Các nội dung tham gia của Nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã

(Quanlynhanuoc) – Thực trạng tham gia của Nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước tại các địa phương, các lĩnh vực cụ thể được đề cập trong nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, tiếp cận từ góc độ lý luận để làm rõ các nội dung tham gia của Nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã là vấn đề mới cần được tiếp tục nghiên cứu. Bài viết tập trung làm rõ các hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã và phân tích các nội dung tham gia của Nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã.
Ảnh minh hoạ: chinhphu.vn.
Các hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã

Chính quyền cấp xã sẽ thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Vì vậy, quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã cũng dựa trên các hoạt động quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực nói chung (chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực), là một trong hai chức năng bên ngoài của Nhà nước (cùng với chức năng cung cấp dịch vụ công).

Các lý thuyết về quản lý nhà nước đã chỉ ra các hoạt động cơ bản mà Nhà nước tiến hành để quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực bao gồm: định hướng, hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển; điều chỉnh, ban hành thể chế, chính sách; hướng dẫn và tổ chức thực hiện; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; cưỡng chế hành chính.

Từ góc độ nghiên cứu khoa học, có thể đưa hoạt động cưỡng chế hành chính vào chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Theo đó, có thể khái quát thành các hoạt động cơ bản sau: xây dựng quy hoạch, kế hoạch chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở cơ sở; ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND); hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, phát triển kinh tế – xã hội; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Tiếp cận từ phương diện pháp lý, các hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước ở từng lĩnh vực là khác nhau, tuy nhiên vẫn có những sự tương đồng nhất định. Nghiên cứu các quy định pháp luật trên các lĩnh vực (như: Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020…). Một số hoạt động quản lý nhà nước nói chung và của chính quyền cấp xã nói riêng, bao gồm: xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành các quy hoạch, kế hoạch; tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm,…

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 không quy định cụ thể các hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã mà quy định theo nhóm các lĩnh vực quản lý của chính quyền cấp xã. Để thực hiện hoạt động quản lý nhà nước, chính quyền cấp xã cũng phải thực hiện các hoạt động như ban hành văn bản, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tuyên truyền, phổ biến…

Như vậy, căn cứ vào các lý thuyết về quản lý nhà nước và các quy định pháp lý về các ngành, lĩnh vực, có thể thấy hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã là rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên có thể khái quát thành bốn nội dung (hoạt động) cơ bản, sau: một là, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; hai là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; ba là, hướng dẫn và tổ chức thực hiện; bốn là, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Các nội dung tham gia của Nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã

(1) Tham gia của Nhân dân vào hoạt động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020, chính quyền cấp xã có thẩm quyền ban hành 2 loại văn bản quy phạm pháp luật là nghị quyết (HĐND) và quyết định (UBND). Nhân dân có thể tham gia vào quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp nêu trên thông qua 2 hoạt động sau đây:

Một là, tham gia vào đề xuất sáng kiến và phương án (đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật).

Sáng kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (đề xuất xây dựng văn bản) là khởi đầu cho quá trình hình thành văn bản quy phạm pháp luật. Về nguyên tắc, Nhân dân có thể đề xuất với chính quyền cấp xã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đối với những vấn đề chưa được quy định hoặc đã được xây dựng nhưng chưa phù hợp. Nhân dân có thể nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành, nếu phát hiện có những bất cập có thể đề xuất để chính quyền cấp xã sửa đổi, bổ sung. Hoặc Nhân dân có thể nghiên cứu để đề xuất các nội dung mới chưa được ban hành để chính quyền cấp xã có cơ sở xem xét ban hành. Quá trình nêu ý tưởng, đề xuất sáng kiến của Nhân dân là cơ sở để chính quyền cấp xã phát hiện vấn đề phát sinh trong thực tiễn, từ đó có định hướng ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Nhân dân còn đề xuất các phương án trong văn bản để chính quyền cấp xã xem xét, cân nhắc quyết định.

Hai là, tham gia vào quá trình góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh việc chủ động đề xuất các vấn đề, các phương án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho chính quyền cấp xã, Nhân dân có thể tham gia khi chính quyền cấp xã đã dự thảo được các văn bản. Quá trình tham gia này thể hiện sự đóng góp ý kiến, nhận xét, phản biện đối với các nội dung dự thảo mà chính quyền cấp xã đưa ra. Khi xây dựng dự thảo nghị quyết và quyết định, chính quyền cấp xã sẽ tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân nên Nhân dân có thể tham gia đóng góp các ý kiến đối với các dự thảo này thông qua việc đồng ý hay không đồng ý, đóng góp những ý kiến đề xuất điều chỉnh. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của Nhân dân, chính quyền cấp xã sẽ xem xét tiếp thu để điều chỉnh phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của Nhân dân. Kết quả của quá trình tham gia này là những ý kiến, đề xuất đối với dự thảo các văn bản để chính quyền cấp xã xem xét điều chỉnh dự thảo cho phù hợp với thực tế.

(2) Tham gia của Nhân dân vào xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội.

Đối với chính quyền cấp xã, để cụ thể hóa các quy định pháp luật, các quyết định quản lý của cấp trên và để quản lý địa bàn thì cần ban hành các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội.

Một là, Nhân dân đề xuất hoặc góp ý đối với dự thảo các quy hoạch, kế hoạch, chương trình.

Nhân dân có thể đề xuất các chương trình, kế hoạch để chính quyền xem xét đưa vào xây dựng. Sự tham gia này thể hiện tính chủ động của Nhân dân. Căn cứ vào nhu cầu cũng như thực tiễn để Nhân dân đề xuất các vấn đề mà chính quyền xem xét đưa vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình. Chẳng hạn, như: Nhân dân có thể đề xuất làm đường, trường học hoặc có thể đề xuất có các chương trình đào tạo nghề,… Trên cơ sở các đề xuất này, chính quyền cấp xã đưa vào các kế hoạch, chương trình công tác của địa phương.

Khi chính quyền cấp xã xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình có thể tham khảo ý kiến của Nhân dân. Hoạt động này thể hiện thông qua việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân đối với các dự thảo kế hoạch, quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Đối với nội dung tham gia này thông thường chính quyền cấp xã sẽ xây dựng dự thảo văn bản nêu trên sau đó lấy ý kiến của Nhân dân để hoàn thiện. Chính quyền cấp xã phải tạo điều kiện để Nhân dân tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến vào những vấn đề này trước khi đưa ra quyết định.

Sự tham gia của Nhân dân vào xây dựng quy hoạch, kế hoạch thể hiện sự tham vấn (lấy ý kiến) được quy định rõ tại khoản 1 Điều 12 của Luật Quy hoạch năm 2017 quy định “Cơ quan, tổ chức, cộng đồng có quyền tham gia ý kiến, giám sát hoạt động quy hoạch; cá nhân có quyền tham gia ý kiến về hoạt động quy hoạch” và tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 cũng nhấn mạnh: “Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong quá trình xây dựng kế hoạch”.

Hai là, tham gia quyết định một số chương trình, kế hoạch.

Chính quyền cấp xã là chính quyền trực tiếp quản lý, điều hành Nhân dân, trong đó, có nhiều kế hoạch, chương trình gắn với đời sống của Nhân dân. Đồng thời, có những chương trình, kế hoạch phát sinh từ thực tiễn quản lý, từ nhu cầu của Nhân dân mà không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, một số kế hoạch, chương trình, Nhân dân có thể quyết định việc thực hiện hay không thực hiện. Nội dung tham gia này thể hiện “dân quyết định”, chẳng hạn như: nâng cấp hệ thống giao thông, quyết định việc sử dụng kinh phí đóng góp của Nhân dân… Các chương trình, kế hoạch do Nhân dân quyết định được quy định cụ thể tại Khoản 1, 2 Điều 15 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, như: chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã,…

(3) Tham gia của Nhân dân vào công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật, kế hoạch, chương trình.

Một là, tham gia tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kế hoạch.

Nhân dân tham gia cùng với chính quyền cấp xã để tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch đến các cá nhân, tổ chức để họ am hiểu, từ đó tham gia thực hiện có hiệu quả. Thông qua việc tìm hiểu các quy định pháp luật, các chính sách, chương trình, Nhân dân có thể trở thành “tuyên truyền viên” để hướng dẫn, phổ biến, giải thích cho những người dân khác hiểu rõ và thực hiện. Mỗi người dân đều có thể là một kênh tuyên truyền, giải thích chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Nếu Nhân dân am hiểu chính sách, pháp luật, có thể trực tiếp hướng dẫn, giải thích tại nơi cư trú, tham gia vào các hoạt động hướng dẫn do chính quyền cấp xã tổ chức. Ngoài ra, Nhân dân còn vận động các cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện kế hoạch, chính sách, pháp luật. Việc huy động Nhân dân tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đã được khẳng định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.

Hai là, tham gia tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình kế hoạch.

Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch trên địa bàn cấp xã luôn gắn liền với các đối tượng quản lý. Vì vậy, để triển khai thực hiện luôn cần có sự tham gia của Nhân dân. Nhân dân tham gia vào hoạt động này thông qua các việc, như: đóng góp ý kiến đối việc thực hiện các kế hoạch, chương trình, pháp luật, đóng góp vốn, công sức để thực hiện các kế hoạch, chương trình, pháp luật, trực tiếp thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội cùng với chính quyền cấp xã đầy đủ, nhanh chóng và hiệu quả.

(4) Tham gia của Nhân dân vào công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Một là, Nhân dân tham gia cung cấp các thông tin phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Chính quyền cấp xã tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có thông tin từ phía Nhân dân. Nhân dân phản ánh, cung cấp các thông tin làm cơ sở cho chính quyền cấp xã tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Tính chủ động cung cấp thông tin của Nhân dân là cơ sở quan trọng để chính quyền cấp xã phát hiện những vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước để từ đó có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời. Trong quá trình quản lý nhà nước, chính quyền cấp xã không có điều kiện để tiếp cận tất cả các thông tin, thu thập thông tin một cách nhanh chóng nhất có thể. Vì vậy, việc Nhân dân tham gia cung cấp thông tin giúp đa dạng kênh thông tin thu thập, đồng thời làm cho quá trình thu thập thông tin được nhanh chóng. Những thông tin do Nhân dân cung cấp sẽ mang tính đa chiều, khách quan, phục vụ cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm hiệu lực, hiệu quả.

Hai là, Nhân dân trực tiếp tham gia giám sát và kiểm tra cùng với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức.

Nhân dân không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn có thể giám sát việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của chính quyền cấp xã để phát hiện những bất cập, tồn tại và bảo đảm quá trình thực hiện đúng quy định. Quá trình giám sát của Nhân dân giúp cho công tác giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm của chính quyền cấp xã được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng và khách quan. Việc Nhân dân tham gia giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại tại Điều 19 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Kết luận

Trong xu thế chuyển đổi từ quản lý nhà nước sang quản trị nhà nước như hiện nay thì việc tăng cường sự tham gia của Nhân dân là rất quan trọng. Với tư cách là “đối tác”, Nhân dân được các cấp chính quyền quan tâm và tạo điều kiện để tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước. Trong các cấp chính quyền, chính quyền cấp xã có mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, vì vậy việc huy động sự tham gia của Nhân dân phải thực hiện hiệu quả ngay từ chính quyền cấp xã.

Để thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đòi hỏi các cơ quan nhà nước, các địa phương phải triển khai các biện pháp để thu hút sự tham gia của Nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước. Theo đó cần xác định rõ các nội dung để Nhân dân tham gia vào quản lý nhà nước cùng chính quyền cấp xã. Khi đã xác định đúng và đầy đủ các nội dung sẽ giúp cho hoạt động quản lý nhà nước được Nhân dân quan tâm thực hiện, đồng hành cùng chính quyền cấp xã trên mọi phương diện, đồng thuận và nhất quán. Chính vì vậy, các nghiên cứu lý luận về nội dung tham gia của Nhân dân vào quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã cần tiếp tục được làm rõ về vai trò và ý nghĩa trong thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
2. Luật Quy hoạch năm 2017.
3. Nguyễn Thị Thu Cúc. Quá trình ra quyết định của chính quyền cấp xã có sự tham gia của cộng đồng dân cư ở tỉnh Nam Định. Luận án Tiến sỹ Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội, 2019.
4. Trần Thị Hương Huế. Sự tham gia của công chúng trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Luận án Tiến sỹ Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội, 2019.
5. Học viện Hành chính Quốc gia. Giáo trình lý luận hành chính nhà nước. H. NXB Khoa học – kỹ thuật, 2010.
6. Nguyễn Thị Tuyết Mai. Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền xã góp phần quản lý phát triển xã hội. Tạp chí Lý luận chính trị, (số tháng 2/2015), tr. 62-65, 2015.
ThS. Trần Bá Hùng
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh