Quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử

(Quanlynhanuoc.vn) –  Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra yêu cầu: “Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử”1. Để góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, bài viết làm rõ thêm một số vấn đề lý luận quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử, thực tiễn quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử và giải pháp bảo đảm quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet).
Một số vấn đề lý luận quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử

Khái niệm, đặc điểm, vai trò và nội dung quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử

Quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử là quá trình tác động có chủ đích của Nhà nước đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh trên thị trường của thương nhân và tổ chức kinh tế thông qua pháp luật, gắn với các chính sách, công cụ khác trong lĩnh vực thương mại điện tử, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của xã hội và Nhân dân cũng như của thương nhân và tổ chức kinh tế theo đường lối, quan điểm của Đảng2.

Quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử có một số đặc điểm sau: (1) Là việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng trong lĩnh vực thương mại điện tử; (2) Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn cho thương mại điện tử phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Hướng đến mục tiêu khắc phục mặt trái của cơ chế thị trường, thực hiện công bằng xã hội và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; (3) Điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử phù hợp với quan hệ thương mại quốc tế trong tiến trình tự do hóa thương mại.

Quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn về thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp thương mại điện tử; điều tiết quan hệ thị trường về các hoạt động thương mại điện tử.

Nội dung quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử bao gồm: (1) Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thương mại điện tử; (2) Tham gia xây dựng pháp luật về thương mại điện tử; (3) Tổ chức thực hiện pháp luật về thương mại điện tử; (4) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.

Các điều kiện bảo đảm quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử

Thứ nhất, về chính trị. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đảng đề ra đường lối, chủ trương đối với lĩnh vực thương mại điện tử và đường lối, chủ trương đó được thể chế hóa thành pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, trong quá trình quản lý nhà nước thương mại điện tử, các cơ quan quản lý nhà nước luôn luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục đối với các vấn đề phát sinh trong quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng như hoạt động kiểm tra của Đảng đối với các đảng viên và tổ chức đảng trong các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức thương mại của nhà nước.

Sự lãnh đạo của Đảng thông qua chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết; thông qua việc bố trí cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thông qua hoạt động kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, tổ chức thương mại của Nhà nước cũng như lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phát sinh sẽ bảo đảm cho hoạt động thương mại điện tử và quản lý nhà nước về thương mại điện tử đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện được các mục tiêu kinh tế – xã hội phát triển đất nước, phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển và đời sống của Nhân dân. Mặt khác, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình thể chế hóa của Nhà nước trong quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử.

Thứ hai, về kinh tế. Đảng ta khẳng định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Do đó, chính sự đa dạng, sôi động của hoạt động thương mại điện tử đòi hỏi, đặt ra yêu cầu và tạo điều kiện để quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động thương mại điện tử phát triển, thực hiện được các mục tiêu, yêu cầu và định hướng của quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực này.

Bảo đảm về mặt kinh tế đối với quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử còn được hiểu là những chi phí vật chất cần thiết cho hoạt động quản lý trong lĩnh vực này. Đó là những chi phí cho hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật về thương mại điện tử; chi phí cho bộ máy quản lý; chi phí cho việc sử dụng công nghệ cao trong quản lý hoạt động thương mại điện tử, chi phí cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong hoạt động thương mại điện tử… Đây là những chi phí cần thiết bảo đảm cho quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử kịp thời với sự phát triển đa dạng, phức tạp, luôn thay đổi một cách nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử và của thị trường.

Thứ ba, về văn hóa – xã hội. Phát triển văn hóa trong thương mại điện tử để tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử, hướng đến lợi ích chung, hài hòa, bền vững giữa Nhà nước, của xã hội, của các thành viên trong xã hội. Nhà quản lý phải xác định xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ; nhà sản xuất – kinh doanh, hoạt động thương mại điện tử phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh; không được chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả đối với xã hội và người dân, phải xác định tư tưởng việc được phục vụ nhu cầu của Nhân dân là niềm vui, lẽ sống trong kinh doanh… Quản lý nhà nước bằng pháp luật còn đòi hỏi nâng cao ý thức pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật của cán bộ, nhân dân bảo đảm sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, tuân thủ, chấp hành pháp luật. Những đòi hỏi đó chỉ được đáp ứng nếu phát triển đồng bộ với lĩnh vực văn hóa – xã hội.

Thứ tư, về pháp lý. Thương mại điện tử là một lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy, khung pháp lý đang tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn. Khung pháp lý cho thương mại điện tử hiện nay, gồm: Luật Thương mại năm 2005; Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử chữ ký số và chứng thực chữ ký số…

Thứ năm, về tổ chức, hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước. Hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử đạt hiệu quả cao thì Nhà nước phải xây dựng bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương, được tổ chức một cách khoa học, quy định rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong quản lý nhà nước ở những lĩnh vực được giao quản lý về thương mại điện tử. Hiện nay, trong bộ máy quản lý nhà nước về thương mại điện tử chỉ có Phòng Quản lý thương mại điện tử thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương là phòng độc lập, chuyên trách thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý thương mại điện tử.

Ngoài hoạt động của Bộ Công Thương, hoạt động của các bộ, ban, ngành còn lại đều có quan hệ trực tiếp đến hoạt động thương mại điện tử, từ cấp phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp, cấp đất, cho thuê đất, xây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động thương mại điện tử (giao thông, năng lượng, thông tin liên lạc, công nghệ tin học…) quản lý thuế, quản lý môi trường, quản lý an toàn lương thực, thực phẩm… Những hoạt động này của các bộ, cơ quan ngang bộ tác động, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại điện tử, chính vì vậy cần phải tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các bộ với mô hình tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Thực tiễn quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử

Kết quả quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử

Kết quả báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: thời gian qua, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới, như: Facebook, Google (Youtube), TikTok… ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm, gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em, gỡ bỏ tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, ngăn chặn các kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam… Kết quả chặn gỡ trên các nền tảng xuyên biên giới từ ngày 01/01/2023 – 29/3/2023: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 1096 bài viết có nội dung thông tin xấu độc (tỷ lệ 93%); Google đã gỡ 1670 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 93%); TikTok gỡ 323 link vi phạm, khóa 47 tài khoản, kênh thường xuyên đăng tải nội dung xấu độc (tỷ lệ 91%)3.

Thực hiện vận hành Cổng Thông tin của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (tingia.gov.vn) đã tiếp nhận hơn 5.500 phản ánh. Thực hiện công bố kịp thời nhiều tin giả, tin sai sự thật, kịp thời ngăn chặn phát tán của tin giả, tin sai sự thật. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo chi tiết dự thảo Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật nhằm triển khai chế tài hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn áp dụng đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật hoặc có hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Cùng với đó, tăng cường siết chặt công tác cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi cung cấp, sử dụng thông tin, ý thức, kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Bảo đảm kết hợp giữa phòng, chống thông tin xấu độc với nâng cao khả năng sàng lọc, tăng “sức đề kháng” của người dân trước thông tin xấu độc.

Sửa đổi các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013. Trong đó, bổ sung thêm các quy định về quản lý nền tảng xuyên biên giới, quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, của người dùng mạng xã hội… Phối hợp với các bộ, ngành chủ động cung cấp thông tin, chủ động kiểm tra, xử lý, phản bác, cung cấp thông tin cho dư luận; thường xuyên tổ chức tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương về truyền thông nâng cao ý thức cho người sử dụng và phương thức xác minh thông tin ở địa phương/phạm vi lĩnh vực phụ trách.

Tổ chức Hội thảo để tập huấn, phổ biến các quy định pháp luật về lĩnh vực thông tin điện tử; tiếp thu các ý kiến đề xuất kiến nghị và giải pháp về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực thông tin điện tử, gồm: Hội nghị kết nối mở rộng thị trường ngành Game Việt Nam – Tầm nhìn mới cho Game Việt, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 18/3/2023; Hội thảo triển khai giải pháp ngăn chặn thanh toán trò chơi điện tử không phép tại thành phố Hà Nội vào ngày 23/3/2023.

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người sử dụng mạng khi cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng. Tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo, tập huấn nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng để cùng chung tay xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn. Nghiên cứu, có chính sách phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất sản phẩm có giá trị văn hóa, tinh thần phục vụ nhu cầu của độc giả theo phương châm lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đẩy mạnh phát triển nội dung thông tin có ích trên mạng.

Hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử

Thời gian qua, quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử vẫn còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng, điển hình như hoạt động livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, nội dung phát tán nhanh, khi có vi phạm thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình mất nhiều thời gian.

Các quy định pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung quản lý rất chặt các mạng xã hội trong nước, và một số quy định đã trở nên lạc hậu, bất cập trước sự phát triển rất nhanh của internet và công nghệ, khiến cho các mạng xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người dùng, phát triển kinh doanh. Trong khi đó, các dịch vụ mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, thu hút rất đông người dùng trong nước.

Một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, tìm cách né tránh, lấy lý do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do internet để tìm cách tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Hành lang pháp lý chưa đầy đủ, hoàn thiện trong lĩnh vực quảng cáo trên mạng, nhiều quy định chồng chéo khó thực hiện. Chưa có công cụ để chủ động rà quét phát hiện các vi phạm về quảng cáo xuyên biên giới4.

Vẫn còn tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp do các quy định của pháp luật hiện hành chưa chặt chẽ, đầy đủ trong việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để “báo hóa”, tự sản xuất tin bài hoặc cung cấp nội dung gây nhầm lẫn như là cơ quan báo chí. Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, nhất là các trường hợp sai phạm nhiều lần, cần đình chỉ, thu hồi giấy phép.

Tình trạng vi phạm bản quyền báo chí trên các trang thông tin điện tử tổng hợp đã giảm so với trước, tuy nhiên, vẫn còn do nhận thức và hiểu biết pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế dẫn đến việc hình thành các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan các nội dung thông tin số. Có trường hợp cố tình vi phạm.

Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội kém, thậm chí cố tình vi phạm nhiều lần, cơ quan quản lý nhà nước khó xử lý, rút giấy phép ngay vì vướng quy trình xử lý theo quy định; các quy định chưa đủ chặt chẽ, chế tài xử phạt còn thiếu, mức phạt thấp chưa đủ sức răn đe. Nhận thức pháp luật của một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp còn chưa cao, dẫn tới việc thực hiện không đúng với quy định của pháp luật. Ý thức của người sử dụng mạng còn hạn chế, chưa nhận thức rõ hành vi sai phạm5.

Giải pháp bảo đảm quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử

Để bảo đảm quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng để siết chặt quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp quản lý thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, đặc biệt là Tiktok, từ đó đề xuất các giải pháp triển khai tại Việt Nam (siết chặt quản lý, yêu cầu cung cấp các thuật toán gợi ý nội dung cho Chính phủ để giám sát việc thu thập dữ liệu, chống gây nghiện, điều hướng thông tin đến người dùng…). Xây dựng kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động của Công ty TNHH Công nghệ Tiktok Việt Nam.

Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên môi trường mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới. Duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc ở mức cao. Đồng thời, tăng cường đấu tranh để khóa hoạt động các tài khoản, hội nhóm, trang, kênh nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới. Thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam.

Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các bất cập liên quan tại Luật Quảng cáo năm 2012, đặc biệt đối với quảng cáo trên môi trường mạng. Tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để kịp thời phổ biến quy định pháp luật, ngăn chặn, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo xuyên biên giới. Tập trung rà soát để điều chỉnh dòng tiền quảng cáo về các đơn vị sản xuất nội dung “sạch”, các đơn vị báo chí. Nghiên cứu, phát triển các công cụ tự động rà quét các hành vi vi phạm về quảng cáo xuyên biên giới. Tổ chức thực hiện, phối hợp rà quét, xử lý các nghệ sĩ vi phạm pháp luật sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật.

Thứ tư, rà soát toàn bộ giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp, quy định cụ thể, rõ ràng phạm vi cung cấp thông tin của từng trang, yêu cầu ghi rõ từng chuyên mục vào giấy phép. Đưa đầy đủ dữ liệu giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước lên trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (mic.gov.vn). Chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về “báo hóa” trang tin điện tử, mạng xã hội, về đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

Thứ năm, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng liên quan khác trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm các quy định về nội dung thông tin để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tăng cường đổi mới công nghệ trong công tác rà quét, phân tích dữ liệu, nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người sử dụng mạng khi cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng để cùng chung tay xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sứ mệnh của báo chí là phản ánh trung thực dòng chảy chính, tích cực của xã hội, tạo sự đồng thuận; đồng thời, lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 36.
2. Nguyễn Khánh Toàn. Quản lý nhà nước bằng pháp luật về thương mại điện tử ở Thái Nguyên. Luận văn thạc sỹ luật học, ngành Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2023, tr.15.
3, 4, 5. Báo cáo số 46/BC-BTTTT ngày 05/5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.
PGS. TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
ThS. Nguyễn Khánh Toàn
Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên