Một số giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở vùng Chăm Nam Bộ

(Quanlynhanuoc.vn) – Mốc thời gian du nhập Hồi giáo Islam vào vùng Chăm Nam Bộ hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu. Dù thời điểm du nhập Hồi giáo Islam vào người Chăm Nam Bộ chưa thống nhất nhưng chắc chắn Hồi giáo Islam du nhập vào Nam Bộ muộn hơn nhiều so với vùng Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận. Đồng thời, tín đồ Hồi giáo Islam trong vùng Chăm Nam Bộ đều là dòng Hồi giáo chính thống (còn gọi là Islam mới để phân biệt dòng Islam cũ trong vùng chăm Ninh Thuận, Bình Thuận). Bài viết nghiên cứu đặc điểm của Hồi giáo Islam trong cộng đồng người Chăm Nam Bộ và một số giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở vùng Chăm Nam Bộ.
Tín đồ Hồi giáo Islam trong vùng Chăm Nam Bộ đều là dòng Hồi giáo chính thống.
Đặt vấn đề

Nghị quyết số 81/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Điều 3 về định hướng phát triển không gian kinh tế – xã hội đã tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng kinh tế – xã hội. Theo đó, vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh; vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Như vậy có thể hiểu, Nam Bộ bao gồm 19 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ở Nam Bộ, người Chăm theo Hồi giáo Islam tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố, như: An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, trong đó, số lượng tín đồ Hồi giáo Islam trong người Chăm ở An Giang là đông nhất. Người Chăm theo Hồi giáo Islam tập trung chủ yếu ở các huyện An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành của tỉnh An Giang với số lượng 11.167 người (chiếm 33,18% tín đồ Islam giáo của cả nước – số liệu thống kê năm 2020), 294 chức sắc, chức việc, 28 cơ sở thờ tự1. Ở TP. Hồ Chí Minh, thống kê năm 2019 có 10.300 người Chăm theo Hồi giáo Islam, 101 chức sắc, chức việc và 14 cơ sở thờ tự2 tập trung chủ yếu ở các quận Bình Thạnh, Quận 8… Tại Tây Ninh, tính đến năm 2020, số lượng người Chăm theo Hồi giáo Islam là 4.219 người, 70 chức sắc, chức việc với 7 thánh đường3. Ở Đồng Nai, trong số 3.103 người Chăm thì có 2.838 tín đồ Hồi giáo Islam, 24 chức sắc, chức việc và 2 cơ sở thờ tự; Bình Dương có 994 tín đồ và Bình Phước có 487 tín đồ Hồi giáo Islam là người Chăm4.

Hồi giáo trong cộng đồng người Chăm Nam Bộ được coi là Hồi giáo mới (Chăm Islam) và khác về cơ bản với Hồi giáo trong cộng đồng người Chăm ở miền Trung là Hồi giáo cũ (Chăm Bàni).
Đặc điểm của Hồi giáo Islam trong cộng đồng người Chăm Nam Bộ

Thứ nhất, Hồi giáo Islam trong cộng đồng người Chăm Nam Bộ thuộc phái Shafi’y, dòng Sunni và có mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức, cá nhân Hồi giáo ở nước ngoài.

Cho đến nay, Hồi giáo có rất nhiều tông phái, song những tông phái cơ bản có thể kể đến là dòng Shi’ah, dòng Sunni và dòng Sufi. Dòng Sunni (sunni từ chữ “sunnah” nghĩa là con đường của Rasul Muhammad đã vạch ra qua lời giảng và việc làm của ông) được coi là tông phái chính thống của Hồi giáo và có số lượng tín đồ đông nhất trong thế giới Hồi giáo (hơn 90% muslim trên thế giới theo dòng Sunni). Dòng Sunni cũng chia thành nhiều phái khác nhau, trong đó có phái Shafi’y. Phái Shafi’y dòng Sunni có mặt ở hầu hết các nước Đông Nam Á, như: Ma-lay-si-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, TháiLan.

Người Chăm ở Nam Bộ được truyền bá và chịu ảnh hưởng của Hồi giáo Islam từ Ma-lay-si-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin… Bởi vậy, điều tất yếu là họ cũng có mối quan hệ và chịu tác động của các tổ chức, cá nhân Hồi giáo ở nước ngoài. Hồi giáo Islam ở Nam Bộ có quan hệ với trên 70 tổ chức Hồi giáo quốc tế, nhất là tổ chức Hồi giáo ở các nước khu vực Đông Nam Á (In-do-ne-si-a, Ma-lay-si-a, Cam-pu-chia, Phi-lip-pi-nes, B-ru-nei…) và Ả-rập; đồng thời, là thành viên của nhiều tổ chức Hồi giáo liên quốc gia, như: Hội nghị Hồi giáo (OIC); Liên minh Hồi giáo thế giới (RABITA)… Từ mối quan hệ đó, chức sắc, tín đồ Hồi giáo Islam ở Nam Bộ có những hoạt động, như: tham gia thi xướng kinh Cô-ran, hành hương thánh địa Méc-ca, đào tạo, du học, tham dự các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế và khu vực; tiếp nhận các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân Hồi giáo ở bên ngoài… Đặc điểm này góp phần phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia Hồi giáo nhưng cũng tạo nên những phức tạp nhất định trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Thứ hai, Hồi giáo trong cộng đồng người Chăm Nam Bộ được coi là Hồi giáo mới (Chăm Islam) và khác về cơ bản với Hồi giáo trong cộng đồng người Chăm ở miền Trung là Hồi giáo cũ (Chăm Bàni).

Sự khác nhau về vị trí địa lý, hoàn cảnh truyền đạo, điều kiện sống và mức độ giao lưu với bên ngoài, nhất là với thế giới Hồi giáo, đã hình thành hai khối người Chăm theo Hồi giáo ở Việt Nam. Cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo ở miền Trung, như: Ninh Thuận, Bình Thuận được bản địa hóa tương đối nhiều, còn Chăm Islam mang nhiều đặc trưng của Hồi giáo chính thống. Chính bởi vậy, giữa hai khối người Chăm theo Hồi giáo có sự khác biệt đáng kể về mặt tôn giáo, từ kinh sách đến các tín điều và nhất là luật lệ, lễ nghi.

Hồi giáo ở Ninh Thuận, Bình Thuận (Chăm Bàni) được du nhập vào cộng đồng người Chăm từ rất lâu, chịu nhiều ảnh hưởng phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống, nhất là sự pha trộn với những yếu tố của đạo Bàlamôn và chế độ mẫu hệ. Thiên Kinh Qur’an còn được duy trì, nhưng là bản được sao chép tay qua nhiều thế hệ nên đã thay đổi nhiều nét và cách đọc có nhiều âm khác lạ không còn là tiếng Ả rập nguyên gốc. Niềm tin của các tín đồ Chăm Bàni về Allah và Muhammad không thật sự sâu sắc. Năm trụ cột của Hồi giáo, các đại lễ được thực hiện tượng trưng bởi thầy Chang. Họ không đi hành hương và không giữ được mối liên hệ với các trung tâm Hồi giáo khác.

Ngược lại, tín đồ Hồi giáo Islam trong cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ là những Muslim nhiệt thành, tin tưởng tuyệt đối vào Allah và Muhammad, tuân thủ đầy đủ các luật lệ, lễ nghi của Hồi giáo. Họ cầu nguyện đủ năm buổi trong một ngày, đọc kinh trưa thứ sáu được coi là một sinh hoạt tôn giáo trọng yếu không thể vắng mặt. Theo đó, họ không giữ tục thờ cúng tổ tiên và những nghi lễ tínngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên, mà chỉ duy nhất tin vào thánh Allah. Họ tin vào các trụ cột đức tin và phục tùng, thực hiện những trụ cột thực hành đức tin cơ bản của Hồi giáo, cụ thể là: tuyên xưng đức tin (Shadaha), cầu nguyện (Salat), thực hiện chay tịnh (Sawm), bố thí (Zakat) và hành hương (Haji). Những trụ cột như, tuyên xưng đức tin, cầu nguyện, thực hiện chay tịnh, bố thí được người Chăm Nam Bộ thực hiện hết sức nghiêm túc, thường xuyên. Riêng việc hành hương đến thánh địa Mecca thì không phải tín đồ nào cũng thực hiện được bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Bản thân giáo lý Hồi giáo coi hành hương là việc làm có ý nghĩa thờ phụng cao cả, song cũng khuyến khích tín đồ hành hương chứ không bắt buộc.

Hồi giáo Islam trong người Chăm ở Nam Bộ cũng phần nào được bản địa hóa, nhiều yếu tố được giản hóa cho phù hợp với điều kiện sinh sống và văn hóa dân tộc Chăm.

Thứ ba, Hồi giáo Islam trong người Chăm ở Nam Bộ cũng phần nào được bản địa hóa, nhiều yếu tố được giản hóa cho phù hợp với điều kiện sinh sống và văn hóa dân tộc Chăm.

Hồi giáo Islam được đánh giá là một tôn giáo khắc nghiệt, với hàng loạt các điều kiêng kỵ và quy tắc đối với các tín đồ, đòi hỏi họ phải thực hiện triệt để. Tuy nhiên, Hồi giáo Islam truyền bá và tồn tại trong cộng đồng người Chăm Nam Bộ đã được cải biến và đơn giản hoá rất nhiều để dung hoà với văn hoá của cư dân sở tại. Do vậy, Hồi giáo Islam trong người Chăm Nam Bộ mang nhiều yếu tố bản địa.

Về giáo lý, người Chăm Islam giáo ở Nam Bộ dù là những tín đồ nhiệt tình, trung thành song do ảnh hưởng truyền thống chuộng hoà bình của dân tộc và các chính sách phù hợp đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước nên việc thực hiện các trụ cột thực hành đức tin được cải biến. Họ đã giản lược đi trụ cột “Thánh chiến để bảo vệ Islam giáo”.

Về hôn nhân, gia đình và vai trò của người phụ nữ, Hồi giáo Islam dành quyền ưu thế tuyệt đối cho đàn ông trong quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, trong cộng đồng Chăm Hồi giáo Islam Nam Bộ, do truyền thống dân tộc và pháp luật, vấn đề hôn nhân, gia đình đã có những thay đổi cho phù hợp, sự khắt khe của Hồi giáo được cải biến. Tập tục mẫu hệ của dân tộc Chăm và phụ hệ của Hồi giáo đã pha trộn với nhau tạo ra những đặc trưng mới mẻ, cụ thể là: nam nữ có quyền tìm hiểu trước hôn nhân; người chồng và người vợ có sự bình quyền tương đối; con cái sinh ra được phép mang cả họ mẹ và cha; hôn nhân cũng tuân thủ quy định “một vợ, một chồng”, người đàn ông chỉ lấy một vợ và không được ngược đãi hay có hành vi bạo lực gia đình với vợ… Dù vai trò người phụ nữ không cao, song người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình vẫn được coi trọng. Người phụ nữ Chăm Islam giáo ở Nam Bộ không bị cấm cung hoàn toàn, được học hành và giao tiếp, không phải mang mạng che mặt, mặc áo dài tay hay có người lớn đi kèm khi ra đường… Tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của người phụ nữ được pháp luật bảo vệ…

Về nghi lễ tôn giáo, một số nghi lễ tôn giáo Hồi giáo Islam của người Chăm ở Nam Bộ đã bị bản địa hoá, giản lược và mang nhiều yếu tố tín ngưỡng cổ truyền. Trong cộng đồng người Chăm theo Islam giáo ở Nam Bộ, lễ Kho tanh5 ở nam giới vẫn duy trì, song với nữ giới nghi thức này phần nhiều chỉ mang tính tượng trưng.

Người phụ nữ Chăm Islam giáo ở Nam Bộ không bị cấm cung hoàn toàn, được học hành và giao tiếp, không phải mang mạng che mặt, mặc áo dài tay hay có người lớn đi kèm khi ra đường…
Một số giải pháp trong quản lý nhà nước về tôn giáo ở vùng Chăm Nam Bộ

Từ việc nghiên cứu những đặc điểm của Hồi giáo Islam trong vùng Chăm ở Nam Bộ như trên, có thể rút ra một số giải pháp dưới góc độ công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong vùng như sau:

Một là, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về tôn giáo ở vùng Chăm Nam Bộ; trong đó tập trung vào các hoạt động có mối quan hệ với nước ngoài, như: các hoạt động du học, đào tạo (nhất là hoạt động du học, đào tạo tại các Trường Hồi giáo ở các nước Trung Đông, Đông Nam Á); hành hương, thi xướng kinh Cô-ran, tham gia hội thảo… Cần quản lý chặt chẽ nhân thân, lai lịch những tín đồ có quan hệ với nước ngoài và quản lý lịch trình, chương trình, nội dung tham gia. Qua đó, chủ động phát hiện kịp thời và xử lý những hoạt động chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép. Để thực hiện tốt công tác này, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Nam Bộ cần phối hợp chặt chẽ với chức sắc và các ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tại địa phương, như: Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh.

Hai là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo trong vùng Chăm Hồi giáo Islam ở Nam Bộ. Đồng thời tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước về Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình… trong đồng bào Chăm theo Hồi giáo Islam ở Nam Bộ. Đặc thù của giáo lý, giáo luật Hồi giáo Islam có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống gia đình và hôn nhân của người Chăm Nam Bộ tạo nên sự gò bó đối với người phụ nữ. Dù đã có sự bản địa hóa nhất định cho phù hợp đời sống xã hội hiện nay ở nước ta song những quy định khắt khe của Hồi giáo Islam vẫn thể hiện khá sâu sắc. Do vậy, trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong vùng, cần tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về tôn giáo nói chung và Hồi giáo Islam nói riêng ở nước ta để tín đồ yên tâm hành đạo theo quy định của pháp luật.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền bình đẳng của công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai tầng và giới (giữa nam và nữ) trong Hiến pháp. Tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình để tín đồ hiểu quy định về chế độ hôn nhân bình đẳng, tự nguyện, tiến bộ, xuất phát từ tình yêu và chế độ hôn nhân một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Những quy định pháp luật này sẽ góp phần quan trọng trong việc dung hòa những quy định khắt khe trong giáo lý, giáo luật Hồi giáo Islam và làm tăng cường thêm ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật trong vùng Chăm Hồi giáo Islam Nam Bộ.

Ba là, phát huy giá trị tốt đẹp của Hồi giáo Islam trong công tác quản lý nhà nước ở vùng Chăm Hồi giáo Islam Nam Bộ. Những quy định trong giáo lý Hồi giáo Islam chứa đựng nhiều yếu tố tích cực và được tuân thủ rất nghiêm ngặt trong người Chăm Hồi giáo Islam ở Nam Bộ. Là những tín đồ Hồi giáo Islam nhiệt thành nên cộng đồng Hồi giáo Islam ở Nam Bộ có sự gắn kết chặt chẽ theo nguyên tắc cộng đồng, tập trung theo khu vực. Từ đó hình thành những nhóm cộng đồng, như: Cộng đồng Hồi giáo TP. Hồ Chí Minh (cư trú theo hình thức Jam’ah); cộng đồng Hồi giáo ở An Giang, cộng đồng Hồi giáo ở Tây Ninh (cư trú theo palei), theo đó tự ý tách khỏi cộng đồng hoặc không tuân thủ quy định của cộng đồng sẽ bị cộng đồng lên án. Chính vì vậy, các cộng đồng Hồi giáo Islam ở Nam Bộ có tính cộng đồng cao và ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật khá tốt. Các quy định cấm của Hồi giáo Islam như cấm uống rượu bia được thực hiện rất nghiêm ngặt. Đây là những giá trị tích cực cần được phát huy trong công tác quản lý nhà nước để xây dựng những cộng đồng Hồi giáo đoàn kết, văn minh và chấp hành tốt quy định của pháp luật.

Như vậy, Hồi giáo Islam trong người Chăm Nam Bộ mang đặc điểm của Hồi giáo chính thống rõ nét, từ đó tạo nên đặc trưng, bản sắc riêng trong cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ. Thực hiện quan điểm của Đảng: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước6, trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong vùng Chăm Nam Bộ cần phát huy tốt những mặt tích cực của Hồi giáo Islam, đồng thời cần chú ý những điểm đặc thù để có những cách thức quản lý hiệu quả.

Chú thích:
1,2,3,4. Bộ Thông tin và Truyền thông. Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0. H. NXB Thông tin và Truyền thông, 2022, tr.253, 255, 254, 258.
5. Lễ Kho tanh trong Hồi giáo là nghi lễ nhằm chứng nhận một người đã đến tuổi trưởng thành hay có quyền kết hôn. Thực hiện nghi lễ này họ phải làm cuộc tiểu phẩu ở bộ phận sinh dục là cắt bao quy đầu bằng dao sắc (đối với nam), cắt một phần cơ quan sinh dục (đối với nữ giới).
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.171.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Phú Lợi (chủ biên). Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0. H. NXB Thông tin và Truyền thông, 2022.
2. Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Trần Tiến Thành. Góp phần tìm hiểu từ Islam đến Hồi giáo Bàni ở Việt Nam. H. NXB Tôn giáo, 2010.
4. Trần Thị Minh Thu (chủ biên). Hồi giáo và văn hóa Hồi giáo. H. NXB Tôn giáo, 2022.
ThS. Bùi Thị Hường
Đại học An ninh nhân dân