects.  Agriculture. 2021; 11(5): 397. https://doi.org/10.3390/agriculture11050397.
4. Xuất khẩu gạo đang tận dụng tốt các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, https://moit.gov.vn, truy cập ngày 21/7/2023.
5. Số liệu xuất nhập khẩu các tháng năm 2020, https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 10/3/2023.
6. Số liệu xuất nhập khẩu các tháng năm 2021, https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 10/3/2023.
7. Số liệu xuất nhập khẩu các tháng năm 2022, https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 10/3/2023;
8. The Paris Agreement, https://unfccc.int/sites/default/files/resource/parisagreement_publication.pdf, truy cập ngày 10/3/2023.
9. Văn kiện Hiệp định EVFTA, EVIPA và Tóm tắt từng chương. https://trungtamwto.vn, truy cập ngày 21/7/2023.
PGS.TS. Từ Thúy Anh – Từ Lê Mai
Trường Đại học ngoại thương